Doanh nghiệp đợi hoàn thuế giá trị gia tăng đến… cuối năm?

0
56
Năm nay, sầu riêng Việt xuất sang Trung Quốc có thể đạt 2 tỷ USD. (Nguồn: Công an Nhân dân)
(Công an Nhân dân)

Doanh nghiệp vẫn không hiểu…

Doanh nghiệp dăm gỗ Quảng Ninh vẫn chưa nhận được động thái nào sau đơn thư gửi tới Quốc hội vào giữa tháng 8/2023, nghĩa là, chưa có doanh nghiệp nào được hoàn thuế giá trị gia tăng kể từ thời điểm đó.

Đại diện Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) cập nhật thông tin cho phóng viên Báo Đầu tư, sau khi Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội (TCNS) vừa báo cáo Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện các quy định pháp luật về hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với xuất khẩu” vào ngày 22/10 vừa qua.

Cũng phải nói thêm, báo cáo này cũng như đoàn giám sát của Ủy ban TCNS được tổ chức sau khi nhiều đơn thư khiếu nại của các doanh nghiệp và một số hiệp hội ngành hàng, như Hiệp hội Xuất khẩu tinh bột sắn, VIFOREST, Chi hội Dăm gỗ… gửi Quốc hội vào tháng 7, tháng 8/2023. Đây cũng là nội dung doanh nghiệp có nhiều đơn thư gửi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, được nêu ra liên tục trong các hội nghị của Chính phủ với doanh nghiệp trong thời gian này dù đã có các cuộc gặp, làm việc giữa doanh nghiệp và 7 cục thuế có liên quan.

VIFOREST, khi gửi kiến nghị, đã kỳ vọng vào khả năng tìm giải pháp, khi đã gửi rất chi tiết tên, các điểm chưa phù hợp trong từng văn bản đang làm khó quá trình hoàn thuế, ở cả góc độ thực thi của cơ quan thuế cũng như doanh nghiệp.

Tuy nhiên, sau 2 tháng, câu hỏi về lý do không giải quyết mà Tổng cục Thuế gửi các doanh nghiệp được phóng viên Báo Đầu tư đưa ra là gì, thì vị đại diện này để ngỏ.

Có lẽ đây cũng là câu hỏi mà đoàn giám sát của Ủy ban TCNS chưa lý giải được. Vì đọc toàn bộ báo cáo dài 21 trang của Ủy ban TCNS gửi Quốc hội, các vướng mắc dường như khá rõ.

Với các doanh nghiệp dăm gỗ Quảng Ninh, cũng như nhiều hội viên của VIFOREST, lý do chính vẫn là yêu cầu xác minh qua tất cả khâu F1, F2… đến khâu thu mua từ người dân, đúng như kiến nghị của doanh nghiệp đã gửi.

Theo Ủy ban TCNS, yêu cầu này là quá mức cần thiết của quản lý rủi ro. “Theo quy định của Luật Thuế VAT, thuế VAT chỉ bắt đầu phát sinh và phải nộp từ khâu chế biến (có hoá đơn VAT). Với các khâu chưa có thuế, chưa có hóa đơn VAT (chỉ có hoá đơn bán hàng hoặc lập bảng kê thu mua từ người trực tiếp sản xuất), thì không phát sinh việc hoàn thuế VAT và gian lận hoàn thuế, vì vậy, việc yêu cầu xác minh cả đối với những khâu này là không cần thiết và không có cơ sở”, báo cáo của Ủy ban TCNS viết.

Vấn đề không chỉ là quá mức ở sự cần thiết, mà còn quá mức ở khâu thực thi. Các cục thuế cũng thừa nhận, yêu cầu phải xác minh đến khâu cuối cùng là thu mua từ người dân là các nhiệm vụ khó có thể thực hiện, từ góc độ phối hợp giữa cơ quan thuế các cấp cũng như việc phối hợp với cơ quan hải quan, công an, ngân hàng…

Hơn thế, các yêu cầu xác minh đến tận khâu thu mua từ người dân là chưa thật phù hợp và nhất quán với các quy định pháp luật hiện hành trong lĩnh vực quản lý và truy xuất nguồn gỗ lâm sản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Đương nhiên, hệ quả của tình trạng quá mức này là những gánh nặng không chỉ về thủ tục mà doanh nghiệp sẽ phải gánh.

… và vẫn còn những câu hỏi tại sao

“Hơn 2 năm qua, dù cơ quan công an đã điều tra và kết luận Công ty Xuất khẩu tinh bột sắn là có thật, nhưng cơ quan thuế vẫn vin vào thông tin từ Trung Quốc để bác bỏ quyền được hoàn thuế theo quy định của pháp luật Việt Nam của Công ty. Chúng tôi không hiểu nổi, vì sao cơ quan thuế không chấp nhận số liệu xuất khẩu của doanh nghiệp đã được cơ quan hải quan Việt Nam xác nhận, đẩy doanh nghiệp vào khó khăn cùng cực”.

Câu nói trên trích từ những chia sẻ rất dài và rất bức xúc của ông Hoàng Hải, đại diện Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Việt An, sau khi đọc thông tin về báo cáo của Ủy ban TCNS trên Báo điện tử Đầu tư.

Trong lĩnh vực này, khi kiểm tra điều kiện về “chứng từ thanh toán qua ngân hàng” trong một số trường hợp xuất khẩu tiểu ngạch qua Trung Quốc, cơ quan thuế nhận thấy các chứng từ thanh toán của khách hàng Trung Quốc chỉ có tên và số tài khoản ngân hàng trung gian tại biên giới Trung Quốc và Việt Nam, do đó, lo ngại rằng, không xác định được việc chuyển tiền từ bên nhập khẩu cho doanh nghiệp Việt Nam. Cơ quan thuế đã có văn bản đề nghị cơ quan thuế Trung Quốc hỗ trợ xác minh một số doanh nghiệp, cá nhân trên hợp đồng mua bán hàng hóa xuất khẩu. Kết quả trả lời của cơ quan thuế Trung Quốc cho biết một số doanh nghiệp, cá nhân có tên trên hợp đồng không thừa nhận có quan hệ mua bán với doanh nghiệp xuất khẩu tinh bột sắn của Việt Nam, hoặc không thể liên hệ và tìm thấy đối tượng có tên trên hợp đồng.

Vì vậy, cơ quan thuế cho rằng, doanh nghiệp không đáp ứng tính pháp lý của hợp đồng mua bán xuất khẩu và cho rằng, đây có thể là các trường hợp không thật sự xuất khẩu để gian lận tiền hoàn thuế. Với thực trạng nêu trên, quan điểm của cơ quan thuế là các hồ sơ này không có đủ căn cứ để giải quyết hoàn thuế.

Thực tế, một số doanh nghiệp đã kiện cơ quan thuế (Cục Thuế Nghệ An, Cục Thuế TP.HCM). Các vụ việc hoàn thuế đối với xuất khẩu tinh bột sắn đang được phán quyết khác nhau tại toà án các tỉnh.

Hiện Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) đã có văn bản trao đổi với Bộ Tư pháp, Bộ Công thương, Tòa án Nhân dân tối cao, Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam xin ý kiến về hướng xử lý về nội dung nêu trên.

Nỗi khổ của các doanh nghiệp tinh bột sắn được thể hiện trong báo cáo của Ủy ban TCNS bằng câu “các hồ sơ hoàn thuế VAT vẫn đang trong trạng thái dừng hoàn”, cùng với đó là nhận định “việc xin ý kiến các cơ quan tư pháp về “tính pháp lý” của các hợp đồng mua bán của bên đối tác Trung Quốc từ các thông tin của cơ quan thuế nước ngoài để đánh giá về tính thực chất của hoạt động xuất khẩu có thể không phải là cách giải quyết một cách thấu đáo đối với các hồ sơ tồn đọng về xuất khẩu tinh bột sắn hiện nay”.

Ủy ban phân tích, trong 2 yếu tố trọng yếu để được hoàn thuế là hàng hoá được xuất khẩu thực chất và tính xác thực của các hoá đơn đầu vào, các doanh nghiệp xuất khẩu tinh bột sắn cơ bản đảm bảo được vì nguồn hàng được lấy từ các nhà máy chế biến trong nước.

Để kiểm tra đối với đầu ra, do đây là xuất khẩu tiểu ngạch, nên tập trung vào khâu kiểm soát hải quan hơn là vấn đề xác minh tính pháp lý của đối tác phía Trung Quốc khi trên thực tế, các đối tác này có thể đang cố tận dụng ưu đãi của thương mại biên giới để tránh việc nộp thuế nhập khẩu. Việc yêu cầu doanh nghiệp Việt Nam phải chịu trách nhiệm về tính pháp lý của đối tác Trung Quốc và coi đây là căn cứ để cho rằng, doanh nghiệp không đáp ứng điều kiện hoàn thuế có thể là chưa đủ  thuyết phục.

Ngay Cục Thuế Lạng Sơn cũng cho biết, việc thanh toán, mặc dù trong nhiều trường hợp là chung một tài khoản, song đều phát sinh các khoản thanh toán từ phía tổ chức tín dụng Trung Quốc.

Về mặt pháp lý, để đánh giá về tính xác thực của khối lượng xuất khẩu, nếu có rủi ro gian lận về khối lượng thực xuất khẩu thì Ủy ban cho rằng, cơ quan hải quan có thể thực hiện hậu kiểm. Trong trường hợp đã thực hiện hậu kiểm, hoặc không thực hiện hậu kiểm, thì cơ quan quản lý nhà nước (Tổng cục Thuế/Tổng cục Hải quan) cần chấp nhận tính pháp lý của Tờ khai hải quan.

Ngoài ra, Ủy ban TCNS cũng nhắc tới Nghị định số 14/2018/CP-CP khuyến khích xuất khẩu tiểu ngạch. “Các cơ quan quản lý nhà nước cần có cách tiếp cận thống nhất trong quản lý để hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh xuất khẩu và giảm thiểu các khó khăn, tránh tính trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, Ủy ban báo cáo.

Cuối năm nay sẽ có câu trả lời?

Trước ngày 31/12/2023 giải quyết, xử lý dứt điểm số hồ sơ đề nghị hoàn còn tồn đọng của một số ngành hàng xuất khẩu đang gặp vướng mắc, đặc biệt là đối với các hồ sơ đã dừng hoàn trong một thời gian dài gây bức xúc cho doanh nghiệp.

Đối với các trường hợp không có cơ sở để dừng hoàn theo quy định của pháp luật, đề nghị cơ quan thuế có văn bản trả lời rõ ràng về việc giải quyết hồ sơ hoàn thuế, theo đó ban hành  quyết định hoàn nếu đã đủ điều kiện.

Trường hợp cơ quan thuế cho rằng, không đủ điều kiện hoàn, thì ban hành văn bản về việc không giải quyết hoàn và chịu trách nhiệm với quyết định của mình.

Trong trường hợp doanh nghiệp không đồng tình với quyết định của cơ quan thuế thì tiếp tục giải quyết theo quy trình khiếu nại và thủ tục tố tụng hành chính (nếu cần thiết) theo đúng các quy định của pháp luật về quản lý thuế hiện hành.

Đây là hạn định mà Thường trực Ủy ban TCNS đề xuất trong báo cáo gửi Quốc hội, để nghị Chính phủ/Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế. Đây cũng là thời điểm mà Thường trực Ủy ban TCNS kiến nghị phải hoàn thành việc rà soát tổng thể các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ của ngành thuế đã ban hành về hoàn thuế VAT để có biện pháp điều chỉnh phù hợp.

Cũng phải nói thêm, theo báo cáo của Bộ Tài chính, đến 31/8/2023 số hồ sơ tồn chỉ còn 647 hồ sơ, giảm khá mạnh so với con số 1.839 vào tháng 6/2023, nhưng đây chính là các trường hợp khó. Trong số này có cả những hồ sơ sau khi chuyển cho cơ quan công an và đã được cơ quan công an trả lời là chưa có dấu hiệu tội phạm và hiện cơ qua thuế vẫn đang dừng hoàn, gây bức xúc lớn cho các doanh nghiệp, hiệp hội.

Thậm chí, cơ quan thuế đã có đề xuất bổ sung quy định số lần được hoãn, tạm dừng kiểm tra và lý do bất khả kháng để được hoãn, tạm dừng kiểm tra, vì theo quy định pháp luật về quản lý thuế, việc dừng hoàn chỉ được thực hiện khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, Ủy ban TCNS không đồng tình với đề xuất này.

(Khánh An/baodautu)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here