Chuyển đổi xanh: Áp lực và cơ hội cho doanh nghiệp logistics

0
32
Khó khăn khi thực hiện logistics xanh là đầu tư. (Nguồn: VGP)

Cùng với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế cũng như hoạt động xuất nhập khẩu, đầu tư và sự bùng nổ của thương mại điện tử, ngành logistics Việt Nam cũng đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận. Tốc độ tăng trưởng của ngành khoảng 15% và quy mô thị trường từ 40 đến 42 tỷ USD/năm.

Khó khăn khi thực hiện logistics xanh là đầu tư. (Nguồn: VGP)

Thông tin này được bà Đặng Hồng Nhung, đại diện Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương đưa ra tại tọa đàm: “Thích ứng Logistics xanh – Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp” diễn ra mới đây.

Theo bà Nhung, dù đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế nhưng logistics cũng là ngành phát thải rất lớn và mức độ tiêu hao năng lượng cao. Viện Công nghệ Massachusetts cho hay, riêng hoạt động vận tải đã đóng góp đến 8% tổng lượng phát thải CO2 trên toàn thế giới. Nếu cộng thêm kho bãi nữa thì con số này có thể lên đến 11%.

Bà Đặng Hồng Nhung nói: “Chính vì lý do đó mà logistics cũng là một trong những ngành bị tác động mạnh nhất từ xu hướng chuyển đổi xanh. Xu hướng này vừa tạo áp lực nhưng cũng là cơ hội với doanh nghiệp”.

Bà Trần Thị Thu Hương, Trưởng bộ môn Logistics và chuỗi cung ứng, trường Đại học Thương mại cho rằng, Việt Nam mới chỉ tham gia được một phần trong chuỗi logistics toàn cầu. Tại Việt Nam hiện có khoảng 30 tập đoàn logistics lớn trên thế giới và hơn 34.000 doanh nghiệp logistics của Việt Nam. Tuy nhiên phần lớn các doanh nghiệp logistics của Việt Nam mới chỉ đóng vai trò là vệ tinh, cung cấp các dịch vụ logistics vệ tinh cho các công ty logistics nước ngoài.

“Điều này sẽ tạo áp lực cho các doanh nghiệp Việt Nam, bởi khi các tập đoàn lớn, các công ty logistics đóng vai trò là người điều hành chuỗi logistics trên toàn cầu, họ chuyển đổi xanh mạnh mẽ và cũng yêu cầu các doanh nghiệp logistics Việt Nam khi tham gia vào chuỗi logistics cũng phải đáp ứng được yêu cầu xanh hóa”, bà Trần Thị Thu Hương đánh giá.

Theo bà Hương, điều này cũng tạo cơ hội và thúc đẩy các doanh nghiệp logistics Việt Nam sẽ chuyển nhanh hơn. Các doanh nghiệp logistics lớn tại Việt Nam cũng buộc phải đẩy nhanh xanh hóa để có thể cạnh tranh lại, giành thị phần với các công ty logistics nước ngoài.

Ở góc độ doanh nghiệp, theo ông Mai Trần Thuật, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Logistics dược phẩm Đông Á, về lâu dài, có nhiều lợi ích khi áp dụng logistics xanh. Khi tiết kiệm được chi phí năng lượng, chi phí về vận tải… thì rõ ràng chi phí đầu vào sẽ có lợi và khoảng cách giữa doanh thu và chi phí ngày càng tăng và rõ ràng lợi nhuận của doanh nghiệp cũng sẽ rất lớn.

Tuy nhiên, khó khăn khi thực hiện logistics xanh là đầu tư. Khi đưa logistics xanh vào, quy trình vận hành sẽ bị ảnh hưởng, từ nhân viên kho, nhân viên xe tải hay nhân viên điều phối có đáp ứng được những quy trình mới hay không? Kéo theo đó là thời gian, chi phí về đào tạo nhân sự, mua công nghệ mới và đưa vào vận hành…

Để đáp ứng được những yêu cầu mới, bà Trần Thị Thu Hương nhận thấy, bản thân các doanh nghiệp logistics cần phải thay đổi từ nhận thức, tư duy đến hành động.

Bà nhấn mạnh: “Việc đầu tiên mà doanh nghiệp cần làm đó là xây dựng chiến lược ứng phó với các rủi ro mang tính chất toàn cầu, trong đó phải có chiến lược liên quan đến phát triển xanh để đáp ứng yêu cầu của các thị trường. Theo khảo sát của chúng tôi, có khoảng 66% doanh nghiệp logistics Việt Nam đã bắt đầu có mục tiêu xanh trong chiến lược phát triển kinh doanh của mình. Tuy nhiên, đi vào thực tế thì mới chỉ số ít”.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần quan tâm tranh thủ những chính sách hỗ trợ của nhà nước. Song song kết hợp chuyển đổi xanh với chuyển đổi số để chuyển đổi số trở thành công cụ hỗ trợ đắc lực cho doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi xanh.

Khánh Ly

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here