Đào tạo lĩnh vực vi mạch bán dẫn tại Đại học Duy Tân: Thực trạng và giải pháp

0
62
(minh hoạ)

Trường Đại học dân lập Duy Tân được thành lập ngày 11/11/1994 theo Quyết định số 666/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Năm 2015, Trường đã chuyển đổi sang loại hình tư thục theo Quyết định số 1704/QĐ-TTg ngày 02/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ và đổi tên thành Trường Đại học Duy Tân. Sau khi có quyết định chuyển đổi, trường đã tổ chức hoạt động theo loại hình trường tư thục và chịu sự quản lý trực tiếp về chuyên môn của Bộ Giáo dục & Đào tạo và quản lý quản lý hành chính theo lãnh thổ của UBND thành phố Đà Nẵng. Trường Đại học Duy Tân tổ chức đào tạo đa bậc, đa ngành, đa lĩnh vực: từ trình độ đại học đến tiến sĩ, trong đó có 10 chuyên ngành Tiến sĩ, 14 chuyên ngành Thạc sĩ, 47 ngành đại học với 68 chương trình đào tạo. Ngoài ra, còn có 13 chuyên ngành hợp tác quốc tế về đào tạo với 4 đại học uy tín tại Hoa Kỳ; 3 chương trình du học tại chỗ do các đại học Hoa Kỳ cấp bằng; 6 chương trình liên kết đào tạo với Hoa Kỳ, Anh Quốc, Đài Loan. 100% chương trình đào tạo của Trường được công bố chuẩn đầu ra trước toàn xã hội. Các hình thức đào tạo của trường gồm: Chính quy; Văn bằng 2; Liên thông chính quy; Từ xa. Trường có mặt trong một số bảng xếp hạng đại học quốc tế như: QS Rankings, CWUR, URAP, Nature Index, THE, SCImago, Webometrics, UNWTO TedQual. Đại học Duy Tân đạt kiểm định ABET cho 4 chương trình gồm: Kỹ thuật Mạng, Hệ thống Thông tin Quản lý năm 2019, Công nghệ Kỹ thuật Điện-Điện tử năm 2020 và Công nghệ Phần mềm năm 2021. Với mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo và tạo điều kiện cho cán bộ, sinh viên trau dồi kiến thức, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, tiếp cận với những phương pháp giảng dạy hiện đại. Trường áp dụng giảng dạy theo hình thức CDIO (Hình thành ý tưởng – Thiết kế – Thực hiện – Vận hành) đối với các ngành khối kỹ thuật và công nghệ, đa dạng các chương trình ngoại khóa và bổ sung nhiều học phần nhằm trang bị tư duy phản biện, phương pháp nghiên cứu khoa học cho sinh viên. Đặc biệt, Trường Đại học Duy Tân là đồng sáng lập Tổ chức Tổ chức Passage to Asian (P2A) kết nối nhiều trường đại học ở khu vực Đông Nam Á tạo ra nhiều cơ hội hợp tác và trao đổi sinh viên.

Trường Công nghệ là đơn vị đào tạo thuộc Trường Đại học Duy Tân. Trường Công nghệ hiện có 6 khoa và 3 trung tâm: Khoa Cơ Khí, Khoa Điện-Điện tử, Khoa Kiến trúc, Khoa Mỹ thuật ứng dụng, Khoa Môi trường và Khoa học tự nhiên, Khoa Xây dựng, Trung tâm Điện-Điện tử (CEE), Trung tâm Cơ khí (CME), và Trung tâm Ô tô (CAE). Trường Công nghệ định hướng trở thành trường nghiên cứu và đào tạo có uy tín trong nước và quốc tế trong lĩnh vực kỹ thuật công nghệ. Sứ mạng của Trường Công nghệ  là cam kết cung cấp cho sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh tốt nghiệp những kiến thức, kỹ năng và khả năng thích ứng cần thiết cho những công việc chuyên môn và nghiên cứu trong lĩnh vực kỹ thuật công nghệ, đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực địa phương và toàn cầu.

Trường Khoa học máy tính là trường đào tạo lĩnh vực Máy tính- Công nghệ thông tin hàng đầu khu vực miền Trung và cả nước. Trường đào tạo từ trình độ đại học đến tiến sĩ trong lĩnh vực Máy tính và Công nghệ thông tin bao gồm 6 ngành trình độ Đại học: Khoa học máy tính, Kỹ thuật phần mềm, khoa học dữ liệu, Trí tuệ Nhân tạo, An toàn thông tin, Mạng máy tính và Truyền thông dữ liệu; 4 ngành trình độ thạc sĩ:  Khoa học máy tính, Kỹ thuật phần mềm, Hệ thống thông tin quản lý và An toàn thông tin; 1 ngành trình độ tiến sĩ Khoa học máy tính.  Hiện nay, lĩnh vực Khoa học máy tính thuộc trường nằm trong Top 251-300 thế giới thuộc bảng xếp hạng Times Higher Edution (THE).

Tháng 12/2022, Trường Đại học Duy Tân đã ký kết hợp tác chiến lược với tập đoàn Samsung triển khai chương trình đào tạo nhân tài công nghệ. Theo đó, tập đoàn Samsung chuyển giao cho Đại học Duy Tân 4 Khóa đào tạo chuyên sâu về AI, Big Data, IoT và Python programing. Bên cạnh nguồn học liệu và đội ngũ chuyên gia hỗ trợ đào tạo, tập đoàn Samsung còn tài trợ hệ thống phòng Lab phục vụ đào tạo cho trường. Tiếp nối các khóa đào tạo AI, Big Data, IoT và Python Programing; năm 2024, tập đoàn Samsung sẽ tiếp tục hỗ trợ đào tạo nhân lực lĩnh vực vi mạch bán dẫn cho đội ngũ giảng viên và sinh viên Đại học Duy Tân.

  1. ĐÀO TẠO NGUỒN NHÂN LỰC LĨNH VỰC VI MẠCH: THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP

1.1 Thực trạng

a) Thuận lợi

Trong bối cảnh chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là lĩnh vực nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và sản xuất vi mạch điện tử nhằm đáp ứng các ngành công nghiệp then chốt như quân sự, công nghệ thông tin, ô tô, thiết bị điện dân dụng… hiện nay, Mỹ và các nước phương Tây đang tìm kiếm những địa điểm mới ngoài Trung Quốc để xây dựng các cơ sở nghiên cứu và sản xuất vi mạch. Việt Nam được đánh giá là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất nhờ vào vị trí địa lý, cơ cấu dân số vàng, sự ổn định chính trị, trình độ của nguồn nhân lực. Mới đây, với sự nâng cấp của mối quan hệ Việt-Mỹ giúp thúc đẩy lĩnh vực vi mạch phát triển đi vào chiều sâu. Dự báo nhu cầu về nguồn nhân lực lĩnh vực này trong tương lai gần là rất lớn.

Đà Nẵng hiện nay đã thu hút nhiều doanh nghiệp vi mạch đến đặt trụ sở làm việc cũng như thu hút hàng trăm nhân sự làm việc trong lĩnh vực này như Synopsys, FPT Software, eSilicon, Savarti, Centic, Viettel, LG Electrics,… Mức lương của các kỹ sư vi mạch này là khá cao so với các ngành khác của lĩnh vực Điện-Điện tử-Tự động hóa.

Về đào tạo nguồn nhân lực, hiện nay, Khoa Điện-Điện tử (Trường công nghệ) thành lập năm 2009 quản lý và triển khai đào tạo 05 chuyên ngành thuộc lĩnh vực Điện-Điện tử-Tự động hóa: Thiết kế vi mạch nhúng, Điện tử viễn thông, Điện tự động, Điều khiển&Tự động hóa, Kỹ thuật điện. Ngoài ra, còn có 02 chương trình tiên tiến Cơ điện tử và Điện-Điện tử hợp tác với Đại học Purdue (Hoa Kỳ) với tổng số tín chỉ trung bình cho 1 chương trình là 154. Năm 2019, Khoa Điện-Điện tử đã tiến hành đăng ký kiểm định quốc tế chuẩn ABET (Hoa Kỳ) cho Chương trình đào tạo Điện-Điện tử (Electronic and Electrical Engineering) và đã đạt chuẩn ABET. Khoa Điện-Điện tử với gần 15 năm kinh nghiệm đào tạo trong lĩnh vực Điện-Điện tử-Tự động hóa đã cung cấp cho thị trường nguồn nhân lực trình độ cao với hơn 1000 kỹ sư góp phần đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Với phương châm, đề cao các ứng dụng thực tế, Trường đã trang bị hệ thống các phòng thí nghiệm cực kỳ tiên tiến như các phòng viễn thông cao cấp, phòng thí nghiệm logic, thực hành điện tử, vi xử lý, robot, xưởng chế tác mạch in PCB, phòng thực hành máy điện, máy CNC… Trong quá trình học tập, sinh viên chuyên ngành Thiết kế vi mạch nhúng được đào tạo đủ các khả năng phân tích, thiết kế vi mạch điện tử từ khâu thiết kế logic cho đến khâu thiết kế ở mức transistor, xây dựng các hệ thống nhúng, hay vận hành máy móc sản xuất mạch tích hợp. Cũng trong lĩnh vực vi mạch, Trường đã thành lập Công ty TNHH Giải pháp Arcronics vào năm 2020 và đã thực hiện nhiều dự án nghiên cứu và chế tạo mạch điện tử theo yêu cầu của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

b) Khó khăn

Ngay từ khi thành lập, Khoa Điện-Điện tử đã mở chuyên ngành đào tạo Thiết kế số, Hệ thống nhúng và hiện nay là chương trình Thiết kế vi mạch nhúng nhằm đào tạo chuyên sâu cho lĩnh vực vi mạch. Tuy nhiên, trong hơn 10 năm qua số lượng tuyển sinh chuyên ngành này là khá ít, trung bình chưa đến 20 sinh viên/khóa. Điều này dẫn đến các doanh nghiệp vi mạch đành phải tuyển dụng các kỹ sư của các ngành gần để đào tạo lại cho bên vi mạch. Mặc dù mức lương của các kỹ sư vi mạch này cao hơn so với các ngành khác của lĩnh vực Điện-Điện tử-Tự động hóa nhưng sinh viên ít lựa chọn theo đuổi ngành này vì ba nguyên nhân chính:

  • Một là, nhận thức của xã hội về sự phát triển ngành này chưa theo kịp với tình hình phát triển do đây là lĩnh vực khá mới mẻ, ít thông tin, ít doanh nghiệp tuyển dụng ở các địa phương trừ Hà Nội, Tp HCM và Đà Nẵng.
  • Hai là, đây là ngành học khó, nó đòi hỏi người học có nền tảng về STEM (Science-Technology-Engineering-Mathematics). Ngoài ra, yêu cầu về tiếng Anh cao cũng như áp lực công việc lớn vì phần lớn phải làm việc cho các dự án nước ngoài. Trong suốt quá trình làm việc đòi hỏi người kỹ sư không ngừng cập nhật công nghệ mới để thiết kế ra các vi mạch đáp ứng yêu cầu của các ứng dụng mà khách hàng đưa ra.
  • Ba là, chi phí đào tạo chuyên ngành này cao hơn nhiều so với các chuyên ngành khác trong lĩnh vực Điện-Điện tử-Tự động hóa do cần có các phần cứng và phần mềm chuyên dụng giá cả khá đắt đỏ cũng như việc xây dựng đội ngũ giảng dạy có kinh nghiệm thực tế chuyên ngành này khá khó khăn.

1.2 Giải pháp

Nhằm nắm bắt cơ hội có một không hai để phát triển lĩnh vực công nghệ cao, đặc biệt là lĩnh vực vi mạch bán dẫn cho Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng, trong bài tham này chúng tôi đề xuất các giải pháp sau:

  • Nâng cao nhận thức xã hội về tầm quan trong của sự phát triển vi mạch đối với nền kinh tế Việt Nam và thế giới thông qua các hoạt động tuyên truyền, quảng bá.
  • Nhanh chóng triển khai một cách đồng bộ chương trình giáo dục STEM vào các trường phổ thông, giúp học sinh sớm định hướng nghề nghiệp.
  • Nâng cao mức vay cho sinh viên theo học lĩnh vực này nhằm hỗ trợ cho sinh viên có đủ điều kiện theo đuổi ngành vi mạch bán dẫn.
  • Nhà nước cần tài trợ kinh phí cho tất cả các đơn vị đào tạo trên mỗi sinh viên theo học ngành vi mạch bán dẫn.
  • Xây dựng các phòng thí nghiệm vi mạch trọng điểm quốc gia tại các trường đại học và tài trợ cho các dự án nghiên cứu về vi mạch bán dẫn.
  • Tạo cơ chế thu hút các nguồn tài trợ nghiên cứu từ các quốc gia phát triển, đẩy mạnh việc hợp tác nghiên cứu và đào tạo.
  • Tổ chức các cuộc thi khởi nghiệp, ươm tạo và tài trợ cho các dự án khởi nghiệp liên quan đến lĩnh vực vi mạch bán dẫn.
  • Thành phố cần có chính sách nhằm thu hút đội ngũ chuyên gia cao cấp từ các nước đến sinh sống và làm việc lâu dài tại thành phố Đà Nẵng.
  • Nghiên cứu và đề xuất phương án xây dựng phòng thí nghiệm và sản xuất thử nghiệm (LAB to FAB) với mục đích sản xuất chế tạo thử vi mạch; là nơi cung cấp hạ tầng cho đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực chế tạo vi mạch, làm chủ công nghệ chế tạo vi mạch cho các trường đại học trên địa bàn Thành phố. Các phòng thí nghiệm này trực thuộc Thành phố dưới sự chủ trì của Sở TTTT, các trường ĐH trên địa bàn thành phố được phép tham gia.
  • Hỗ trợ các trường Đại học trên địa bàn thành phố xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh, làm chủ những công nghệ thiết kế tiên tiến trên thế giới, đặc biệt các công nghệ hỗ trợ cho sự phát triển công nghiệp lần thứ 4 hoặc làm chủ công nghệ thiết kế thiết bị, các giải pháp hỗ trợ đề án xây dựng thành phố thông minh.
  • Thành phố chủ trì kết nối các đơn vị thiết kế vi mạch bán dẫn hàng đầu ở trong nước và quốc tế cùng các trường Đại học trên địa bàn để xây dựng bộ tiêu chuẩn kiến thức và kỹ năng của kỹ sư thiết kế vi mạch theo từng bậc lĩnh vực chuyên ngành; phương pháp xây dựng giáo trình đào tạo đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp về chất lượng kỹ sư sau đào tạo; nhu cầu về kỹ sư của doanh nghiệp; khả năng tham gia của các chuyên gia, kỹ sư đang làm việc tại doanh nghiệp…
  • Thường xuyên tổ chức các hội nghị, hội thảo, diễn đàn, triển lãm nhằm thu hút và gắn kết ba bên chính quyền – doanh nghiệp – đơn vị đào tạo hỗ trợ nhau cùng phát triển.
  1. KẾT LUẬN

Với vai trò là đơn vị nghiên cứu và đào tạo, Trường Đại học Duy Tân đã đóng góp trong việc cung cấp nguồn nhân lực vi mạch cho thành phố trong thời gian qua. Tuy nhiên, do tình hình mới nên trong thời gian tới, nhà trường cam kết sẽ phối hợp với thành phố và các doanh nghiệp chú trọng đầu tư và phát triển mảng nghiên cứu và đào tạo này hơn nữa nhằm đáp ứng nhu cầu kỹ sư vi mạch và bán dẫn của thành phố với kỳ vọng Đà Nẵng là một trong những “Thung lũng Silicon” trong tương lai không xa.

PGS.TS. Hà Đắc Bình – Hiệu trưởng Trường công nghệ, Trường Đại học Duy Tân

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here