Đầu tư trực tiếp của Nhật Bản tại Việt Nam: Đặc điểm, nhân tố tác động và giải pháp thúc đẩy (Phần cuối)

0
94
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

2. Một số nhân tố tác động đến FDI của Nhật Bản tại Việt Nam

Mặc dù Việt Nam là một thị trường đầy tiềm năng và hấp dẫn các nhà đầu tư Nhật Bản, ngày càng có nhiều doanh nghiệp Nhật Bản tới tìm hiểu và đầu tư, song hầu hết các các nhà đầu tư nước ngoài khi cân nhắc đưa ra quyết định rót vốn đầu tư tại Việt Nam đều e ngại những vấn đề sau:

2.1. Nhân tố từ phía Nhật Bản

Thứ nhất, các nhà đầu tư Nhật Bản là những người đặc biệt thận trọng và rất khắt khe trong quá trình ra quyết định đầu tư. Họ là người rất coi trọng chữ tín trong kinh doanh. Tuy nhiên, với một môi trường đầu tư tuy đã cải thiện nhưng vẫn còn rất nhiều hạn chế, các thủ tục hành chính rườm rà, nhiều tiêu cực thì các nhà đầu tư Nhật Bản không dám mạo hiểm đầu tư với số vốn và dự án lớn.

Thứ hai, cơ cấu vốn FDI của Nhật Bản bất hợp lý khi tập trung quá nhiều vào lĩnh vực công nghiệp là do bản thân Nhật Bản là một nước hạn chế về tài nguyên thiên nhiên, lực lượng lao động không dồi dào. Trong khi đó, Việt Nam lại sẵn có những thứ này. Mặt khác, thế mạnh của các doanh nghiệp Nhật Bản luôn là trong lĩnh vực công nghiệp. Chính vì thế khi đầu tư ở Việt Nam, các doanh nghiệp Nhật Bản luôn tập trung vào lĩnh vực công nghiệp là chủ yếu.

Thứ ba, nguồn FDI của Nhật Bản vào Việt Nam vẫn chưa được như kỳ vọng là do phía Nhật Bản có nhiều sự lựa chọn đầu tư tốt hơn so với nước ta. Thực tế, các doanh nghiệp Nhật Bản luôn có lợi thế về vốn, công nghệ và kinh nghiệm hơn hẳn các doanh nghiệp ở các nước khác. Do đó, họ có nhiều lựa chọn đầu tư vào các nước trong khu vực có môi trường đầu tư tốt hơn với nhiều ưu đãi cho họ như Thái Lan, Trung Quốc… Và đương nhiên nhà đầu tư nào cũng chọn những nơi có lợi nhuận cao, độ rủi ro thấp.

2.2. Những nhân tố từ phía Việt Nam

2.2.1. Môi trường pháp lý chưa đồng bộ và thiếu nhất quán

Nhiều văn bản dưới luật đã được Việt Nam ban hành để hướng dẫn thực hiện Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp 2005, nhưng nội dung của chúng còn thiếu rõ ràng và đôi khi có điều khoản mâu thuẫn, chồng chéo nhau trong phạm vi văn bản và giữa các văn bản khác nhau, nhiều văn bản dưới luật ban hành chậm so với quy định, tính nhất quán còn thấp. Ví dụ như cùng một văn bản nhưng mỗi địa phương lại tiếp nhận dưới nhiều góc độ khác nhau, do đó được thực thi khác nhau. Bên cạnh đó, khi xảy ra tranh chấp trong kinh doanh thì ở Việt Nam chưa có một hệ thống cơ quan nào giải quyết tranh chấp có hiệu quả. Các tòa án kinh tế ở Việt Nam không có nhiều uy tín trên thế giới vì thế khó đứng ra để giải quyết tranh chấp. Không những thế, Việt Nam chưa có danh mục hoàn chỉnh các ngành nghề, lĩnh vực ưu tiên thu hút FDI, do đó nhiều doanh nghiệp Nhật Bản khi mới đầu tư vẫn còn bối rối khi tìm hiểu về môi trường đầu tư tại Việt Nam.

2.2.2. Các thủ tục hành chính ở Việt Nam còn phức tạp và rắc rối, gây nên tình trạng mất thời gian, đôi khi tạo nên những chi phí không cần thiết. Các thủ tục phức tạp này diễn ra trong tất cả các giai đoạn của quá trình đầu tư, làm nản lòng các nhà đầu tư, thậm chí làm mất cơ hội kinh doanh của họ và làm tăng chi phí đầu tư, còn có quá nhiều cơ quan, tổ chức Nhà nước liên quan đến xúc tiến và cấp phép đầu tư nước ngoài. Tình trạng tham nhũng, lợi dụng chức quyền của các cơ quan chức năng để ăn hối lộ, vòi vĩnh các nhà đầu tư là một vấn đề rất nhức nhối. Các nhà đầu tư Nhật Bản phàn nàn, để bắt đầu một dự án mới, một công ty nước ngoài buộc phải gửi đơn đi rất nhiều bộ chủ quản, sau đó các bộ này đưa ra ý kiến rất khác nhau và thường xuyên thay đổi quyết định của họ.

2.2.3. Cơ sở hạ tầng công nghiệp và xã hội trong tình trạng yếu kém. Nhà nước chưa đảm bảo được cơ sở hạ tầng bên ngoài hàng rào cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các khu công nghiệp. Các doanh nghiệp Nhật Bản khi đến đầu tư tại Việt Nam chỉ tập trung vào các thành phố lớn, trọng điểm vì đây là nơi có điều kiện thuận lợi, cơ sở hạ tầng hơn hẳn các địa phương khác. Mặt khác, ngay tại các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh phát sinh nhiều vấn đề như đường xá chồng chéo, tắc nghẽn giao thông… Hạ tầng cơ sở kinh tế-xã hội tuy được quan tâm nâng cấp nhưng vẫn còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất kinh doanh như: điện nước không ổn định, thiếu lao động có tay nghề… Khi triển khai làm thủ tục liên quan đến cơ sở hạ tầng thường rất phiền hà, phức tạp, chủ đầu tư phải đi lại làm việc nhiều lần nhưng không được trả lời rõ. Phần lớn các doanh nghiệp muốn có điện nước đúng tiến độ đều phải ứng vốn trước để làm hạ tầng.

Theo Báo cáo kết quả khảo sát cuối năm 2017 của JETRO, có 5 rủi ro trong môi trường đầu tư mà các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam đang phải đối mặt. Đó là tốc độ tăng chi phí nhân công đang tăng cao (61,6% ý kiến doanh nghiệp nhận định), hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện và vận dụng pháp luật không rõ ràng (46,9%), thủ tục hành chính phức tạp (39,5%), cơ chế, thủ tục thuế phức tạp (42%) và cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện (38,2%).

2.2.4. Một trong những “nút thắt” khiến nhiều nhà đầu tư Nhật Bản quan ngại khi đầu tư tại Việt Nam là công nghiệp hỗ trợ (CNHT) kém phát triển. Có thể nói, đây là một trong những “rào cản” lớn của Việt Nam trong thu hút FDI, trong đó có FDI đến từ Nhật Bản. CNHT liên quan đến rất nhiều yếu tố, lĩnh vực, ví dụ CNHT cho ngành công nghiệp điện tử, CNHT cho ngành ô tô, xe máy… Theo khảo sát của JETRO, các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cho rằng, họ thường gặp khó khăn trong việc tìm nguồn cung ứng nguyên vật liệu, linh kiện tại Việt Nam. Thậm chí, tỷ lệ cung ứng nguyên phụ liệu của Việt Nam trong năm 2017 có xu hướng giảm nhẹ so với năm 2016, đạt tỷ lệ 33,2%, tỷ lệ này thấp hơn nhiều quốc gia trong khu vực như Trung Quốc hơn 67%, Thái Lan gần 57%, Indonesia hơn 45%.

Chính phủ Việt Nam thời gian qua cũng dành sự quan tâm lớn đến phát triển ngành CNHT, đưa ra rất nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho ngành CNHT phát triển, tuy nhiên vẫn thiếu tính cụ thể. Để phát triển ngành CNHT, Việt Nam cần có định hướng phát triển CNHT rõ ràng, có phương hướng, chính sách cụ thể. Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam cũng cần xác định rõ mong muốn phát triển vào lĩnh vực CNHT nào, từ đó có những định hướng phát triển, đào tạo nguồn nhân lực phù hợp.

2.2.5. Chi phí phục vụ cho quá trình sản xuất cao: Mặc dù Việt Nam có lượng nhân công dồi dào và giá thuê nhân công rẻ nhưng một số chi phí khác cho việc sản xuất kinh doanh lại cao hơn nhiều so với các nước khác. Thứ nhất, giá thuê đất và văn phòng cao là một vấn đề mà các nhà đầu tư Nhật Bản cũng như các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm trong hoạt động của họ ở Việt Nam. Giá đất và giá nhà ở Việt Nam bị đánh giá là cao hơn nhiều so với ở Singapore, Đài Bắc (Đài Loan), New York (Mỹ). Thủ tục cấp đất còn phức tạp, kéo dài, nhiều khi vài ba năm, thậm chí có dự án đến 5 năm; thời điểm tính giá trị quyền sử dụng đất để góp vốn liên doanh chưa hợp lý. Thứ hai, phí dịch vụ công cộng, vận tải và phí viễn thông cao. Thêm vào đó, tại những ngành công nghệ cao, lao động của nước ta không đáp ứng được yêu cầu về chuyên môn vì thế họ lại phải thuê công nhân từ nước ngoài với chi phí cao. Do đó làm giảm doanh thu và lợi nhuận của họ. Thứ ba, giá điện ở Việt Nam không những cao hơn so với các nước trong khu vực, thậm chí trong một vài trường hợp chi phí điện còn cao ngang với chi phí nhân công, mà độ ổn định về điện ở Việt Nam còn thấp.

2.2.6. Trình độ tổ chức của đội ngũ cán bộ quản lý còn yếu, đội ngũ công nhân kỹ thuật, các chuyên gia có trình độ cao, giỏi ngoại ngữ còn ít: Mặc dù lực lượng lao động của Việt Nam khá dồi dào và có đức tính cần cù, ham học, song chưa đáp ứng được nhu cầu cao của nền kinh tế hiện nay. Báo cáo từ cuộc khảo sát của JETRO cho thấy, có tới 60% doanh nghiệp Nhật Bản cho rằng, họ thường gặp khó khăn trong việc “đào tạo và đảm bảo nguồn nhân lực” trong khai thác, mở rộng thị trường ở Việt Nam. Các dự án FDI Nhật tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, những ngành hiện đại đòi hỏi nguồn nhân lực trình độ cao. Tuy nhiên, trình độ cán bộ nghiên cứu và đội ngũ kỹ sư của Việt Nam chưa đồng đều, cán bộ quản lý không những hạn chế về chuyên môn mà còn hạn chế về ý thức khi không nhận thức được trách nhiệm của mình, kém phẩm chất, thoái hóa, ngoại ngữ không tốt gây bất tiện trong việc giao tiếp. Công tác đào tạo cán bộ quản lý FDI từ trung ương đến địa phương còn yếu kém. Công tác đào tạo công nhân kỹ thuật chưa được quan tâm đúng mức, công tác quản lý buông lỏng và thiếu trách nhiệm. Trình độ chuyên môn kỹ thuật không tương thích với bằng cấp là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng yếu kém như hiện nay.

2.2.7. Việt Nam chưa tạo được một mạng lưới xúc tiến đầu tư tại nước ngoài: Hầu hết các hoạt động xúc tiến đầu tư ở nước ngoài hiện nay của Việt Nam thường được kết hợp thông qua các cuộc viếng thăm của lãnh đạo các nước và đầu mối tổ chức dựa vào sự giúp đỡ của Đại sứ quán, Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài vì chúng ta chưa hình thành được một mạng lưới xúc tiến đầu tư tại nước ngoài. Thực tế trong thời gian qua, đầu tư của Nhật Bản tại Việt Nam chủ yếu thông qua con đường giới thiệu của các tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp, công ty tư vấn nước ngoài như JETRO, hoặc thông qua Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam. Trong khi đó, hầu hết các nước trên thế giới đều có cơ quan đại diện xúc tiến đầu tư chuyên trách tại các địa bàn trọng điểm và hoạt động với tư cách là một cơ quan chính phủ.

3. Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư hấp dẫn của các doanh nghiệp Nhật Bản

Theo khảo sát của JETRO, tại Hà Nội, hiện có khoảng 1.700 doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, trong đó, có rất nhiều doanh nghiệp đánh giá môi trường đầu tư của Việt Nam chưa “đạt chuẩn” như tại Nhật Bản hay một số quốc gia nhận đầu tư khác. Đây chính là thách thức mà Việt Nam cần nhìn nhận để cải thiện hơn nữa trong thời gian tới.

Tuy nhiên, khảo sát trên của JETRO cũng cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam vẫn tiếp tục là địa điểm đầu tư quan trọng của các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Nhật Bản. Bởi vì, có tới 70% doanh nghiệp Nhật Bản trả lời vẫn có kế hoạch mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong thời gian tới, cao hơn đáng kể so với tỷ lệ của những năm trước cũng như cao hơn so với tỷ lệ của các quốc gia khác. Lý do chính để các doanh nghiệp Nhật Bản tiếp tục mở rộng hoạt động của mình là do doanh thu của họ tại Việt Nam tiếp tục được kỳ vọng tăng (88% doanh nghiệp đánh giá), tính tăng trưởng và tiềm năng cao của thị trường (46%).

Trong số các doanh nghiệp Nhật Bản tham gia khảo sát, số lượng doanh nghiệp có lãi chiếm 65,1%, tăng 2,3 điểm phần trăm so với năm 2016. Việt Nam còn hấp dẫn nhờ những lợi thế đầu tư về quy mô thị trường, khả năng tăng trưởng, tình hình chính trị – xã hội ổn định và chi phí nhân công rẻ.

Đáng chú ý, doanh nghiệp Nhật Bản tỏ ra khá tự tin về khai thác thị trường Việt Nam. Báo cáo trên của JETRO cho thấy, có 80% doanh nghiệp Nhật Bản cho rằng sản phẩm của họ có tính ưu việt về chất lượng nên các sản phẩm của Nhật Bản có khả năng được người tiêu dùng nước sở tại đón nhận cao hơn so với sản phẩm, dịch vụ của nước khác.

Mặc dù những rủi ro ở trên trong môi trường đầu tư của Việt Nam liên tục được phía Nhật Bản đưa ra trong các báo cáo tình hình hoạt động của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam gần đây, nhưng Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư hấp dẫn với doanh nghiệp Nhật Bản trong khu vực. Và điều này cũng được chính ông Hironobu Kitagawa, Trưởng đại diện JETRO tại Hà Nội khẳng định: “Chúng tôi không nhìn thấy sự nản lỏng trong đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp Nhật Bản tại đây”. Tuy vậy, ông H. Kitagawa cũng cảnh báo, cho dù kết quả không phải hoàn toàn như đánh giá thì vẫn là thách thức Việt Nam cần nhìn nhận để có những cải thiện hơn nữa trong môi trường đầu tư.

4. Một số giải pháp chủ yếu nhằm thu hút tốt hơn FDI của Nhật Bản

Trong thời gian tới, để khắc phục những hạn chế trên cũng như để nâng cao chất lượng thu hút FDI của Nhật Bản, Việt Nam cần thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau:

Một là, hoàn thiện môi trường đầu tư, trong đó hoàn thiện cả về mặt chính sách đầu tư và cơ sở hạ tầng nhằm đáp ứng yêu cầu thu hút vốn FDI trong giai đoạn mới. Cụ thể là cần hoàn thiện các chính sách đầu tư trực tiếp nước ngoài; minh bạch hóa chính sách đầu tư; hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư nước ngoài.

Hai là, nâng cao chất lượng đào tạo và chú trọng vào đào tạo nguồn nhân lực, tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng và thay thế lao động nước ngoài cũng như bảo đảm giá nhân công thấp hơn so với các nước trong khu vực. Tạo điều kiện và có chính sách hỗ trợ để các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào hoạt động hợp tác giáo dục – đào tạo nhằm trang bị những kiến thức, trình độ chuyên môn kỹ thuật cho người lao động.

Ba là, tiếp tục giữ vững môi trường kinh tế, xã hội ổn định nhằm tạo môi trường an ninh, an toàn cho các hoạt động đầu tư nước ngoài thông qua tăng cường công tác quốc phòng và an ninh. Đây là việc làm cần thiết nhằm tránh rơi vào tình trạng khủng hoảng như một số nước, làm mất lòng tin của các nhà đầu tư nước ngoài.

Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh hợp tác triển khai đầu tư vào các ngành, lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao và Kế hoạch hành động thực hiện chiến lược Công nghiệp hóa đến năm 2025 tầm nhìn 2030 trong khuôn khổ hợp tác với Nhật Bản; tập trung vào 6 ngành: điện tử, máy nông nghiệp, chế biến nông, thủy sản, đóng tàu, môi trường và tiết kiệm năng lượng, sản xuất ô tô và phụ tùng ô tô.

Năm là, về hoạt động xúc tiến đầu tư, một mặt, cần đẩy mạnh hình thức xúc tiến đầu tư tại chỗ như hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đã được cấp phép đầu tư triển khai việc kinh doanh thuận lợi và có hiệu quả, theo tinh thần của Nghị quyết 103/NQ-CP ngày 29/8/2013 về Định hướng nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý FDI trong thời gian tới. Mặt khác, cần tăng cường hơn nữa các hoạt động xúc tiến đầu tư với Nhật Bản dưới nhiều hình thức như: thành lập các bộ phận hỗ trợ chuyên biệt cho các nhà đầu tư Nhật Bản và nhà đầu tư của một số địa phương của Nhật Bản nói riêng, xây dựng trang web xúc tiến đầu tư bằng tiếng Nhật…, chú trọng xúc tiến đầu tư đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), nhất là các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và nông nghiệp để thu hút đầu tư vào các ngành CNHT tương ứng và nông nghiệp. Khuyến khích các nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực giáo dục, đào tạo nhằm đào tạo đội ngũ lao động có khả năng ngoại ngữ và chuyên môn phù hợp với nhu cầu của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam./.

Lưu Ngọc Trịnh và Lê Đăng Minh

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here