Chuyên gia: Nhiều khả năng Trung Quốc tạm né đòn thuế quan của ông Trump để tránh thiệt hại

0
87
Chuyên gia Mark Williams: “Các nhà lãnh đạo Trung Quốc không có nhiều phương án tốt, không phải vì Tổng thống Trump đang chiến thắng, mà bởi vì họ nhận ra rằng tất cả các bên trong một cuộc chiến thương mại đều bị thiệt hại”.

Ngày 23/8, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Washington sẽ tiếp tục tăng thuế đối với các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Thông báo của Tổng thống Trump đăng tải trên Twitter nêu rõ Mỹ sẽ tăng mức thuế hiện tại với số hàng hóa nhập từ Trung Quốc trị giá 250 tỷ USD từ mức 25% lên 30% từ ngày 1/10 tới. Đồng thời, ông Trump cũng tuyên bố tăng mức thuế dự kiến áp với số hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc còn lại trị giá 300 tỷ USD từ 10% lên 15%.

Tuyên bố của ông Trump được đưa ra vài giờ sau khi khi Bắc Kinh công bố kế hoạch áp thuế trả đũa với số hàng hóa nhập từ Mỹ trị giá 75 tỷ USD. Trung Quốc cũng sẽ xúc tiến áp mức thuế 25% với ô tô nhập khẩu và 5% với các phụ tùng ô tô nhập khẩu từ Mỹ vốn đã bị trì hoãn từ hồi tháng 12/2018. Như vậy, tính tới cuối năm nay, hầu như mọi hoạt động xuất nhập khẩu giữa hai quốc gia đều bị tác động bởi tình trạng căng thẳng. Rất nhiều công ty Mỹ phụ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc đang đặc biệt lo ngại trước những diễn biến mới này.

Đầu tuần qua, Cố vấn Kinh tế của Nhà Trắng cho biết Washington đang chuẩn bị cho các cuộc đối thoại trực tiếp giữa các quan chức hai bên vào tháng 9 tới. Hiện vẫn chưa rõ cuộc gặp song phương liệu có diễn ra sau những động thái kể trên hay không. Căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới suốt một năm qua đã làm chao đảo các thị trường tài chính toàn cầu, đe dọa triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế thế giới.

Chính phủ Trung Quốc cảnh báo thuế quan có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng, song bày tỏ thái độ cứng rắn khi tuyên bố sẽ trả đũa nếu cần thiết. Nngày 24/8, Bộ Thương mại Trung Quốc ra thông báo phản đối mạnh mẽ quyết định của Mỹ tăng thuế với số hàng hóa Trung Quốc trị giá 550 tỷ USD và cảnh báo các hậu quả mà Washington sẽ phải gánh chịu nếu không chấm dứt “những hành động sai lầm”.

Thông báo của Bộ Thương mại Trung Quốc nêu rõ các hành động bảo hộ thương mại đơn phương và mang tính “ức hiếp” cùng việc gia tăng sức ép tối đa đã vi phạm những đồng thuận chung giữa hai quốc gia, vi phạm nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi, làm hủy hoại nghiêm trọng hệ thống thương mại đa phương và trật tự thương mại thế giới.

Theo nhà kinh tế cấp cao về châu Á Mark Williams, thuộc hãng nghiên cứu Capital Economics, tiềm năng tăng trưởng có thể tác động nhất định đến các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Chuyên gia này nhận xét: “Các nhà lãnh đạo Trung Quốc không có nhiều phương án tốt, không phải vì Tổng thống Trump đang chiến thắng, mà bởi vì họ nhận ra rằng tất cả các bên trong một cuộc chiến thương mại đều bị thiệt hại”.

Ông Mark Williams nói thêm các phản ứng như đánh thuế cao hơn vào hàng hóa Mỹ hoặc các biện pháp trừng phạt đối với các công ty Mỹ ở Trung Quốc có thể gây thiệt hại cho Trung Quốc do làm tăng chi phí cho các công ty Trung Quốc và khiến các doanh nghiệp toàn cầu lo lắng. Vì vậy, phương án tốt nhất của Trung Quốc có lẽ là chờ đến cuộc bầu cử Tổng thống năm sau. Ông Williams nhận định, nhiều khả năng các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ đối phó bằng các tạm né tránh và Bắc Kinh có thể giảm bớt áp lực một chút cho các nhà xuất khẩu bằng cách cho phép đồng NDT hạ giá. Tuy nhiên, các mức thuế mới nhất của ông Trump ít có khả năng khiến Trung Quốc nhượng bộ.

Theo kết quả khảo sát do Bloomberg vừa thực hiện với 14 nhà kinh tế, các khoản thuế sắp tới đánh vào lượng hàng hóa trị giá 300 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng tới 0,5 điểm phần trăm trong năm 2019.

Mức sàn mục tiêu tăng trưởng kinh tế hàng năm của Chính phủ Trung Quốc là 6%. Một cuộc thăm dò ý kiến của chuyên gia do Reuters thực hiện hồi tháng 7/2019 đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ vào khoảng 6,2% trong năm nay.

Mai Ly

 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here