Đại sứ quán Việt Nam tại Ma-rốc tổ chức Hội thảo trực tuyến Kết nối kinh doanh Việt Nam – Bờ Biển Ngà

0
317
(ĐSQVN tại Ma-rốc)
(ĐSQVN tại Ma-rốc)

Ngày 04/8/2022, Đại sứ quán Việt Nam tại Ma-rốc kiêm nhiệm Bờ Biển Ngà đã phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại – Bộ Công thương và Phòng Thương mại – Công nghiệp Bờ Biển Ngà tổ chức Hội thảo trực tuyến Kết nối kinh doanh Việt Nam – Bờ Biển Ngà nhằm giới thiệu thị trường Việt Nam và tăng cường kết nối doanh nghiệp, ngày 04/8/2022, . Tham dự Hội thảo có gần 100 đại biểu đại diện các cơ quan, doanh nghiệp của hai nước, trong đó có ông Koffi Georges Bolamo, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Thủ tướng, ông Modibo Samake, cố vấn Thủ tướng Chính phủ Bờ Biển Ngà, ông Faman Touré Chủ tịch Phòng Thương mại Công nghiệp Bờ Biển Ngà. Về phía Việt Nam có Đại sứ Đặng Thị Thu Hà, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, ông Lê Phước Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Phi và Trung Đông, Chủ tịch Liên hiệp Hợp tác Việt Nam – châu Phi, đại diện các đơn vị liên quan của Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao, một số Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp…

(ĐSQVN tại Ma-rốc)

Phát biểu tại Hội thảo, bà Đặng Thị Thu Hà – Đại sứ Việt Nam tại Ma-rốc kiêm nhiệm Bờ Biển Ngà cho biết, Bờ Biển Ngà là một trong những nền kinh tế hàng đầu của khu vực Tây Phi và có nhiều tiềm năng hợp tác kinh tế, thương mại với Việt Nam. Với dân số xấp xỉ 26,5 triệu người, đây là quốc gia có sức tiêu thụ hàng hóa mạnh, trong khi yêu cầu về tiêu chuẩn sản phẩm lại không quá khắt khe. Bờ Biển Ngà cũng là quốc gia giàu tài nguyên thiên, có nguồn nguyên liệu dồi dào cho nhiều ngành sản xuất mà Việt Nam có thể tiếp cận khai thác, trong đó có một số mặt hàng ta đã và đang nhập khẩu với số lượng lớn để phục vụ sản xuất như hạt điều thô, bông, nguyên liệu thức ăn gia súc… Do đó, tới đây Đại sứ quán sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan trong nước như Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông, Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, Liên hiệp Hợp tác kinh tế Việt Nam – châu Phi… tổ chức các hoạt động trực tuyến và trực tiếp để kết nối các đối tác Việt Nam và Bờ Biển Ngà và đây là sự kiện đầu tiên trong chuỗi các hoạt động này.

(ĐSQVN tại Ma-rốc)

Phát biểu chào mừng tại Hội thảo, ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại chia sẻ, Hội thảo trực tuyến kết nối kinh doanh Việt Nam – Bờ Biển Ngà đã được đưa thành một trong những hoạt động thuộc Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại năm 2022. Cục Xúc tiến thương mại với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực xúc tiến thương mại, đầu tư phát triển công nghiệp Việt Nam đã và đang nỗ lực kiến tạo và triển khai các giải pháp xúc tiến thương mại, đầu tư mới dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam duy trì kết nối thường xuyên với các đối tác, các doanh nghiệp và nhà đầu tư tiềm năng nước ngoài. Cục Xúc tiến thương mại luôn sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Bờ Biển Ngà mở rộng quan hệ kinh doanh và xuất khẩu hàng hóa cũng như nhập khẩu hành hóa với các doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Phúc Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Á – Châu Phi, Công Thương Việt Nam đã có những chia sẻ về tình hình tình hình hợp tác Kinh tế – Thương mại Việt Nam và Bờ Biển Ngà. Theo đó, Bờ Biển Ngà là đối tác thương mại lớn thứ 2 tại châu Phi (sau Nam Phi), là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của Việt Nam tại châu lục này (sau Nam Phi, Ai Cập và Ga-na). Trong giai đoạn 2017-2021, trung bình mỗi năm tổng giá trị xuất nhập khẩu hai chiều đã đạt hơn 1 tỷ USD USD. Năm 2021, thương mại song phương ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ sau khoảng thời gian sụt giảm do ảnh hưởng của dịch Covid-19, với tổng kim ngạch đạt gần 1,26 tỷ USD, tăng 38,7% so với năm 2020; trong đó Việt Nam xuất khẩu đạt 266,2 triệu USD, tăng 1,2% và nhập khẩu đạt 992,3 triệu USD, tăng 54%.

Mặt hàng gạo là một trong những mặt hàng lương thực thiết yếu quan trọng của nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Bờ Biển Ngà và Việt Nam. Trong 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu gạo Việt Nam đạt 3,49 triệu tấn với trị giá 1,7 tỷ USD, tăng 15,4% về khối lượng và 3,6% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2021. Việt Nam là một trong 5 đối tác xuất khẩu gạo lớn nhất vào Bờ Biển Ngà, chiếm trung bình khoảng 30% – 40% tổng trị giá nhập khẩu gạo của nước này. Xuất khẩu gạo từ Việt Nam vào Bờ Biển Ngà đã tăng hơn 106% trong giai đoạn 5 năm trở lại đây, từ mức 207 nghìn tấn năm 2017 lên hơn 428 nghìn tấn năm 2021, với trị giá tăng 136,7% từ 92 triệu USD năm 2017 lên hơn 218 triệu USD năm 2021.

Điều thô là nguyên liệu mà Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu hàng năm lên đến 2 triệu tấn và Bờ Biển Ngà có thế mạnh là quốc gia sản xuất, có sản lượng hạt điều lớn nhất thế giới. Theo nhận định của ông Đặng Hoàng Giang – Tổng thư ký Hiệp hội Điều Việt Nam, nhìn chung, trong 7 tháng đầu năm, số lượng điều nhân xuất khẩu và điều thô nhập khẩu đều giảm so với cùng kỳ 2021. Các nhà nhập khẩu và chế biến đang có xu hướng chậm mua hàng nguyên liệu, do nhiều nguyên nhân và khó khăn, nhưng tựu trung nhất là sự không tương quan giữa giá điều thô nhập khẩu và giá nhân xuất khẩu. Hiện nay, giá điều thô đang ở mức rất cao so với giá nhân đang bán ra, vì vậy giá điều khô cần phải được điều chỉnh trong thời gian tới.

Về phía Bờ Biển Ngà, ông Faman Touré, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Bờ Biển Ngà cho biết người dân Bờ Biển Ngà rất cảm phục những thành tựu của nhân dân Việt Nam trong công cuộc phát triển đất nước và mong muốn đưa các doanh nghiệp Bờ Biển Ngà tiếp cận ngày càng gần hơn và khai thác được tiềm năng, cơ hội mà thị trường lớn này sẽ mang lại cho doanh nghiệp Bờ Biển Ngà. Đồng thời ông cũng kêu gọi các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm khai thác thế mạnh của Bờ Biển Ngà với hơn 500km bờ biển, 2 cảng lớn nước sâu và đặc biệt là với Hiệp định Thương mại tự do châu Phi (AfCFTA) có hiệu lực từ ngày 30/5/2019 với sự tham gia của 54 quốc gia, đây sẽ là yếu tố thuận lợi để hàng Việt Nam thâm nhập vào Bờ Biển Ngà và từ đây tới các nước khác ở châu Phi. Ông cũng cho biết Phòng Thương mại và Công nghiệp Bờ Biển Ngà sẽ tổ chức một đoàn doanh nghiệp sang Việt Nam tìm hiểu cơ hội kinh doanh, đầu tư vào tháng 9/2022. Ngay tại Hội thảo, nhiều doanh nghiệp Bờ Biển Ngà đã đăng ký tham gia đoàn doanh nghiệp này.

Hội thảo đã trao đổi, thảo luận sôi nổi về các lĩnh vực tiềm năng và thế mạnh trong hợp tác thương mại Việt Nam – Bờ Biển Ngà như hạt điều, gạo và một số mặt hàng nông sản, cách thức thanh toán, một số vấn đề cần lưu ý khi kinh doanh tại Việt Nam… Tại phiên hỏi đáp của Hội thảo, các diễn giả, doanh nghiệp hai nước đã có dịp trao đổi, chia sẻ về vấn đề hỗ trợ doanh nghiệp tìm hiểu thị trường, tìm kiếm bạn hàng, đối tác cũng như sự chia sẻ về các chính sách, quy định pháp luật của hai nước trong vấn đề xuất, nhập khẩu hàng hóa trong bối cảnh hiện nay. Nhiều doanh nghiệp đã kết nối được đối tác, bạn hàng tại Hội thảo.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Ma-rốc)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here