Đại sứ quán Việt Nam tại Ma-rốc tổ chức Hội thảo trực tuyến giới thiệu nền kinh tế Việt Nam

0
76
(ĐSQVN tại Ma-rốc)
(ĐSQVN tại Ma-rốc)

Nhằm tiếp tục tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Ma-rốc, đặc biệt là Vùng Sousse-Massa (phía Nam), ngày 5/4/2021, Đại sứ quán Việt Nam tại Ma-rốc đã phối hợp với Phòng Thương mại vùng Souss Massa tổ chức Hội thảo trực tuyến giới thiệu nền kinh tế Việt Nam, tiềm năng xuất nhập khẩu và trao đổi các giải pháp thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Vùng Souss Massa. Tham dự Hội thảo có Đại sứ Đặng Thị Thu Hà, ông Karim Achengli, Chủ tịch Phòng Thương mại, Công nghiệp và Dịch vụ Vùng Souss-Massa, đại diện một số ban ngành của  Vùng và doanh nghiệp hai nước.

(ĐSQVN tại Ma-rốc)

Đại sứ Đặng Thị Thu Hà đã phát biểu khai mạc, khẳng định Việt Nam và Ma-rốc có nhiều tiềm năng để phát triển quan hệ kinh tế, thương mại. Đặc biệt, với tiến trình hội nhập ngày càng sâu rộng trong khu vực và trên thế giới thông qua việc tham gia nhiều hiệp định cắt giảm thuế quan, Việt Nam sẽ là cầu nối hiệu quả để doanh nghiệp Ma-rốc hợp tác thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, tận dụng cơ hội tại thị trường Việt Nam và thông qua Việt Nam tiếp cận thị trường các nước trong khu vực Đông Nam Á cũng như các nước đối tác ưu đãi.

Về phần mình, ông Karim Achengli, Chủ tịch Phòng Thương mại, Công nghiệp và Dịch vụ Vùng Souss-Massa nhấn mạnh sự quan tâm của các doanh nghiệp Souss Massa trong việc thiết lập và củng cố quan hệ đối tác với các doanh nghiệp Việt Nam vì lợi ích hai phía, đồng thời bày tỏ mong muốn sớm triển khai các hoạt động kết nối doanh nghiệp, kết nối với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

(ĐSQVN tại Ma-rốc)

Đại diện Đại sứ quán Việt Nam đã giới thiệu chi tiết về nền kinh tế Việt Nam, đặc điểm thị trường, tình hình quan hệ kinh tế, thương mại hai nước, nhấn mạnh vào một số thế mạnh là cơ sở để doanh nghiệp hai bên xem xét khai thác, thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực tiềm năng, phấn đấu đưa quan hệ kinh tế, thương mại Việt Nam-Ma-rốc, Việt Nam-Souss Massa lên một bước mới. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Ma-rốc hiện nay chủ yếu là hàng nông sản như: gạo, hạt tiêu, dứa hộp, cà phê, hải sản, gia vị nói chung; đồ công nghiệp, điện tử có các mặt hàng điện thoại và linh kiện, máy tính, sản phẩm hóa chất, dệt may, giày dép, máy móc thiết bị…  Các mặt hàng nhập khẩu chính từ Ma-rốc gồm có: phân bón, giấy phế liệu, linh kiện ô tô, máy móc thiết bị, nguyên liệu dệt may… Kim ngạch hai chiều đạt tăng trưởng tốt, trong đó kim ngạch trao đổi hai chiều năm 2019 đạt xấp xỉ 225 triệu USD, cao hơn so với các nước khác ở châu Phi nhưng vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng thực tế…

Việt Nam và Ma-rốc có quan hệ chính trị tốt, cả hai nước đều có nền an ninh chính trị và xã hội ổn định, tiềm năng trao đổi thương mại hiện rất rộng mở do hai bên có nhiều điểm tương đồng, nhất là đều có thị trường mở cửa với các chính sách quản lý và điều hành linh hoạt. Về khuôn khổ pháp lý, hai nước cũng đã ký kết nhiều Thỏa thuận, Hiệp định song phương cũng như đa phương, tạo khung pháp lý rõ ràng cho các hoạt động xúc tiến thương mại giữa hai bên. Đây là những cơ sở quan trọng giúp tăng cường quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước.

Một số doanh nghiệp Ma-rốc quan tâm tới thị trường Việt Nam nhưng cho biết còn thiếu thông tin và mong muốn tới đây sẽ được cung cấp thông tin đầy đủ, chi tiết hơn về thị trường Việt Nam cũng như các doanh nghiệp cùng lĩnh vực để kết nối. Một số ý kiến cho rằng cần tăng cường trao đổi, gặp gỡ để góp phần đưa doanh nghiệp Ma-rốc nói chung và Vùng Casablanca nói riêng đến gần hơn với thị trường Việt Nam và ngược lại, đề nghị Phòng Thương mại, Công nghiệp và Dịch vụ Vùng Sousse- Massa tổ chức đoàn doanh nghiệp sang tìm hiểu thị trường Việt Nam ngay sau khi tình hình dịch bệnh Covid-19 cho phép.

Một số doanh nghiệp Việt Nam bày tỏ lo ngại về việc thời gian qua vẫn có một số đối tác Maroc không thực hiện đúng cam kết trong hợp đồng như: chậm trả tiền, có trường hợp bỏ không nhận hàng hoặc hàng nhập về Việt Nam không đúng với chất lượng đã cam kết… và đề nghị có biện pháp giảm thiểu hiện tượng này cũng như tư vấn cách thức để không mắc phải trường hợp tương tự.

Các doanh nghiệp Ma-rốc đặt nhiều câu hỏi về thị trường Việt Nam và đã được giải đáp đầy đủ.

Hội thảo đã đạt mục tiêu đề ra, giúp các cơ quan, doanh nghiệp Vùng Sousse-Massa biết đến Việt Nam nhiều hơn và từ đó thêm quan tâm, mong muốn mở rộng cơ hội đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam. Các đại biểu thảo luận sôi nổi, hứa hẹn nhiều hợp tác thời gian tới và ngay tại hội thảo đã có một số doanh nghiệp kết nối được với nhau.

(ĐSQVN tại Ma-rốc)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here