Doanh nghiệp chờ chính sách mới về điện gió, điện mặt trời

0
52
(minh hoạ)
(minh hoạ)

Đã hơn nửa năm trôi qua kể từ ngày cơ chế phát triển điện mặt trời hết hiệu lực vào đầu năm 2021, nhưng vẫn chưa thấy chính sách mới được đưa ra.

Đưa khung giá để đàm phán với EVN

Theo nguồn tin của Báo Đầu tư, việc soạn thảo quy định phát triển các dự án năng lượng tái tạo ở Việt Nam đã được cơ quan chức năng viết tới Dự thảo 5.

Ý tưởng lần này là sẽ xây dựng khung giá áp dụng cho dự án điện mặt trời, điện gió. Theo hướng này, trước ngày 30/9 hàng năm, Bộ Công thương có trách nhiệm tổ chức xây dựng và ban hành khung giá sẽ áp dụng cho các loại hình năng lượng tái tạo.

Nhà đầu tư được cấp có thẩm quyền chấp thuận dự án hoặc trúng thầu sẽ thực hiện đàm phán giá với bên mua điện để xác định giá bán điện tại điểm đấu nối. Phương pháp xác định giá và hợp đồng mẫu sẽ theo các quy định do Bộ Công thương đưa ra.

Để chọn được nhà đầu tư phát triển dự án điện mặt trời và điện gió, trước ngày 30/10 hàng năm, uỷ ban nhân dân tỉnh sẽ hoàn thành phê duyệt Danh mục Các dự án đầu tư liên quan, làm cơ sở để năm tiếp theo (N+1) lựa chọn được nhà đầu tư với kế hoạch đưa dự án vào vận hành trong năm thứ 3 (N+3).

Lúc này có hai trường hợp sẽ diễn ra khi chọn nhà đầu tư.

Trường hợp thứ nhất, với các dự án thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư, cơ quan có thẩm quyền sẽ thực hiện trình tự, thủ tục để chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật hiện hành. Căn cứ quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư này, cơ quan đăng ký đầu tư xác định yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư, báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt và đưa vào Danh mục dự án đầu tư.

Trường hợp thứ hai, với dự án không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư, cơ quan chuyên môn của uỷ ban nhân dân tỉnh đề xuất Danh mục Đầu tư phát triển và trình uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt Danh mục dự án dựa trên căn cứ là quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia, kế hoạch thực hiện quy hoạch và quy hoạch tỉnh.

Địa phương khi thẩm định hồ sơ các dự án này sẽ phải lấy ý kiến của Bộ Công thương về tính phù hợp của dự án với Quy hoạch Phát triển điện lực; ý kiến của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về quy mô, phương thức đấu nối, thời gian vào vận hành cụ thể để phù hợp với hệ thống điện quốc gia và ý kiến của các bộ, ngành liên quan theo quy định hiện hành.

Trên cơ sở Danh mục dự án được điều chỉnh và rà soát của địa phương, uỷ ban nhân dân tỉnh sẽ công bố, đăng tải Danh mục dự án đầu tư phát triển và quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư để mời gọi các nhà đầu tư tham gia nộp hồ sơ đăng ký để tiến hành chọn thầu.

Sẽ không dễ Đàm phán

Nếu theo hướng này, EVN sẽ giữ vai trò rất quan trọng, bởi các nhà đầu tư nếu không đàm phán được về giá và phương án đấu nối với EVN sẽ không thể triển khai dự án năng lượng tái tạo, dù có được lựa chọn.

Trên thực tế, sự bùng nổ của các dự án điện gió, điện mặt trời trong giai đoạn 2018 – 2020 có nguyên nhân là do giá mua điện cao theo Quyết định 11/2017/QĐ-TTg và Quyết định 13/2020/QĐ-TTg dành cho điện mặt trời, hay Quyết định 39/2018/QĐ-TTg dành cho điện gió.

Với mức giá mua điện chốt cứng, cao hơn giá bán lẻ điện bình quân mà EVN đang bán đến tay hơn 28 triệu hộ tiêu thụ trong cả nước, các nhà đầu tư vào năng lượng tái tạo đã bỏ qua được các công đoạn khó khăn nhất là đàm phán giá điện để nhanh chóng bắt tay vào phát triển dự án.

Sự ưu ái này đã khiến các dự án năng lượng tái tạo tăng trưởng đột biến về công suất, từ chỗ chỉ có 5 MW điện mặt trời trước khi có Quyết định 11/2017/QĐ-TTg, đã tăng lên đạt 17.000 MW vào ngày 1/1/2021. Hay điện gió chỉ có 152,3 MW vào năm 2018, nay đã đạt 581,3 MW.

Nhưng cũng bởi sự bùng nổ của năng lượng tái tạo mà không quan tâm tới tính ổn định, hợp lý của hệ thống điện, nên các nhà đầu tư năng lượng tái tạo đã buộc phải chấp nhận ký các phụ lục với những điều khoản như không được huy động khi không có lưới truyền tải hoặc nhu cầu tiêu thụ không có.

Thực tế khu vực miền Trung và miền Nam, do được bổ sung quá nhiều nguồn điện mới, đặc biệt là điện mặt trời, đã xảy ra tình trạng không thể huy động được hết các nguồn điện “trời cho” này và phải chống quá tải.

Ngoài ra, hệ thống vẫn phải đối mặt với các thách thức về kỹ thuật như sóng hài, độ nhấp nháy điện áp, hay buộc phải có dự phòng công suất các nguồn điện khác ngoài năng lượng tái tạo để đáp ứng sự thay đổi công suất của điện mặt trời giữa các thời điểm trong ngày, thậm chí cả khi bất ngờ có cơn giông hay đám mây bay qua.

Với thực tế bất cập này do sự đổ bộ ồ ạt của năng lượng tái tạo 2 năm qua và gánh nặng tối ưu chi phí sản xuất điện khi EVN vẫn là doanh nghiệp nhà nước, câu chuyện đàm phán giá mua điện hay đầu tư các đường truyền tải ở những khu vực có tiềm năng bức xạ, gió tốt, nhưng đang thừa nguồn sẽ khiến bên mua điện là EVN phải rất thận trọng trong thời gian tới, nhất là khi yêu cầu “cân đối hợp lý về cơ cấu các nguồn điện (thủy điện, nhiệt điện, năng lượng tái tạo) và đảm bảo sự phù hợp giữa các vùng miền để tránh lãng phí nguồn lực xã hội” đã được lãnh đạo Chính phủ nhiệm kỳ 2021 – 2025 đặt ra.

Lẽ dĩ nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với việc các dự án năng lượng tái tạo sẽ không còn dễ như trước.

(Thanh Hương/baodautu.vn)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here