Điều chỉnh về thể chế chính sách kinh tế của Malaysia trong tham gia AEC (phần 1)

0
875

Trong chính sách kinh tế đối ngoại, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đóng vai trò quan trọng trong hội nhập kinh tế của Malaysia. Đối với nước này, AEC góp phần tạo ra một khu vực kinh tế ổn định, thịnh vượng thông qua hình thành và phát triển một thị trường, cơ sở sản xuất thống nhất, một khu vực có tính cạnh tranh cao, phát triển đồng đều và hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu. Theo Malaysia, để có thể thực hiện các nội dung, mục tiêu nêu trên, các nước thành viên cần phê chuẩn, tuân thủ các thỏa thuận, quy định mang tính ràng buộc về pháp lý đã ký kết trong AEC. Đồng thời, các nước thành viên còn phải thực hiện những điều chỉnh chính sách phát triển kinh tế, thực hiện những đổi mới về thể chế, hài hòa hóa các tiêu chuẩn, các quy định cho phù hợp trong điều kiện hội nhập của AEC. Bài viết trình bày những điều chỉnh về thể chế, chính sách kinh tế trong tham gia AEC của Malaysia, đồng thời đưa ra những nhận xét, đánh giá về quá trình thay đổi đó.

  1. Điều chỉnh chính sách kinh tế

Ngay từ khi ASEAN đẩy mạnh hội nhập thông qua ký kết Hiệp định Thuế quan ưu đãi có Hiệu lực Chung (CEPT), cơ sở cho việc thành lập AFTA năm 1992, Malaysia là một trong những nước trong khu vực đi đầu trong việc thực hiện tự do hóa thương mại. Sau khi ASEAN thông qua Tuyên bố Hòa hợp Bali II (năm 2003) về việc thành lập Cộng đồng ASEAN gồm 3 trụ cột vào năm 2020, Kế hoạch Tổng thể AEC 2007-2015, chính phủ Malaysia đã có những điều chỉnh chính sách cho phù hợp với bối cảnh phát triển mới của khu vực. Điều chỉnh chính sách rõ rệt nhất chính là việc Hội đồng Tư vấn Kinh tế Quốc gia (NEAC) Malaysia đã đưa ra chính sách kinh tế với tên gọi “Mô hình Kinh tế Mới” (NEM) vào tháng 3/2009. Tiếp đó, tháng 6/2010, Malaysia đã thông qua Kế hoạch Malaysia thứ 10 (TMP, 2011-2015). Có thể nói, cả NEM và TMP đều đưa ra các chiến lược và chính sách phát triển kinh tế phù hợp với Kế hoạch Tổng thể của AEC. Mục tiêu chủ yếu của toàn bộ điều chỉnh chính sách được đưa ra là thực hiện chuyển đổi Malaysia từ một nước thu nhập trung bình thành một nước phát triển vào năm 2020 với các chương trình chuyển đổi kinh tế, xã hội và chính phủ. Theo đó, khuôn khổ chính sách của chuyển đổi dựa trên 4 trụ cột: (i) Một nước Malaysia (1 Malaysia) với mục tiêu duy trì và nâng cao sự thống nhất trong đa dạng; (ii) Chương trình Chuyển đổi Kinh tế (ETP) với mục tiêu theo đuổi là NEM, được ban hành tháng 3/2010; (iv) Thực hiện các mục tiêu của kế hoạch Malaysia lần thứ 10, ban hành tháng 6/2010. Trong đó, phần trụ cột quan trọng nhất chính là ETP và NEM với các mục tiêu: một quốc gia thu nhập cao (GDP đầu người đạt khoảng 15.000 – 20.000 USD vào năm 2020), các cộng đồng tộc người đều được hưởng lợi ích từ thành quả của sự tăng trưởng, một quốc gia phát triển bền vững, đáp ứng đủ các nhu cầu hiện tại mà không làm tổn hại đến các thế hệ tương lai.

Với các chương trình và mục tiêu đặt ra, những điều chỉnh chính sách kinh tế của chính phủ Malaysia cho phù hợp với bối cảnh hội nhập mới thể hiện ở 3 nội dung: (i) những điều chỉnh không chỉ giải quyết các vấn đề về cơ cấu kinh tế mà vấn đề quan trọng hơn là cải cách thể chế, kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp; (ii) điều chỉnh chính sách không chỉ tập trung vào việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà còn duy trì mức tăng trưởng bền vững, chú trọng đến công bằng xã hội và công bằng giữa các tộc người; (iii) điều chỉnh chính sách không chỉ phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao mà quan trọng hơn là chú trọng đến chất lượng và nâng cao hiệu quả của tăng trưởng…

Như vậy, nội dung của điều chỉnh chính sách kinh tế của Malaysia trong hội nhập AEC được thể hiện thông qua việc xây dựng một NEM tập trung ở việc triển khai các biện pháp chính sách của ETP bao gồm: chuyển đổi thông qua nâng cao năng lực cho khu vực tư nhân, tìm kiếm các nguồn lực tăng trưởng mới; tập trung phát triển nguồn nhân lực, chuyển đổi khu vực công thông qua cải cách nhằm tạo môi trường thuận lợi cho kinh doanh, nâng cao quá trình đổi mới, thu hẹp khoảng cách phát triển, tạo ra một xã hội thống nhất, hài hoà… Trong đó, những điều chỉnh chính sách sẽ tập trung vào việc khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp như: (i) loại bỏ các rào cản đối với việc cấp phép đầu tư cho cả các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, thực hiện giảm chi phí kinh doanh. Đảm bảo môi trường công bằng cho các nhà đầu tư như quyền kinh doanh, sở hữu, đảm bảo các nguyên tắc của luật pháp, sở hữu trí tuệ…; (ii) thúc đẩy cạnh tranh qua tự do hoá và giảm điều tiết với việc thông qua luật cạnh tranh, đảm bảo tự do hoá cho tất cả các khu vực, giá cả thị trường minh bạch và công bằng; (iii) tạo điều kiện để khu vực tư nhân tham gia vào chuỗi cung ứng trên toàn cầu. Chính phủ sẽ đóng vai trò trung tâm trong các nỗ lực giúp các doanh nghiệp liên kết vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong NEM, Malaysia sẽ tập trung vào những nguồn lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế với cách tiếp cận mới, dựa trên động lực tăng trưởng là khu vực tư nhân, tăng năng suất lao động, hỗ trợ nâng cao năng lực công nghệ cho các ngành, phát triển các cụm và hành lang kinh tế.

Bên cạnh việc khuyến khích phát triển khu vực tư nhân và các doanh nghiêp, chính sách phát triển mới của Malaysia tập trung phát triển nguồn nhân lực. Theo đó, hệ thống giáo dục tương lai của Malaysia được dẫn dắt bởi các ưu tiên tăng trưởng của quốc gia và đạt được tiêu chuẩn chất lượng quốc tế. Điểm quan trọng hàng đầu là hệ thống giáo dục quan tâm đến nhu cầu của các ngành và đào tạo ra những học sinh với kỹ năng theo yêu cầu đặt ra. Bên cạnh đó, hệ thống đó cũng đề ra mục tiêu phải xây dựng được các tài năng của quốc gia từ giáo dục tiểu học, trung học đến đào tạo nghề, kỹ thuật và đại học. Nội dung thứ 2 của phát triển nguồn nhân lực là đào tạo và tái tạo lại kỹ năng cho lực lượng lao động. Đây là một bộ phận tạo ra các tài năng quốc gia bên cạnh nguồn từ hệ thống giáo dục. Nội dung thứ 3 của phát triển nguồn nhân lực là thu hút các tài năng trên toàn cầu. Theo đó, chính phủ và khu vực tư nhân sẽ cùng nhau làm việc để tạo các điều kiện thu hút các tài năng người Malaysia đang làm việc ở nước ngoài và các tài năng người nước ngoài về làm việc ở đất nước với các đãi ngộ như nhà ở cho họ và gia đình, các thủ tục nhập cư, cấp phép làm việc đơn giản hơn.

Một trong những nội dung quan trọng khác của điều chỉnh chính sách của Malaysia trong tham gia AEC là thực hiện chuyển đổi khu vực công. Quá trình chuyển đổi khu vực công ở Malaysia trước hết được tập trung vào việc cải thiện quá trình ra quyết định, thực hiện cách tiếp cận một chính phủ toàn tâm toàn ý cho việc cung cấp các dịch vụ; kết cấu lại các cơ quan chủ chốt của chính phủ. Nội dung thứ hai của chuyển đổi khu vực công là thực hiện những cải cách nhằm phân phối dịch vụ công có hiệu quả bao gồm: xây dựng một chính phủ trong sạch, có tính xây dựng, đảm bảo việc thiết kế các chính sách hiệu quả, xây dựng một hệ thống giám sát với sự tham gia không chỉ là các cơ quan của chính phủ mà còn có các tổ chức phi chính phủ như các hãng tư nhân, các nhóm xã hội dân sự, nâng cao vai trò của kiểm toán, đấu tranh chống tham nhũng. Bên cạnh đó, việc tăng cường quản lý tài chính công cũng chú trọng đến các giải pháp như đa dạng hóa nguồn thu của chính phủ, hợp lý hóa các khoản trợ cấp, các khuyến khích về thuế, cải thiện quản lý ngân sách, đảm bảo tính minh bạch của hệ thống tài khóa.

Cùng với chuyển đổi khu vực công, việc thực hiện các kế hoạch tổng thể AEC 2007- 2015 cũng khuyến khích Malaysia thực hiện nâng cao quá trình đổi mới, xây dựng cơ sở hạ tầng và năng lực tri thức bao gồm: tạo ra một môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp sử dụng nhân công có kỹ năng, xây dựng lại các quỹ đầu tư, hỗ trợ các doanh nhân; khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ và tham gia vào chuỗi giá trị, tạo ra mối quan hệ giữa nghiên cứu và triển khai, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ… ; thiết lập các cơ quan, trung tâm nghiên cứu công nghệ, triển khai Mô hình Đổi mới Quốc gia năm 2007, đảm bảo cân bằng giữa đổi mới do công nghệ chi phối với các chính sách do thị trường điều tiết.

Cuối cùng, phù hợp với việc thực hiện nội dung của Kế hoạch tổng thể AEC, Malaysia đề ra chính sách thu hẹp khoảng cách phát triển. Những đổi mới chính sách nhằm giảm bất bình đẳng và chênh lệch phát triển giữa các khu vực bao gồm: giảm những khác biệt về thu nhập thông qua các chương trình hỗ trợ cho các nhóm người bất lợi, tập trung vào nhóm 40% thu nhập thấp nhất; giảm sự khác biệt giữa các khu vực với các giải pháp phát triển có hiệu quả các cụm kinh tế; nâng cao khả năng tiếp cận các cơ hội một cách công bằng và bình đẳng, như cơ hội về việc làm, giáo dục, y tế, cơ hội kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội… Ngoài ra là các giải pháp về thúc đẩy tính cạnh tranh, gắn với thị trường, các thủ tục và tiêu chuẩn minh bạch…

  1. Hình thành các thể chế nhằm tạo thuận lợi cho hội nhập

Để có thể đẩy mạnh quá trình hội nhập có hiệu quả trong AEC, các cơ quan của chính phủ Malaysia đã thành lập và phân công trách nhiệm trong quá trình hợp tác thực hiện:

Thứ nhất: thành lập các cơ quan chuyên trách quốc gia cho hội nhập AEC, đẩy mạnh các hoạt động hợp tác trong khu vực. Trong đó, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Quốc tế của Malaysia là người đứng đầu chịu trách nhiệm trong các hoạt động hợp tác kinh tế của nước này với AEC: cử người tham gia Cuộc họp các Quan chức Kinh tế cấp cao (SOM) trước mỗi kỳ họp các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN hàng năm. Tại đó, các quan chức cấp cao của Malaysia thảo luận với các đối tác thành viên những vấn đề liên quan đến hội nhập kinh tế của khu vực, xem xét, đánh giá việc thực hiện các hiệp định, thỏa thuận đã được triển khai, thống nhất các chương trình nghị sự (bao gồm cả việc ký kết các hiệp định, nghị định thư mới) cho kỳ họp các Bộ trưởng Kinh tế. Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Quốc tế của nước này đảm trách việc ký kết các hiệp định, nghị định thư, các thỏa thuận về liên kết và hội nhập kinh tế đồng thời là cơ quan đầu mối triển khai việc thực hiện các thỏa thuận tới các bộ, ngành của đất nước. Trong đó, Malaysia luôn xem ASEAN và AEC là một thực thể gắn kết, là nền kinh tế lớn thứ 6 và đông dân thứ 3 trên thế giới.

Thứ hai: phân công trách nhiệm cho các cơ quan, bộ/ngành phối hợp các hoạt động hội nhập có hiệu quả. Để thúc đẩy hợp tác và hội nhập có hiệu quả trong AEC, Bộ Thương mại và Công nghiệp Quốc tế cũng thường xuyên phối hợp với Bộ Ngoại giao khi bàn thảo về những vấn đề hội nhập kinh tế quan trọng của khu vực tại các Cuộc họp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM) hàng năm, nhất là Hội nghị cấp cao ASEAN diễn ra từ 1 đến 2 lần trong năm. Một ví dụ điển hình về sự đồng thuận và phối hợp trong giới lãnh đạo nước này là việc Malaysia đã thành lập nhóm đặc trách Permudah. Theo đó, Pemudah là lực lượng đặc nhiệm (gồm có 23 người) là các nhân vật cấp cao ở cả khu vực tư nhân và công cộng được Thủ tướng Malaysia thành lập năm 2007 có nhiệm vụ: đánh giá lại hiện trạng hệ thống phân phối dịch vụ công về quy trình, thủ tục, hệ thống pháp lý, nguồn lực con người và đề xuất các chính sách mới để cải thiện; ban hành các quy định nhằm tạo thuận lợi cho kinh doanh; phối hợp giữa cơ quan khu vực công và tư để nâng cao năng lực cạnh tranh của Malaysia; giám sát việc thực hiện chiến lược, các chính sách, cải thiện tính hiệu lực, hiệu quả của hệ thống phân phối khu vực công và tư; giải quyết các vấn đề nảy sinh phù hợp với triết lý quốc gia về “một nước Malaysia, người dân trên hết, hành động ngay bây giờ”. Đây là một sáng kiến phối hợp giữa các Bộ để cải thiện tính hiệu quả lớn hơn trong cách thức chính phủ điều tiết doanh nghiệp. Việc triển khai sáng kiến thúc đẩy kinh doanh của Malaysia tiếp tục được đẩy mạnh trong những năm gần đây khi nước này triển khai Kế hoạch quốc gia về thực hành quản trị tốt, một kế hoạch nhằm thể chế hóa thực tiễn quản lý tốt trong ASEAN theo Kế hoạch Tổng thể AEC 2025. Malaysia là một trong những nước thành công trong cải cách các hoạt động điều tiết kinh doanh năm 2017…

(còn nữa)

(Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 01/2018)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here