Điện khí có phải là phương án tối ưu?

0
40
Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, đến năm 2025, Việt Nam sẽ có khoảng 15.000 MW công suất nhiệt điện khí. Trong ảnh: Trung tâm Điện khí Phú Mỹ. Ảnh: T.H
Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, đến năm 2025, Việt Nam sẽ có khoảng 15.000 MW công suất nhiệt điện khí. Trong ảnh: Trung tâm Điện khí Phú Mỹ. Ảnh: T.H

Tấp nập điện khí

Vừa qua, văn bản thông báo việc Thủ tướng Chính phủ đồng ý giao Tập đoàn AES làm chủ đầu tư Dự án Nhiệt điện khí Sơn Mỹ 2 vừa được Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh trao cho doanh nghiệp tại Washington (Hoa Kỳ). Nhà máy Nhiệt điện Sơn Mỹ 2 thuộc Trung tâm Nhiệt điện Sơn Mỹ (Bình Thuận) được đề cập trong Quy hoạch Điện VII điều chỉnh, bên cạnh Dự án Nhiệt điện khí Sơn Mỹ 1. Theo kế hoạch, Nhà máy gồm 3 tổ máy với quy mô 750 MW/tổ máy, sẽ sử dụng nhiên liệu đầu vào là khí LNG nhập khẩu. Nhiệt điện Sơn Mỹ 1 cũng có 3 tổ máy với quy mô 750 MW/tổ, hiện được giao cho tổ hợp các nhà đầu tư do EDF (Pháp) đứng đầu để phát triển. Trong thông cáo được phát ra ngày 30/9, Tập đoàn AES cho biết, Dự án Nhiệt điện khí Sơn Mỹ 2 sẽ có hợp đồng với thời gian 20 năm với Chính phủ Việt Nam, trước khi được chuyển giao. Tập đoàn này cũng đặt kế hoạch sẽ hoàn tất thu xếp tài chính cho Dự án trong năm 2021 và sẽ bắt đầu vận hành thương mại nhà máy điện từ năm 2024.

Theo Cục Điện lực và Năng lượng Tái tạo (Bộ Công thương), Việt Nam hiện có 7.200 MW điện khí. Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, đến năm 2025, Việt Nam sẽ có khoảng 15.000 MW công suất nhiệt điện khí, chiếm khoảng 15,6% tổng công suất các nguồn điện. Đến năm 2030, tổng công suất các nhà máy điện khí sẽ khoảng 19.000 MW, tương ứng cần khoảng 22 tỷ m3 khí cho phát điện.

Tuy nhiên, ngay từ sau năm 2020, nguồn khí trong nước sẽ không đủ để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ. Việt Nam cần nhập khẩu LNG để bù đắp lượng thiếu hụt cho sản xuất điện theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh. Tới năm 2030, gần 50% nhiên liệu khí cho phát điện là từ nguồn LNG nhập khẩu.

Giá điện có là điểm nghẽn

Quyết định chọn nhà phát triển dự án mới chỉ là những bước ban đầu. Để tiến tới triển khai dự án trên thực địa, chủ đầu tư – Tập đoàn AES sẽ phải hoàn tất đàm phán Hợp đồng mua bán điện (PPA) với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Hợp đồng BOT với cơ quan nhà nước đại diện cho Chính phủ Việt Nam.

Dĩ nhiên, với kinh nghiệm đã đầu tư Dự án Nhiệt điện than BOT Mông Dương 2 tại Quảng Ninh, AES có thể tự tin về “đường đi, nước bước” khi triển khai Dự án Nhiệt điện khí Sơn Mỹ 2.

Trước một số thông tin nhắc tới quy mô đầu tư của Dự án Nhiệt điện khí Sơn Mỹ 2 có thể lên tới 5 tỷ USD, các chuyên gia của ngành điện cho hay, nếu đầu tư 3 tổ máy điện khí có quy mô 750 MW/tổ thì cần khoảng 2 tỷ USD. Tuy nhiên, con số này chưa kể cảng nhập LNG hay hệ thống kho chứa. Lẽ dĩ nhiên, nếu quy mô vốn đầu tư dự án điện càng khủng, giá thành sản xuất điện sẽ càng cao.

Lấy ví dụ 2 dự án điện khí là Ô Môn 3 và Ô Môn 4 có tổng công suất khoảng 2.100 MW, với tổng vốn đầu tư dự tính là 51.288,6 tỷ đồng (tương đương khoảng 2,3 tỷ USD) đang được đề nghị giá bán điện từ khoảng 2.355 đồng/kWh và tối đa khoảng 2.840 đồng/kWh, khiến các cơ quan chức năng e ngại, vì mức giá này cao hơn rất nhiều so với giá bán lẻ điện bình quân hiện nay và tốc độ điều chỉnh giá điện trên thực tế.

Một điểm khác biệt lớn giữa Dự án BOT Mông Dương 2 và Dự án BOT Sơn Mỹ 2 là tỷ lệ bảo lãnh của Chính phủ về chuyển đổi ngoại tệ. Dự án BOT Mông Dương 2 được chấp thuận bảo lãnh chuyển đổi 100% số tiền bán điện thu được sang ngoại tệ, sau khi trừ các chi tiêu bằng VND. Tuy nhiên, các dự án BOT điện sau đó chỉ được bảo lãnh chuyển đổi ngoại tệ của Chính phủ cho dự án từ VND sang USD là 30% doanh thu, sau khi trừ chi tiêu bằng VND.

Với 70% nhu cầu chuyển đổi ngoại tệ còn lại, công ty BOT sẽ thực hiện chuyển đổi theo quy định của pháp luật Việt Nam về quản lý ngoại hối và Ngân hàng Nhà nước sẽ hỗ trợ để có đủ nguồn ngoại tệ cho công ty BOT khi cần thiết.

Tính toán sơ bộ của một chuyên gia đã tham gia đàm phán các dự án điện BOT cho hay, với công suất 1.200 MW, mỗi tháng, một dự án cần chuyển đổi khoảng 60 triệu USD. Số tiền này còn lớn hơn nữa, nếu dự án sử dụng nhiên liệu nhập ngoại, khi phải thanh toán bằng USD.

Cũng tại Dự án Nhiệt điện than Mông Dương 2, các nhà đầu tư gồm AES, Posco Power (Hàn Quốc), Tập đoàn Đầu tư Trung Quốc (CIC) đã mất khoảng 6 năm để hoàn tất đàm phán các hợp đồng liên quan trước khi chính thức khởi công xây dựng nhà máy. Sau đó, dự án này cũng cần thêm gần 5 năm để hoàn tất việc xây dựng./.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here