Dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu: Cơ hội thúc đẩy quan hệ thương mại song phương Việt Nam – Hoa Kỳ

0
48
Cập nhật chính sách, đưa ra những phân tích, đánh giá những khó khăn cũng như cách nắm bắt cơ hội mới… là nội dung chính của Diễn đàn Thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ 2019 với chủ đề “Dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu – Cơ hội thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư song phương” do Bộ Công Thương phối hợp với Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (Amcham) tổ chức sáng ngày 6/9. Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải tham dự khai mạc và phát biểu chỉ đạo diễn đàn.

Hoa Kỳ – đối tác thương mại, đầu tư hàng đầu của Việt Nam

Trong nhiều năm qua, Hoa Kỳ luôn là đối tác kinh tế – thương mại hàng đầu của Việt Nam. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, năm 2018, Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ đạt 47,5 tỷ USD, tăng 14,2%, chiếm hơn 20% tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới. Nhập khẩu từ Hoa Kỳ vào Việt Nam cũng tăng cao, đạt 12,8 tỷ USD, tăng 36,4% so với năm 2017. Tính trong 7 tháng/2019, kim ngạch thương mại song phương đã đạt 41,1 tỷ USD, tăng 24% so với cùng kỳ. Hoa Kỳ thuộc “Top 10” nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn của Việt Nam với tổng vốn đăng ký lũy kế năm 2018 đạt 9,3 tỷ USD.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, một đặc điểm rất quan trọng cần nhắc đến trong quan hệ kinh tế, thương mại song phương giữa Việt Nam – Hoa Kỳ đó là tính chất bổ trợ của hai nền kinh tế. Trong dài hạn, Việt Nam định hình chính sách kinh tế – thương mại với tất cả các nước đối tác, trong đó có Hoa Kỳ theo hướng bền vững và cân bằng.

viet nam hoa ky dich chuyen chuoi cung ung toan cau co hoi thuc day quan he thuong mai song phuong
Diễn đàn thu hút sự quan tâm của cộng đồng các doanh nghiệp Việt Nam và Hoa Kỳ

Với những căng thẳng diễn ra trong hệ thống thương mại toàn cầu thời gian gần đây giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ đã đặt các quốc gia đứng trước nhiều thách thức, nhưng đồng thời cũng xuất hiện những cơ hội thuận lợi.

Bà Mary Tarnowka – Giám đốc điều hành AmCham tại Việt Nam – cho biết, đứng trước thực tế đang diễn ra của thương mại toàn cầu, nhiều thành viên AmCham đã thay đổi chiến lược kinh doanh ngắn hạn và dài hạn khi đa dạng hóa chuỗi cung ứng, tăng sản xuất và tìm nguồn cung ứng từ Việt Nam, giảm lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Tuy nhiên, bà Mary Tarnowka cũng nhấn mạnh, Việt Nam cần có những cải thiện về năng lực về hậu cần, cơ sở hạ tầng, bất động sản… để có thể linh hoạt trong sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng toàn cầu. Đồng thời, nỗ lực thực thi các chính sách để hướng đến mối quan hệ kinh tế, thương mại cân bằng, bền vững, hạn chế thấp nhất các tác động tiêu cực.

Linh hoạt, tận dụng cơ hội trong dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu

Xung đột thương mại toàn cầu đã buộc các tập đoàn quốc tế lớn, trong đó có Hoa Kỳ phải xem xét lại chiến lược nguồn cung của mình. Vì vậy, nhiều quốc gia có năng lực cung ứng tốt có cơ hội để mở rộng đầu tư, sản xuất và xuất khẩu mà Việt Nam hiện đang là điểm đến đầu tư cũng như tăng nhanh mức thâm hụt thương mại với Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Trần Toàn Thắng, Trưởng Ban kinh tế thế giới, Trung tâm thông tin và dự báo Kinh tế xã hội quốc gia (NCIF) cho thấy, khi thâm hụt thương mại Hoa Kỳ với Việt Nam tăng nhanh cũng có thể kéo theo những hệ lụy như: sức ép phá giá VND tăng nhanh trong trường hợp Trung Quốc phải điều chỉnh đồng NDT và kinh tế Hoa Kỳ tiếp tục phục hồi, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc sụt giảm.

Việc dịch chuyển dòng đầu tư FDI cũng có thể có nguy cơ tăng nguồn FDI kém chất lượng. Chình vì thế Việt Nam cần phải chuẩn bị điều kiện tốt hơn để tiếp nhận nguồn FDI có chất lượng, cải thiện chuỗi cung ứng, hoàn thiện quy định về rủi ro đối với các DN đầu tư trong nước…

Bên cạnh đó, trong bối cảnh Việt Nam đã hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và toàn cầu, yêu cầu ngăn chặn gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp ngày càng trở nên cấp thiết, khi xu thế bảo hộ tiếp tục có xu hướng gia tăng tại nhiều nước trên thế giới khi xung đột thương mại Hoa Kỳ – Trung Quốc diễn biến phức tạp.

Ông Lê Triệu Dũng – Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) – cho biết, để thực hiện chủ trương này, ngày 4/7/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 824/QĐ- TTg ban hành Đề án “Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ”, nhằm nâng cao hiệu quả của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, ngăn chặn các hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại. Đặc biệt là gian lận xuất xứ hàng hóa, ngăn chặn hiện tượng Việt Nam bị lợi dụng làm điểm trung chuyển để xuất khẩu hàng hóa sang nước thứ ba, theo hướng toàn diện, đồng bộ và kịp thời, giúp khai thác hiệu quả các cam kết quốc tế, phát triển bền vững xuất nhập khẩu.

Để có thể tận dụng cơ hội trong dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu, các doanh nghiệp (DN) cần chủ động nghiên cứu nhập khẩu từ Hoa Kỳ các hệ thống máy móc, thiết bị, công nghệ cao phù hợp phục vụ sản xuất, xuất khẩu. Sản xuất và xuất khẩu sang Hoa Kỳ bằng chính công nghệ và nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ Hoa Kỳ, gắn với xây dựng chuỗi cung ứng khép kín sẽ là bước đi chắc chắn, nhanh và hiệu quả nhất cho DN.

Diễn đàn thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ đã trở thành một sự kiện thường niên, được tổ chức nhằm mục đích cung cấp thông tin, cập nhật tình hình chính sách, đưa ra những phân tích, đánh giá, nhận định và những giải pháp để giúp định hướng cho DN xây dựng chiến lược tiếp cận thị trường Hoa Kỳ một cách chuyên nghiệp và bài bản. Cùng với sự tham gia của đại diện đến từ nhiều Bộ, ngành, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố, hiệp hội DN cũng như các chuyên gia từ Việt Nam và Hoa Kỳ, diễn đàn sẽ là cơ hội để cộng đồng DN hai nước gặp gỡ, tiếp xúc, tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh, giúp các DN nắm bắt được thông tin thiết thực để xây dựng kế hoạch kinh doanh phù hợp, hiệu quả và bền vững.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here