Đề xuất một số giải pháp phát triển tuyến du lịch sông Hồng

0
46
  1. Đặt vấn đề

Du lịch đường sông là một trong những loại hình du lịch sinh thái đem lại cho du khách những trải nghiệm thú vị. Du khách sẽ hòa mình với thiên nhiên, tránh xa những ồn ào của đô thị, xuôi dòng trên những con thuyền, lướt cùng những chiếc ca nô hay thư thái bước dọc đôi bờ sông để chuyện trò, tìm hiểu nét đẹp văn hóa, cảnh đẹp mà thiên nhiên ban tặng cho mỗi vùng miền. Du lịch sông nước đang ngày càng phát triển ở Việt Nam, tạo nên thương hiệu du lịch cho đất nước cũng như những vùng miền biết cách khai thác tiềm năng du lịch này.

  1. Thực trạng du lịch tuyến sông Hồng

Sông Hồng – dòng sông gắn liền với những tháng năm lịch sử của đất nước. Với chiều dài hơn 510 km chạy qua nhiều tỉnh thành có giá trị du lịch to lớn như thủ đô Hà Nội, Phú Thọ – quê hương Đất tổ, Bắc Ninh, Hưng Yên,… đã đem lại cho du lịch sông Hồng tiềm năng phát triển rất to lớn. Du lịch – ngành công nghiệp không khói đang dần trở thành hướng đầu tư mũi nhọn của Nhà nước.
Du lịch khu vực sông Hồng được Nhà nước hết sức quan tâm và chú trọng thể hiện qua bản Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng đồng bằng sông Hồng tầm nhìn đến năm 2030.

Du lịch đường sông đã hình thành và phát triển ở rất nhiều thành phố trên thế giới, tạo nên biểu tượng du lịch của những thành phố châu Âu đó như: Paris, London, Vince, Florence, Amsterdam,… Nói đến Hà Lan thì không thể không nhắc đến những con thuyền lòng vòng giữa các kênh rạch Amsterdam. Dòng sông Spree trầm tư của Berlin (Đức) hay Prague (Cộng hòa Czech) duyên dáng với cả trăm cây cầu qua sông Vltava. Thành Vienna (Áo) và thủ đô Budapest (Hungary) thơ mộng với dòng Danube, Porto (Bồ Đào Nha) tráng lệ giữa hai bờ sông Duoro…

Nếu châu Âu có những tuyến sông du lịch tạo nên biểu tượng thì châu Á cũng đã rất thành công khi đưa du lịch sông nước trở thành một sản phẩm du lịch của mình. Như Seoul, Thượng Hải, Quảng Châu tới Bangkok, Phnom Penh, Singapore hay Kuala Lumpur… mỗi nơi đều có những chương trình du lịch bằng thuyền rất hấp dẫn trên các con sông trong thành phố, đây luôn là những chương trình du lịch ưa thích trong hành trình khám phá dành cho khách nước ngoài.
Việt Nam cũng đã thành công trong việc bổ sung các tour du lịch đường sông vào sản phẩm du lịch của các địa phương. Với điều kiện địa hình sông ngòi dày đặc thì du lịch sông nước là thứ không thể thiếu trong sản phẩm du lịch Việt. Tuy nhiên, khi nói đến du lịch sông nước thì du khách mới chỉ biết đến các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long với các tour du lịch đến bến Ninh Kiều, nghe đờn ca tài tử Nam Bộ; du lịch bằng thuyền trên sông Mekong và các kênh rạch để ngắm phong cảnh làng quê thôn dã, thăm quan chợ nổi Cái Răng, thưởng thức đặc sản đôi bờ sông. Thừa Thiên Huế có du lịch sông Hương qua Lăng Minh Mạng, ngắm điện Hòn Chén, chùa Thiên Mụ,… Thành phố Hồ Chí Minh có chương trình du lịch bằng thuyền tại bến Nhà Rồng và cũng đang đẩy mạnh du lịch sông nước bằng việc thành lập thêm nhiều tour du lịch đường sông mới khám phá các tuyến điểm trong thành phố và các vùng phụ cận.

Theo một số nghiên cứu, các tour du lịch trên sông đều được hình thành bởi các nhân tố chính sau:

– Điều kiện tự nhiên: Các dòng sông, kênh đào chỉ có thể hấp dẫn du lịch khi đôi bên bờ sông có nhiều cảnh quan đẹp, di sản văn hóa, di tích và công trình văn hóa hoặc các dịch vụ thu hút khác. Bên cạnh đó các điều kiện về thủ văn cũng có ảnh hưởng lớn đến khả năng khai thác du lịch của dòng sông. Một dòng sông quá hẹp hoặc quá nông khiến cho việc di chuyển của phương tiện sẽ trở nên khó khăn. Một dòng sông xanh cũng là mục tiêu hướng đến của các địa phương khai thác du lịch trên dòng sông.

– Cơ sở vật chất kỹ thuật: Tùy thuộc đặc điểm của mỗi dòng sông mà cần có các loại phương tiện vận chuyển phù hợp. Dù là loại phương tiện vận chuyển nào thì an toàn vẫn là yêu cầu được đặt lên hàng đầu. Tình trạng kỹ thuật của phương tiện phải được kiểm tra nghiêm ngặt để đảm bảo an toàn tính mạng về người và của, đó là phương thức để giữ được lòng tin của du khách đối với công ty lữ hành nói riêng và với loại hình du lịch sông nước nói riêng.

– Năng lực người làm du lịch: Thành công của mỗi tour du lịch có sự phụ thuộc rất lớn vào người làm du lịch, đặc biệt là hướng dẫn viên du lịch. Với du lịch sông nước sự phụ thuộc này còn lớn hơn, bởi mỗi tuyến du lịch đường sông đều có hành trình nhất định và đi qua nhiều cảnh đẹp đặc trưng không dễ nhận thấy, nên người hướng dẫn viên phải biết cách giới thiệu cho du khách thấy được hết vẻ đẹp của cảnh quan thiên nhiên, cuộc sống thường ngày của người dân hai bên bờ sông cũng như nét đẹp văn hóa, công trình kiến trúc của mỗi vùng miền mà du khách đi qua. Điều này đòi hỏi người hướng dẫn viên có trình độ kiến thức, kinh nghiệm dẫn tour và khả năng truyền tải tốt. Ngoài hướng dẫn viên, người dân bản địa cũng là những người làm nên thành công cho du lịch sông nước. Người dân sẽ là những người trực tiếp bảo tồn phát huy các di sản văn hoá lịch sử và cũng là nguồn bổ sung những thông tin thực tế, mới lạ bên cạnh những thông tin do hướng dẫn viên của các công ty lữ hành cung cấp.

– Khả năng tiếp nối các hoạt động trên sông và đất liền: Tuyến du lịch trên sông sẽ thiếu thu hút nếu không kết hợp với các hoạt động trên đất liền. Một tuyến du lịch đường sông phải có sự kết nối giữa các hoạt động tham quan danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử trên sông với hoạt động văn hóa của người dân địa phương hai bên bờ sông,… Để hoạt động kết nối giao thông đường thủy và đường bộ có thể diễn ra cần có hệ thống cầu tàu, nhà chờ và các dịch vụ công cộng khác phát triển phục vụ nhu cầu của du khách.

Mọi hoạt động du lịch sông nước đều đòi hỏi sự đầu tư từ phía Nhà nước và các doanh nghiệp lữ hành. Tiềm năng thiên nhiên dù có phong phú bao nhiêu nhưng nếu không có sự đầu tư đúng mức thì sẽ không thể hình thành một tuyến du lịch đường sông hấp dẫn. Cơ sở hạ tầng nền tảng cần có sự tham gia của Nhà nước đầu tư vì đòi hỏi số vốn lớn và có quy hoạch phù hợp với mục tiêu phát triển của ngành nghề nói riêng và mục tiêu phát triển kinh tế cả nước nói chung. Bên cạnh đó, sự tham gia đầu tư của các doanh nghiệp về cơ sở vật chất, thực hiện các tour du lịch, đầu tư phương tiện, cung ứng dịch vụ,…

Sông Hồng còn có tên gọi là Hồng Hà hay sông Cái, có chiều dài 510 km. Sông Hồng là nguồn gốc lịch sử của nền văn minh lúa nước của dân tộc Việt Nam. Hình ảnh sông Hồng gắn liền với lịch sử dựng nước và giữ nước của nhân dân. Các tour du lịch hiện nay thường bắt đầu từ Hà Nội đi qua các địa danh nổi tiếng của các vùng miền như đền Chử Đồng Tử (Đền thờ tình yêu), chùa Bút Tháo, Đền Hai Bà Trưng, Đền Gióng, làng gốm Bát Tràng,… Tuyến du lịch sông Hồng đã được đưa vào hoạt động cách đây hơn 20 năm nhưng chưa đạt hiệu quả, còn kém sức thu hút đối với khách du lịch nội địa và quốc tế. Trong số khách du lịch đến với sông Hồng thì chỉ có khoảng 25% khách quốc tế còn lại là du khách nội địa.
Mặc dù có tiềm năng du lịch với các di tích lịch sử tâm linh và văn hóa hai bên bờ sông hết sức đa dạng nhưng do thiếu sự đầu tư về cơ sở hạ tầng nên tour du lịch này vẫn chưa phát huy được tiềm năng vốn có của mình. Hầu hết các điểm kết nối giữa phương tiện đường sông và đường bộ chưa được đầu tư đúng mức. Hệ thống cầu bến, trạm nghỉ còn thiếu và đơn sơ, chưa đáp ứng được nhu cầu chuyển tiếp của du khách. Phương tiện vận chuyển du khách trên sông không được nâng cấp, tình trạng kỹ thuật còn kém; thiếu sự đa dạng nên chưa thu hút du khách đặc biệt là khách quốc tế đến với tour du lịch sông Hồng. Bên cạnh đó, môi trường quang cảnh hai bên bờ sông Hồng không có sự đầu tư, cải thiện. Vệ sinh môi trường dọc bờ sông Hồng đang làm mất cảnh quan, không nhận được sự thiện cảm từ phía du khách. Hầu hết các địa điểm du lịch dọc bờ sông Hồng là các khu du lịch tâm linh nên có sự thay đổi về nhu cầu du lịch theo mùa rõ rệt, thường rơi vào cuối năm hoặc Tết Âm lịch.

Tuy còn nhiều hạn chế nhưng theo đánh giá của nhiều công ty lữ hành, nếu có sự đầu tư thích hợp cho các dịch vụ du lịch, việc khai thác tiềm năng phát triển các tour tuyến du lịch sông Hồng sẽ có sức hút mạnh mẽ hơn với du khách, đặc biệt cần đẩy mạnh hợp tác tổ chức hoạt động cả đường bộ và đường thuỷ trong mỗi chương trình du lịch. Do vậy, song song với việc đầu tư khai thác các tuyến, địa điểm du lịch hiện có, việc xây dựng phát triển thêm các loại hình, sản phẩm du lịch trên mặt nước và hai bên bờ sông Hồng, góp phần quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu quy hoạch du lịch đồng bằng sông Hồng đến năm 2020 của Nhà nước. Việc phát triển dịch vụ du lịch sông Hồng không chỉ thỏa mãn nhu cầu tham quan của du khách mà còn giúp quảng bá hình ảnh lịch sử, con người Việt Nam đến với du khách quốc tế. Từ đó thúc đẩy loại hình du lịch đường sông phát triển hơn ở khu vực phía Bắc.

  1. Giải pháp phát triển tuyến du lịch sông Hồng

Sông Hồng vừa mang giá trị về lịch sử và vừa mang giá trị văn hóa sâu sắc. Dọc theo tuyến sông có rất nhiều đền, chùa thích hợp cho việc kết hợp ngắm cảnh và du lịch tâm linh. Đồng thời, những làng nghề truyền thống cũng là nét đẹp văn hóa sông nước. Do đó, khi khai thác tour du lịch này cần làm nổi bật lịch sử hào hùng của dân tộc, cũng như những nét trong phong tục tâm linh của người dân đôi bờ sông Hồng, giới thiệu về những công trình văn hóa bên sông.
Trước hết, để cải thiện chất lượng tuyến du lịch sông Hồng, Nhà nước cần đưa ra những lộ trình nạo vét lòng sông đảm bảo an toàn cho phương tiện vận chuyển cùng cảnh quan dòng sông. Hiện nay, khoảng 80% số lượng tàu, thuyền hoạt động trên sông Hồng là tàu hàng, đây là một trong những nguyên nhân gây gia tăng mật độ giao thông trên sông, cùng đó là các hiện tượng ô nhiễm nguồn sông như loang dầu, nước thải sinh hoạt. Mật độ dân số hai bờ sông ngày càng đông làm gia tăng mức độ ô nhiễm môi trường. Vì vậy, ở mỗi địa phương ven sông cần tăng cường tuyên truyền cho người dân sinh sống dọc bên bờ sông cũng như du khách khi tham gia thăm quan cùng giữ gìn vệ sinh cảnh quan dòng sông.
Hệ thống cầu cảng, bến đỗ và trạm dừng nghỉ cần được xây dựng đồng bộ và đầy đủ nhằm tạo thuận lợi cho giao thông vừa đảm bảo tính thẩm mỹ tạo cảnh quan du lịch, tránh việc đầu tư tự phát, thiếu tính đồng bộ gây lãng phí kinh tế và ảnh hưởng đến môi trường cảnh quan xung quanh. Có thể kết hợp các bến tàu trở thành những điểm dừng chân đúng nghĩa như có các nhà hàng, quán ăn, khu mua sắm,…
Phương tiện là yếu tố rất quan trọng góp phần tạo nên thành công của một tuyến du lịch đường sông. Giao thông thuận tiện, an toàn và hiện đại sẽ rút ngắn được thời gian di chuyển của du khách do đó sẽ giảm được chi phí du lịch. Các phương tiện cần phải được kiểm tra chất lượng chặt chẽ đăng kiểm đăng ký đúng quy định, đảm bảo an toàn cho du khách và đội ngũ thuyền viên cần có thái độ và trách nhiệm đúng đắn khi tham gia giao thông. Máy móc trang bị phải đảm bảo chất lượng không gây ô nhiễm môi trường và giảm tiếng ồn. Hơn nữa nên đưa vào sử dụng các thuyền lớn có khả năng phục vụ phòng ngủ, ăn uống,… nhằm đa dạng hóa các dịch vụ cung ứng và có thể kéo dài thời gian du lịch trên sông của khách. Tỷ lệ doanh nghiệp có phương tiện tàu, phà, ca nô là không cao, chính vì vậy các doanh nghiệp lữ hành phải đi thuê phương tiện dẫn đến việc khó kiểm soát về chất lượng phương tiện. Do đó, doanh nghiệp lữ hành cần có những điều kiện chặt chẽ về tình trạng kỹ thuật của phương tiện, đồng thời các cơ quan quản lý chất lượng phương tiện có thẩm quyền cần siết chặt công tác kiểm tra và hình thức xử phạt đối với doanh nghiệp vận tải vi phạm nhằm giảm thiểu tình trạng xấu của phương tiện, nâng cao chất lượng vận chuyển du lịch. Các công ty lữ hành cũng cần đưa vào nhiều loại phương tiện tàu, thuyền khác nhau với các mức giá dịch vụ khác nhau, giúp phục vụ được nhiều đối tượng khách du lịch khác nhau.
Con người là yếu tố quan trọng nhất trong công tác cung cấp dịch vụ du lịch. Các doanh nghiệp du lịch cần có trình độ chuyên môn và kinh nghiệm, am hiểu về lịch sử, văn hóa các vùng miền. Bên cạnh đó, cần đào tạo đội ngũ người dân địa phương tham gia vào công tác thuyết minh du lịch nhằm đem đến sự gần gũi và chân thật hơn.

Tổ chức các lễ hội quảng bá văn hóa vùng miền sông nước cũng là cách để đem du lịch sông Hồng đến gần hơn với khách du lịch nội địa và quốc tế. Mỗi địa phương cần có những sáng tạo trong cách thức truyền bá hình ảnh du lịch địa phương mình, nổi bật lên được vẻ đẹp thiên nhiên, con người. Cần đánh giá đúng điểm mạnh, điểm yếu về du lịch của địa phương để đưa ra những chính sách nâng cao chất lượng du lịch sông nước.

Sự liên kết hợp tác du lịch ở các địa phương là hết sức cần thiết. Các địa phương cần liên kết với các địa phương khác trong việc đào tạo nghiệp vụ và trình độ quản lý cho nguồn nhân lực du lịch. Các địa phương cần tổ chức các buổi hội thảo du lịch để chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi cách làm du lịch hiệu quả, để từ đó phát triển du lịch sông nước cho địa phương. Mỗi địa phương cần tạo được những sản phẩm du lịch riêng, gắn với hình ảnh sông nước để thu hút khách du lịch, đặc biệt là đối với khách du lịch nước ngoài.

Du lịch phát triển bền vững luôn phải gắn với bảo vệ môi trường xanh và du lịch đường sông cũng không nằm ngoài xu thế đó. Muốn du lịch đường sông phát triển thì cảnh quan dòng sông luôn đóng vai trò quan trọng. Vì vậy, Nhà nước cần có những văn bản quy định về an toàn đường sông, cũng như các yêu cầu về bảo vệ đối với công ty lữ hành khi đưa các tour du lịch vào khai thác trên sông Hồng.

  1. Kết luận 

Hiện nay, Nhà nước đã có những chính sách quan tâm đến du lịch sông Hồng, tuy nhiên Nhà nước cần có những lộ trình đầu tư nhanh chóng và kịp thời hơn để sớm quy hoạch du lịch sông Hồng trở thành hình thức du lịch quan trọng của ngành cũng như của khu vực.

Du lịch sông nước là xu hướng phát triển du lịch trong tương lai gần của khu vực phía Bắc – cụ thể là khu vực sông Hồng. Để có thể phát triển, du lịch sông Hồng cần chú trọng bảo tồn và phát huy cơ sở vật chất để lưu giữ giá trị văn hóa lịch sử, bảo vệ môi trường và phát tiển giá trị thương hiệu du lịch của vùng. Đồng thời, cơ quan quản lý Nhà nước cùng với các công ty kinh doanh dịch vụ tuyến du lịch sông Hồng cần có sự phối hợp chặt chẽ để có thể giải quyết những vấn đề phát sinh hai bên bờ sông gây ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch của dòng sông cũng như hình ảnh du lịch của mỗi vùng miền nơi dòng sông Hồng chảy qua./.

ThS. Phạm Thị Thu Hằng & ThS. Nguyễn Thúy Ngà 

 

 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here