Điểm yếu của kinh tế Australia là đang phụ thuộc quá nhiều vào quặng sắt

0
202
(Internet)

Tháng 2/2021, lần đầu tiên Australia đã xuất khẩu nhiều hơn 8 tỷ AUD (5,6 tỷ USD) hàng hóa so với ba tháng nhập khẩu liên tiếp. Con số này đem tới mức thặng dư thương mại cao kỷ lục cho Australia. Tuy nhiên, tin tốt này lại ẩn chứa những lo ngại về sự thiếu hụt sức mạnh hiện tại trong lĩnh vực xuất khẩu của “Xứ chuột túi” do việc phụ thuộc lớn hơn bao giờ hết vào mặt hàng quặng sắt.

Xuất khẩu đã trở thành yếu tố then chốt thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Australia, chủ yếu là xuất khẩu năng lượng. Trong đó, quặng sắt chiếm tới hơn 50% tổng sản lượng và là nguồn thu chính. (Nguồn: The Australian)

Trong bài viết đăng tải trên tờ The Guardian Australia, nhà báo Greg Jericho nhận định nền kinh tế của Australia đang “nhờ cậy” vào xuất khẩu để tăng trưởng.

Theo tác giả, về cơ bản, trong khu vực tư nhân, có ba yếu tố tạo nên và thúc đẩy nền kinh tế lớn nhất khu vực Thái Bình Dương, bao gồm chi tiêu hộ gia đình, đầu tư tư nhân và xuất khẩu.

Trong vài thập niên gần đây, khi hoạt động khai thác bùng nổ tại Australia, đầu tư tư nhân đã vươn lên trở thành lĩnh vực tăng trưởng nóng nhất. Tất cả những công trình xây dựng mỏ, cũng như giao thông đường bộ, đường sắt đều gắn liền với các khu mỏ, thúc đẩy nền kinh tế phát triển và tạo ra nguồn doanh thu đáng kể cho ngân sách nhà nước.

Nhưng sau khi các khu mỏ đã được xây dựng, sự bùng nổ dần chuyển dịch từ đầu tư tư nhân sang xuất khẩu. Giai đoạn 2003-2004, đầu tư tư nhân của Australia tăng trưởng khoảng 2,6%, trong khi xuất khẩu chỉ tăng 0,3%. Cho tới giai đoạn 2018-2019, trước khi đại dịch COVID-19 xuất hiện, tỷ lệ tăng trưởng xuất khẩu của nước này đã nhảy vọt lên mức 1,1%, trong khi đầu tư tư nhân sụt giảm 0,8%.

Khoảng một thập kỷ gần đây, xuất khẩu đã trở thành yếu tố then chốt thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Australia, chủ yếu là xuất khẩu năng lượng. Trong đó, quặng sắt chiếm tới hơn 50% tổng sản lượng và là nguồn thu chính. Năm 2020, đại dịch bất ngờ xuất hiện và phá hủy mọi thứ. Quý IV/2020, tổng giá trị xuất khẩu của Australia giảm hơn gần 14.000 tỷ AUD so với năm trước đó, tương đương mức giảm 12%.

Nhưng ảnh hưởng sụt giảm xuất khẩu không tác động lớn đến tổng thể nền kinh tế Australia vì nhập khẩu cũng suy giảm theo. Theo lý thuyết, nhập khẩu nhiều sẽ làm giảm tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) do chúng liên quan tới việc đưa tiền ra khỏi nền kinh tế. Vì vậy, nhập khẩu ít hơn lại khiến GDP tăng trưởng tốt hơn.

Mặc dù vậy, sự vận hành của nền kinh tế luôn rất phức tạp. Điều đó có nghĩa là không phải bất kỳ quốc gia nào cũng muốn giảm nhập khẩu. Việc nhập khẩu nhiều hơn đem tới một dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đang thực sự khỏe mạnh. Điều đó có nghĩa là người dân có thu nhập ổn định hơn, đủ khả năng chi trả cho các mặt hàng thiết yếu và những thứ cần thiết để xây dựng và sản xuất, thúc đẩy tiêu dùng nội địa.

Do đó, quay trở lại với nội dung ban đầu của bài viết, con số kỷ lục thặng dư thương mại hàng hóa trị giá 8 tỷ AUD của Australia cho thấy sản lượng nhập khẩu đang giảm đi đáng kể, cùng với xuất khẩu.

Tháng 2/2021, xuất khẩu hàng hóa của Australia đạt hơn 370 triệu AUD, thấp hơn gần 17 triệu AUD so với cùng kỳ năm trước. Nhưng nhập khẩu hàng hóa của nước này, cùng thời điểm, chỉ đạt hơn 294 triệu AUD, ít hơn 10,6 triệu so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả tất yếu là thặng dư thương mại tiếp tục duy trì mức cao, thậm chí chạm đỉnh.

Trong tổng số các ngành hàng xuất khẩu, quặng sắt vẫn là nguồn doanh thu chính đem lại thặng dư thương mại cho Australia. Năm 2020, quặng sắt chiếm tới 41% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa. Bất chấp đại dịch, nhu cầu về mặt hàng này trên thế giới đã tăng trưởng đột biến trong năm qua, chủ yếu là ở thị trường Trung Quốc, đẩy giá bán quặng sắt lên ngưỡng cao kỷ lục, tạo ra lợi nhuận đáng kể cho các nhà xuất khẩu Australia.

Nhưng các sản phẩm xuất khẩu khác, bao gồm cả than đá và khí đốt tự nhiên, đều sụt giảm. Các số liệu chính thức cho thấy vào tháng 2/2021, xuất khẩu quặng sắt đạt giá trị hơn 161,5 triệu AUD, cao hơn 5 triệu AUD so với tháng trước đó và là con số giá trị xuất khẩu lớn nhất từ trước tới nay của Australia.

Trong khi đó, xuất khẩu than đá, khí đốt và nhiên liệu tự nhiên đạt 84,6 triệu AUD, giảm 1,9 triệu AUD so với tháng trước và 38,9 triệu AUD so với cùng kỳ năm trước. Các mặt hàng còn lại cũng chứng kiến một sự sụt giảm tương tự với tổng giá trị xuất khẩu tháng 2/2021 đạt xấp xỉ 124,5 triệu AUD, thấp hơn 2 triệu AUD so với cùng kỳ năm trước.

Australia đã may mắn khi sở hữu nguồn cung quặng sắt lớn nhất thế giới. Mặt hàng này tạo ra doanh thu cho đất nước, nhưng đồng thời cũng cho thấy cơ sở kinh tế của “xứ chuột túi” đã trở nên rất hạn chế. Quốc gia này đang vô cùng phụ thuộc vào xuất khẩu quặng sắt để tăng trưởng.

Một điểm đáng lưu ý là phần lớn các khu vực khai thác mỏ hiện nay đều nằm ở bang Tây Australia, biến địa phương này trở thành nguồn xuất khẩu hàng đầu của cả nước. Do đại dịch gây ảnh hưởng, năm 2020, xuất khẩu từ tất cả các bang khác nhau của Australia đều sụt giảm, bao gồm cả bang Queensland, nơi sở hữu gần như toàn bộ các mỏ than đá và khí đốt quốc gia, mặc dù vậy xuất khẩu từ bang Tây Australia vẫn tiếp tục tăng. Xét trên các số liệu thống kê cụ thể, hơn nửa số hàng hóa xuất khẩu của Australia hiện nay đến từ bang Tây Australia. Đầu thế kỷ này, con số đó chỉ nằm ở mức dưới 1/4.

Điều này đem tới một điểm lý giải mới, rằng khi nói về thặng dư thương mại của Australia, thực chất là chúng ta đang nói tới thặng dư thương mại của bang Tây Australia. Nếu loại trừ bang này ra khỏi tổng số, thì Australia đang thâm hụt thương mại và mức thâm hụt này nằm trong khoản các mức tồi tệ nhất từng được ghi nhận của nước này.

Kết thúc bài viết, tác giả cho rằng bức tranh toàn cảnh này củng cố thêm luận điểm về cơ cấu xuất khẩu mất cân bằng của Australia, với sự phụ thuộc “đáng lo ngại” vào quặng sắt. Do đó, nếu không có những bước chuyển dịch hợp lý, nền kinh tế Australia sẽ đối mặt với rất nhiều thách thức, đặc biệt là khi mặt hàng xuất khẩu lớn nhất cả nước bước vào giai đoạn thoái trào.

Diệu Linh

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here