Cơ hội và thách thức đối với sự phát triển của kinh tế tư nhân hiện nay

0
77
Diễn đàn kinh tế tư nhân tháng 6/2016.

Trong thời kỳ đổi mới đất nước, kinh tế tư nhân (KTTN) đã vươn lên mạnh mẽ, đóng góp ngày càng nhiều cho ngân sách nhà nước, tạo việc làm cho xã hội và phát huy những tiềm năng, lợi thế sẵn có ở mỗi địa phương, ngày càng khẳng định là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Đại dịch Covid-19 xảy ra, nhiều doanh nghiệp tư nhân đã chung tay cùng các bộ, ngành và Chính phủ góp phần chống dịch hiệu quả, được cộng đồng xã hội ghi nhận. Sau đại dịch, cùng với sự mở cửa trở lại của nền kinh tế, KTTN đang đứng trước nhiều cơ hội để phục hồi, phát triển mạnh mẽ, tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Việc nhận diện cơ hội và thách thức đối với sự phát triển của KTTN hiện nay là vấn đề cấp thiết, là cơ sở để triển khai các giải pháp đồng bộ giúp KTTN phát triển nhanh, bền vững trong thời gian tới.

  1. Bối cảnh kinh tế Việt Nam hiện nay

Hiện nay, tăng trưởng kinh tế thế giới được dự báo giảm do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và tác động từ cuộc xung đột giữa Nga – U-crai-na. Với quyết tâm phục hồi và phát triển kinh tế, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CPngày 08/01/2022 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội dự toán ngân sách nhà nước năm 2022; Nghị quyết số 11/NQ-CPngày 30/01/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực, quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trong các Nghị quyết, từ đó tạo được sự tin tưởng, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Dịch Covid-19 được kiểm soát, hoạt động sản xuất – kinh doanh đã trở lại trạng thái bình thường như trước khi xảy ra dịch Covid-19. Nền kinh tế đang phục hồi mạnh mẽ nhờ tăng trưởng vững chắc. Trong 6 tháng đầu năm 2022, tăng trưởng kinh tế đạt mức khá 6,42%; tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 371,17 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2022 đạt 2.717 nghìn tỷ đồng và tốc độ tăng đạt 11,7%, cao hơn so với cùng kỳ trong vòng 5 năm trở lại đây. Biên giới quốc gia mở cửa trở lại vào tháng 3/2022 đang mang đến sự hồi sinh cho ngành Du lịch. Khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 6/2022 tăng 36,8% so với tháng trước và gấp 32,9 lần so với cùng kỳ năm 2021. Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 602 nghìn lượt người, gấp 6,8 lần so với cùng kỳ năm trước [6]. GDP của Việt Nam được dự báo ​​sẽ tăng 7,5% trong năm 2022 và 6,7% trong năm 2023 [5].

Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam phải đối mặt với rủi ro tăng cao. Căng thẳng địa chính trị thế giới, khu vực gia tăng đã làm tăng mức độ bất định và có thể gây ra những thay đổi trong xu hướng thương mại và đầu tư, ảnh hưởng đến nền kinh tế có độ mở cửa cao như Việt Nam. Khả năng tự chủ của nền kinh tế chịu ảnh hưởng mạnh từ biến động hoạt động sản xuất khu vực đầu tư nước ngoài và một số thị trường lớn. Việc tiếp tục giãn cách xã hội để kiểm soát dịch Covid-19 ở Trung Quốc có thể khiến tình trạng gián đoạn chuỗi giá trị kéo dài hơn và ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam. Nền kinh tế Việt Nam cơ bản là một nền kinh tế thâm dụng vốn và gia công, lắp ráp là chủ yếu. Cộng đồng doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn trong hoạt động kinh doanh ở một số ngành do tình trạng thiếu lao động, thiếu nguyên liệu, thị trường xuất khẩu bị thu hẹp. Lạm phát tăng có thể ảnh hưởng đến sự phục hồi của tiêu dùng hộ dân cư.

  1. Cơ hội và thách thức đối với sự phát triển của kinh tế tư nhân

2.1. Cơ hội

– KTTN có cơ hội phát triển trong môi trường vĩ mô thuận lợi. Môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện, thể hiện là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp tư nhân tăng trưởng và phát triển. Năm 2019, năng lực cạnh tranh 4.0 của Việt Nam xếp thứ 67/141, tăng 10 bậc so với năm 2018. Đổi mới sáng tạo ở vị trí 44/132 (năm 2021); Chính phủ điện tử xếp thứ 86 (năm 2020), tăng 2 bậc so với năm 2018; Phát triển bền vững xếp thứ 51/165 năm 2021, tăng 37 bậc so với năm 2016; An toàn an ninh mạng xếp thứ 25/194 (năm 2020), tăng 25 bậc so với năm 2018 [9]. Chủ trương, chính sách phát triển KTTN tiếp tục được hoàn thiện. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 (khóa XII) và Đại hội XIII của Đảng nhất quán khẳng định “Phát triển KTTN lành mạnh theo cơ chế thị trường là một yêu cầu khách quan, vừa cấp thiết, vừa lâu dài trong quá trình hoàn thiện thể chế, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta; là một phương sách quan trọng để giải phóng sức sản xuất; huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phát triển” [4]; đồng thời nêu rõ “KTTN là một động lực quan trọng để phát triển kinh tế”. Trên cơ sở đó, nhiều nghị quyết của Chính phủ đã được ban hành, Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa đã được thông qua với quyết tâm cải thiện rõ nét về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia. Ở cấp địa phương, nhiều tỉnh đã trở nên tích cực hơn trong các nỗ lực và sáng kiến nhằm phát triển doanh nghiệp và khu vực KTTN. Ngày càng có nhiều hơn các tỉnh và địa phương có các hành động và biện pháp hỗ trợ hiệu quả và thể hiện cam kết cao đối việc hỗ trợ khu vực KTTN.

– Quá trình gia nhập các hiệp định thương mại khu vực và quốc tế mang lại nhiều cơ hội cho khu vực KTTN ở Việt Nam. Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP) và Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA) mới được ký kết gần đây mang lại những cơ hội vô cùng lớn về mở rộng thị trường xuất khẩu cho các doanh nghiệp trong khu vực KTTN của Việt Nam. Với việc mở rộng hội nhập, Việt Nam được coi là một trong những địa điểm hấp dẫn nhất về thu hút đầu tư nước ngoài trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, chủ yếu là nhờ các lợi thế về chi phí nhân công giá rẻ, các điều kiện thuận lợi về dân số, vị trí địa lý thuận lợi và sự ổn định chính trị. Những khảo sát gần đây cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục quan tâm và đặt lòng tin vào Việt Nam. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 6 tháng đầu năm 2022 ước tính đạt 10,06 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng cao nhất của 6 tháng đầu năm trong 5 năm qua. Tính đến ngày 20/6/2022: vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 14,03 tỷ USD, giảm 8,1% so với cùng kỳ năm trước [8]. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam kết nối với khu vực FDI và với các chuỗi cung ứng toàn cầu đang mở rộng hơn bao giờ hết.

– Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh quá trình thoái vốn và cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước mang lại nhiều cơ hội cho KTTN. Lũy kế tổng số thoái vốn nhà nước từ năm 2016 – 2020 27.312 tỷ đồng, thu về 177.397 tỷ đồng. Năm 2021 đã thoái vốn tại 18 doanh nghiệp với giá trị 1.665 tỷ đồng, thu về 4.402 tỷ đồng [7]. Theo đó, hàng tỷ USD về vốn, tài sản sẽ thay đổi chủ sở hữu và được chuyển sang khu vực KTTN trong những năm tới, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp trong KTTN Việt Nam tăng trưởng và mở rộng. Cơ hội đối với khu vực KTTN cũng sẽ được mở rộng khi các công trình công cộng, các dự án cơ sở hạ tầng vốn thường chỉ được dành cho DNNN giờ đây cũng được dành cho KTTN, như: đầu tư phát triển các dự án sân bay, đường cao tốc, cầu cảng, nhà máy điện.

– Cách mạng công nghiệp 4.0 và kinh tế nền tảng (platform economy) mang lại những cơ hội to lớn cho các doanh nghiệp tư nhân. Việc sử dụng và khai thác dữ liệu lớn (big data), sử dụng những thuật toán mới và điện toán đám mây sẽ tạo ra một nền kinh tế mới dựa trên kỹ thuật số không có giới hạn về biên giới quốc gia. Một nền kinh tế như vậy sẽ cho phép hình thành các mô hình kinh doanh mới, các sản phẩm và dịch vụ sáng tạo mới trước đây ít người dám nghĩ tới. Ý tưởng kinh doanh có thể được thử nghiệm và triển khai trong thực tế với tốc độ nhanh hơn. Các doanh nghiệp tư nhân có thể tiếp cận khách hàng, với thị trường quốc tế, kinh doanh với các đối tác quốc tế dễ dàng và với chi phí thấp hơn đáng kể. Ngành công nghiệp 4.0 và nền kinh tế nền tảng cung cấp cơ hội quý giá và tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp tư nhân phát minh, đổi mới, sáng tạo và áp dụng mô hình kinh doanh, dịch vụ và sản phẩm chưa từng có tiền lệ và tiếp cận được tới các nguồn vốn có tính chất sáng tạo hơn là chỉ từ nguồn mang tính truyền thống là ngân hàng. Doanh nghiệp tư nhân sẽ có cơ hội tốt để tiến thẳng tới nền kinh tế dựa trên nền tảng tri thức và sáng tạo, trở thành những công ty ở tầm quốc gia và quốc tế trong một thời gian ngắn hơn mà không cần phải dựa quá nhiều vào vốn trong giai đoạn đầu. Cơ hội này thậm chí còn quan trọng hơn đối với các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam vì phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam đều có quy mô vốn nhỏ và rất hạn chế.

Bên cạnh đó, tinh thần khởi nghiệp kinh doanh của người dân Việt Nam đang tăng mạnh, được hỗ trợ tích cực từ phía Chính phủ và các chương trình thông tin, truyền thông. Tinh thần này là yếu tố quan trọng nhằm phát huy tiềm năng vô cùng to lớn (về nhân lực, vật lực, tài lực) của khu vực KTTN được đưa vào sản xuất – kinh doanh, hỗ trợ sự phát triển mạnh mẽ hơn của nền kinh tế.

2.2. Thách thức

– Môi trường kinh doanh đã được cải thiện đáng kể trong những năm gần đây nhưng vẫn chứa đựng nhiều những khó khăn và thách thức. Những hạn chế lớn nhất từ môi trường kinh doanh ảnh hưởng đến KTTN liên quan tới: khả năng tiếp cận tài chính, thông lệ kinh doanh, bất bình đẳng của khu vực không chính thức, thiếu nguồn nhân lực trình độ cao, giao thông và cơ sở hạ tầng, tiếp cận đất đai, các quy định về hải quan và thương mại. Vẫn còn tồn tại sự phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp tư nhân với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI. Theo một khảo sát của VCCI công bố năm 2017, các doanh nghiệp tư nhân trong nước vẫn nằm trong nhóm các doanh nghiệp chịu thiệt thòi nhất [2].

– Sự phối hợp giữa các cơ quan Chính phủ trong hoạt động hỗ trợ phát triển KTTN còn thiếu chặt chẽ, các chính sách và chương trình phát triển khu vực tư nhân thiếu tính động bộ và liên kết. Phát triển KTTN liên quan tới nhiều ngành, nội dung và các chương trình hỗ trợ, do vậy thường được thực hiện bởi nhiều cơ quan Chính phủ khác nhau. Những hạn chế về hiểu biết các nhu cầu của doanh nghiệp dẫn đến tình trạng các sáng kiến và chương trình hỗ trợ được thiết kế chưa hợp lý, ảnh hưởng tới chất lượng và hiệu quả của quá trình triển khai. Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa không nắm được thông tin về các chương trình hỗ trợ kinh doanh hiện đang được triển khai thực hiện và cách thức để tham gia chương trình. Mặc dù được thiết kế với ý định và mục tiêu tốt, nhiều chương trình hỗ trợ phát triển khu vực tư nhân (PSD) gặp nhiều hạn chế về cách thức triển khai vẫn theo lối mòn truyền thống, sự phối hợp và triển khai kém hiệu quả. Điều này dẫn đến tình trạng có nhiều chính sách và chương trình song tính liên kết, bổ trợ và phối kết hợp giữa các chương trình còn hạn chế và kém hiệu quả. Chính phủ vẫn chưa có chính sách hoặc biện pháp cụ thể nhằm hỗ trợ mối liên kết giữa các doanh nghiệp tư nhân trong nước, các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nhà nước.

– Năng lực nội tại của các doanh nghiệp tư nhân còn nhiều hạn chế.

Năm 2020, có hơn 700 nghìn doanh nghiệp tư nhân, song chỉ đóng góp chưa tới 10% trong tổng GDP của Việt Nam – chưa bằng 1/2 của khu vực FDI và chưa bằng 1/3 của khu vực kinh tế cá thể. Hơn 98% doanh nghiệp tư nhân có quy mô nhỏ và vừa, trong đó doanh nghiệp siêu nhỏ chiếm hơn 73%. Quy mô trung bình của doanh nghiệp tư nhân có xu hướng giảm mạnh, từ mức 27 lao động/doanh nghiệp vào giữa thập niên 2000 đến nay xuống xấp xỉ 18 lao động/doanh nghiệp [3]. Các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ trong KTTN thường hoạt động dựa trên những tiềm năng sẵn có, nhưng đang suy giảm như: lao động dồi dào giá rẻ, tài nguyên thiên nhiên,… Năng lực tài chính, đổi mới sáng tạo còn yếu kém.

Sức chống chịu của doanh nghiệp tư nhân đối với các cú sốc từ bên ngoài rất yếu, thể hiện hết sức rõ nét qua đại dịch Covid-19. Đã có rất nhiều doanh nghiệp đã, đang phá sản vì sau nhiều tháng liền chống chọi với những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra; sức lực, tài chính của doanh nghiệp đã bị hao mòn, cạn kiệt không thể tiếp tục. Khảo sát do Ban Nghiên cứu Phát triển KTTN đối với hơn 21.500 doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực, thành phần kinh tế khác nhau vào tháng 8 vừa qua đã cho thấy; có tới 69% doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động sản xuất – kinh doanh do dịch bệnh, 15% doanh nghiệp phải giải thể, ngừng hoạt động kinh doanh, chờ giải thể và chỉ có 16% doanh nghiệp cố gắng duy trì hoạt động sản xuất – kinh doanh mặc dù lỗ hoặc hoạt động không hết công suất [10]. Bên cạnh đó, khả năng kết nối của phần lớn doanh nghiệp tư nhân vào các chuỗi giá trị toàn cầu hết sức hạn chế. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ có 15% doanh nghiệp tư nhân là nhà cung ứng cho doanh nghiệp FDI tại Việt Nam, chỉ có 8,4% có khả năng xuất khẩu sản phẩm trực tiếp ra nước ngoài và chỉ có 7,4% có thể xuất khẩu gián tiếp thông qua việc bán hàng cho bên thứ ba [3].

  1. Một số kiến nghị

Thứ nhất, tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh cho KTTN phát triển. Điều này sẽ đảm bảo duy trì lòng tin và và tăng cường đầu tư của KTTN, cải thiện hiệu quả hoạt động và lợi nhuận của các doanh nghiệp tư nhân. Cần có một hệ thống chính sách ổn định, thống nhất thể hiện rõ chủ trương xem KTTN là trụ cột của nền kinh tế và của năng lực cạnh tranh quốc gia. Thay vì chỉ tập trung vào mục tiêu tăng hàng trăm ngàn doanh nghiệp trong thời gian tới, trọng tâm chính sách cần nhấn mạnh vào các chỉ tiêu về chất lượng tăng trưởng, ví dụ như: năng suất tại cấp độ doanh nghiệp, quy mô của doanh nghiệp, trình độ công nghệ được ứng dụng, trình độ sáng tạo, hiệu quả hoạt động tài chính và khả năng kết nối với chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thứ hai, nâng cao hiệu quả các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc KTTN. Do nguồn lực hạn chế, các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cần phải có tính tập trung cao, đáp ứng được những nhu cầu có tính ưu tiên của các doanh nghiệp tư nhân. Các chương trình, sáng kiến nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khu vực KTTN, thay vì chủ yếu tập trung vào số lượng các doanh nghiệp được đăng ký hay số vốn được đăng ký, cần chú trọng vào các chỉ số tác động như về giá trị gia tăng, hoạt động sáng tạo và phát minh, sáng chế, năng suất, các tiến bộ về công nghệ, xã hội, môi trường và sinh thái.

Thứ ba, cần có chính sách tăng cường mối liên kết giữa các doanh nghiệp thuộc KTTN với các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nhà nước. Chú trọng các biện pháp nhằm khuyến khích các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nhà nước mua sắm hàng hóa, dịch vụ hoặc hợp tác với, hoặc đặt hàng gia công từ các doanh nghiệp tư nhân. Kinh nghiệm của một số nền kinh tế như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) đã thành công trong việc xây dựng mối liên kết như vậy sau khi áp dụng một số luật và quy định nhằm thúc đẩy mối quan hệ liên kết, hợp tác đó.

Thứ tư, các doanh nghiệp thuộc KTTN, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa phải chủ động xây dựng năng lực cạnh tranh trên cơ sở kiến thức, vốn, nghiên cứu và phát triển, công nghệ và sáng tạo hơn là chỉ phụ thuộc vào lao động giá rẻ và vào sử dụng tài nguyên thiên nhiên. Hiện nay, công nghệ có thể được chuyển giao từ nước ngoài hoặc từ khu vực doanh nghiệp FDI. Các doanh nghiệp tư nhân cần có chiến lược ứng dụng, nhận chuyển giao công nghệ một cách kiên trì, liên tục và thông minh để từng bước tích lũy về bí quyết, công nghệ, kiến thức và sau đó là sáng tạo và phát minh, sáng chế. Cùng với đó, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ thiết thực cho hoạt động nghiên cứu và phát triển trong khu vực KTTN, thông qua việc điều tiết, phân bổ ngân sách cho hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu và phát triển.

Thứ năm, tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, trách nhiệm giải trình của các bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp đối với việc chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển KTTN; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật, bảo đảm không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất – kinh doanh, tạo gánh nặng tâm lý đối với người dân và doanh nghiệp.

  1. Kết luận

Nhìn chung, KTTN ở nước ta hiện nay đã phát triển mạnh mẽ trên nhiều phương diện, được tự do kinh doanh và đối xử bình đẳng hơn với các thành phần kinh tế khác; bước đầu đã hình thành được một số tập đoàn KTTN có quy mô lớn, hoạt động đa ngành, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, trước những biến động nhanh chóng của tình hình quốc tế, khu vực và trong nước, KTTN đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức lớn. Để tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức, cùng với những chính sách cụ thể, đồng bộ từ phía Nhà nước, các chủ thể KTTN phải không ngừng nỗ lực, luôn đổi mới, sáng tạo, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh, thể hiện tốt vai trò động lực phát triển trong nền kinh tế.

LÊ TIẾN DŨNG (Khoa Lý luận chính trị – Đại học Bách khoa Hà Nội)

  1. Công ty Cổ phần Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam (2022). Báo cáo kinh tế vĩ mô tháng 6 và sáu tháng đầu năm 2022, tháng 7/2022.
  2. Lê Huy Bình (2018). Kinh tế tư nhân Việt Nam: Năng suất và thịnh vượng. Truy cập tại: http://www.economica.vn/Content/files/PUBL%20%26%20REP/Viet%20Nam%20Private%20Sector%20VIE.pdf.
  3. Tạ Thị Đoàn (2021). Giải pháp phát triển doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam trong bối cảnh mới. Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 31 năm 2021.
  4. Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII (2017). Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 03/6/2017 về phát triển KTTN trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
  5. Ngân hàng Thế giới (2022). Cập nhật Tình hình kinh tế Việt Nam, tháng 8/2022. Truy cập tại: https://www.worldbank.org/.
  6. Tổng cục Thống kê (2022). Điểm sáng tình hình kinh tế – xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2022. Truy cập tại: https://www.gso.gov.vn/
  7. Đặng Quyết Tiến (2020). Kết quả thực hiện cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2016 – 2020 và định hướng giai đoạn 2021 – 2025. Tạp chí Tài chính, kỳ 1 tháng 5/2022.
  8. Tổng cục Thống kê (2022). Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2022. Truy cập tại: https://www.gso.gov.vn/
  9. Lê Anh (2022). Tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Truy cập tại: https://dangcongsan.vn/thoi-su/tiep-tuc-day-manh-cai-thien-moi-truong-kinh-doanh-nang-cao-nang-luc-canh-tranh-605186.html
  10. Anh Minh (2021). Doanh nghiệp đang kiệt sức, cạn tiền. Truy cập tại: https://vnexpress.net/doanh-nghiep-dang-kiet-suc-can-tien-4352350.html

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here