Mặc dù bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi Covid-19 trong quý I, II/2020 nhưng đại dịch đang và sẽ tạo ra những xu hướng mới đối với chuỗi cung ứng ngành thủy sản Việt Nam.
Theo báo cáo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), 4 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu thủy sản của cả nước đạt khoảng 2,23 tỷ USD, (giảm 8% so với cùng kỳ năm 2019). Các đơn hàng thủy sản được giao theo hợp đồng đã ký chỉ chiếm khoảng 50%. Tỷ lệ các đơn hàng bị khách hàng yêu cầu tạm hoãn hoặc hủy lần lượt ở mức 20 – 40% và 20 – 30%.
Dịch Covid-19 đã huỗi cung ứng nguyên liệu và cung ứng thành phẩm bị “đứt gãy”, dòng hàng và dòng tiền đều thiếu hụt hoặc ùn ứ.
VASEP dự báo, nguồn cung nguyên liệu dự báo sẽ thiếu hụt trong thời gian tới. Theo đó, nếu dịch Covid-19 được kiểm soát, nguồn nguyên liệu trong nửa cuối năm 2020 chỉ đáp ứng tối đa 50% – 70% nhu cầu sản xuất để xuất khẩu và bán nội địa.
Tuy nhiên, VASEP nhận thấy, dịch Covid-19 đang và sẽ tạo ra những xu hướng mới đối với chuỗi cung ứng thủy sản. Đây có thể được coi như là cơ hội và thách thức mới cho ngành thủy sản Việt Nam.
Theo Tổng Thư ký VASEP Trương Đình Hòe, niềm tin của các nhà đầu tư, các tập đoàn nhập khẩu, bán lẻ với thủy sản Việt Nam gia tăng đáng kể. Trong khi đó, các quốc gia sản xuất thủy sản cạnh tranh chính với Việt Nam như Ấn Độ, Ecuado phải phong tỏa cách ly chống dịch dẫn đến sự sụt giảm 50% sản lượng sản xuất, xuất khẩu. Hay tại các thị trường như Indonesia, Philippines và Thái Lan xuất khẩu thủy sản cũng giảm khoảng 30%.
Như vậy, Việt Nam sẽ phục hồi sản xuất sau dịch nhanh hơn những quốc gia trên và duy trì nguồn cung thủy sản cho thế giới. Đây là cơ hội lớn cho thủy sản Việt Nam.
Ông Trương Đình Hòe nhấn mạnh, điểm đáng lưu ý là chuỗi cung ứng vật tư thiết yếu cho nuôi trồng và chế biến thủy sản hầu như không lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Các ngành hàng phụ trợ cho sản xuất thủy sản gồm thuốc, hóa chất, bao bì vật tư, trang thiết bị, dụng cụ cho nuôi trồng, chế biến… có cơ hội phát triển tại Việt Nam, từ đó tạo điều kiện để các doanh nghiệp thủy sản chủ động hơn trong sản xuất.
“Tất cả những điểm kể trên sẽ là ‘cú huých’ cho ngành thủy sản xuất khẩu hồi phục trở lại nhanh hơn sau dịch”, ông Trương Đình Hòe khẳng định.
Để nắm bắt cơ hội phục hồi sau dịch Covid-19, VASEP cho rằng, cần đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ của Chính phủ và các bộ, ngành cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 cũng như hậu Covid-19.
Cụ thể, trong ngắn hạn, Chính phủ và các Bộ hỗ trợ cho Bộ NN&PTNT đẩy mạnh việc chỉ đạo, tuyên truyền và triển khai các hỗ trợ tối đa cho người nuôi tôm và ngư dân khai thác biển để có thể thực hiện ngay từ tháng 5/2020 thả lại tôm, khai thác biển nhằm bắt kịp giai đoạn tháng 7 – 8/2020 khi thị trường thế giới phục hồi, tăng tiêu thụ cao trở lại trong khi một số nước sản xuất cạnh tranh chưa quay lại sản xuất bình thường.
Song song với đó, cần thúc đẩy hơn nữa hoạt động cải thiện môi trường kinh doanh, tăng cường các dịch vụ công trực tuyến giảm bớt các gánh nặng tuân thủ, tiết giảm thời gian, chi phí làm thủ tục cho doanh nghiệp và người dân.
Đồng thời, VASEP nhận thấy, cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuẩn bị điều kiện hạ tầng để đón nhận các dự án đầu tư mới do sự chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam như cơ chế xây dựng kho lạnh trữ hàng, điều chỉnh mức đánh giá rủi ro tín dụng cao đối với nhóm ngành hàng thuỷ sản. Cùng với đó, triển khai sàn giao dịch điện tử cho con giống tiến tới có thể phát triển hình thức mua bán tương lai mặt hàng con giống theo mục tiêu quản lý chất lượng và giảm giá thành…
“Về dài hạn, Chính phủ cần tiếp tục tạo điều kiện và hỗ trợ cho doanh nghiệp thủy sản thực hiện phát triển thị trường và nghiên cứu phát triển trong bối cảnh mới. Đặc biệt, Việt Nam cần tích cực thúc đẩy Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực sớm nhất có thể, để các doanh nghiệp tranh thủ tăng cường tiêu thụ thuỷ sản ở thị trường châu Âu rộng lớn”, VASEP kiến nghị.
Gia Thành