Dịch bệnh là cơ hội giúp thế giới “cài đặt” lại

0
72
(Getty Images)
(Getty Images)

Ngày 30/3/2020, Beijing Review đăng bài viết của ông Michael Zakkour, Nhà sáng lập và Giám đốc điều hành của 5 New Digital, sau đây là một số nội dung chính:

Sự lây lan và các tác động của dịch bệnh diễn ra rất nhanh trên diện rộng; tin tức về các ca nhiễm, tử vong, đóng cửa các nhà máy, cửa hàng, xáo trộn kinh tế, đứt gãy chuỗi cung, sụt giảm thị trường chứng khoán, biến động địa chính trị thay đổi từng giờ. Tuy nhiên, có ba thực tiễn căn bản về lâu dài quyết định việc dịch bệnh có những tác động dài hạn như thế nào tới kinh tế toàn cầu, kinh tế mỗi quốc gia và đời sống của 7 tỷ người dân thế giới và cả ba nhân tố này đều xoay quanh quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc.

Thứ nhất, thế giới thực tế đã bước vào suy thoái, sẽ trầm trọng hơn trong quý 2 và 3, có nguy cơ diễn biến thành đại suy thoái. Kinh tế Trung Quốc hầu như nằm im trong gần 3 tháng đầu năm; các hoạt động kinh tế của Mỹ, Châu Âu hiện cũng đang án binh bất động. Các chính phủ, tổ chức tài chính, ngân hàng, các nhà kinh tế toàn cầu hiện cơ bản có nhận định chung kinh tế thế giới suy thoái trong cả năm 2020, với tăng trưởng chỉ nằm trong biên độ 0,5-1,2%; có nguy cơ kéo dài biến thành đại khủng hoảng; đang cân nhắc so sánh mức tương đồng với các cuộc khủng hoảng 1929, 1987, 2001, 2009 và thậm chí có thể là một loại suy thoái chưa từng có tiền lệ. Trải nghiệm của Trung Quốc cho thế giới gợi ý về thời gian biểu của chu trình tác động của dịch bệnh, từ giai đoạn khởi phát, đến lây lan, suy giảm kinh tế và hồi phục. Kinh tế thế giới sẽ chịu ảnh hưởng, phục hồi và biến đổi như thế nào qua dịch bệnh phần lớn phụ thuộc vào cách Mỹ và Trung Quốc tương tác, hợp tác/không hợp tác và định hình triển vọng toàn cầu.

Thứ hai, mặt tiêu cực trong quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung không ngừng gia tăng giữa lúc thế giới đang rất cần sự hợp tác, không phải là “phân tách” Trung – Mỹ. Khi dịch bùng phát, cả thế giới ngay lập tức đều tỏ quan ngại về chuỗi cung toàn cầu vì Trung Quốc là trung tâm chế tạo lớn nhất thế giới; và hàng nghìn công ty như Apple, Walmart, Nintendo… bày tỏ khả năng không cung ứng được sản phẩm của mình ra thị trường do việc sản xuất các thành phẩm cuối cùng được thực hiện bởi các nhà máy ở Trung Quốc. Điều này cho thấy kinh tế toàn cầu, các hoạt động kinh tế, công cụ sản xuất, vận chuyển, trao đổi mọi loại hàng hóa đã trở nên phụ thuộc quá chặt chẽ với nhau; thế giới được kết nối kinh tế số và thông qua mạng lưới các chuỗi cung đang trở nên quá mong manh; và sự kiện thiên nga đen này sẽ tác động tới tất cả, Mỹ, Trung Quốc và phần còn lại của thế giới. Thay vì đoàn kết, hợp tác, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới lại làm điều ngược lại, khởi nguồn từ cuộc thương chiến kéo dài hơn hai năm cho đến cuộc đấu khẩu đổ lỗi lẫn nhau hiện nay. Hơn lúc nào hết, cả Mỹ và Trung Quốc cần phải khẩn trương nhận trách nhiệm lãnh đạo toàn cầu, cùng nhau xử lý các vấn đề chung của nhân loại. Thế giới sẽ diễn tiến theo kịch bản nào trong 6 đến 18 tháng tới sẽ tùy thuộc vào từng hành động riêng lẻ của hai nước này cũng như cách tiếp cận hợp tác giữa hai nước.

Thứ ba, dịch bệnh là lời nhắc nhở, cảnh tỉnh của mẹ Thiên nhiên rằng thế giới cần phải khẩn trương “thắng phanh giảm tốc” các hoạt động sản xuất gây tàn phá, ô nhiễm môi trường, các hành xử chính trị tiêu cực. Sự kiện hy hữu trong lịch sử này là cơ hội để thế giới tư duy lại và “cài đặt lại” về cách sản xuất, vận chuyển, mua, bán, sống và ứng xử với trái đất – ngôi nhà chung mà tất cả chúng ta cùng sống trong đó. Nếu thế giới không thể cùng nhau vượt qua dịch bệnh này, triển vọng giải cứu hành tinh khỏi sự hủy hoại môi trường, quá tải dân số và cạn kiệt tài nguyên là rất ảm đạm, xa vời.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here