Công tác Thương vụ một năm nhìn lại

0
131
Tính đến cuối năm 2017, Việt Nam đã ký và tham gia tổng cộng 11 Hiệp định thương mại.
Tính đến cuối năm 2017, Việt Nam đã ký và tham gia tổng cộng 11 Hiệp định thương mại.

Năm 2016 – 2017, kinh tế thế giới có biểu hiện phục hồi rõ nét hơn. Các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Liên minh Châu Âu đều đạt mức tăng trưởng khả quan; hoạt động đầu tư, thương mại toàn cầu có sự cải thiện; chỉ số niềm tin của người tiêu dùng tăng lên tại nhiều thị trường .. là những yếu tố tác động tích cực đến sản xuất và xuất khẩu của nước ta. Tuy nhiên, các biểu hiện của chủ nghĩa dân tộc về kinh tế và chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, đặc biệt là sự chuyển hướng trong chính sách thương mại của một số nước lớn, cũng đã gây ra những thách thức không nhỏ cho kinh tế nước ta, một nền kinh tế có độ mở lớn.

Ở trong nước, bên cạnh những vấn đề tồn tại nhiều năm như chất lượng tăng trưởng chưa cao, năng suất lao động và sức cạnh tranh còn thấp thì sự trì trệ của ngành khai khoáng cùng với những diễn biến phức tạp của thời tiết, khí hậu tác động tiêu cực tới sản xuất nông nghiệp cũng đã đặt ra những thách thức to lớn cho mục tiêu tăng trưởng của cả nước.

Sôi động về quan hệ thương mại quốc tế

Kim ngạch xuất khẩu 2 năm 2016 – 2017 giữ được đà tăng trưởng mạnh mẽ, đạt mức trung bình 15%/ năm. Riêng năm 2017, kim ngạch xuất khẩu lần đầu vượt ngưỡng 200 tỷ USD, ước đạt 213,8 tỷ USD, tăng 21,1% so với năm 2016, mức tăng cao nhất kể từ năm 2011. Thị trường xuất khẩu và cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục có chuyển biến tích cực, cụ thể là:

– Thị trường xuất khẩu tiếp tục được duy trì và mở rộng. Có 29 thị trường xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD và 4 thị trường đạt kim ngạch trên 10 tỷ USD. Xuất khẩu sang các thị trường mà Việt Nam đã ký FTA đều ghi nhận mức tăng trưởng khá cao như Hàn Quốc đạt mức tăng 31,1% (cao hơn mức 28,4% năm 2016), Chi-lê là 26,3% (cao hơn mức 23% năm 2016), Liên bang Nga là 35,7% (so với 25,7% năm 2016), Nhật Bản là 14,2% (so với 3,9% năm 2016). Đặc biệt, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tăng trưởng tới 60,6% trong năm 2017 sau khi đã tăng 28,4% trong năm 2016. Xuất khẩu sang ASEAN có sự chuyển biến tích cực, chuyển từ giảm 4,7% năm 2016 sang tăng trưởng 24,3% vào năm 2017. Cán cân thương mại với Trung Quốc và ASEAN, vì vậy, đã có sự cải thiện đáng kể.

– Cơ cấu mặt hàng xuất khẩu tiếp tục dịch chuyển theo hướng tích cực. Cả nước đã có 25 nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD. Trong đó, nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 173,5 tỷ USD, tăng 22,4% so với năm 2016, chiếm hơn 81% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước và trở thành động lực chính cho tăng trưởng xuất khẩu. Nhóm hàng nông sản, thủy sản đạt xấp xỉ 26 tỷ USD, tăng 16,9% so với năm 2016 (mức tăng này cao gấp đôi mức tăng của 2016), chiếm hơn 12% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó xuất khẩu rau quả đạt 3,5 tỷ USD, tăng 43,1%; xuất khẩu gạo đạt 2,6 tỷ USD, tăng 22,7%. Đáng chú ý, trái cây của Việt Nam đã liên tục thâm nhập được vào các thị trường mới có yêu cầu cao về chất lượng (như vải và xoài vào Ốt-xtrây-lia và EU; vải, nhãn, thanh long, chôm chôm vào Hoa Kỳ; xoài và thanh long ruột trắng vào Nhật Bản; thanh long và xoài vào Hàn Quốc và Niu Di-lân). Nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản tuy có tốc độ tăng trưởng khá cao (27%) nhưng giá trị xuất khẩu năm 2017 chỉ đạt 4,42 tỷ USD và chỉ còn chiếm khoảng 2% kim ngạch xuất khẩu.

Tổng kim ngạch nhập khẩu năm 2017 đạt 211,1 tỷ USD, tăng 20,8% so với năm 2016, trong đó, tới 89,3% là đầu vào cho sản xuất và xuất khẩu. Các mặt hàng không khuyến khích nhập khẩu chỉ chiếm khoảng 5,9% tổng kim ngạch và chỉ tăng 8,6% so với năm 2016, thấp hơn đáng kể so với tốc độ tăng nhập khẩu chung. Các thị trường nhập khẩu chủ yếu của Việt Nam tiếp tục là Trung Quốc (58,5 tỷ USD, tăng 16,9%), Hàn Quốc (46,8 tỷ USD, tăng 45,5%), ASEAN (28 tỷ USD, tăng 16,4%), EU (12 tỷ USD, tăng 7,7%) và Hoa Kỳ (9,1 tỷ USD, tăng 5%).

          Hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực công nghiệp tiếp tục có những diễn biến sôi động trong 2 năm 2016-2017. Hầu hết các dự án trọng điểm trong ngành công nghiệp đều có dấu ấn của các hoạt động hợp tác quốc tế. Đặc biệt, trong lĩnh vực năng lượng, nhờ có sự hỗ trợ về vốn và kinh nghiệm của nguồn vốn hợp tác ODA, Việt Nam đã triển khai được nhiều dự án năng lượng tái tạo, góp phần quan trọng cho phát triển bền vững. Các hoạt động hợp tác quốc tế cũng đã giúp các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận và làm quen với kỹ thuật hiện đại, công nghệ cao, qua đó nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả, sản xuất được những sản phẩm đáp ứng được yêu cầu khắt khe về chất lượng trên thị trường ngoài, góp phần nâng cao sức cạnh tranh cho các sản phẩm công nghiệp Việt Nam. Đặc biệt, thông qua hợp tác quốc tế và cạnh tranh, một số doanh nghiệp công nghiệp của Việt Nam đã có sự trưởng thành đáng kể, bước đầu có hoạt động đầu tư ra thị trường ngoài (như Liên bang Nga, Lào, Cam-pu-chia, My-an-ma). Hy vọng trong thời gian tới, với sự hỗ trợ kịp thời của Nhà nước, các doanh nghiệp sẽ thành công với xu hướng mới mày.

          Mặc dù đạt được những thành tích hết sức to lớn (xuất khẩu lần đầu vượt ngưỡng 200 tỷ USD, cán cân thương mại thặng dư năm thứ hai liên tiếp, cơ cấu mặt hàng, cơ cấu thị trường xuất khẩu tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực ..) nhưng hoạt động XNK 2 năm 2016 – 2017 vẫn tồn tại một số hạn chế, cụ thể là:

– Xuất khẩu vẫn dựa mạnh vào khối FDI (chiếm trên 70% kim ngạch xuất khẩu). Các doanh nghiệp trong nước dù đã có nhiều nỗ lực, nhất là trong việc đưa các mặt hàng nông sản, thủy sản của Việt Nam ra thế giới nhưng nhìn chung vẫn còn chiếm tỷ trọng nhỏ trong hoạt động xuất khẩu.

– Nông sản, thủy sản đạt mức tăng trưởng khá, một số mặt hàng có mức tăng trưởng rất ấn tượng (như rau quả, gạo) nhưng nhìn chung mức tăng chưa bền vững và vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận những thị trường có yêu cầu cao về chất lượng và an toàn thực phẩm.

– Sản xuất và xuất khẩu vẫn dựa khá mạnh vào nguyên, nhiên, phụ liệu nhập khẩu nên cán cân thương mại tuy đạt thặng dư (trong 6 năm kể từ 2012, trừ năm 2015 có thâm hụt, các năm còn lại đều thặng dư) nhưng mức thặng dư còn khiêm tốn và chưa thật bền vững.

– Do gần gũi về vị trí địa lý, lại có quan hệ FTA nên xuất nhập khẩu của Việt Nam, nhất là nhập khẩu, vẫn phụ thuộc rất mạnh vào khu vực Đông Á. Nhập siêu với một số nền kinh tế trong khu vực này (như Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Đài Loan) vẫn còn khá lớn.

 Công tác hội nhập và đàm phán các hiệp định

Năm 2017, Việt Nam đăng cai tổ chức các hoạt động của Diễn đàn APEC. Trong bối cảnh có sự mâu thuẫn gay gắt về quan điểm trong hợp tác APEC, ta đã chủ động đưa ra nhiều sáng kiến, đề xuất, khéo léo dung hòa quan điểm giữa các nền kinh tế và đạt được kết quả cuối cùng rất tích cực, được các nền kinh tế APEC đánh giá cao. Đặc biệt, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Việt Nam, cả 2 Hội nghị Bộ trưởng của 11 nước tham gia đàm phán Hiệp định TPP đã diễn ra thành công tốt đẹp tại Hà Nội vào tháng 5/2017 và tại Đà Nẵng vào tháng 11/2017, tạo tiền đề cho việc hình thành và kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đầu năm 2018 vừa qua.

Về các Hiệp định FTA, tính đến cuối năm 2017, ta đã ký và tham gia tổng cộng 11 Hiệp định (FTA với ASEAN, FTA giữa ASEAN với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc – Niu Di-lân, Ấn Độ, FTA song phương với Chi-lê, Nhật Bản, Hàn Quốc và Liên minh Kinh tế Á Âu. FTA mới nhất được ký là FTA giữa ASEAN và Hongkong). Đã đàm phán xong Hiệp định CPTPP, dự kiến sẽ ký vào ngày 8 tháng 3 năm 2018 tại Chi-lê. Hiệp định FTA với EU cũng đã đàm phán xong, hiện đang chờ xử lý nốt các vấn đề kỹ thuật phát sinh từ cách hiểu mới về thẩm quyền phê chuẩn FTA của Liên minh châu Âu. Các hiệp định đang được đàm phán gồm có Hiệp định RCEP, FTA với khối EFTA và FTA với Israel.

Hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, đặc biệt là tại ASEAN, các nước Đông Bắc Á, Úc, Niu Di-lân, Nga, các nước Bắc Mỹ và Liên minh châu Âu đã tham gia tích cực vào quá trình đàm phán các hiệp định FTA của Việt Nam, đóng góp nhiều thông tin bổ ích, quý báu, được đoàn đàm phán ghi nhận và đánh giá cao.

 Cầu nối hữu hiệu

Hiện tại có 57 Thương vụ (Thương vụ Venezuela tạm thời đóng cửa) và 7 Chi nhánh Thương vụ tại nước ngoài. Trong đó, khu vực châu Á – Thái Bình Dương có 15 Thương vụ và 4 Chi nhánh, khu vực châu Phi – Tây Nam Á có 13 Thương vụ, khu vực châu Âu có 20 Thương vụ và 1 Chi nhánh (bao gồm cả Phòng WTO tại Geneva), khu vực Châu Mỹ có 9 Thương vụ và 2 Chi nhánh. Tổng biên chế được giao là 139, số lượng biên chế đang thực sử dụng là 122 (17 biên chế còn lại đang được Bộ Ngoại giao làm thủ tục để cử đi công tác nhiệm kỳ).

Năm 2016 – 2017, các Thương vụ đã thực hiện tốt nhiệm vụ được giao; chủ động triển khai hiệu quả các hoạt động chuyên môn; chủ động tìm hiểu thị trường sở tại và thông tin kịp thời để nhà có đối sách phù hợp; đồng thời hỗ trợ tốt cho các doanh nghiệp. Cụ thể là:

Các Thương vụ đã cơ bản thể hiện được sự chủ động, tích cực trong công tác nghiên cứu, tổng hợp tình hình thị trường, chính sách kinh tế, thương mại và đầu tư của nước sở tại. Các chủ đề được nhiều Thương vụ quan tâm bao gồm: tình hình chính trị, kinh tế; chính sách thương mại và các thay đổi có khả năng gây ảnh hưởng đến quan hệ thương mại song phương với Việt Nam; các chính sách liên quan đến các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Công tác nghiên cứu nhu cầu thị trường đối với các mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh như gạo, dệt may, giầy dép, thủy hải sản, nông sản cũng được nhiều Thương vụ chú trọng thực hiện, trong nhiều trường hợp đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong nước, đồng thời giúp Bộ Công Thương đưa ra được định hướng phát triển thị trường cho mặt hàng có liên quan. Nhìn chung, các Thương vụ đều thực hiện tốt chế độ báo cáo định kỳ và báo cáo theo yêu cầu đột xuất của Bộ Công Thương.

Trong 2 năm 2016-2017, các Thương vụ đã hỗ trợ triển khai hơn 500 hoạt động XTTM được tổ chức theo chương trình XTTM quốc gia, các đoàn XTTM trong khuôn khổ các phiên họp Ủy ban liên Chính phủ và chương trình XTTM của các địa phương. Thông qua tiếp xúc, gặp gỡ trực tiếp hoặc trao đổi bằng email, các Thương vụ đã hỗ trợ doanh nghiệp trong và ngoài nước tìm hiểu thông tin về thị trường, cập nhật các quy định về xuất nhập khẩu, kết nối giao thương, tìm kiếm đối tác và nguồn hàng. Phối hợp với các đơn vị trong và ngoài nước, các Thương vụ đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo XTTM, đầu tư với sự tham gia đông đảo của cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước sở tại. Đặc biệt đã hỗ trợ tổ chức nhiều Diễn đàn doanh nghiệp bên lề các chuyến thăm cấp cao hoặc nhân dịp các kỳ họp của các Ủy ban liên Chính phủ.

Công tác XTTM của các Thương vụ đã bước đầu có sự đổi mới theo hướng tập trung xúc tiến thương mại một số mặt hàng cụ thể mà Việt Nam có thế mạnh, giảm bớt các hoạt động XTTM chung chung. Các Thương vụ tại I-ta-li-a, Liên bang Nga, Pháp, Nhật Bản, Ốt-xtrây-lia, Lào, Thái Lan, Phi-lip-pin, Hàn Quốc … đã tích cực phối hợp với các Vụ khu vực trong việc đẩy mạnh đưa hàng Việt Nam tiếp cận các chuỗi phân phối tại nước sở tại, định kỳ tổ chức ngày bán hàng, tuần bán hàng Việt Nam tại các chuỗi phân phối này, đồng thời kết nối doanh nghiệp Việt Nam với các chợ nông sản đầu mối tại nước sở tại.

Hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp là hoạt động thường xuyên của các Thương vụ, tạp trung vào (i) cung cấp thông tin liên quan đến chính sách quản lý xuất nhập khẩu của nước sở tại và Việt Nam; (ii) hỗ trợ doanh nghiệp trong tìm hiểu thị trường, kết nối với đối tác và ký kết hợp đồng; (iii) hỗ trợ doanh nghiệp trong nước xác minh, tìm hiểu thông tin về đối tác tại địa bàn; (iv) tham gia giải quyết các vụ việc tranh chấp; và (v) tư vấn các vấn đề pháp lý giúp doanh nghiệp trong nước đưa hàng hóa tiếp cận thị trường sở tại.

Thương vụ cũng đã tích cực quảng bá các sự kiện XTTM lớn tại Việt Nam cho các doanh nghiệp nước ngoài (như triển lãm FoodExpo 2017 tại TP. Hồ Chí Minh), thông tin cho các doanh nghiệp trong nước về kế hoạch hội chợ, triển lãm tại nước sở tại, đồng thời vận động, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tham gia hội chợ, triển lãm tại nước sở tại.

Hệ thống Thương vụ đã trở thành cầu nối hiệu quả giữa doanh nhân người Việt ở nước ngoài với các doanh nghiệp trong nước, hướng các doanh nhân người Việt ở nước ngoài tham gia đưa hàng của Việt Nam ra nước ngoài, trong đó có việc đưa trực tiếp vào các kênh phân phối hoặc vào các khu chợ, cửa hàng của người Việt. Một số Thương vụ đã tích cực phối hợp với Bộ Công Thương trong việc hình thành các Hội doanh nhân người Việt ở nước sở tại.

Các Thương vụ đã tích cực phối hợp với Cục Phòng vệ Thương mại trong việc ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại (chống bán phá giá, chống trợ cấp) mà nước sở tại áp dụng đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Cụ thể, Thương vụ đã cung cấp thông tin và phối hợp xử lý 12 vụ việc phòng vệ thương mại trong năm 2016, 13 vụ trong năm 2017 và hàng chục vụ việc chống bán phá giá phát sinh từ những năm trước.

Thương vụ cũng đã kịp thời báo cáo các cơ quan trong nước về những thay đổi trong chính sách quản lý xuất nhập khẩu của nước sở tại, đặc biệt là các quy định về kiểm dịch đối với nông thủy sản và thực phẩm để trong nước có giải pháp ứng phó. Một số Thương vụ đã chủ động nhận trách nhiệm là đầu mối giải quyết các vấn đề có liên quan đến chất lượng hàng hóa Việt Nam khi xuất sang thị trường sở tại.

Như đã trình bày tại phần trên, các Thương vụ đã rất tích cực tham gia hỗ trợ công tác hội nhập và đàm phán của Bộ. Cụ thể, Thương vụ đã hỗ trợ hàng trăm lượt đàm phán trong 2 năm 2016 và 2017. Đồng thời, một số Thương vụ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tìm hiểu, thăm dò dự định đàm phán của phía bạn để thông tin về nhà; tham gia vận động các chủ thể kinh tế của nước bạn ủng hộ Việt Nam trong đàm phán.

Các Thương vụ đã nghiêm chỉnh tuân thủ các quy định của Luật Cơ quan đại diện, chấp hành sự chỉ đạo, điều hành của đ/c Trưởng CQĐD. Mối quan hệ giữa Thương vụ và các Trưởng CQĐD về cơ bản là tốt. Thương vụ đã tích cực tham gia các hoạt động chuyên môn và đối ngoại của CQĐD theo yêu cầu của đ/c Đại sứ, đồng thời tích cực tham gia các hoạt động ngoại giao kinh tế, chính trị, văn hóa, các hoạt động của cộng đồng người Việt Nam tại nước ngoài. Thực hiện nhiệm vụ và hoạt động theo sự điều động của Trưởng CQĐD với tinh thần trách nhiệm cao.

– Thương vụ đã thực hiện tốt việc phối hợp chuyên môn với các đơn vị trong Bộ Công Thương như các Vụ khu vực, Vụ Kế hoạch, Cục Xuất nhập khẩu, Cục Xúc tiến thương mại, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Báo Công Thương, Trung tâm Thông tin Công nghiệp – Thương mại … nhằm trao đổi, cập nhật thông tin kịp thời phục vụ cho công tác của ngành. Các thông tin thị trường đều được các Thương vụ chủ động và tích cực cập nhật trên trang Thị trường nước ngoài (http://www.ttnn.com.vn) và trang chủ của Bộ Công Thương (http://www.moit.gov.vn).  Năm 2016 – 2017, khối Thương vụ đã thực hiện đăng 765 tin bài trên cổng thông tin của Bộ. Các Thương vụ tích cực đăng tin bao gồm Thương vụ tại Ốt-xtrây-lia, Ma-lai-xia, Thái Lan, Bỉ và EU, Hung-ga-ry, Bra-xin, Cu-ba, Mê-hi-cô, An-giê-ri, Ma-rốc, Nam Phi, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Ni-giê-ri-a và Nhật Bản.

– Thương vụ đã chủ động, tích cực trong việc phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí trong và ngoài nước trong đấu tranh chống lại các tin bài thiếu chính xác, bất lợi cho một số sản phẩm nông sản xuất khẩu của Việt Nam.

Đánh giá chung hoạt động của Thương vụ

– Về cơ bản, các Thương vụ đã cố gắng hoàn thành tốt các nhiệm vụ do Bộ Công Thương và Cơ quan đại diện giao với tinh thần chủ động và ý thức trách nhiệm cao, đóng góp tích cực vào thành công chung của đất nước trong 2 năm 2016-2017. Nhìn chung, các Thương vụ đã có sự phối hợp tốt với các bộ phận khác trong Cơ quan đại diện, tuân thủ kỷ cương, tôn trọng tổ chức, nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của Luật Cơ quan đại diện. Hoạt động chuyên môn của nhiều Thương vụ được CQĐD đánh giá cao. Anh em cơ bản đoàn kết, hết lòng vì công việc.

– Bên cạnh các mặt tích cực, hoạt động của các Thương vụ cũng còn một số tồn tại, hạn chế nhất định. Về mặt chủ quan, Thương vụ tại một số địa bàn có lúc còn chưa bao quát hết được yêu cầu công việc, tính chủ động cũng chưa thật cao, quan hệ phối hợp có lúc chưa được thông suốt. Về mặt khách quan, cũng có khó khăn khi khối lượng công việc tăng lên do phải đảm nhiệm thêm một số công việc trong công tác phối hợp với Cơ quan đại diện. Việc triển khai một số hoạt động chuyên môn còn gặp vướng mắc về kinh phí cũng như thủ tục. Một số ít Thương vụ chưa được chủ động về phương tiện đi lại khiến hoạt động có phần bị hạn chế (cả 2 vấn đề này đều đã được quan tâm khi sửa Luật CQĐD). Một số thị trường có số lượng biên chế chưa phù hợp, có thể nói là quá mỏng so với khối lượng công việc chuyên môn. Cuối cùng, công tác tìm hiểu, nghiên cứu thị trường, tiếp xúc đối tác tại một số thị trường bị hạn chế bởi không có nhân sự sử dụng ngôn ngữ bản địa. Những vướng mắc, hạn chế này cần được quan tâm xử lý trong thời gian tới.

Định hướng hoạt động Thương vụ trong thời gian tới

Hoạt động XNK, hội nhập kinh tế quốc tế và hợp tác quốc tế về công nghiệp – năng lượng của nước ta đang ngày càng trở nên sôi động. Là đại diện của Bộ Công Thương tại tuyến đầu, nhiệm vụ của Thương vụ và cán bộ Thương vụ là rất nặng nề. Để góp phần cùng Bộ và cả nước hoàn thành các mục tiêu kế hoạch đề ra cho năm 2018 và những năm tiếp theo, các Thương vụ cần đặc biệt chú trọng các công việc sau đây:

Một là, tập trung toàn lực để thúc đẩy xuất khẩu trên địa bàn được phân công phụ trách, theo hướng (i) dành ưu tiên cao cho nông sản, thủy sản và những mặt hàng mà các doanh nghiệp 100% vốn Việt Nam đang sản xuất, kinh doanh; (ii) dành ưu tiên cao cho các thị trường mới để góp phần thay đổi cơ cấu thị trường theo hướng tích cực, cân bằng hơn giữa các khu vực; (iii) chú trọng các phân khúc thị trường mà hàng Việt Nam chưa có chỗ đứng hoặc mới chiếm thị phần nhỏ; và (iv) đặc biệt lưu ý các thị trường mà Việt Nam đang có thâm hụt thương mại lớn, kéo dài nhiều năm để đề xuất các giải pháp phù hợp giúp tăng xuất khẩu, kiểm soát hợp lý nhập khẩu, giảm dần, tiến tới cân bằng thương mại tại các thị trường này.

Hai là, quan tâm thúc đẩy công tác hợp tác quốc tế của Bộ; thúc đẩy các hoạt động thu hút đầu tư công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường vào lĩnh vực công nghiệp, năng lượng, giúp tạo ra năng lực sản xuất mới; chú trọng đầu tư công nghiệp hỗ trợ và chú trọng các dự án hợp tác có thể giúp nâng cao sự kết nối giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI.

Các nhiệm vụ Thương vụ cần lưu ý

– Nghiêm chỉnh tuân thủ các quy định của Luật Cơ quan đại diện, chấp hành sự chỉ đạo, điều hành của đ/c Trưởng CQĐD. Xây dựng quan hệ phối hợp công tác tốt trong CQĐD, tích cực tham gia các hoạt động chuyên môn của CQĐD khi được yêu cầu. Xây dựng quan hệ gắn bó với các cơ quan quản lý nước sở tại.

– Tăng cường hơn nữa năng lực nghiên cứu, tổng hợp tình hình thị trường, chính sách kinh tế, thương mại và đầu tư của nước sở tại. Đặc biệt lưu ý các quy định mang tính rào cản trá hình và các thay đổi có khả năng gây ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam, nhất là xuất khẩu nông thủy sản và các mặt hàng sử dụng nhiều lao động. Tăng cường nghiên cứu hoạt động của đối thủ cạnh tranh trên thị trường sở tại.

          – Tiếp tục dành ưu tiên cao cho các hoạt động XTTM, hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp tìm hiểu thông tin thị trường, tham gia hội chợ, triển lãm và kết nối với đối tác sở tại. Tăng cường XTTM và hỗ trợ theo chủ đề cụ thể, giảm tối đa các hoạt động XTTM chung chung. Tiếp tục hỗ trợ đưa hàng Việt Nam vào các chuỗi phân phối tại nước sở tại.

          – Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Cục Phòng vệ Thương mại trong việc cảnh báo và ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại mà nước sở tại áp dụng đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Văn Phong

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here