Chuyên gia: Việt Nam đã tăng thị phần trên thị trường thế giới ở nhiều loại mặt hàng

0
67
Việt Nam cần xây dựng những giải pháp cho phát triển sản xuất, tạo nguồn cung bền vững cho xuất khẩu. (Nguồn: VGP)

Bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam nhận định, tăng trưởng xuất khẩu đã chứng tỏ tính cạnh tranh của hàng xuất khẩu hoặc khả năng duy trì và tăng thị phần toàn cẩu của các nhà sản xuất trong nước đối với sản phẩm hàng hóa và dịch vụ.

Việt Nam cần xây dựng những giải pháp cho phát triển sản xuất, tạo nguồn cung bền vững cho xuất khẩu. (Nguồn: VGP)

Hai thước đo phổ biến để đánh giá khả năng cạnh tranh là độ co giãn của cầu đối với mặt hàng xuất khẩu theo giá và theo thu nhập. Với những chỉ số được ghi nhận cho thấy: Việt Nam đã tăng thị phần trên thị trường thế giới ở nhiều loại mặt hàng; Việt Nam xuất khẩu nhiều hàng hóa đang gia tăng tỷ trọng trong thương mại thế giới; Việt Nam đang “cực kỳ” cạnh tranh về giá và đang tăng cường sự hiện diện của mình trên thị trường với những mặt hàng có lợi thế và tăng trưởng nhanh…

“Với việc tập trung thúc đẩy xuất khẩu, Việt Nam đã đúng khi theo đuổi chính sách tự lực thông qua hội nhập, nhằm tăng thị phần đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, bao gồm cả những hàng hóa và dịch vụ có lợi thế mà nhu cầu thế giới đang ngày càng tăng cao”, bà Ramla Khalidi nhấn mạnh.

Báo cáo mới nhất từ Ngân hàng Thế giới (WB) cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 10/2023 ghi nhận, xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa tiếp tục phục hồi, đáp ứng nhu cầu bên ngoài đang ngày càng tăng cao.

Dù tình hình xuất khẩu luôn có dấu hiệu cải thiện kể từ tháng 5 trở lại đây nhưng lũy kế trong 10 tháng vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, chỉ báo này lại cho thấy những tín hiệu tích cực, phản ánh khả năng cạnh tranh cao của nhiều mặt hàng, dịch vụ xuất khẩu mà Việt Nam có thế mạnh.

Để thúc đẩy và phát triển xuất khẩu theo hướng bền vững và nâng tính cạnh tranh của xuất khẩu Việt Nam, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho rằng, cùng với định hướng phát triển xuất khẩu theo các nhóm hàng cụ thể để phát huy lợi thế so sánh và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu theo chiều sâu, tăng tỷ trọng các sản phẩm xuất khẩu có giá trị gia tăng và hàm lượng khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo hoặc thân thiện với môi trường… việc cần xây dựng những giải pháp cho phát triển sản xuất, tạo nguồn cung bền vững cho xuất khẩu, mở rộng hơn các thị trường xuất khẩu để đảm bảo hợp lý hóa cán cân thương mại với các nước đối tác là rất quan trọng lúc này.

“Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, tăng cường quản lý Nhà nước trong hoạt động xuất nhập khẩu nhằm tạo thuận lợi thương mại và chống gian lận, hướng tới thương mại công bằng; đồng thời, huy động và sử dung hiệu quả các nguồn lực cho phát triển xuất khẩu và nâng cấp cơ sở hạ tầng kho vận, giảm chi phí logistics….”, ông Hải nhấn mạnh.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho hay, muốn tăng tính cạnh tranh cho xuất khẩu Việt Nam; nhất là đối với nhóm ngành hàng dệt may, về phía doanh nghiệp, thời gian tới sẽ tập trung đầu tư tự động hóa để gia tăng năng suất và hiệu quả, giảm chi phí lao động, cải thiện chất lượng và độ chính xác nhất quán trong sản phẩm.

Các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần đạt mục tiêu áp dụng tự động hóa toàn diện để có thể đạt doanh thu 1 tỷ USD xuất khẩu tăng thêm nhưng chỉ cần thêm 30 nghìn lao động từ sau năm 2025. Cùng với đó là chiến lược số hóa trong quản trị; tranh thủ cơ hội để tham gia sâu vào chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu, đa dạng hóa nguồn cung ứng đầu vào và mở rộng thị trường tiềm năng mới.

“Ngành dệt may cũng sẽ chuyển dịch sang sản xuất xanh, kinh tế tuần hoàn và xây dựng kế hoạch đầu tư công nghệ, hạ tầng, nguồn nhân lực có kỹ năng và được đào tạo bài bản, kỹ càng, sẵn sàng cho sự chuyển dịch này”, ông Lê Tiến Trường nhấn mạnh.

Gia Thành

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here