Cùng với CPTPP, Việt Nam thực sự là một lựa chọn cho Anh

0
122

“Việc được Việt Nam ủng hộ gia nhập CPTPP là động lực cho Anh, quốc gia đang đối mặt với những tác động kinh tế nghiêm trọng của Brexit và dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.”, tờ Nikkei Asia viết.

Nội dung về cam kết mở cửa thị trường trong CPTPP được giữ nguyên so với TPP. Đây là tiến bộ rất lớn trong bối cảnh xu hướng bảo hộ quốc tế tăng lên.

Hai nước đang tìm cách tăng cường quan hệ thương mại song phương. Việt Nam hy vọng quan hệ thương mại với Anh sẽ hỗ trợ cho sự phục hồi kinh tế của đất nước sau đại dịch, trong khi Anh đang cố gắng có được các thỏa thuận thương mại trước khi giai đoạn chuyển tiếp kết thúc vào tháng 12, sau khi nước này rời khỏi EU. Một nguồn tin cho biết, hiện nay, Anh đang hy vọng sẽ “sao chép” EVFTA cho thỏa thuận thương mại song phương với Việt Nam, sớm nhất là vào năm 2021. Trong thời gian chờ đợi, Việt Nam sẽ áp dụng thỏa thuận của EU với Anh cho đến khi hai nước ký kết thỏa thuận song phương mới.

Trong tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước công bố hôm 30/9, chính phủ hai nước Việt Nam và Anh khẳng định: “Chúng tôi mong muốn tăng cường hơn nữa mối quan hệ thương mại và đầu tư, và sẽ phối hợp chặt chẽ với nhau để hoàn thiện và đưa hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương giữa Anh và Việt Nam sớm có hiệu lực, nhằm đảm bảo sự liên tục cho các doanh nghiệp ở cả hai nước khi EVFTA không còn hiệu lực đối với Vương quốc Anh”.

Việt Nam mong muốn xúc tiến thỏa thuận thương mại với Vương quốc Anh trong bối cảnh dịch COVID-19 đang gây thiệt hại cho nền kinh tế định hướng xuất khẩu này. Ngoài Singapore, Việt Nam là thành viên duy nhất của ASEAN đã ký kết thỏa thuận thương mại với EU.

Về phần mình, việc tham gia CPTPP sẽ giúp Vương quốc Anh mở rộng khả năng tiếp cận với các thị trường trên khắp châu Á, trong lúc mối quan hệ của nước này với phần còn lại của châu Âu đang suy yếu.

Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Vương quốc Anh gồm điện thoại di động, thủy sản, hàng may mặc và hàng dệt may, trong khi Vương quốc Anh muốn thúc đẩy xuất khẩu các hàng hóa và dịch vụ như giáo dục, năng lượng tái tạo, công nghệ, cơ sở hạ tầng và chăm sóc sức khỏe sang Việt Nam.

Phái đoàn Anh đã tận dụng chuyến công du hai ngày tới Hà Nội để thúc đẩy quan hệ chặt chẽ hơn với Đông Nam Á. Trong chuyến công du này, ông Raab cho biết Vương quốc Anh sẽ cung cấp 6,3 triệu bảng Anh (8,1 triệu USD) nguồn vốn mới để giải quyết các tác động kinh tế và sức khỏe của dịch COVID-19, đồng thời hỗ trợ phục hồi sau đại dịch trên khắp Đông Nam Á.

Theo Đại sứ Vương quốc Anh AstraZeneca và Bộ phận Nghiên cứu Lâm sàng của Đại học Oxford đang tiến hành nghiên cứu virus tại Việt Nam, các quan chức Việt Nam và Vương quốc Anh đã tổ chức một hội thảo về thúc đẩy phát triển vắc-xin phòng dịch COVID-19.
Tuyên bố chung Việt Nam-Anh có đoạn: “Chúng tôi sẽ mở rộng hợp tác về nghiên cứu và sáng tạo, bao gồm các thử nghiệm lâm sàng, phát triển vắc-xin và các biện pháp để đảm bảo tính bền vững của chuỗi cung ứng y tế nhằm đối phó với tình huống khẩn cấp về đại dịch, và hỗ trợ các nỗ lực toàn cầu nhằm phát triển và triển khai dịch vụ chăm sóc sức khỏe công bằng và an toàn cho bất cứ ai có nhu cầu”.

Ngoại trưởng Raab cho biết, Anh cam kết phối hợp với khu vực Đông Nam Á trong các vấn đề như an ninh hàng hải, dường như đề cập tới Biển Đông đang có tranh chấp.

Trong khi trước đó, mạng Asia Times phân tích cho rằng, Việt Nam thực sự là một lựa chọn cho Anh trong bối cảnh Anh đẩy mạnh chiến lược ‘nước Anh toàn cầu’ ở châu Á thời hậu Brexit.

Ngoại trưởng Anh Dominic Raab đã thăm Việt Nam trong hai ngày 29-30/9 để hoàn tất thỏa thuận thương mại, một ưu tiên đối với Anh khi nước này rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) và tiến tới xây dựng các thỏa thuận song phương mới ở châu Á.
Phát biểu tại Hà Nội ngày 30/9, ông Raab cho biết Anh đã nhận được sự ủng hộ của Việt Nam để tham gia Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Ông Raab viết trên Twitter: “Đây là một bước tiến quan trọng trong việc đưa mối quan hệ kinh tế Anh – Việt lên một ngưỡng mới, đồng thời thể hiện cam kết và giá trị của Vương quốc Anh đối với khu vực”.

Chuyến thăm của ông Raab diễn ra trong bối cảnh bầu không khí lo ngại đang bao trùm London khi chỉ còn vài tuần nữa là phải đạt được sự đồng thuận và đi đến ký kết một thỏa thuận thương mại tự do với EU, đối tác thương mại lớn nhất của Anh. Các cuộc đàm phán dường như đã bị đình trệ và thậm chí “bước lùi” – có nghĩa là nguy cơ “Brexit không thỏa thuận” đang tăng lên từng ngày. Do đó, tăng cường quan hệ thương mại với châu Á chính là “phao cứu sinh” cho sự thịnh vượng của Anh hậu Brexit. Một khi chính thức rời EU, Anh phải giao dịch theo các điều khoản “tối huệ quốc” (MFN) theo các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho đến khi nước này có thể phê chuẩn các thỏa thuận thương mại tự do của riêng mình.

Vấn đề này sẽ không ảnh hưởng quá nhiều đến thương mại với Việt Nam, vì hoạt động giao dịch theo các điều khoản MFN chỉ mới được tiến hành gần đây và Anh sẽ ra khỏi EU trước khi hầu hết các loại thuế được giảm theo EVFTA – Thỏa thuận thương mại tự do mà EU vừa ký với Việt Nam, một trong những nền kinh tế trong khu vực được dự báo sẽ đạt được tốc độ tăng trưởng tích cực vào năm 2020.

Kim ngạch thương mại song phương giữa Anh và Việt Nam đạt 6,7 tỷ USD trong năm 2019, phần lớn là giá trị hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Anh. Tính riêng khu vực Đông Nam Á, Việt Nam là nước xuất khẩu lớn thứ hai vào Anh sau Thái Lan.

Nhiều ý kiến lạc quan cho rằng Anh và Việt Nam sẽ sớm đạt được thỏa thuận thương mại. Hồi đầu tháng này, Anh và Nhật Bản đã nhất trí về các điều khoản tiến tới ký kết thỏa thuận thương mại tự do với Nhật Bản – thỏa thuận thương mại lớn đầu tiên hậu Brexit mà Anh đã đồng ý về nguyên tắc.

EU và Việt Nam đã mất nhiều năm để đàm phán EVFTA và đã đi đến “chung kết” vào ngày 1/8. Các cuộc đàm phán giữa London với Hà Nội có thể sẽ nhanh hơn nhiều. Trong hội nghị trực tuyến mới đây, Đại sứ Anh tại Việt Nam Gareth Ward cho biết ông mong đợi đạt được một thỏa thuận thương mại vào cuối năm nay.

Anh và Việt Nam sẽ cùng có lợi khi tăng cường quan hệ hơn nữa. Hà Nội kỳ vọng thương mại với quốc tế sẽ tăng 5% trong năm nay, nhưng con số này có thể sẽ thấp hơn nhiều do đại dịch COVID-19. Giới phân tích cho rằng cùng với EVFTA, một thỏa thuận thương mại tự do với Anh sẽ mang lại cơ hội giúp kinh tế Việt Nam phục hồi nhanh chóng vào năm 2021 và 2022, đặc biệt nếu Hà Nội đạt được mức thuế quan thương mại gần như bằng 0 với Anh trước các đối thủ cạnh tranh ở Đông Nam Á.

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã trở thành một nước lớn trong khu vực, sánh ngang với Indonesia và Singapore, khi là quốc gia đề ra chính sách đối ngoại của ASEAN. Việt Nam giữ vị trí chủ tịch ASEAN trong năm nay và có một ghế không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cho đến cuối năm 2021. Cam kết của Hà Nội về việc hỗ trợ nỗ lực của Anh gia nhập CPTPP có thể đóng vai trò quan trọng. Để tham gia CPTPP, Anh cần có sự đồng ý của tất cả 11 thành viên CPTPP. Các đồng minh lịch sử của Anh là Australia, New Zealand và Canada cũng là các bên ký kết.

Thọ Anh

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here