Điều chỉnh toàn cầu hóa kinh tế dưới tác động của dịch Covid-19

0
129
(http://tapchitaichinh.vn)

Những tác động sâu, rộng và toàn diện của đại dịch Covid-19 đang đẩy nhanh sự chuyển dịch của cục diện kinh tế thế giới và khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, làm bộc lộ rõ hơn những hạn chế do sự tuỳ thuộc giữa các nền kinh tế. Vấn đế này đặt ra yêu cầu toàn cầu hóa kinh tế cần có điều chỉnh, chuyển sang một mô hình mới dựa trên nền tảng số, công nghệ số và tri thức, theo hướng cân bằng, hài hoà và bền vững hơn.

1. Đại dịch Covid-19 là “chất xúc tác” đẩy nhanh hơn quá trình điều chỉnh toàn cầu hóa, trong đó làm gay gắt hơn các mặt không thuận của toàn cầu hóa.

Thứ nhất, dịch Covid-19 làm gia tăng những thách thức đã và đang cản trở tiến trình toàn cầu hóa kinh tế trong những năm trở lại đây. Thách thức trực diện nhất là tạo nên cú sốc kép cả về nguồn cung và cầu thương mại, làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu; đẩy nhanh những điều chỉnh về mô hình kinh doanh, những dịch chuyển về chuỗi cung ứng, xu hướng phi tập trung hóa và phân hóa rủi ro,… của các chính phủ và doanh nghiệp, nhất là xu hướng tăng cường khả năng tự chủ của các nền kinh tế. Các điều chỉnh này có thể tác động làm quá trình toàn cầu hóa chậm lại, cản trở tự do thương mại và đầu tư. Theo ước tính của WTO, thương mại toàn cầu dự báo giảm khoảng 13% trong năm 2020.

Những hệ lụy về mọi mặt chính trị, kinh tế, xã hội của đại dịch Covid-19 làm gia tăng các nhân tố cản trở tiến trình toàn cầu hóa kinh tế cả về dài hạn và ngắn hạn. Có thể nói, đại dịch Covid-19 là chất xúc tác làm bộc lộ rõ hơn những mặt trái của toàn cầu hóa đã và đang diễn ra: thúc đẩy hơn xu hướng “co lại”, bảo hộ thương mại, góp phần làm gia tăng chủ nghĩa dân tộc cực đoan, dân túy chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và bài ngoại ở nhiều nước trên thế giới vốn đã nổi lên những năm qua. Bên cạnh đó, việc gia tăng đột biến các biện pháp khẩn cấp phòng vệ, bảo hộ thương mại,…  được các nước áp dụng trong ứng phó với đại dịch, mặc dù chỉ mang tính tạm thời, ngắn hạn song cũng tạo ra những rào cản đối với toàn cầu hóa kinh tế về lâu dài.

Thứ hai, đại dịch Covid-19 tạo ra những xu hướng mới làm thay đổi phương thức, mô hình và nền tảng của toàn cầu hóa. Đó là cách tiếp cận mới đối với các thách thức an ninh phi truyền thống khi các vấn đề này diễn ra ngày càng thường xuyên, cũng như mức độ, phạm vi tác động của các thách thức an ninh phi truyền thống đối với an ninh và phát triển của các quốc gia. Đó là sự thay đổi bản chất của các chuỗi giá trị toàn cầu không dựa trên lợi thế so sánh mang tính truyền thống như lao động giá rẻ, tài nguyên mà dựa trên ứng dụng khoa học công nghệ; vai trò chủ đạo của phát triển nền tảng số và thương mại dịch vụ toàn cầu.

2. Liên kết và kết nối kinh tế tiếp tục được thúc đẩy, trong đó xu hướng khu vực hóa nhiều khả năng sẽ phát triển mạnh hơn.

Thứ nhất, đại dịch Covid-19 không thể làm đảo ngược toàn cầu hóa và liên kết kinh tế do những nhân tố thúc đẩy tiến trình toàn cầu hóa trong những thập kỷ qua vẫn được duy trì, nhiều nhân tố phát triển mạnh hơn, nhất là trật tự kinh tế đa trung tâm, sự phát triển khoa học công nghệ, sự phụ thuộc lẫn nhau và lợi thế so sánh giữa các nền kinh tế, lưu chuyển vốn và dữ liệu toàn cầu được đẩy nhanh… Sự phát triển của nền kinh tế tri thức, cuộc cách mạng 4.0, các tiến bộ của khoa học công nghệ đặc biệt là nền tảng kỹ thuật số, công nghệ hậu cần và tiến bộ xử lý dữ liệu đã làm tăng tốc độ giao dịch kinh doanh, giảm chi phí giao dịch xuyên biên giới, rút ngắn khoảng cách về không gian và thời gian. Từ năm 2005-2017, lượng băng thông xuyên biên giới được sử dụng tăng gấp 148 lần.

Toàn cầu hóa “truyền thống” được thúc đẩy trong 75 năm qua với vai trò dẫn dắt của Mỹ và các nước phương Tây được dự báo sẽ chậm lại; thay vào đó, toàn cầu hóa về số sẽ phát triển nhanh, gắn với chuyển đổi số và kinh tế số, đặt ra yêu cầu phải đổi mới phương thức quản trị và kết nối toàn cầu. Quá trình toàn cầu hóa sẽ chịu tác động và gắn liền với quá trình tái định hình cục diện kinh tế thế giới.

Thứ hai, tư duy mới trong phát triển và hợp tác do tác động của đại dịch Covid – 19 làm thay đổi sâu sắc nội hàm của toàn cầu hóa và liên kết theo hướng gắn với kinh tế số, phát triển bền vững, bao trùm, tự cường, hội nhập và liên kết “mềm” tập trung vào các lĩnh vực văn hóa, xã hội…

Dưới tác động của Covid-19, tư duy phát triển bền vững, bao trùm, cân bằng, tự cường; xu thế tiêu dùng, đô thị theo hướng sống xanh, an toàn được thúc đẩy; hành vi trong đầu tư, tiêu dùng, du lịch cá nhân thay đổi. Theo đó, nội hàm của  liên kết kinh tế và hợp tác sẽ gắn hơn với phát triển tự cường, bền vững; coi trọng xử lý các tác động xã hội của công nghệ số và toàn cầu hóa, thiên tai, dịch bệnh; chú trọng hơn tới các vấn đề như an sinh xã hội, an ninh lương thực, sản phẩm thiết yếu (nhất là thiết bị y tế), biến đổi khí hậu… Nội dung phát triển bền vững, tự cường và bao trùm đã và đang trở thành ưu tiên lớn trong chương trình nghị sự của cơ chế hợp tác đa phương toàn cầu và khu vực như Liên hợp quốc, G20, Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn Hợp tác Á – Âu (ASEM), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)…

Những nội hàm quan trọng của toàn cầu hóa kinh tế (thương mại, lao động, tài chính) cũng tiếp tục có những điều chỉnh do phát triển công nghệ và chuyển đổi số như: điều chỉnh trong cấu trúc thương mại và sản phẩm theo hướng gia tăng thương mại dịch vụ; dữ liệu trở thành một hàng hóa thương mại và lưu chuyển tăng mạnh, trong khi tăng trưởng thương mại hàng hóa có xu hướng giảm do chính sách ưu tiên thị trường trong nước và chủ nghĩa bảo hộ ở nhiều nền kinh tế; xu hướng hạn chế nhập khẩu lao động để bảo vệ thị trường lao động trong nước, bảo đảm an sinh xã hội, trong khi nhu cầu nhập khẩu lao động tay nghề cao vẫn rất lớn; tài chính toàn cầu cũng đang có những thay đổi như xu hướng dịch chuyển các dòng đầu tư cùng với dịch chuyển chuỗi, phát triển các hình thức giao dịch số, tiền kỹ thuật số… Theo Báo cáo của Mc Kinsey&Conpany, tỷ trọng thương mại hàng hóa trong thương mại toàn toàn cầu ngày càng giảm, tốc độ thương mại dịch vụ tăng nhanh hơn thương mại hàng hóa 60% và hiện trị giá khoảng 13,4 nghìn tỷ USD, cao hơn tổng giá trị thương mại hàng hóa.

Thứ ba, các thể chế đa phương toàn cầu đứng trước yêu cầu bắt buộc phải điều chỉnh, cải cách; không loại trừ hình thành hệ thống thể chế đa phương mới phù hợp với cục diện thế giới sau 75 năm và để đáp ứng nhu cầu quản trị các xu thế và nội hàm mới của toàn cầu hóa. Nguyên nhân không chỉ xuất phát từ những bất cập nội tại của các thể chế này mà còn do sự thiếu hụt vai trò lãnh đạo, dẫn dắt của các cường quốc/nhóm cường quốc trong một thế giới đang “phân mảnh”. Tuy nhiên, vai trò của chủ nghĩa đa phương vẫn tiếp tục được các nước coi trọng. Thực tế cho thấy sau mỗi cuộc khủng hoảng toàn cầu lại có sự ra đời của các thể chế đa phương quan trọng.

Thứ tư, xu thế khu vực hóa sẽ được coi trọng và thúc đẩy hơn trong giai đoạn toàn cầu hóa đang điều chỉnh và thay đổi. Nguyên nhân chính là do hợp tác khu vực tỏ ra linh hoạt và hiệu quả hơn trong việc bảo đảm thúc đẩy kết nối, mở rộng không gian phát triển bền vững, hạn chế tác động của cạnh tranh nước lớn, đồng thời tạo điều kiện để các nước vừa và nhỏ phát huy vai trò dẫn dắt. Từ năm 2013, tỷ trọng thương mại hàng hóa trong nội khối các khu vực tăng 2,7%. Năm 2017, thương mại nội khối EU chiếm 63%, khu vực Châu Á – Thái Bình Dương chiếm 52,4% tổng kim ngạch thương mại của khu vực. Quá trình khu vực hóa đã bắt đầu từ trước đại dịch Covid-19 và sẽ tiếp tục được đẩy mạnh. Trong tương lai, không loại trừ khả năng hình thành 3 trung tâm thương mại – sản xuất do Mỹ, Trung Quốc, EU dẫn dắt với các chuỗi cung ứng mới được định hình xoay quanh 3 trung tâm này.

3. Với vai trò địa chính trị, kinh tế, và an ninh của khu vực, Châu Á – Thái Bình Dương tiếp tục đi đầu trong liên kết kinh tế, chuyển dịch số và công nghệ.

Là khu vực chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, song Châu Á – Thái Bình Dương tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng, vẫn có triển vọng trở thành trung tâm kinh tế của toàn cầu trong thế kỷ XXI. Đại dịch Covid-19 là “chất xúc tác”, đẩy nhanh các xu thế của thời đại số, tiếp tục thúc đẩy quá trình tập hợp, thay đổi tương quan lực lượng giữa các nước lớn và các trung tâm trong khu vực. Một số đánh giá cho rằng đại dịch Covid-19 thúc đẩy sự dịch chuyển quyền lực kinh tế chính trị mạnh mẽ theo hướng từ Tây sang Đông, tuy nhiên quá trình này sẽ lâu dài, tiệm tiến và phụ thuộc vào nhiều nhân tố.

Châu Á – Thái Bình Dương tiếp tục đi đầu trong liên kết kinh tế. Ngoài mạng lưới hơn 250 FTA đan xen trong khu vực, khu vực tiếp tục là tâm điểm của nhiều cơ chế kết nối tầm liên khu vực và toàn cầu. Bên cạnh đó, triển vọng hợp tác, gắn kết tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương cũng đang được thúc đẩy.

Khu vực này cũng tiếp tục là giao điểm của các đại chiến lược như “Vành đai – Con đường”, “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”… Các cơ chế liên kết kinh tế khu vực (CPTPP, ASEAN, AIIB…) sẽ được thúc đẩy trong khi các khuôn khổ hợp tác đa phương trong khu vực đứng trước yêu cầu phải cải cách, điều chỉnh nâng cao hiệu quả. Đại dịch Covid-19 đặt ra yêu cầu nâng cao tính tự chủ, khả năng chống chọi với các cú sốc khu vực, đặc biệt là cơ chế hợp tác, phản ứng nhanh của khu vực đối với các cú sốc và khủng hoảng.

Châu Á – Thái Bình Dương tiếp tục đi đầu trong xu thế thúc đẩy kinh tế số và chuyển đổi số. Bên cạnh tốc độ phát triển về nền tảng và công nghệ số, khu vực hiện đang tiên phong trong định hình các các khuôn khổ luật lệ mới về thương mại và kinh tế số, nghiên cứu thiết lập cơ chế xử lý tranh chấp… Trong 6 tháng đầu năm 2020, nhiều khuôn khổ song phương, nhiều bên về thương mại số, kinh tế số được ký kết như Thỏa thuận Mỹ – Nhật về thương mại số, Hiệp định kinh tế số giữa Úc và Singapore, Hiệp định đối tác kinh số giữa Chile, New Zealand và Singapore,… Các nước có xu hướng nâng cấp các FTA hiện có để mở rộng phạm vi điều chỉnh sang các vấn đề liên quan đến kinh tế số.

4. Một số vấn đề đặt ra đối với Việt Nam

Những điều chỉnh của toàn cầu hóa kinh tế do tác động của dịch Covid-19 sẽ tác động đa chiều đối với Việt Nam, nhất là với nền kinh tế mở và hội nhập sâu rộng hàng đầu trong khu vực. Thực tế chống dịch và phục hồi kinh tế của ta thời gian qua cho thấy thành quả của 35 năm đổi mới và hội nhập đã tạo ra những nền tảng vững chắc về tiềm lực kinh tế, quan hệ đối ngoại và ổn định chính trị, xã hội để kinh tế Việt Nam có thể ứng phó với khủng hoảng và là tiền đề quan trọng cho phục hồi và phát triển thời gian tới. Tuy nhiên, quá trình điều chỉnh của toàn cầu hóa sẽ tiếp tục với nhiều chuyển biến căn bản và sâu sắc, đặt ra nhiều vấn đề mới đối với ta. Đó là:

(i) Cần xác định đúng những động lực mới cho hội nhập, liên kết và phát triển kinh tế của nước ta hiện nay. Bài toán tăng trưởng của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập mới là: định hình lại mô hình tăng trưởng dựa trên xuất khẩu và đầu tư nước ngoài; yêu cầu đổi mới, sáng tạo, nâng cao hàm lượng công nghệ, xây dựng nền tảng số vững chắc để bắt kịp với toàn cầu hóa dựa trên nền tảng số và tri thức; phát triển khu vực dịch vụ theo hướng toàn cầu hóa…

(ii) Xử lý hài hoà, bền vững mối quan hệ giữa đa dạng hóa, đa phương hóa và độc lập, tự chủ của nền kinh tế.

(iii) Tham gia vào quá trình điều chỉnh toàn cầu hóa ở những cấp độ và lĩnh vực phù hợp, tranh thủ đón đầu những xu thế mới để phát triển kinh tế và nâng cao hơn nữa vai trò và vị thế của Việt Nam.

(iv) Đại dịch Covid-19 sẽ dẫn đến những biến động lớn không chỉ về kinh tế, chính trị mà cả xã hội; do đó cần đặt ưu tiên cao cho các chính sách phát triển bền vững, cân bằng, bảo đảm an sinh xã hội./.

Thái Phương

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here