Dịch Covid-19: 80% doanh nghiệp chưa tiếp cận được chính sách hỗ trợ

0
63
Việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ của doanh nghiệp vẫn chưa được như kỳ vọng. (Nguồn: Lao động)

Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nghiệp nhỏ và vừa chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19 cần rõ ràng, minh bạch và hỗ trợ đúng người, kịp thời.

Việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ của doanh nghiệp vẫn chưa được như kỳ vọng. (Nguồn: Lao động)

Từ cuối năm 2019, đại dịch Covid-19 đã lây lan nhanh chóng tới 235 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tính đến đầu tháng 12/2020, thế giới đã có 65 triệu ca nhiễm và đại dịch đã cướp đi sinh mạng của hơn 1,5 triệu người trên thế giới.

Để hạn chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2, các quốc gia, trong đó có Việt Nam buộc phải áp dụng các biện pháp phòng dịch mạnh mẽ như đóng cửa biên giới, giãn cách xã hội, hạn chế các đường bay trong nước và quốc tế. Tác động kép từ sự lây lan dịch bệnh cùng các biện pháp phòng dịch đã tạo ra những ảnh hưởng sâu rộng tới hoạt động sản xuất – kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam.

Tại “Diễn đàn chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19: Thu hẹp khoảng cách từ chính sách tới thực thi” được tổ chức mới đây ở Hà Nội, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) TS. Vũ Tiến Lộc cho biết, dịch Covid-19 đã khiến cộng đồng doanh nghiệp chịu tác động rất nặng nề, hoạt động kinh doanh đình trệ.

Tính đến tháng 11/2020, đã có khoảng 15.000 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, chỉ tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, con số doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động và rời khỏi thị trường đã lên tới 44.000 doanh nghiệp, tăng 60% so với cùng kỳ năm 2019.

TS. Vũ Tiến Lộc cho rằng, như vậy, trung bình mỗi tháng ở Việt Nam đã có trên 5.000 doanh nghiệp phải rời khỏi thị trường. Đây là con số cao kỷ lục từ trước tới nay và kéo theo đó là rất nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến việc làm và thu nhập của hàng chục triệu người.

Bên cạnh đó, TS. Vũ Tiến Lộc đánh giá cao các chính sách hỗ trợ của Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp chịu tác động từ Covid-19. Ngay từ những ngày đầu dịch bùng phát, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4/3/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với đại dịch Covid-19. Các bộ ngành, địa phương đã nhanh chóng vào cuộc và ban hành khoảng 95 văn bản về các biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Các chính sách đã được ban hành tương đối đầy đủ và đồng bộ, thể hiện ở các gói hỗ trợ lớn. Như chính sách tiền tệ, trọng tâm là cơ cấu lại nợ, miễn, giảm lãi suất, hỗ trợ tín dụng với quy mô 250 nghìn tỷ đồng. Chính sách tài khóa, trọng tâm là gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất với quy mô 180 nghìn tỷ đồng. Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trả lương cho người lao động 16 nghìn tỷ đồng; gói chính sách hỗ trợ bảo đảm an sinh xã hội.

“Việc ban hành các chính sách trên đã kịp thời cổ vũ, động viên tinh thần đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Một thông điệp vô cùng tích cực về sự đồng hành từ Chính phủ đã được lan tỏa tới cộng đồng kinh doanh”, TS. Vũ Tiến Lộc nhận định.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch VCCI, việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ của doanh nghiệp vẫn chưa được như kỳ vọng. Cụ thể, đến ngày 27/11, mới có 75 doanh nghiệp vay được từ gói hỗ trợ 16.000 tỷ đồng này để trả lương cho 3.851 lao động bị ngừng việc do ảnh hưởng của đại dịch.

Theo Trưởng đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) tại Việt Nam Caitlin Wiesen, Chính phủ có vai trò quan trọng trong việc tạo điều kiện cho các chính sách và khuyến khích để thúc đẩy các doanh nghiệp vừa và nhỏ như một động lực trong việc xây dựng một nền kinh tế mạnh mẽ và chống chịu hơn.

Hầu hết doanh nghiệp Việt Nam phải cắt giảm hoạt động kinh doanh và giảm số lượng công nhân do sự sụt giảm nghiêm trọng về nhu cầu đầu ra và gián đoạn nguồn cung. 

Ngoài ra, các thành phần kinh tế khác như các hợp tác xã cũng đã phải đối mặt với những tác động do dịch, nhưng chưa được quan tâm hỗ trợ đúng mức hỗ trợ chính của quốc gia.

Bà Caitlin Wiesen cho rằng, trong bối cảnh hiện tại, việc các doanh nghiệp phát triển thương mại điện tử hay chuyển đổi số là một hướng đi tốt. UNDP đang hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã ở một số địa phương phát triển các mô hình thương mại điện tử…

Nghiên cứu của Viện Kinh tế Việt Nam cho thấy, chỉ có khoảng 20% số doanh nghiệp và hộ sản xuất kinh doanh tiếp cận được các chính sách hỗ trợ này. Khảo sát của Đại học Kinh tế Quốc dân cũng khẳng định, có tới 80% doanh nghiệp và hộ sản xuất kinh doanh chưa tiếp cận được chính sách hỗ trợ.

Ông Nguyễn Tú Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Du lịch Việt Nam thông tin, doanh nghiệp nói chung được hưởng chính sách đã ít, doanh nghiệp ngành Du lịch lại càng ít hơn. Đơn cử như chính sách cho doanh nghiệp vay tiền để trả lương cán bộ công nhân viên. 

“40 nghìn doanh nghiệp du lịch chỉ có 1 doanh nghiệp tiếp cận được gói này”, ông Nguyễn Tú Bình nói.

Còn ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho rằng, có không ít doanh nghiệp phàn nàn, đánh giá thấp về mức độ thuận lợi khi tiếp cận thông tin về chính sách hỗ trợ, mức độ hữu ích của chính sách hỗ trợ theo từ ngành, lĩnh vực kinh tế….

Vì vậy, ông Tuấn khuyến nghị, các chính sách hỗ trợ cần rõ ràng, minh bạch để bảo đảm doanh nghiệp, hộ kinh doanh và người lao động tiếp cận, hiểu rõ phạm vi, đối tượng, điều kiện, trình tự, thủ tục để các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ đúng người, kịp thời.

Bên cạnh đó, cần nới lỏng một số điều kiện nhằm mở rộng đối tượng thụ hưởng và giảm thiểu thủ tục, quy trình tiếp cận các gói hỗ trợ, đặc biệt là thủ tục chứng minh về tài chính…

Gia Thành

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here