Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Campuchia 2016

0
138

Ngày 22/9/2016, Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia phối hợp với Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam tại Campuchia (AVIC), Hội đồng Phát triển Campuchia và Bộ Thương mại Campuchia tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Campuchia 2016.

Diễn đàn được tổ chức nhằm tìm hiểu cơ hội hợp tác, đầu tư và kinh doanh tại thị trường Campuchia, kết nối doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp Campuchia, thông tin cho các doanh nghiệp Việt Nam về môi trường đầu tư kinh doanh tại Campuchia, về quan hệ hợp tác kinh tế – thương mại giữa hai nước, kiến nghị lên các cơ quan chính phủ Việt Nam và Campuchia tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia.

Tham dự Diễn đã có khoảng 350 đại biểu tại Campuchia và từ Việt Nam sang, bao gồm: đoàn của 04 tỉnh Kiên Giang, Đồng Tháp, Long An, Bình Phước do Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng đoàn; đoàn của 05 tỉnh An Giang, Đắc Lắc, Đắc Nông, Gia Lai và TP. Hồ Chí Minh do lãnh đạo các Sở Ngoại vụ, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư dẫn đầu. Diễn đàn còn có sự tham dự của đại diện các doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư, kinh doanh tại Campuchia, doanh nghiệp Việt kiều; đại diện các cơ quan bên cạnh Đại sứ quán (Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam…). Về phía Campuchia có đại diện lãnh đạo Hội đồng Phát triển Campuchia (CDC), Bộ Thương mại Campuchia, Phòng Thương mại Campuchia, Phòng Thương mại tỉnh Preah Sihanouk và Campot, các hiệp hội doanh nghiệp Campuchia (Hiệp hội nữ doanh nhân, Hiệp hội du lịch và khách sạn…)

Phát biểu khai mạc tại Diễn đàn, Đại sứ Thạch Dư nhấn mạnh: mối quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Campuchia trong thời gian qua đã không ngừng được củng cố và tăng cường, trong đó quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư là các lĩnh vực đã đạt được những thành tựu đáng kể. Việt Nam hiện nay đã trở thành một trong những đối tác kinh tế hàng đầu của Campuchia với kim ngạch thương mại hai chiều năm 2015 đạt 3,4 tỷ USD; hiện Việt Nam có 182 dự án đầu tư tại Campuchia với tổng số vốn đăng ký là 2,85 tỷ USD. Việt Nam cũng là nước dẫn đầu về số lượng khách du lịch sang Campuchia với khoảng 988.000 người trong năm 2015. Tuy nhiên, tiềm năng hợp tác giữa hai nước còn rất lớn và đây là cơ hội cho cả doanh nghiệp Việt Nam và Campuchia.

Phát biểu tại Diễn đàn với chủ đề “Môi trường và cơ hội đầu tư tại Campuchia”, ông Chea Vuthy, Phó Tổng Thư ký CDC nhấn mạnh: ở cấp Chính phủ với Chính phủ, Việt Nam và Campuchia đã tổ chức 4 diễn đàn hợp tác kinh tế nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư; đánh giá cao việc Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia phối hợp với CDC, Bộ Thương mại Campuchia, Hiệp hội AVIC tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Campuchia năm 2016. Ông nhấn mạnh, đây là diễn đàn quan trọng, góp phần để các doanh nghiệp hai nước Việt Nam và Campuchia tìm hiểu cơ hội hợp tác, kết nối kinh doanh và nghiên cứu đầu tư vào thị trường Campuchia. Campuchia là nước láng giềng của Việt Nam, đang thực hiện nền kinh tế mở, do vậy cơ hội đầu tư vào thị trường Campuchia là rất nhiều, trong đó Chính phủ Campuchia đang khuyến khích và dành ưu đãi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, chế biến hàng nông sản. Ông Chea Vuthy cũng thông báo cho các doanh nghiệp Việt Nam – Campuchia biết về những số liệu cơ bản, quan trọng của nền kinh tế Campuchia, môi trường đầu tư của Campuchia, chính sách phát triển công nghiệp của Campuchia giai đoạn 2015 – 2025 và những lý do các doanh nghiệp Việt Nam nên đầu tư vào Campuchia. Ông nhấn mạnh, Chính phủ Campuchia luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó coi trọng các nước láng giềng, đặc biệt là đầu tư vào các đặc khu kinh tế (SEZ) của Campuchia tại Phnom Penh, Sihanoukville, Koh Kong. Về chính sách phát triển công nghiệp giai đoạn 2015 – 2025, Campuchia sẽ tiếp tục chú trọng thu hút FDI vào phát triển các SEZ, thu hút FDI vào lĩnh vực công nghiệp, chú trọng phát triển công nghiệp chế biến hàng nông sản; tiếp tục chú trong phát triển công nghiệp dệt may, da giày. Cũng tại Diễn đàn, ông Chea Vuthy cho biết Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan cũng quan tâm đến chính sách phát triển công nghiệp của Campuchia và hy vọng sẽ có nguồn FDI mới vào lĩnh vực này.

Về thúc đẩy thương mại, kết nối doanh nghiệp hai nước, ông Ho Sivyong, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Thương mại Campuchia cho biết, mặc dù kim ngạch thương mại hai nước năm 2015 chỉ đạt 3,37 tỷ USD nhưng hợp tác thương mại hai nước có nhiều điều kiện, tiềm năng phát triển. Ngoài hợp tác chính thức, hợp tác thương mại biên giới (10 tỉnh Việt Nam với 9 tỉnh Campuchia) ngày càng phát triển. Hiện Chính phủ Việt Nam và Campuchia đang đẩy nhanh việc nghiên cứu về đề xuất chính sách thuế ưu đãi đối với hàng hóa xuất khẩu của hai nước vào thị trường của nhau. Phía Campuchia sẽ sớm sửa đổi, bổ sung Hiệp định Thương mại song phương (ký 2008), Hiệp định về mua bán, trao đổi hàng hóa và dịch vụ thương mại ở khu vực biên giới (ký 2001) cũng như nghiên cứu đàm phán về Hiệp định tránh đánh thuế hai lần.

Trong phần hỏi – đáp, đại diện các doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư và kinh doanh tại Campuchia cũng như một số doanh nghiệp đang nghiên cứu chuẩn bị đầu tư, kinh doanh tại Campuchia đã nêu lên một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư vào Campuchia cụ thể như hệ thống luật pháp liên quan đến đầu tư của Campuchia đang trong quá trình sửa đổi, hoàn thiện nên có nhiều thay đổi, tạo ra những rủi ro cho các nhà đầu tư Việt Nam; về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các dự án đầu tư trồng cao su; vấn đề cấp visa và thẻ lao động cho lao động Việt Nam tại các dự án đầu tư; về đánh thuế cao của Hải quan Campuchia với một số mặt hàng công nghiệp, nông sản xuất sang Việt Nam. Các câu hỏi xung quanh môi trường đầu tư và kinh doanh tại Campuchia của phía doanh nghiệp Việt Nam đã được các diễn giả, quan chức CDC, Bộ Thương mại, Phòng Thương mại Campuchia trả lời cụ thể, qua đó góp phần làm cho doanh nghiệp Việt Nam yên tâm, có thêm cơ sở trước khi quyết định đầu tư và kinh doanh tại Campuchia.

Tại Diễn đàn, các doanh nghiệp Việt Nam bày tỏ phấn khởi vì được cung cấp nhiều thông tin hữu ích về những lĩnh vực ưu tiên đầu tư, kinh doanh của cả Campuchia và Việt Nam. Đại sứ quán cũng đã bố trí bàn để một số tỉnh (Đồng Tháp, Long An, Kiên Giang, Đắk Lắk, An Giang) giới thiệu trưng bày sản phẩm để các doanh nghiệp Việt Nam gặp gỡ, kết nối trực tiếp với các doanh nghiệp Campuchia nhằm tìm kiếm đối tác tiềm năng cho doanh nghiệp và địa phương mình. Buổi chiều cùng ngày, Đại sứ quán đã tổ chức phần kết nối, gặp gỡ trực tiếp giữa các doanh nghiệp Việt Nam của Đồng Tháp, Đắk Lắk, Kiên Giang, Long An, TP. Hồ Chí Minh có nhu cầu kết nối doanh nghiệp và bạn hàng Campuchia thông qua Hiệp hội nữ doanh nhân Campuchia. Tại buổi kết nối này, một số doanh nghiệp Việt Nam đã tìm được đối tác ban đầu và Công ty cổ phần Đặc sản Đồng Tháp đã ký được hợp đồng mua bán các sản phẩm chế biến từ sen với Chủ tịch Hiệp hội nữ doanh nhân Campuchia. Trong khuôn khổ Diễn đàn, Đại sứ quán cũng đã bố trí cho các doanh nghiệp Việt Nam đi tham quan, khảo sát thực tế tại Trung tâm Thương mại Sorya và Đặc khu Kinh tế Phnom Penh.

(Nguồn: Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here