Doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc: Quá trình cải cách và hiệu quả (phần 1)

0
252

Tóm tắt: Cải cách doanh nghiệp nhà nước (DNNN) Trung Quốc đã được tiến hành mạnh mẽ từ những năm 1990 trong khuôn khổ xây dựng nền kinh tế thị trường “đặc sắc Trung Quốc” và chuẩn bị cho việc gia nhập WTO. Sau một quá trình cải cách mạnh mẽ, hiện nay nhiều DNNN của Trung Quốc đã trở thành những “quả đấm thép” trên đấu trường quốc tế, với 98 công ty nằm trong danh sách Fortune Global 500. Điều đó cho thấy mô hình phát triển cũng như phương pháp cải cách các DNNN của Trung Quốc là rất đáng học hỏi. Từ đó, bài viết tập trung giải quyết 2 vấn đề sau: i) phân tích cải cách các DNNN ở Trung Quốc từ nhiều khía cạnh, từ đó làm rõ tư tưởng xuyên suốt trong tiến trình cải cách DNNN của Trung Quốc, và ii) Đánh giá những thành công và hạn chế của quá trình cải cách đó.

 1. Tình hình phát triển của các DNNN ở Trung Quốc

Trong gần 30 năm qua, khu vực kinh tế nhà nước Trung Quốc đã chứng kiến nhiều thay đổi. Cụ thể là:

Thứ nhất, kể từ cuối thập niên 1990, số lượng các DNNN Trung Quốc đã bị thu hẹp đáng kể. Năm 1992, Trung Quốc có khoảng 113.000 DNNN, tới năm 1998 con số này giảm gần một phần hai xuống 65.000 và tới năm 2014, chỉ còn 18.808. Theo Báo cáo của Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc qua các năm, nếu như năm 1998 số lượng DNNN chiếm tới gần 40% thì năm 2002, tỷ lệ này đã bắt đầu giảm xuống khoảng 20% và chỉ còn ở mức dưới 5% giai đoạn 2010 – 2014, (năm 2014 chỉ còn 2%). Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, số lượng DNNN bị thu hẹp một phần là do các biện pháp cải cách khu vực kinh tế nhà nước của Chính phủ, một phần là do sự lớn mạnh nhanh chóng của khu vực kinh tế tư nhân và khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.

Thứ hai, tỷ lệ đóng góp cho GDP của DNNN cũng sụt giảm. Ước tính đóng góp của khu vực này trong tổng sản lượng công nghiệp quốc gia giai đoạn 2010 – 2014 chỉ vào khoảng 25 – 30%, giảm đáng kể so với mức 49,6% năm 1998 và 70 – 80% những năm 19801. Cụ thể, năm 1993, khu vực kinh tế nhà nước và các loại hình kinh tế tập thể chiếm tới gần như toàn bộ sản lượng sản xuất công nghiệp của cả nền kinh tế (3.918,9 nghìn tỷ nhân dân tệ, tương đương với mức đóng góp 81% GDP), ngoại trừ một phần nhỏ từ các hộ kinh doanh nhỏ lẻ và các hình thức sở hữu khác (921,3 nghìn tỷ nhân dân tệ, tương đương với 19%). Tới năm 2014, xu thế này đã có sự đảo chiều rõ rệt, khu vực kinh tế tư nhân vươn lên trở thành khu vực đóng góp lớn nhất cho nền kinh tế. Mặc dù vậy, sự suy giảm về vai trò của khu vực kinh tế nhà nước đối với GDP không đồng nghĩa với quy mô kinh tế của khu vực này bị thu hẹp, trái lại, các DNNN vẫn tiếp tục phình to cả về tổng vốn đầu tư tài sản cố định lẫn lĩnh vực kinh doanh.

Th ba, lao động trong khu vực kinh tế nhà nước ở Trung Quốc dù liên tục bi cắt giảm biên chế song hiện vẫn còn khả đông đảo cả về số lượng lẫn tỷ trọng lao dộng. Các chương trình cải cách DNNN đã buộc các doanh nghiệp phải cắt giảm hàng chục triệu lao dộng. Cụ thể, trong quá trình tái cấu trúc các DNNN giai đoạn 1998 – 2003, 28 triệu lao động đã bị mất việc làm. Chính phủ Trung Quốc cũng dự định sẽ tiếp tục cắt giảm khoảng 5-6 triệu lao động nữa trước năm 2020, trong đó, riêng ngành than và thép, chủ yếu là các DNNN, con số lao động bị sa thải có thể lên tới 1,8 triệu người. DNNN đánh mất vai trò là chủ thể thu hút nhiều lao động nhất cho nền kinh tế, nhường vị trí này vào tay các khu vực kinh tế ngoài quốc doanh.

Trong suốt giai đoạn năm 1992 – 1997, có tới hơn 100 triệu lao động làm việc trong các DNNN, chiếm tới 16% lao động của toàn bộ nền kinh tế. Mặc dù con số này đã bắt đầu giảm mạnh từ năm 1998 do chính sách cắt giảm mạnh mẽ của Thủ tướng Trung Quốc khi đó Chu Dung Cơ, song tính tới cuối năm 2014, vẫn có hơn 63 triệu người, tương đương khoảng 8,17% tổng số lực lượng lao động đang làm việc. Nếu so sánh với các nền kinh tế phát triển khác trên thế giới (tỷ lệ này thường dưới 7%), đặc biệt là Mỹ với tỷ lệ dưới 2% từ cuối thập niên 1970, thì con số này của Trung Quốc như hiện nay vẫn là mức cao. Đó còn chưa kể tới số liệu thống kê của các cơ quan độc lập nước ngoài như Bloomberg Intelligence (2015) cho rằng tỷ lệ lao động trong các DNNN ở khu vực thành thị năm 2014 thực tế xấp xỉ mốc 20% và trước đó là 80% năm 1995 và 50% năm 2005.

Thứ tư, tổng lượng vốn đầu tư tài sản cố định cho các DNNN ngày càng gia tăng, đặc biệt có sự tăng đột biến vào năm 2008. Nguyên nhân bởi khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, Trung Quốc đã tung ra gói cứu trợ khổng lồ 4 nghìn tỷ nhân dân tệ để bù đắp cho sự suy giảm. Các ngân hàng được yêu cầu cho các DNNN vay những doanh nghiệp đã phung phí tiền bạc vào nhà máy và thiết bị mới bất kể nhu cầu thương mại. Gói kích thích thúc đẩy một sự bùng nổ xây dựng các nhà máy, nhà ở và các cơ sở hạ tầng và khiến tổng vốn đầu tư tài sản cố định cho DNNN đã tăng đáng kể.

Nếu xét về tổng tài sản trong các doanh nghiệp thì khu vực kinh tế nhà nước vẫn chiếm tỷ trọng lớn hơn cả, gấp đôi hai khu vực kinh tế tư nhân và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Bất chấp hoạt động thiếu hiệu quả, nhưng các DNNN Trung Quốc vẫn sở hữu một khối lượng tài sản khổng lồ và liên tục gia tăng qua các năm. Chỉ tính riêng các DNNN, mặc dù sụt giảm về số lượng doanh nghiệp nhưng tổng tài sản nắm giữ của các DNNN lại có chiều hướng tăng lên, từ 3.170 tỷ USD năm 2009 (tương đương 61,7% GDP) lên tới hơn 5.600 tỷ USD cuối năm 2013, trong đó có tới hơn 690 tỷ USD ở nước ngoài. Trong nhóm mười quốc gia có tỷ trọng DNNN lớn nhất trên thế giới xét theo quy mô doanh thu, tài sản và giá trị thị trường, Trung Quốc dẫn đầu với tỷ lệ hiện diện của các DNNN lên tới 96%, trong khi đó Các Tiểu vương quốc Ả rập đứng thứ 2 với 88%, tiếp sau lần lượt là Nga (81%), Indonesia (69%) và Malaysia (68%).

Cùng với đó, tổng giá trị tài sản của ủy ban quản lý và giám sát doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc (The State-ovvned Assets Supervision and Administration Commission – SASAC) cũng tăng lên chóng mặt, từ mức 7,1 nghìn tỷ nhân dân tệ trong năm 2003, thời điểm mới thành lập, chỉ trong 6 năm giá trị tài sản của SASAC đã tăng gấp 3 lần lên 21 nghìn tỷ năm 2009 và 6 năm sau con số này năm 2015 tăng thêm 5 lần dao động ở mức trên 100 nghìn tỷ – tương đương với GDP của cả khu vực EU tính theo ngang giá sức mua. Thực tế này là kết quả kế hoạch tái cấu trúc doanh nghiệp của Chính phủ Trung Quốc, trong đó các doanh nghiệp nhỏ bị sát nhập hoặc bị thâu tóm bởi các tập đoàn kinh tế lớn.

  1. Hiệu quả kinh tế

Mặc dù nhận được rất nhiều ưu đãi về tài chính và các chính sách bảo trợ, song kết quả hoạt động của DNNN Trung Quốc lại tỏ ra thiếu hiệu quả.

Thứ nhất, lợi nhuận kinh doanh của khu vực nhà nước hầu như đều tăng qua từng năm, nhưng lượng tăng không đáng kể và đang có xu hướng chững lại khi kinh tế Trung Quốc bắt đầu suy giảm kể từ năm 2013. Đặc biệt, nếu xét trong điều kiện quy mô vốn và tài sản lớn hơn rất nhiều so với các khu vực kinh tế khác, lợi nhuận của khu vực nhà nước chỉ bằng phân nửa lợi nhuận của khu vực tư nhân và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài trong những năm gần đây. Điều này cho thấy hoạt động của các DNNN rất kém hiệu quả. Riêng năm 2015, lợi nhuận của các DNNN chỉ đạt 1.094,4 tỷ nhân dân tệ, giảm 21,9% so với năm ngoái và là sự sụt giảm lớn nhất và tạo sự chênh lệch lớn, trong khi các loại hình doanh nghiệp khác chỉ giảm khoảng 1-2%. Trong tất cả các doanh nghiệp, chỉ có khu vực doanh nghiệp tư nhân đạt tốc độ tăng trường dương.

Thứ hai, với 98 công ty trong danh sách Fortune Global 500, Trung Quốc đã vươn lên xếp thứ hai chỉ sau Mỹ, nước có 128 công ty trong danh sách. Nếu so sánh với số liệu các năm trước, thì chúng ta thấy sự gia tăng số doanh nghiệp của Trung Quốc còn ngoạn mục hơn, khi mà năm 2010 có 46 công ty, và năm 2000 chỉ có 10 công ty. Với tham vọng tạo ra nhiều “nhà vô địch quốc gia – national champions”, số lượng các DNNN Trung Quốc trong danh sách được dự đoán là chạm mốc 130 vào năm 2020. Trong khi Mỹ có xu hướng ngược lại: 139 công ty trong danh sách vào năm 2010 và có 179 công ty vào năm 2000.

Nhưng nếu nhìn sâu hơn, thì sự gia tăng của Trung Quốc không được khách quan và ấn tượng lắm. Xét theo tiêu chí lợi nhuận doanh nghiệp, gần 90% tổng số 98 doanh nghiệp Trung Quốc trong danh sách Fortune Global 500 là các DNNN và khoảng 60% trong đó là các DNNN. Trong số 98 doanh nghiệp này thì cả 10 doanh nghiệp có lợi nhuận lớn nhất đều là các DNNN, kinh doanh ở hai lĩnh vực chính là ngân hàng và dầu khí. Tuy nhiên, đa số những doanh nghiệp này nằm dưới sự quản lý và chỉ đạo của SASAC và Công ty đầu tư Trung ương (Huijin Central Investment Ltd.) — hai cơ quan đầu não có quyền quyết định các khoản đầu tư lớn của doanh nghiệp, cũng như tạo ra những khoản ưu đãi lớn cho doanh nghiệp. Ngoài ra, các doanh nghiệp này đều đang hoạt động trong những lĩnh vực độc quyền hoặc độc quyền nhóm ở trong nước. Trong số 54 doanh nghiệp bị lỗ nhiều nhất trong danh sách Fortune 500, riêng Trung Quốc có 16 doanh nghiệp, đều là các DNNN hoạt động trong ngành khai khoáng và khai thác dầu khí.

Tuy nhiên, dù không nằm trong danh sách Fortune 500, nhưng một số nhãn hiệu Trung Quốc thực sự gây được tiếng vang và được biết đến toàn cầu như Alibaba, Baidu, Xiaomi, nhà sản xuất rượu Kweichou Moutai và tất cả đều là doanh nghiệp tư nhân. Các doanh nghiệp này thậm chí vẫn duy trì tăng trưởng đều trong suốt 3 năm qua mặc dù nền kinh tế Trung Quốc đang bị giảm phát nghiêm trọng. Điều đó cho thấy, không phải cứ có quy mô lớn thì mới có sức cạnh tranh quốc tế lớn, điều mà chính phủ Trung Quốc luôn tâm niệm và dốc sức thực hiện. Nếu so với các DNNN cồng kềnh khổng lồ, thì các doanh nghiệp tư nhân rất nhanh nhạy và linh hoạt trong việc nắm bắt xu hướng mới, nắm bắt thị hiếu khách hàng tại thị trường mục tiêu và thực hiện các ý tưởng mới một cách nhanh chóng. Điều đó cho thấy, một số lĩnh vực nên đặt vào bàn tay của tư nhân hoặc nên có sự tham gia của tư nhân càng nhiều càng tốt…. (còn nữa)

Chu Phương Quỳnh

(Nguồn: Những vấn đề Kinh tế và Chính trị thế giới – số 2/2017)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here