Đan Mạch và Việt Nam đẩy mạnh hợp tác chuyển đổi xanh và phát triển bền vững

0
59
(minh hoạ)

Việt Nam và Đan Mạch đều đặt ra các mục tiêu phát thải đầy tham vọng. COP 28 (30/11/2023 – 12/12/2023 tại UAE) là thời điểm quan trọng để đánh giá kỹ lưỡng và toàn diện về tình trạng trái đất của chúng ta; từ đó, vạch ra lộ trình xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn.

Việt Nam và Đan Mạch sẽ tiếp tục hợp tác để đạt được các mục tiêu khí hậu toàn cầu đầy tham vọng cũng như đẩy mạnh các chương trình hợp tác hiện tại trong các lĩnh vực khác nhau hướng tới mục tiêu chuyển đổi xanh và phát triển kinh tế xã hội bền vững.

COP28 là COP quan trọng nhất kể từ khi Thỏa thuận Paris được thông qua. Theo Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), chúng ta bắt buộc phải giảm lượng phát thải toàn cầu để đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và sau đó là phát thải ròng bằng âm nếu muốn duy trì mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu không vượt quá 1,5 độ của Thỏa thuận Paris. Tuy nhiên, vẫn còn một khoảng cách đáng kể giữa các Kế hoạch Quốc gia hiện tại và lộ trình rõ ràng và chắc chắn để đạt được mục tiêu 1,5 độ này.

Việt Nam và Đan Mạch đều đặt ra các mục tiêu phát thải đầy tham vọng. Tại COP 26, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra cam kết Việt Nam sẽ đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Cam kết này đã gửi đến cộng đồng quốc tế một tín hiệu rõ ràng về định hướng và quyết tâm của Việt Nam hướng tới phát triển một nền kinh tế carbon thấp và bền vững. Đan Mạch, một trong các quốc gia hàng đầu thế giới về phát triển xanh, đặt mục tiêu giảm 70% lượng phát thải vào năm 2030, 100% vào năm 2045 và 110% vào năm 2050, tức là trở thành quốc gia phát thải ròng âm vào năm 2050.

Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu, phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch và có một ngành công nghiệp phát triển ngày càng tốn nhiều năng lượng và theo định hướng xuất khẩu. Tuy nhiên, Việt Nam cũng là đối tác quan trọng trong cuộc chiến toàn cầu chống biến đổi khí hậu khi là một trong các nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất châu Á cũng như  đang phải đối mặt với nhu cầu về năng lượng sạch ngày càng tăng từ các nhà đầu tư nước ngoài khi thiết lập nhà máy sản xuất ở Việt Nam.

Tại COP28, Đan Mạch công bố hỗ trợ tổng cộng 50 triệu USD cho các quốc gia dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu. Một nửa số này được phân bổ cho quỹ tổn thất và thiệt hại mới được thành lập ngay ngày đầu tiên của COP28. Đan Mạch cũng sẽ khởi động sáng kiến thành lập liên minh Nhóm các nước phát thải âm (GONE), tạo ra một cuộc chạy đua giành vị trí dẫn đầu giữa các quốc gia trong việc đưa ra các mục tiêu tham vọng giảm thiểu các ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Tại cuộc gặp tại COP 28 (Dubai), Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính và Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen cùng đánh giá cao quan hệ hợp tác lâu dài và hiệu quả giữa Việt Nam và Đan Mạch, đặc biệt trong lĩnh vực biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng. Trên cơ sở Quan hệ Đối tác Chiến lược Xanh vừa được hai Thủ tướng công bố ngày 1/11/2023, hai nhà lãnh đạo chính phủ cũng nhất trí chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp thực hiện các biện pháp nhằm làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác song phương giữa hai nước.

Nhân dịp Việt Nam công bố Kế hoạch Huy động Nguồn lực thực hiện Tuyên bố Quan hệ Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP), mà Đan Mạch cùng với các nước G7, EU, Na Uy là đối tác thành viên, Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen đã phát biểu: ‘Xin chúc mừng Thủ tướng Phạm Minh Chính và chính phủ Việt Nam hôm nay đã có bước đi quan trọng trong việc thực hiện Tuyên bố Quan hệ Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng. Tại thời khắc có tính chiến lược đối với quá trình chuyển đổi xanh của Việt Nam này, Nhóm Đối tác Quốc tế (IPG) và Đan Mạch luôn sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong quá trình phấn đấu để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 đầy tham vọng. Đan Mạch có hơn 40 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực chuyển đổi xanh và thực tế từ Đan Mạch cho thấy chuyển đổi xanh có thể là động lực tạo ra nhiều việc làm và phát triển kinh tế xanh. Chúng tôi cam kết tiếp tục trao đổi kinh nghiệm cũng như công nghệ để hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng ở Việt Nam’.

Ông Nicolai Prytz, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam, cũng bổ sung: ‘Tại COP 28, Đan Mạch sẽ thúc đẩy việc đạt được một thỏa thuận về việc giảm dần và chấm dứt sử dụng nhiên liệu hóa thạch trên toàn cầu, đặt ra các mục tiêu tăng vượt bậc tỷ lệ năng lượng tái tạo cũng như tăng cường việc sử dụng năng lượng hiệu quả. Tại Việt Nam, thông qua Chương trình Đối tác Năng lượng giữa hai nước, Đan Mạch đang hợp tác và hỗ trợ Việt Nam trong quá trình thực hiện để đạt các mục tiêu tham vọng này.

Hiện đang thực hiện ở năm thứ 10, Chương trình Đối tác Năng lượng có mục tiêu hỗ trợ và trao đổi với các cơ quan hữu quan Việt Nam các kiến thức và công cụ cần thiết để xây dựng chính sách và kế hoạch chuyển đổi ngành năng lượng, cũng như thực hiện các chính sách và kế hoạch này. Việc thiết lập Quan hệ Đối tác Xanh gần đây giữa hai nước đã mở ra một cơ hội lớn hơn nữa trong việc củng cố quan hệ hợp tác lâu dài trong lĩnh vực chuyển đổi xanh và hướng tới một nền kinh tế carbon thấp trong các lĩnh vực chủ chốt của nền kinh tế.’

Kết quả và kinh nghiệm từ Chương trình Đối tác Năng lượng Việt Nam Đan Mạch cũng sẽ được chia sẻ rộng rãi tại Việt Nam Pavilion: các Giám đốc Hợp tác Toàn cầu của Cơ quan Năng lượng Đan Mạch sẽ trình bày về “Kinh nghiệm chuyển đổi xanh của Đan Mạch và bài học kinh nghiệm từ Chương trình Đối tác Năng lượng với Việt Nam” và “Cách Đan Mạch theo dõi phát thải và phát thải của ngành năng lượng Việt Nam dựa trên Báo cáo Triển vọng Năng lượng”.

Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1971, Việt Nam và Đan Mạch đã có mối quan hệ hợp tác chặt chẽ và bền chặt.

Ngày 1/11/2023, Thủ tướng hai nước cùng tuyên bố thiết lập Quan hệ Đối tác Chiến lược Xanh (GSP) giữa Việt Nam và Đan Mạch. Việc ký kết thỏa thuận này đã đánh dấu một cột mốc quan trọng trong quan hệ hợp tác giữa hai nước cũng như thiết lập khuôn khổ vững chắc hỗ trợ Việt Nam phát triển nền kinh tế ít carbon, thích ứng với khí hậu và thúc đẩy phát triển nền kinh tế tuần hoàn.

Quan hệ Đối tác Chiến lược Xanh sẽ xây dựng và củng cố sự hợp tác hiện có trong lĩnh vực Khí hậu, Môi trường và Năng lượng, Lương thực và Nông nghiệp, Hợp tác Thương mại và Kinh doanh, Khoa học Y tế và Đời sống, Thống kê và các sáng kiến ​​thuộc các lĩnh vực khác mà các bên cùng quan tâm.

Năm 2013, Việt Nam và Đan Mạch đã ký kết một hiệp định hợp tác dài hạn với mục đích thúc đẩy quá trình chuyển đổi tại Việt Nam sang nền kinh tế cácbon thấp. Việc thực hiện hiệp định này do chính phủ Đan Mạch tài trợ và Cơ quan Năng lượng Đan Mạch quản lý.

Cơ quan Năng lượng Đan Mạch hợp tác với Bộ Công Thương Việt Nam thông qua Chương trình Hợp tác Đối tác Năng lượng (DEPP) giữa Việt Nam và Đan Mạch. Chương trình bao gồm các lĩnh vực sử dụng hiệu quả năng lượng trong công nghiệp, tích hợp năng lượng tái tạo vào lưới điện, và xây dựng mô hình kịch bản dài hạn cho ngành năng lượng. Tại giai đoạn hiện tại, chương trình (2021-2025) bao gồm một hợp phần về điện gió ngoài khơi.

Trung tâm Hợp tác Toàn cầu của Cơ quan Năng lượng Đan Mạch hợp tác với 24 quốc gia, nơi tạo ra hơn 60% lượng phát thải CO₂ toàn cầu. Thông qua các chương trình hợp tác đối tác dài hạn giữa các chính phủ này, Đan Mạch đã chia sẻ các kiến thức, kinh nghiệm, các khả năng thế mạnh của mình trong quá trình chuyển đổi từ một hệ thống năng lượng dựa vào nhiên liệu hóa thạch sang một hệ thống hoạt động bằng năng lượng tái tạo, đồng thời bảo đảm đảm an ninh năng lượng và thúc đẩy phát triển kinh tế.

Chu Văn

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here