Chuyên gia Malaysia ‘hiến kế’ ứng phó nguy cơ gián đoạn nguồn cung thực phẩm

0
56

Malaysia gần đây đang phải đối mặt với sự gián đoạn nghiêm trọng của chuỗi cung ứng các mặt hàng thiết yếu.

Malaysia nỗ lực ứng phó sự gián đoạn nguồn cung thực phẩm. (Nguồn: EPA-EFE)

Ấn Độ, một trong những nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, tạm dừng xuất khẩu gạo trên toàn cầu đã dẫn đến tình trạng thiếu gạo ở Malaysia. Ngoài ra, người Malaysia còn phải vật lộn với tình trạng thiếu thịt gà và trứng trong những tháng gần đây. Những vấn đề này nhấn mạnh rằng Malaysia cần sớm có một chiến lược an ninh lương thực mạnh mẽ.

Trong Ngân sách 2024, Malaysia đã đánh giá rằng sự gián đoạn chuỗi cung ứng thực phẩm toàn cầu đang đặt ra nhiều thách thức trong việc đảm bảo nguồn cung và giảm tình trạng giá cả hàng hóa leo thang. Đây là nhận định của Tiến sĩ Salini Devi Rajendran, Giảng viên tại Trường Nghiên cứu Thực phẩm và Ẩm thực, đại học Taylor’s.

Trong bối cảnh chuỗi cung ứng thực phẩm toàn cầu bị gián đoạn, Ngân sách 2024 của Chính phủ đã có chính sách quan trọng là dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát giá đối với thịt gà và trứng. Quyết định này đã thừa nhận rằng việc thị trường tự do là cần thiết, qua đó giúp Malaysia tăng cường khả năng thích ứng trong thời gian gián đoạn. Theo đó, Malaysia khuyến khích nền kinh tế có phản ứng năng động hơn trước những biến động của nguồn cung, cho phép thị trường điều chỉnh giá theo quy luật cung và cầu.

Tuy nhiên, chiến lược này đã làm dấy lên lo ngại về tác động đối với người tiêu dùng. Mặc dù nhằm mục đích cải thiện tính linh hoạt của chuỗi cung ứng, chiến lược này có thể dẫn đến giá thực phẩm leo thang, đặc biệt là thịt gà và trứng, dẫn đến sức mua giảm. Việc dỡ bỏ kiểm soát giá đối với một số mặt hàng thực phẩm thiết yếu có thể gây ảnh hưởng nặng nề đến các gia đình có thu nhập thấp và trung bình. Hiện nay, đang có sự tranh luận về sự cần thiết phải tạo sự cân bằng giữa việc thúc đẩy chuỗi cung ứng linh hoạt và đảm bảo khả năng tiếp cận hàng hóa thiết yếu với giá cả phải chăng.

Tương tự, Chính phủ đã phân bổ khoản trợ cấp trị giá 2,6 tỷ RM (550 triệu USD) cho người nông dân trồng lúa và ngư dân để giúp họ tăng cường khả năng tự cung tự cấp trước những gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tuy nhiên, vẫn còn những lo ngại về tính bền vững và hiệu quả lâu dài của biện pháp này. Người nông dân và ngư dân có thể sẽ trở nên phụ thuộc vào trợ cấp, dẫn đến cản trở sự đổi mới và giảm năng suất trong tương lai. Mặc dù hỗ trợ tài chính hiện nay rất quan trọng, song đây không phải là giải pháp hiệu quả nhất để đảm bảo ổn định nguồn cung các mặt hàng thực phẩm thiết yếu, đặc biệt là khi xét đến bối cảnh toàn cầu đang có sự thay đổi nhanh chóng.

Chính phủ Malaysia đã phân bổ 400 triệu RM để thực hiện chương trình Tăng cường An ninh Lương thực nhằm tăng cường khả năng phục hồi chuỗi cung ứng thực phẩm ở địa phương, giải quyết ảnh hưởng của sự gián đoạn chuỗi cung ứng thực phẩm toàn cầu, giúp người tiêu dùng tránh khỏi những cú sốc khi giá lương thực tăng. Tuy nhiên, mặc dù có thể giải quyết ngay những lo ngại về giá thực phẩm leo thang, song chính sách này có thể không giải quyết được một cách toàn diện trong vấn đề đảm bảo an ninh lương thực.

Chính phủ Malaysia có thể khuyến khích nông dân và ngư dân áp dụng các biện pháp sản xuất nông nghiệp mới và ứng dụng công nghệ tiên tiến, từ đó nâng cao năng suất và giảm sự phụ thuộc vào trợ cấp. Đạt được sự cân bằng giữa cung cấp hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới trong lĩnh vực nông nghiệp là yếu tố rất quan trọng cho sự bền vững và hiệu quả lâu dài trong việc giải quyết vấn đề an ninh lương thực ở Malaysia. Bên cạnh đó, ngân sách 2024 của cũng khuyến khích người tiêu dùng lựa chọn thực phẩm bền vững và giảm nhu cầu đối với các sản phẩm đắt tiền hoặc khan hiếm.

Trên thực tế, Chính phủ Malaysia cần có một chiến lược an ninh lương thực lâu dài, toàn diện nhằm cân bằng giữa nhu cầu cứu trợ ngay lập tức với việc đảm bảo tính bền vững và khả năng phục hồi. Những biện pháp này sẽ giúp Malaysia giải quyết các thách thức an ninh lương thực bằng cách cung cấp một khuôn khổ mạnh mẽ và bền vững hơn để đảm bảo nguồn cung và khả năng chi trả của người tiêu dùng đối với các mặt hàng thực phẩm thiết yếu trước tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng thực phẩm toàn cầu.

Nhiệm vụ đảm bảo an ninh lương thực được đề cập trong Ngân sách 2024 của Malaysia không phải chỉ được giao cho các chuyên gia và các nhà hoạch định chính sách. Trên thực tế, mỗi người dân đều đóng một vai trò quan trọng và việc hành động tập thể có thể sẽ tạo nên khác biệt lớn trong việc đảm bảo nguồn cung thực phẩm, cũng như sự ổn định và thịnh vượng của đất nước trong tương lai.

Việc tăng cường nhận thức về hệ thống thực phẩm sẽ giúp người dân, với tư cách là người tiêu dùng có thể đưa ra những lựa chọn sáng suốt hơn. Bằng cách lựa chọn những loại thực phẩm có tính bền vững, mỗi người dân Malaysia có thể trực tiếp góp phần bình ổn giá cả và tăng cường khả năng phục hồi nguồn cung thực phẩm. Bên cạnh đó, cần phải xem xét, đánh giá tầm quan trọng của việc hỗ trợ nông dân và ngư dân địa phương áp dụng các phương pháp sản xuất và công nghệ hiện đại, giúp củng cố chuỗi cung ứng thực phẩm ở địa phương.

Người dân Malaysia cần đoàn kết để ổn định nguồn cung thực phẩm ở Malaysia trong tương lai, cả sự sẵn có và khả năng chi trả đối với các mặt hàng thiết yếu, bất chấp sự gián đoạn toàn cầu. Việc lựa chọn thực phẩm có trách nhiệm sẽ không chỉ đảm bảo sức khỏe của chính người tiêu dùng mà còn tăng cường khả năng phục hồi của cả quốc gia. Đây là một tương lai mà người dân có thể đoàn kết, hợp tác cùng nhau để giúp ổn định nguồn cung thực phẩm ở Malaysia.

Tiến sĩ kinh tế Nungsari Ahmad Radhi, cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Viện Nghiên cứu Khazanah, cũng từng là Chủ tịch Điều hành Ủy ban Hàng không Malaysia (MAVCOM) cho rằng, Malaysia cần tận dụng thế mạnh, đặc biệt là tư cách một trong các nhà sản xuất dầu cọ hàng đầu thế giới để có thể trao đổi dầu cọ lấy các mặt hàng lương thực thiết yếu như gạo. Bên cạnh đó, ông cũng nhất trí với quan điểm rằng cần nhanh chóng đảm bảo khả năng tự sản xuất lương thực ở trong nước.

Malaysia có nhiều lợi thế như đất đai màu mỡ, nguồn nước dồi dào, vị trí địa chính trị chiến lược. Do đó nước này cần chuyển đổi việc sử dụng đất đồn điền sang trồng cây nông nghiệp và kêu gọi đầu tư từ các nhà sản xuất thực phẩm lớn. Để thúc đẩy quá trình chuyển đổi, ông cho rằng cần kêu gọi đầu tư từ những công ty có mối quan hệ “cộng sinh” với doanh nghiệp địa phương và thiết lập mô hình sinh thái nông sản, thực phẩm bền vững.

Tiến sỹ Nungsari Ahmad cũng đánh giá cao những sáng kiến của Bộ trưởng Kinh tế Rafizi Ramli trong thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, cho rằng đây là một tín hiệu đáng khích lệ và đất nước đang đi đúng hướng. Để đảm bảo rằng Malaysia không phải đối mặt với nguy cơ mất an ninh lương thực trong tương lai, Malaysia cần đảm bảo nguồn cung, tăng sản lượng dự trữ chiến lược, thúc đẩy sử dụng sản phẩm sản xuất ở địa phương.

Trong khi đó, Lãnh đạo phụ trách quản lý và điều tiết của Bộ Nông nghiệp Malaysia, bà Nor Sam Alwi, cho biết việc đảm bảo an ninh lương thực có thể được thực hiện thông qua thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững trong các cộng đồng nông dân địa phương. Điều này cần một hệ thống chính sách hỗ trợ ưu tiên nông nghiệp địa phương, cung cấp ưu đãi cho người nông dân ở quy mô nhỏ, bảo vệ quyền lợi của họ, cũng như quyền sử dụng đất, thương mại công bằng và các quy định giúp thúc đẩy các phương thức canh tác bền vững.

Ngoài ra, cần cung cấp hệ thống đào tạo, giáo dục cho người nông dân về kỹ thuật canh tác hiện đại, bền vững, kinh nghiệm quản lý nguồn nước, kiểm soát dịch bệnh và xử lý nông sản sau thu hoạch. Để làm được điều này, Malaysia cần phát triển cơ sở hạ tầng, đa dạng hóa và luân canh cây trồng, tăng cường tiếp cận thị trường và phân phối, nghiên cứu và phát triển tập trung vào nhu cầu của người nông dân ở từng địa phương, xây dựng hệ thống hợp tác giữa người nông dân ở các khu vực khác nhau.

Việc áp dụng các công nghệ hiện đại và phương thức canh tác mới sẽ giúp người nông dân có thể trồng được các giống cây mới, cho năng suất cao hơn, nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.

Thành Trung

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here