Cơ hội “vàng” để mở cửa đón sóng FDI?

0
127
Giám đốc điều hành Phòng thương mại Mỹ (AmCham) Adam Sitkoff nhận định, Việt Nam là điểm đến đầu tư đầy hứa hẹn ở khu vực châu Á. (Nguồn: Baodautu)
Giám đốc điều hành Phòng thương mại Mỹ (AmCham) Adam Sitkoff nhận định, Việt Nam là điểm đến đầu tư đầy hứa hẹn ở khu vực châu Á. (Nguồn: Baodautu)

Bất chấp tác động của đại dịch Covid-19, dòng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) vẫn đổ vào Việt Nam và dự báo sẽ còn chảy mạnh hơn nữa trong thời gian tới.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng vốn FDI trong 4 tháng đầu năm đạt 12,33 tỷ USD, bằng 84,5% so với cùng kỳ năm 2019 .

Trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với gần 6 tỷ USD; lĩnh vực sản xuất, phân phối điện với 3,9 tỷ USD; lĩnh vực bán buôn bán lẻ với tổng vốn đăng ký 776 triệu USD. Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh bất động sản thu hút được 665 triệu USD.

Cả nước hiện có 31.862 dự án FDI còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký 373,1 tỉ USD; vốn thực hiện bằng 58,2% tổng vốn đầu tư đăng ký. Hiện có 136 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam; trong đó Hàn Quốc dẫn đầu với 68,8 tỉ USD, Nhật Bản xếp thứ hai với 59,6 tỉ USD, tiếp đến là Singapore và Đài Loan, Hong Kong.

Đánh giá về kết quả này, các chuyên gia cho rằng, thu hút FDI trong 4 tháng đầu năm 2020 giảm là do tác động bởi đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, đây vẫn là kết quả khả quan so với mức bình quân giai đoạn 2016 – 2018 và chỉ giảm nhẹ so với các quốc gia khác trong khu vực.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng đánh giá, thị trường Việt Nam may mắn khi là một trong số ít quốc gia trên thế giới vẫn ghi nhận dòng đầu tư tích cực tại thời điểm này. “Nếu Việt Nam sớm kiểm soát được dịch bệnh và triển vọng kinh tế vĩ mô tích cực trở lại từ quý III/2020, thì nhiều khả năng có thể hưởng lợi do có sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư nước ngoài”, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng nhấn mạnh.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho rằng, cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung và đại dịch Covid-19 ảnh hưởng rất lớn đến dòng vốn FDI. Mới đây, Nhật Bản đã dành 2,2 tỷ USD trong gói cứu trợ kinh tế cao kỷ lục của để giúp các nhà sản xuất Nhật Bản chuyển dây chuyền ra khỏi Trung Quốc trong bối cảnh dịch bệnh phá vỡ chuỗi cung ứng. Đây được xem là cơ hội tốt cho doanh nghiệp Việt Nam đón nhận các dòng đầu tư từ các quốc gia phát triển, có nguồn vốn dồi dào và trình độ công nghệ cao.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng đã cho rằng, uy tín và vị thế của Việt Nam đang được cộng đồng quốc tế đánh giá cao qua những thành công đạt được từ công cuộc phòng, chống đại dịch Covid-19 vừa qua. Đây chính là “cơ hội vàng” để thế giới biết tới Việt Nam, với lợi thế đặc biệt về “sự tin cậy chiến lược”, là điểm đến đến đầu tư an toàn và sẵn sàng đón nhận các dòng vốn chuyển dịch tới Việt Nam.

Tại cuộc khảo sát mới đây của Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) đối với hơn 3.500 doanh nghiệp Nhật Bản có ý định đầu tư ra nước ngoài cho thấy, số doanh nghiệp lựa chọn Việt Nam đã tăng ấn tượng, từ 5,5%  lên 41%. Trong đó, số doanh nghiệp dự kiến đầu tư vào ngành điện tử tăng 15,6%, dệt may tăng hơn 14%.

Trưởng đại diện JETRO tại TP. Hồ Chí Minh Hirai Shinji đánh giá, khi Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh và có thể vượt qua đại dịch Covid-19 với tổn thất tối thiểu, thì dòng vốn FDI (bao gồm cả doanh nghiệp Nhật Bản) sẽ tiếp tục đổ vào Việt Nam.

Bà Shirakawa Satoko thuộc Công ty Kizuna cũng đưa ra dự báo, các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ dẫn đầu gia tăng FDI vào Việt Nam.

“Song song với việc muốn giảm chi phí sản xuất, các doanh nghiệp Nhật Bản còn muốn hạn chế sự phụ thuộc và rủi ro từ thị trường Trung Quốc. Điều này sẽ thúc đẩy đầu tư vào Việt Nam nhanh chóng hơn”, bà Shirakawa Satoko khẳng định.

Còn Giám đốc điều hành Phòng thương mại Mỹ (AmCham) Adam Sitkoff thì cho rằng, sau những nỗ lực cải cách môi trường đầu tư kinh doanh và mở cửa hội nhập của Chính phủ Việt Nam trong những năm gần đây, quốc gia này vẫn là điểm đến đầu tư đầy hứa hẹn ở khu vực châu Á.

Không chỉ thế, tại buổi báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2019 được công bố gần đây, các doanh nghiệp FDI tiếp tục đánh giá tích cực môi trường kinh doanh Việt Nam. Cải thiện ấn tượng nhất là lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp, tiếp cận đất đai, cắt giảm chi phí không chính thức và gánh nặng chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp.

Nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) TS. Phan Hữu Thắng khẳng định, đại dịch Covid-19 khiến tăng trưởng kinh tế của tất cả các quốc gia trên thế giới đều giảm sút, Việt Nam cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, việc kiểm soát dịch bệnh của Chính phủ Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, đây có thể xem là lực kéo quan trọng để thu hút nhiều hơn nguồn vốn ngoại vào Việt Nam sau đại dịch.

“Cùng với thành công trong phòng chống, dịch sự hỗ trợ của Chính phủ trong việc triển khai đồng bộ chính sách hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp vượt khó khăn cũng sẽ là điểm cộng thu hút FDI trong thời gian tới. Sau đại dịch, việc giao thương của các nhà đầu tư không bị hạn chế, các kế hoạch đầu tư tạm hoãn sẽ được khởi động trở lại… thì dù có thận trọng nhưng các nhà đầu tư vẫn sẽ tiếp tục lựa chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư an toàn”, TS. Phan Hữu Thắng bày tỏ quan điểm.

Như vậy, Việt Nam không chỉ hấp dẫn bởi môi trường chính trị an toàn, chính sách khuyến khích đầu tư thông thoáng, thành công bước đầu trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 cũng đang tạo gây ấn tượng tốt đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Trong và sau đại dịch Covid-19, có thể trật tự kinh tế thế giới sẽ được sắp xếp lại. Vì vậy, Việt Nam cần tận dụng thời cơ để thu hút vốn FDI hiệu quả nhất. Thời gian tới, bên cạnh việc phòng, chống dịch bệnh, Việt Nam chuẩn bị tốt nội lực, luôn trong tâm thế sẵn sàng đón sóng FDI.

Gia Thành

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here