Chuyên gia tư vấn chiến lược để Ngành dầu khí Việt Nam vượt qua “khủng hoảng” kép

0
253

Trong 3 tháng đầu năm 2020, dưới tác động tiêu cực của dịch Covid-19, nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang phải chứng kiến những hệ lụy trực tiếp ở mọi lĩnh vực sản xuất. Trong hoàn cảnh đó, ngành dầu khí Việt Nam tiếp tục bị tác động tiêu cực bởi khủng hoảng giá dầu thế giới giảm sâu.

Tuy nhiên, theo cách nhìn của các chuyên gia, ở chiều hướng ngược lại, xu hướng này cũng đang mở ra nhiều cơ hội mở rộng đầu tư, tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí khi giá dịch vụ và giá thuê giàn khoan giảm mạnh; nhiều chủ mỏ sẽ phải đóng mỏ hoặc bán mỏ; chi phí trong việc đàm phán các hợp đồng khai thác, thăm dò dầu khí vì thế cũng giảm mạnh… Tuy nhiên, để thực hiện được điều này, ngành Dầu khí cần có cơ chế để tạo nguồn lực, chủ động trong việc thực hiện các dự án, kế hoạch thăm dò, khai thác dầu khí, gia tăng trữ lượng… Tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn mà ngành Dầu khí đang phải đối diện trong tình hình hiện nay là vấn đề cấp bách, là đòi hỏi tất yếu trong nền kinh tế thị trường và cũng là sự đảm bảo cho mục tiêu công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước cũng như đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Dưới đây là tư vấn của các chuyên gia về những điều chỉnh mà ngành dầu khí nên triển khai:

TS. Lê Đăng Doanh

TS Lê Đăng Doanh – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương: Quyết nhanh, thực hiện nhanh, không nên để kéo dài, do dự.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nền kinh tế của thế giới đang bị đình trệ, nhu cầu về dầu giảm sút mạnh khiến giá dầu giảm thê thảm. Điều này không bình thường bởi giá dầu như vậy chỉ có lợi cho những nước sản xuất dầu với chi phí rẻ như ở Trung Đông còn như nước Mỹ chẳng hạn, sản xuất dầu từ đá phiến thì giá thành cao hơn. Tôi nghĩ, giá dầu sẽ xuống thấp và giữ ở mức như vậy một thời gian nhưng sau đó có thể sẽ hồi phục, chứ không thể giữ mãi như vậy. Trong tình hình đó, không có cách gì khác là PVN phải cắt giảm chi phí và sản xuất ở một mức độ có thể vừa đáp ứng được nhu cầu vừa giảm tối thiểu được số lỗ.

Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, những gói chính sách hỗ trợ chung như hoãn nộp thuế, cắt giảm lãi suất cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 đang được Chính phủ tích cực vận dụng. Với doanh nghiệp có đóng góp lớn cho nguồn ngân sách lớn như PVN hiện chưa thấy có một gói trợ cấp đặc biệt nào.

Việc PVN xem xét phương án mua dự trữ dầu thô, sản phẩm xăng dầu nhằm tranh thủ cơ hội giá dầu chạm đáy làm động lực tăng trưởng khi thị trường ấm trở lại cũng là một phương án rất hợp lý bởi vì chúng ta có thể tận dụng tình hình giá dầu thô đang giảm như hiện nay để mua về chế biến, khi giá dầu tăng lên chúng ta có thể bán ra thị trường, đó cũng là cách tránh được lỗ và có thể có lãi để bù lỗ cho sản xuất.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, biến động của thị trường rất khó lường vì vậy cần phải dự đoán chính xác để tránh thua lỗ. Ví dụ như hiện nay, giá vàng lên xuống thất thường, nhiều người mua vàng để dự trữ thì có người lãi đậm nhưng có người thua lỗ lớn. PVN muốn làm được điều này nên tìm những chuyên gia có kinh nghiệm và trình độ đánh giá thị trường để được tư vấn cụ thể, từ đó có thể quyết nhanh, thực hiện nhanh, không nên để kéo dài do dự.

Cũng cần phải tính đến kịch bản xấu nhất như buộc phải dừng hoạt động các mỏ, nhà máy lọc dầu. Đây là tình thế bất khả kháng, nếu cần thiết vẫn phải làm. Thực tế trên thế giới cũng như trong nước nhiều doanh nghiệp, ngành hàng cũng đã phải đối mặt với tình thế xấu nhất khi tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp. Mong rằng PVN với vai trò là trụ cột của nền kinh tế của nước ta sẽ có những giải pháp đúng đắn và sáng suốt để vượt qua được khó khăn lớn lúc này.

TS. Ngô Trí Long

PGS.TS Ngô Trí Long nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) : Giá dầu sụt giảm, ngân sách sẽ hụt thu lớn

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp làm cho sản xuất nhiều ngành gặp khó khăn, cùng với đó tình hình giao thông vận tải đình trệ… Những điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến nguồn tiêu thụ xăng dầu, từ đó làm cho giá dầu giảm gần như là thẳng đứng.

Theo tính toán ban đầu về dự kiến doanh thu của PVN trong năm 2020, có mức giá dầu vào khoảng 50-60 USD/thùng. Vì vậy, khi giá dầu sụt giảm mạnh như hiện nay, rõ ràng doanh thu của ngành Dầu khí sẽ sụt giảm đồng nghĩa với việc nguồn ngân sách sẽ hụt thu. Ngoài việc ngân sách hụt nguồn thu từ dầu thì nguồn thu từ thuế xuất nhập khẩu xăng dầu cũng giảm. Hiện trên sàn chứng khoán các mã công ty dầu khí, giá trị cổ phiếu giảm rất mạnh không chỉ nước ta mà cả trên thế giới.

Trong bối cảnh này, theo tôi, ngành Dầu khí phải xem xét lại kế hoạch tăng sản lượng dầu khí từ đầu năm, bởi trong bối cảnh giá dầu giảm như vậy thì tăng sản lượng sẽ bị lỗ nên những mỏ dầu nào có chi phí giá thành khai thác quá cao thì nên tạm thời dừng lại. Việc nhập trở lại dầu thô khi giá dầu thế giới giảm cũng cần được xem là một trong những giải pháp. Tuy nhiên, cần phải đánh giá một cách cụ thể hơn về tiềm lực tài chính cũng như đánh giá về những nguy cơ. Bởi nếu nhập dầu về dự trữ thì kho đủ khả năng dự trữ đến đâu, đặc biệt thời gian giảm giá dầu sẽ kéo dài trong bao lâu, nếu nhập về giá vẫn tiếp tục giảm sâu, kéo dài thì rất nguy hiểm. Đây là bài toán kinh tế vì thế phải tính toán hết sức cụ thể, chi tiết.

Ông Hồ Tế

Ông Hồ Tế, nguyên Bộ trưởng Bộ Tài chính kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty Dầu mỏ & Khí đốt Việt Nam: Chúng ta đã từng trải qua những giai đoạn không kém khó khăn.

Dầu khí là ngành quan trọng đối với chính trị, kinh tế (đặc biệt là kinh tế biển) và an ninh, quốc phòng của đất nước; một ngành kinh tế tổng hợp có quan hệ từ Trung ương đến địa phương, hợp tác quốc tế rộng rãi, vừa có tính chất công nghiệp, tài chính – thương mại, sản xuất với khoa học công nghệ cao lại vừa mang tính dịch vụ. Ngay từ sau khi đất nước thống nhất, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đặc biệt, nhất quán, từ định hướng đường lối đến chính sách ưu đãi đầu tư phát triển, tạo điều kiện thuận lợi và chỉ đạo sát sao mọi hoạt động của ngành Dầu khí, của PVN. Trong 45 năm qua, PVN được Nhà nước giao quyền thăm dò, khai thác tài nguyên dầu khí trên toàn bộ lãnh thổ, vùng biển, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và ký kết hợp đồng dầu khí với các tổ chức tiến hành các hoạt động dầu khí ở Việt Nam theo quy định của Luật Dầu khí và các quy định khác của pháp luật.

Con đường phát triển phía trước của Dầu khí Việt Nam sẽ có nhiều khó khăn, thách thức khi tình hình thế giới liên tục có nhiều biến động, đặc biệt là tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp, ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế toàn cầu trong đó ngành Dầu khí chịu ảnh hưởng không hề nhỏ do giá dầu có nguy cơ giảm sâu. Tuy nhiên, chúng ta đã từng vượt qua những giai đoạn không kém khó khăn khi nền kinh tế thế giới lâm vào khủng hoảng, giá dầu có thời điểm giảm còn chưa đến 10 USD/thùng.

Văn Phong

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here