Đắk Lắk xúc tiến đầu tư tranh thủ sự kiện Gặp gỡ Ngoại giao đoàn

0
121

Trong khuôn khổ Hội nghị “Gặp gỡ địa phương – Ngoại giao đoàn” khu vực Tây Nguyên 2016, ngày 9/6, UBND tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức Hội nghị chuyên đề về xúc tiến đầu tư với sự tham dự của đại biểu đến từ các cơ quan đại diện và tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp trong và ngoài nước…

Nhiều nguồn lực còn để ngỏ

Giới thiệu về tiềm năng, lợi thế cũng như các điều kiện, cơ hội để kêu gọi các nhà đầu tư đầu tư vào Đắk Lắk, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk Y Dhăm Ênuôl cho biết: Đắk Lắk là tỉnh trung tâm của Tây Nguyên, có diện tích tự nhiên hơn 13.000 km vuông, dân số trên 1,8 triệu người với 15 đơn vị hành chính, trong đó TP.Buôn Ma Thuột đang nỗ lực phấn đấu thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên và là thủ phủ cà phê của cả nước.

Trong những năm qua, được sự quan tâm đầu tư của Chính phủ và các cấp Bộ, ngành, tăng trưởng kinh tế của Đắk Lắk luôn duy trì được tốc độ tăng khá so với bình quân chung của cả nước. Thống kê đến năm 2015, tổng sản phẩm xã hội của địa phương đạt 1.867 tỷ USD, tăng trưởng kinh tế là 9% so với năm 2014, thu nhập bình quân đầu người đạt 1.480 USD, kim ngạch xuất khẩu đạt 650 triệu USD, tổng mức lưu chuyển hàng hóa trên 2.163 tỷ USD, tỷ lệ lao động được đào tạo đạt 50% (trong đó qua đào tạo nghề đạt 40%).

“Với vị trí địa lý thuận lợi, điều kiện tự nhiên rộng, đất đai màu mỡ cùng nguồn nhân lực dồi dào, Đắk Lắk là điểm đến rất thuận lợi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Với mong muốn tiếp tục mở rộng mối quan hệ hợp tác với các nước, tỉnh Đắk Lắk phấn khởi và tin rằng, thông qua Hội nghị lần này, tỉnh sẽ có thêm nhiều cơ hội để giới thiệu sâu hơn đến đối tác về các tiềm năng, cơ hội đầu tư vào tỉnh, tăng cường thu hút các nguồn lực đầu tư bên ngoài trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội”- ông Y Dhăm Ênuôl, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết thêm.

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đắk Lắk, nhu cầu đầu tư tại địa phương này khá lớn, khoảng 81 dự án với giá trị đầu tư 376 triệu USD (trong đó vốn ODA là 295 triệu USD), bao gồm các lĩnh vực phát triển hạ tầng, nông nghiệp và phát triển nông thôn, giáo dục, thủy lợi, môi trường. Trong khi đó, vốn đầu tư FDI là 11 dự án với tổng vốn đăng ký 118,6 triệu USD trên các lĩnh vực: dịch vụ, chế biến nông sản, chế biến thức ăn gia súc, trồng hoa xuất khẩu. Ngoài ra, nguồn vốn từ các tổ chức phi chính phủ (NGO) viện trợ là 99 khoản với tổng trị giá viện trợ 26,1 triệu USD trên các lĩnh vực: y tế, giáo dục, nông nghiệp và hỗ trợ cộng đồng…

Đến nay, nhiều dự án đầu tư đã hoàn thành như dự án thoát nước mưa và nước thải TP.Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1) với tổng vốn đầu tư 15,9 triệu USD, kết quả mang lại là đảm bảo nguồn nước cho hơn 163.000 người dân trên địa bàn TP; dự án cấp nước thị xã Buôn Hồ, vốn đầu tư 5,5 triệu USD, công suất hơn 5.600 m3/ngày đêm, đảm bảo thoát nước cho hơn 56.000 hộ trên địa bàn thị xã Buôn Hồ; dự án phát triển lâm nghiệp cải thiện đời sống vùng Tây Nguyên, tổng vốn đầu tư 12,24 triệu USD, hỗ trợ trồng mới khoảng 250.000- 300.000 ha rừng, góp phần cải thiện sinh kế cho người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo, thu hẹp khoảng cách về thu nhập…

Trong thời gian tới, UBND tỉnh Đắk Lắk kêu gọi đầu tư ODA vào các lĩnh vực: Môi trường, thủy lợi, giao thông, phát triển hạ tầng, giáo dục… Đặc biệt là các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu, hỗ trợ phát triển bền vững.

Trên lĩnh vực FDI, UBND tỉnh Đắk Lắk kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nhất là việc ứng dụng công nghệ sinh học cũng như các công nghệ khác để tạo ra giá trị gia tăng cao, sản xuất giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao…; phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản gắn với nhu cầu thị trường và dựa trên các vùng nông nghiệp chuyên canh quy mô lớn; phát triển du lịch, dịch vụ theo chiều sâu, tạo ra các sản phẩm du lịch, dịch vụ đặc sắc; nâng cao năng lực và chất lượng, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm hoàng hóa, dịch vụ; xây dựng và kinh doanh các siêu thị, trung tâm thương mại hình thành trung tâm dịch vụ vùng Tây Nguyên; đầu tư vào giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao…

Về vốn ODA, Đắk Lắk kêu gọi đầu tư hệ thống thoát nước và xử lý nước thải thị xã Buôn Hồ (giai đoạn 1) với tổng mức đầu tư 629,677 tỷ đồng để xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải công suất 6.000-8.000 m khối/ngày đêm; dự án phát triển thủy lợi trong vùng cà phê bền vững Đắk Lắk giai đoạn 2013 đến 2020 và định hướng đến năm 2025 tại 9 huyện trong tỉnh, mức vốn đầu tư dự kiến 15.316 tỷ đồng, đáp ứng yêu cầu tưới tiêu của từng khu vực trong vùng cà phê bền vững tỉnh Đắk Lắk, đồng thời giảm thiểu tối đa việc sử dụng và khai thác nước ngầm vượt mức cho phép; dự án nâng cấp, mở rộng đường nối Quốc lộ 14 đến Quốc lộ 26 và Quốc lộ 14 đến Tỉnh lộ 8, TP. Buôn Ma Thuột, mức đầu tư dự kiến 472 tỷ đồng, đầu tư xây dựng đường giao thông cấp III với chiều dài 8.364 m; dự án đầu tư trang thiết bị Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, với tổng mức đầu tư dự kiến 777 tỷ đồng để đầu tư trang thiết bị cho bệnh viện đa khoa hạng 1, quy mô 800 giường.

Phát triển để xứng với tiềm năng

Phát biểu tham luận tại Hội nghị Gặp gỡ Địa phương – Ngoại giao Đoàn năm 2016 khu vực Tây Nguyên diễn ra trước đó, Bí thư tỉnh ủy tỉnh Đắk Lắk, ông Y Phu Êban cho biết, bên cạnh những ưu đãi về tài nguyên, sự đa dạng phong phú của sản vật và những di sản văn hóa đặc sắc; những khó khăn về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực là nguyên nhân khiến khu vực Tây Nguyên chưa phát triển tương xứng với tiềm năng.

Ông cũng bày tỏ mong muốn Hội nghị sẽ là kênh kết nối hiệu quả giữa các nhà đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp địa phương, qua đó giúp đưa ra giải pháp phát triển kinh tế song song với phát huy và bảo tồn giá trị văn hóa độc đáo của khu vực Tây Nguyên, giúp Tây Nguyên trở thành điểm đến năng động trong mắt các nhà đầu tư.

Trên cơ sở những thông tin và các điều kiện, cơ hội đầu tư được UBND tỉnh Đắk Lắk đưa ra, nhiều nhà đầu tư đã bày tỏ ủng hộ, sẵn sàng tham gia đầu tư với địa phương. Trong đó, đáng quan tâm là đại diện Lãnh sự quán Nhật Bản yêu cầu Đắk Lắk cung cấp thông tin về hạn hán và những thiệt hại, nhu cầu giải quyết chống hạn ở địa phương để có sự hỗ trợ, đầu tư cho Đắk Lắk đối phó có hiệu quả với hạn hán; đại diện Tổng lãnh sự quán Romani cam kết sẽ tìm hiểu để đầu tư một số lĩnh vực về văn hóa, du lịch trên địa bàn Đắk Lắk; đại diện tập đoàn Sunwah (Hồng Kông) đầu tư nhà máy phân vi sinh hữu cơ và chế biến cà phê sạch xuất khẩu; đại diện tập đoàn Cà phê ngon tiếp tục mở rộng đầu tư cơ sở sản xuất, chế biến cà phê nước và cà phê hộp….

Với những cam kết ban đầu của nhà đầu tư, UBND tỉnh Đắk Lắk tin tưởng vào kết quả xúc tiến đầu tư sắp tới đây tại địa phương; đồng thời cam kết sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách thủ tục hành chính để tạo mọi thuận lợi cho nhà đầu tư đến Đắk Lắk làm ăn không gặp trở ngại.

Dịp này, đại diện UBND tỉnh Đắk Lắk cũng đã thông tin thêm về dự án điện năng lượng mặt trời do Hàn Quốc đầu tư (khoảng 600 triệu USD); dự án đầu tư nhà máy điện gió do một nhà đầu tư Việt Nam sẽ bắt đầu từ cuối năm 2016, đầu năm 2017; dự án xây dựng Trung tâm dạy nghề thanh thiếu niên dân tộc thiểu số…

Văn Nguyễn

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here