Đánh giá của Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển Châu Á về 3 động lực tăng trưởng của Việt Nam 2024

0
54
Kinh tế Việt Nam tiếp tục cải thiện. (Nguồn: VGP)

Ông Shantanu Chakraborty, giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, đánh giá tích cực các chính sách của Việt Nam trong năm 2023 nhằm giảm thiểu ảnh hưởng từ các khó khăn bên ngoài, đồng thời đưa ra các kiến nghị cho năm 2024.

Việt Nam đã khéo léo trong năm 2024

* Ông đánh giá thế nào về kinh tế Việt Nam trong năm 2023, trong bối cảnh thế giới nhiều phức tạp?

– Bất chấp những thách thức từ môi trường bên ngoài, Việt Nam đã khéo léo điều hướng các chính sách giảm nhẹ như chính sách tiền tệ và tài chính, đầu tư công và tăng cường mạng lưới an sinh xã hội để duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo sự cân bằng giữa ổn định giá cả, tăng trưởng kinh tế và việc làm.

Chúng tôi đánh giá cao Chính phủ trong việc chỉ đạo thực hiện các chính sách tiền tệ và tài khóa một cách cân bằng và hiệu quả nhằm đẩy nhanh quá trình phục hồi, đồng thời tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế đã được tăng cường trước những thách thức toàn cầu.

Các yếu tố chính giúp nền kinh tế phục hồi khá tốt vào năm 2023 bao gồm sự phục hồi của các dịch vụ trong nước, bao gồm cả du lịch, cũng như chi tiêu công. Giải ngân vốn đầu tư công đến cuối tháng 11 đạt 75% kế hoạch chi trong năm, tăng đáng kể 22% so với cùng kỳ. Việc giải ngân vốn đầu tư công tuy còn chậm nhưng đã phần nào thúc đẩy tiêu dùng trong nước ở mức 9,6% trong tháng 11-2023 so với cùng kỳ năm 2022.

Khu vực FDI cũng cho thấy những tín hiệu tích cực. Giải ngân vốn FDI đạt 20,3 tỉ USD, tăng 2,5% so với cùng kỳ, là mức tăng 11 tháng cao nhất trong 6 năm qua. Tổng vốn FDI đăng ký tính đến ngày 25-11-2023 ước tính đạt 29 tỉ USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ.

Nền tảng kinh tế vĩ mô vẫn vững vàng với việc nới lỏng tiền tệ kịp thời trong nửa đầu năm, trong khi lạm phát được kiểm soát khá tốt dưới mục tiêu 4%.

* Theo ông, Việt Nam cần làm gì để giữ vững và phát huy các kết quả tích cực trong năm mới 2024?

– Để duy trì đà tăng trưởng trong năm 2024, cần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô thông qua việc tiếp tục thực thi các chính sách tiền tệ chủ động và linh hoạt cùng với chính sách tài khóa thận trọng.

Điều quan trọng là đảm bảo các chính sách này phải được thực thi một cách có hiệu quả để tạo ra một xung lực mạnh hơn cho nền kinh tế. Bên cạnh đó, cần tăng cường thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng chính là đầu tư công, tiêu dùng nội địa và phục hồi xuất khẩu.

Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh đầu tư công, đặc biệt thúc đẩy đầu tư công vào cơ sở hạ tầng quan trọng. Đây chính là đòn bẩy tài khóa kích thích các hoạt động kinh tế, hỗ trợ trực tiếp các doanh nghiệp xây dựng, công nghiệp khai khoáng, đồng thời mang lại nhiều cơ hội việc làm hơn.

Tiêu dùng trong nước sẽ được thúc đẩy nhờ nhu cầu gia tăng từ các biện pháp tài khóa, được hỗ trợ bởi chính sách tiền tệ phù hợp để giữ mặt bằng lãi suất tương đối thấp. Trong ngắn hạn, cần mở rộng các chính sách tài khóa, trong khi chính sách tiền tệ chỉ mang tính hỗ trợ.

Thị trường toàn cầu được dự báo sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Việt Nam cần tăng cường các chính sách khuyến khích các doanh nghiệp chủ động tìm kiếm và mở rộng thị trường, tiếp tục khai thác các hiệp định tự do thương mại mà Việt Nam đã tham gia ký kết.

Thực tế cho thấy xuất khẩu của Việt Nam còn phụ thuộc nhiều vào khu vực FDI. Khi sức cầu bên ngoài giảm thì kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước chưa thể bù đắp phần giảm kim ngạch của các doanh nghiệp FDI. Do đó Việt Nam cần tiếp tục các cải cách cơ cấu để các doanh nghiệp trong nước có thể tham gia sâu rộng hơn vào các chuỗi giá trị toàn cầu.

Để có thể hỗ trợ có hiệu quả hơn cho các doanh nghiệp, Việt Nam cần tiếp tục các cải cách mạnh mẽ hơn trong môi trường đầu tư, kinh doanh nhằm xóa bỏ quan liêu, nâng cao chất lượng dịch vụ công và giảm bớt gánh nặng chi phí kinh doanh, tăng cường khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

Các kiến nghị cho phát triển xanh

* Việt Nam đang theo đuổi tăng trưởng xanh. ADB sẽ hỗ trợ cho mục tiêu này của Việt Nam như thế nào?

– Việt Nam đã công bố Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050. Hiện nay nguồn lực được phân bổ cho việc thực hiện chiến lược này vẫn ở mức khiêm tốn do ngân sách còn hạn hẹp.

Với nền tảng tài chính xanh đang phát triển nhanh chóng trên thị trường toàn cầu và khu vực, đã đến lúc Việt Nam cần thực hiện các biện pháp chủ động hơn để thực hiện kế hoạch hành động và Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia nhằm đạt được phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 theo cam kết tại COP26 năm 2021.

Việt Nam đang cân nhắc tài chính xanh như một phần trong cam kết phát triển bền vững. Chúng tôi tin rằng các sáng kiến và cam kết của Chính phủ giúp Việt Nam chuẩn bị tốt hơn để theo đuổi tăng trưởng xanh và huy động tài chính xanh.

Với tình hình hiện tại, để tận dụng các cơ hội do xu hướng tài chính xanh mang lại, Việt Nam có thể xem xét nhiều hành động theo cách tiếp cận đa hướng.

Thứ nhất, khung pháp lý cần được tăng cường với các quy định rõ ràng, toàn diện về nền kinh tế xanh và thị trường tài chính, tương thích với thông lệ và tiêu chuẩn quốc tế để đảm bảo tính nhất quán và minh bạch. Khuôn khổ này sẽ giúp tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển đầu tư xanh để hấp thụ tài chính xanh và thúc đẩy sự phát triển của thị trường tài chính.

Thứ hai, trên cơ sở chiến lược phát triển xanh, cần xác định các mục tiêu định lượng cụ thể phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam, cùng với các cơ chế khuyến khích rõ ràng để tạo động lực cho phát triển tài chính xanh. Các cơ chế khả thi để khuyến khích đầu tư và tài chính xanh có thể bao gồm ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp hoặc giảm lãi suất…

Thứ ba, cần tích cực tiếp cận các nguồn vốn quốc tế thông qua hợp tác song phương và các tổ chức tài chính quốc tế để thu hút vốn ưu đãi và nâng cao năng lực, tích lũy kinh nghiệm phát triển kinh tế xanh, tài chính xanh, qua đó góp phần phát triển thị trường tài chính xanh trong nước ngày càng sâu sắc hơn.

Thứ tư, triển khai hệ thống chứng nhận carbon để hình thành thị trường carbon trong nước và kết nối với thị trường carbon quốc tế. Đây là kênh tạo thêm nguồn thu cho các hoạt động kinh tế xanh, góp phần thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi sang hoạt động xanh nhanh hơn và quy mô hơn.

Tiếp theo, Chính phủ có thể có những bước đi tiên phong quan trọng bằng việc phát hành trái phiếu chính phủ xanh, trên cơ sở hệ thống quản lý chi ngân sách cho các hạng mục xanh. Thị trường trái phiếu xanh sẽ trở nên sôi động hơn và có thể thu hút các nhóm nhà đầu tư quan tâm đến sản phẩm tài chính xanh.

Cuối cùng, với việc phân cấp đầu tư công gần đây cho cấp tỉnh, các tỉnh nên ưu tiên và đẩy nhanh đầu tư công vào các dự án giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu trong giảm nhẹ và thích ứng, nâng cao năng lực đánh giá tác động và báo cáo của khí hậu, mở đường thu hút tài chính khí hậu để hỗ trợ, phát triển kinh tế – xã hội địa phương.

(Theo tuoitre.vn)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here