Đã đến lúc thúc đẩy Hợp tác Nam-Nam

0
34
Với sự kết hợp giữa các quốc gia phát triển và kém phát triển này, cách tiếp cận SSC là sáng kiến phù hợp cho các quốc gia kề cận ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. (Nguồn: Linkline Journal)

Không giống như mối quan hệ “nước tài trợ-nước thụ hưởng” truyền thống, Hợp tác Nam-Nam tạo ra mối quan hệ bình đẳng giữa các quốc gia, nơi một quốc gia có thể học hỏi kinh nghiệm vượt qua khó khăn, thách thức mà các quốc gia khác trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương từng phải đối mặt trong lịch sử phát triển.

Sự kết hợp giữa các quốc gia phát triển và kém phát triển – cách tiếp cận SSC là sáng kiến phù hợp cho các quốc gia kề cận ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. (Nguồn: Linkline Journal)

Tờ Bangkok Post đăng tải bài viết của Trợ lý Tổng Giám đốc kiêm Đại diện khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên hợp quốc (FAO) Jong-Jin Kim, với tiêu đề “Đã đến lúc thúc đẩy Hợp tác Nam-Nam”. Bài viết nhận định, tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, các quốc gia ngày càng coi trọng hợp tác với các nước láng giềng để tìm kiếm ý tưởng về phát triển bền vững, trong đó, Hợp tác Nam-Nam (SSC) đã được công nhận là một trong những cơ chế hiệu quả nhất để trao đổi bí quyết kỹ thuật và kinh nghiệm giữa các quốc gia ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Không giống như mối quan hệ “nước tài trợ-nước thụ hưởng” truyền thống, Hợp tác Nam-Nam tạo ra mối quan hệ bình đẳng giữa các quốc gia, nơi một quốc gia có thể học hỏi kinh nghiệm vượt qua khó khăn, thách thức mà các quốc gia khác trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương từng phải đối mặt trong lịch sử phát triển. Thật vậy, Liên hợp quốc và các đối tác phát triển đa phương khác đã tăng cường tập trung vào SSC như một phương thức bổ sung quan trọng để thu hẹp khoảng cách công nghệ nhằm hỗ trợ phát triển bền vững và xóa đói giảm nghèo, bất bình đẳng, đáng chú ý nhất là trong việc giải quyết nạn đói.

SSC được hỗ trợ bởi một số nguyên tắc khiến nó trở thành một mô hình hợp tác kỹ thuật rất hiệu quả. Những nguyên tắc này bao gồm sự tôn trọng lẫn nhau đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia khác; không xâm lược lẫn nhau; không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; bình đẳng và cùng có lợi; cùng tồn tại hòa bình.

FAO công nhận SSC dựa trên sự đoàn kết giữa các quốc gia đối tác vì lợi ích chung. Theo đó, FAO đóng vai trò xúc tác trong việc tạo điều kiện hợp tác giữa các quốc gia và đã chứng minh hiệu quả trong việc chia sẻ các giải pháp thúc đẩy sự phát triển đối với các quốc gia có nhu cầu. Với lợi thế của mình, FAO đã cung cấp một khuôn khổ cho quan hệ hợp tác như vậy, phản ánh kinh nghiệm quốc tế của mình trong các sáng kiến SSC, đặc biệt là để giúp thúc đẩy quá trình chuyển đổi hệ thống nông nghiệp thực phẩm vì lợi ích của tất cả người dân ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương và trên toàn thế giới.

Điều quan trọng cần nhấn mạnh là SSC không phải là sự thay thế cho Hợp tác Bắc-Nam, mà là sự bổ sung cho các phương pháp tiếp cận của nó. Sự khác biệt chính là SSC cung cấp bí quyết, đào tạo và trao đổi kiến thức, thay vì cung cấp hỗ trợ về tài chính. Trong bất kỳ trường hợp nào, cả hai đều quan trọng.

Khu vực châu Á-Thái Bình Dương là nơi có một số công nghệ tiên tiến nhất thế giới đã đóng góp đáng kể vào hoạt động xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, đồng thời, khu vực này cũng là nơi tập trung nhiều người nghèo và suy dinh dưỡng nhất thế giới. Sự bất thường này cũng được thể hiện trong sự khác nhau về trình độ công nghệ giữa các quốc gia trong khu vực: Một số đã phát triển các công nghệ cực kỳ tinh vi trên khắp các chuỗi giá trị, trong khi nhiều quốc gia khác đang phải vật lộn với các công nghệ rất cơ bản và thô sơ trong cùng một lĩnh vực đó. Các quốc gia kém phát triển hơn quan tâm nhiều đến việc học hỏi từ các quốc gia đã từng phải đối mặt với những thách thức tương tự cách đây không lâu.

Với sự kết hợp giữa các quốc gia phát triển và kém phát triển này, cách tiếp cận SSC là sáng kiến phù hợp cho các quốc gia kề cận ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, vì châu Á-Thái Bình Dương đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm phong phú và đa dạng về các chiến lược và chính sách liên quan đến xóa đói giảm nghèo ở khu vực nông thôn, phát triển nông nghiệp, thương mại và thể chế, nên khu vực này có thể chia sẻ bí quyết của mình với các quốc gia ở các khu vực khác trên thế giới. Các quốc gia khác trong và ngoài khu vực rất muốn biết những công thức thành công như vậy để áp dụng và điều chỉnh chúng, đồng thời phát huy những kinh nghiệm thành công.

Cuối cùng, SSC cho phép các quốc gia không chỉ biết đến những kinh nghiệm thành công và bí quyết kỹ thuật hiệu quả mà còn nắm bắt được các quy trình và cơ chế liên quan đến quá trình phát triển, triển khai và thể chế hóa chúng.

Trong khi các quốc gia có thu nhập trung bình ở châu Á-Thái Bình Dương đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm và bí quyết kỹ thuật đáng kể trong lĩnh vực nông nghiệp, một số quốc gia có thể không có quyền tiếp cận vào các công cụ tài chính cần thiết để tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi với các quốc gia khác. Về vấn đề này, FAO đang tiếp cận các đối tác phát triển khác để thúc đẩy hoạt động hợp tác. Điều này được gọi là Hợp tác Nam-Nam và Tam giác (SSTC), trong đó bên thứ ba cung cấp nguồn tài chính để tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi kinh nghiệm và bí quyết.

Cuối cùng, trong giai đoạn hiện nay, vẫn còn nhiều việc phải làm để đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG). Hãy nhớ rằng sự hỗ trợ của SSC và Bắc-Nam đều có thể giúp khu vực này và thế giới đạt được các mục tiêu đó.

Minh Châu

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here