Đo lường năng lực cạnh tranh cấp tỉnh tại Việt Nam

0
77

Theo Micheal Porter, “cha đẻ” của lý thuyết về năng lực cạnh tranh, năng lực cạnh tranh cấp quốc gia được đo lường bằng năng suất sử dụng lao động, vốn và tài nguyên thiên nhiên. Năng lực cạnh tranh của một quốc gia hay một vùng trong một ngành nhất định được Michael Porter khái quát hóa dưới dạng mô hình kim cương, bao gồm bốn yếu tố là các điều kiện về nhân tố đầu vào, bối cảnh chiến lược và mức độ cạnh tranh, các điều kiện cầu, và các ngành hỗ trợ và liên quan.

Hiện nay, năng lực cạnh tranh của các quốc gia thường được đánh giá thông qua Chỉ số Năng lực cạnh tranh toàn cầu (Global Competitiveness Index) của Diễn đàn kinh tế thế giới (World Economic Forum). Chỉ số năng lực cạnh tranh tổng hợp được xây dựng trên cơ sở đo lường các yếu tố có tác động lớn tới năng suất và năng lực cạnh tranh quốc gia. Các yếu tố này được phân thành 9 nhóm nhân tố hay còn được gọi là 9 trụ cột (gồm: thể chế, hạ tầng, kinh tế vĩ mô, giáo dục cơ bản và y tế, giáo dục và đào tạo bậc cao, hiệu quả thị trường, mức độ sẵn sàng về công nghệ, trình độ kinh doanh và đổi mới) thể hiện năng suất và năng lực cạnh tranh quốc gia. .

Trong những năm qua, so với các nước trong khu vực ASEAN, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp quốc gia của Việt Nam chỉ đứng trên Lào, Campuchia, Myanmar, nhưng thấp hơn so với các nước còn lại, và mức độ cải thiện còn chậm. Thế mạnh của Việt Nam được cho là quy mô thị trường lớn; tuy nhiên các yếu tố liên quan đến thể chế, công nghệ…thường được đánh giá không cao. Để khắc phục những hạn chế đó và gia tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế nói chung, việc đánh giá năng lực cạnh tranh ở cấp địa phương là rất quan trọng. Qua việc đánh giá năng lực cạnh tranh ở cấp địa phương thông qua những tiêu chí tương tự với việc đánh giá năng lực cạnh tranh cấp quốc gia, ví dụ như thể chế, môi trường kinh doanh, năng lực công nghệ,…, có thể đánh giá được những địa phương có năng lực cạnh tranh “cao” và “chưa cao”, từ đó nâng cao tinh thần trách nhiệm, thúc đẩy chính quyền địa phương có những biện pháp cụ thể để nâng cao năng lực cạnh tranh của địa phương, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh chung của quốc gia. Để đánh giá năng lực cạnh tranh của địa phương, ở Việt Nam hiện nay đang sử dụng Chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

  1. Khái quát về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI)

PCI là từ viết tắt của cụm từ Tiếng Anh “Provincial Competitiveness Index”. Chỉ số này do phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan hợp tác Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ US-Aid hợp tác, nghiên cứu. Mục tiêu của PCI là nhằm đánh giá và xếp hạng chính quyền các tỉnh, thành của Việt Nam trong việc xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho việc phát triển doanh nghiệp dân doanh.

PCI được công bố thí điểm lần đầu tiên vào năm 2005 gồm tám chỉ số thành phần, mỗi chỉ số thành phần lý giải sự khác biệt về phát triển kinh tế giữa các tỉnh, thành phố của Việt Nam; theo đó đã có 47 tỉnh, thành phố của Việt Nam được xếp hạng và đánh giá. Lần thứ hai, năm 2006 hai lĩnh vực quan trọng của môi trường kinh doanh – Thiết chế pháp lý và Đào tạo lao động- được đưa vào xây dựng chỉ số PCI. Từ năm 2006 trở đi, tất cả các tỉnh, thành phố của Việt Nam đều được đưa vào bảng xếp hạng, đồng thời các chỉ số thành phần cũng được tăng cường thêm. Năm 2009, phương pháp luận PCI được điều chỉnh để phản ánh kịp thời sự phát triển năng động của nền kinh tế và các thay đổi trong môi trường pháp lý tại Việt Nam. Sau khi loại bỏ chỉ số Ưu đãi doanh nghiệp nhà nước, PCI còn 9 chỉ số thành phần. Năm 2013, PCI đánh dấu bước thay đổi mới khi chỉ số Cạnh tranh bình đẳng được đưa vào bộ chỉ số là một thước đo đánh giá.

Bộ chỉ số PCI hiện nay gồm những chỉ số sau:

(1) Chi phí gia nhập thị trường: Chỉ số này được xây dựng nhằm đánh giá sự khác biệt về chi phí gia nhập thị trường của các doanh nghiệp mới thành lập giữa các tỉnh với nhau;

(2) Tiếp cận đất đai và Sự ổn định trong sử dụng đất: Đo lường về hai khía cạnh của vấn đề đất đai mà doanh nghiệp phải đối mặt, đó là (i) việc tiếp cận đất đai có dễ dàng không; và (ii) doanh nghiệp có thấy yên tâm và được đảm bảo về sự ổn định khi có được mặt bằng kinh doanh hay không;

(3) Tính minh bạch và tiếp cận thông tin: Môi trường kinh doanh công khai minh bạch, doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận công bằng các thông tin và các văn bản pháp luật cần thiết cho kinh doanh;

(4) Chi phí thời gian để thực hiện các quy định của Nhà nước: Đo lường thời gian doanh nghiệp phải bỏ ra để thực hiện các thủ tục hành chính cũng như mức độ thường xuyên và thời gian doanh nghiệp phải tạm dừng kinh doanh để các cơ quan Nhà nước của địa phương thực hiện việc thanh tra, kiểm tra;

(5) Chi phí không chính thức: Đo lường các khoản chi phí không chính thức mà doanh nghiệp phải trả và các trở ngại do những chi phí không chính thức này gây ra đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, việc trả những khoản chi phí không chính thức có đem lại kết quả hay “dịch vụ” như mong đợi và liệu các cán bộ công chức nhà nước có sử dụng các quy định của địa phương để trục lợi hay không;

(6) Cạnh tranh bình đẳng: đây là chỉ số thành phần mới;

(7) Tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh: Đo lường tính sáng tạo, sáng suốt của lãnh đạo tỉnh trong quá trình thực thi chính sách cũng như trong việc đưa ra các sáng kiến riêng nhằm phát triển khu vực kinh tế tư nhân, đồng thời đánh giá khả năng hỗ trợ và áp dụng những chính sách đôi khi chưa rõ ràng của Trung ương theo hướng có lợi cho doanh nghiệp;

(8) Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp: Chỉ số này trước kia có tên gọi là “Chính sách phát triển kinh tế tư nhân”, dùng để đo lường các dịch vụ của tỉnh để phát triển khu vực tư nhân như xúc tiến thương mại, cung cấp thông tin tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp, hỗ trợ tìm kiếm đối tác kinh doanh, phát triển các khu/cụm công nghiệp tại địa phương và cung cấp các dịch vụ công nghệ cho doanh nghiệp;

(9) Đào tạo lao động: Đo lường các nỗ lực của lãnh đạo tỉnh để thúc đẩy đào tạo nghề và phát triển kỹ năng nhằm hỗ trợ cho các ngành công nghiệp tại địa phương và giúp người lao động tìm kiếm việc làm;

(10) Thiết chế pháp lý: Đo lường lòng tin của doanh nghiệp tư nhân đối với hệ thống tòa án, tư pháp của tỉnh, liệu các thiết chế pháp lý này có được doanh nghiệp xem là công cụ hiệu quả để giải quyết tranh chấp hoặc là nơi doanh nghiệp có thể khiếu nại các hành vi nhũng nhiễu của cán bộ công quyền tại địa phương.

Chỉ số PCI được xây dựng theo quy trình 3 bước gọi tắt là “3T”: (1) thu thập dữ liệu điều tra doanh nghiệp bằng phiếu hỏi và dữ liệu từ các nguồn đã công bố, (2) tính toán 10 chỉ số thành phần và chuẩn hóa kết quả theo thang điểm 10, và (3) tính trọng số cho chỉ số PCI trung bình của 10 chỉ số thành phần trên thang điểm 100. Đối tượng được khảo sát là các doanh nghiệp tại địa phương.

Phương pháp tiếp cận PCI có bốn đặc điểm đáng chú ý như sau:

(1) Chỉ số PCI khuyến khích chính quyền các tỉnh, thành phố cải thiện chất lượng công tác điều hành bằng cách chuẩn hóa điểm số xung quanh các thực tiễn điều hành kinh tế tốt sẵn có tại Việt Nam mà không dựa trên các tiêu chuẩn điều hành kinh tế lý tưởng nhưng khó đạt được. Do đó, đối với từng chỉ tiêu, có thể xác định được một tỉnh “ngôi sao” hoặc tỉnh đứng đầu của chỉ tiêu đó, và về lý thuyết bất kỳ tỉnh nào cũng có thể đạt được điểm số PCI tuyệt đối là 100 điểm bằng cách áp dụng các thực tiễn tốt sẵn có.

(2) Bằng cách loại trừ ảnh hưởng của các điều kiện truyền thống ban đầu

(các nhân tố cơ bản đóng góp vào tăng trưởng kinh tế trong một tỉnh và gần như không thể thay đổi trong ngắn hạn như vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng, quy mô của thị trường và nguồn nhân lực), chỉ số PCI giúp xác định và hướng vào các thực tiễn điều hành kinh tế tốt có thể đạt được ở cấp tỉnh.

(3) Bằng cách so sánh đối chiếu giữa thực tiễn điều hành với kết quả phát triển kinh tế, chỉ số PCI giúp lượng hóa tầm quan trọng của thực tiễn điều hành kinh tế tốt đối với thu hút đầu tư và tăng trưởng. Nghiên cứu chỉ ra được mối tương quan giữa thực tiễn điều hành kinh tế tốt với đánh giá của doanh nghiệp, và sự cải thiện phúc lợi của địa phương. Mối liên hệ cuối cùng này đặc biệt quan trọng vì nó cho thấy các chính sách và sáng kiến thân thiện với doanh nghiệp khuyến khích họ hoạt động theo hướng đem lại lợi ích cho cả chủ doanh nghiệp, người lao động và cộng đồng thông qua tạo thêm việc làm và tăng thu nhập cho cả nền kinh tế.

(4) Các chỉ tiêu cấu thành chỉ số PCI được thiết kế theo hướng dễ hành động, đây là những chỉ tiêu cụ thể cho phép các cán bộ công chức của tỉnh đưa ra các mục tiêu phấn đấu và theo dõi được tiến bộ trong thực hiện. Các chỉ tiêu này cũng rất thực chất vì được doanh nghiệp nhìn nhận là các chính sách then chốt đối với sự thành công của công việc kinh doanh.

  1. Đánh giá về chỉ số PCI

Chỉ số PCI đã góp phần tạo nên một cơ chế phản hồi từ doanh nghiệp về chất lượng của dịch vụ hành chính công, xây dựng năng lực giám sát cho doanh nghiệp. Không chỉ là sự phản hồi của các doanh nghiệp về môi trường kinh doanh của địa phương, PCI còn là kênh thông tin tham khảo tin cậy về môi trường kiinh doanh cho các nhà đầu tư. Đặc biệt, trong bối cảnh quá trình phân cấp quản lý từ Trung ương đến địa phương tại Việt Nam diễn ra mạnh mẽ, chỉ số này tạo nên một động lực cải cách quan trọng đối với môi trường kinh doanh cấp tỉnh của Việt Nam.

  1. Một số kết quả của cuộc điều tra chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2016

– Tình hình doanh nghiệp

Nhìn chung, kết quả điều tra PCI năm 2016 cho thấy tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp có nhiều tín hiệu khởi sắc. Theo báo cáo PCI 2016, trong năm qua, 65% doanh nghiệp hoạt động có lãi, đạt mức cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Lần đầu tiên trong vòng 12 năm qua, quy mô vốn trung bình của doanh nghiệp đã tăng đến mức cao nhất, trung bình là 18,1 tỷ đồng. 48% doanh nghiệp dự kiến mở rộng quy mô kinh doanh trong vòng 2 năm tới.

– Tình hình năng lực cạnh tranh cấp tỉnh

Kết quả điều tra PCI cho thấy, trong năm 2016, có 22 tỉnh, thành phố xếp hạng “Rất tốt” và “Tốt”, và chỉ có 12 tỉnh thành xếp hạng trung bình trở xuống. Nhìn chung, sự chênh lệc về điểm số giữa các nhóm đầu và cuối bảng đã thu hẹp đáng kể. Các tỉnh nhóm dưới đã có nhiều nỗ lực trong việc cải thiện môi trường kinh doanh. Trong khi đó, các tỉnh ở nhóm trên của bảng xếp hạng gặp nhiều thách thức hơn trong việc tiếp tục thúc đẩy cải cách hành chính và phát triển kinh tế.

Đà Nẵng tiếp tục là địa phương dẫn đầu bảng xếp hạng trong số các tỉnh, thành phố của Việt Nam. Đây cũng là năm thứ 4 liên tiếp và là năm thứ 7 trong tổng số 12 năm thực hiện điều tra PCI, thành phố này được xếp hạng cao nhất trong bảng xếp hạng. Quảng Ninh lần đầu tiên xếp vị trí thứ hai trong bảng xếp hạng. Đồng Tháp xếp ở vị trí thứ ba. Đây cũng là lần thứ 9 liên tiếp Đồng Tháp nằm trong nhóm 5 tỉnh có thứ hạng cao nhất. Các thành phố lớn như Hồ Chí Minh, Hà Nội và Hải Phòng cũng có thứ hạng khá cao; trong đó, thành phố Hồ Chí Minh nằm trong nhóm 10 tỉnh có năng lực cạnh tranh cao nhất, còn Hà Nội và Hải Phòng có thứ hạng lần lượt là 14 và 21.

Khảo sát PCI trong suốt giai đoạn 2006-2016 ghi nhận những cải thiện rõ rệt nhất ở chỉ số Chi phí gia nhập thị trường, tiếp theo là Đào tạo lao động, Tính năng động và Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên, kết quả điều tra PCI cho thấy một số điểm đáng lo ngại ở một số chỉ số như Tính minh bạch, Chi phí không chính thức, Chi phí thời gian thực hiện các thủ tục hành chính, Tiếp cận đất đai, Cạnh tranh bình đẳng và Thiết chế pháp lý. Cụ thể, năm 2016, 66% doanh nghiệp tại tỉnh trung vị cho biết phải sử dụng các mối quan hệ để tiếp cận thông tin và thường xuyên chi trả các khoản không chính thức, cao hơn 12-15 điểm phần trăm so với giai đoạn 2008-2013. Liên tục trong 3 năm qua, 2014-2016, tại tỉnh trung vị, cứ 3 doanh nghiệp thì 1 doanh nghiệp (tương ứng tỉ lệ khoảng 35%) phải dành trên 10% quỹ thời gian của mình để thực hiện thủ tục hành chính, một tỉ lệ cao kỷ lục trong khảo sát PCI. Trước đây, tỉ lệ này chỉ khoảng 1/5, hoặc đôi khi 1/10 (năm 2011). Tại tỉnh trung vị trong khảo sát PCI hai năm qua, hơn 38% doanh nghiệp vẫn cho biết “tỉnh ưu ái cho các tổng công ty, tập đoàn của Nhà nước gây khó khăn cho doanh nghiệp”, tăng 6% (có ý nghĩa về mặt thống kê) so với năm 2013. Đồng thời, hơn 42% doanh nghiệp đồng ý “tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài hơn là phát triển khu vực tư nhân trong nước”, tăng 14% so với năm 2013.

Những kết quả trên cho thấy, các địa phương nên tập trung cải thiện tiếp cận đất đai, tính minh bạch và cạnh tranh bình đẳng, cũng như giảm thiểu các chi phí không chính thức, để cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh./.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here