Chương trình Aus4Reform đánh giá về Chất lượng điều kiện kinh doanh tại Việt Nam

0
93
TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM cho rằng, nâng cao chất lượng điều kiện kinh doanh là nội dung trọng tâm trong cải cách môi trường kinh doanh ở Việt Nam. (Ảnh: Gia Thành)
TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM cho rằng, nâng cao chất lượng điều kiện kinh doanh là nội dung trọng tâm trong cải cách môi trường kinh doanh ở Việt Nam. (Ảnh: Gia Thành)

Trong khuôn khổ Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform), sáng 27/2, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã tổ chức Hội thảo “Chất lượng điều kiện kinh doanh: vấn đề và kiến nghị”.

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM nhận định, cải cách quy định về điều kiện kinh doanh đã phần nào tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, thân thiện với doanh nghiệp. Giai đoạn từ năm 2017-2019, đã có gần 40 văn bản của Chính phủ chỉ đạo các nội dung về cải cách điều kiện kinh doanh, đồng thời, các bộ, ngành đã nỗ lực rà soát, đề xuất cắt bỏ, đơn giản hóa khoảng 50% số điều kiện kinh doanh để giảm gánh nặng quy định, thủ tục. Nhờ vậy, giảm thời gian, chi phí và rủi ro cho doanh nghiệp.

Trong quá trình thực hiện cải cách, TS. Trần Thị Hồng Minh nhận thấy, trên thực tế, khi tổ chức thực hiện, một số nơi vẫn chưa nắm rõ những thay đổi, cải cách về điều kiện kinh doanh. Do đó, nâng cao chất lượng điều kiện kinh doanh vẫn là nội dung trọng tâm trong cải cách môi trường kinh doanh ở Việt Nam.

Trưởng Ban Nghiên cứu Môi trường Kinh doanh và Năng lực Cạnh tranh tại CIEM Nguyễn Minh Thảo cho biết, đến hết năm 2019, về cơ bản các điều kiện kinh doanh quy định chung chung, thiếu rõ ràng, can thiệp sâu vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp hoặc dễ tạo sự tùy ý trong thực thi đã được cắt; các điều kiện kinh doanh trùng lặp cũng được cắt bỏ, chuyển điều kiện kinh doanh sang quản lý theo quy chuẩn và tiêu chuẩn. Cùng với đó một số điều kiện kinh doanh được sửa đổi theo hướng giảm bớt yêu cầu, tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.

“Kết quả rà soát độc lập cho thấy, đã cắt giảm thực chất được khoảng hơn 30% điều kiện kinh doanh. Xác định đúng ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và cải cách đầu tư kinh doanh là căn bản nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế tại Việt Nam”, bà Nguyễn Minh Thảo nhấn mạnh.

Đánh giá về mức độ cải cách, bà Nguyễn Minh Thảo nhận định, việc cắt giảm chủ yếu dưới hình thức “đơn giản hóa”, ít cắt bỏ, giảm mức độ yêu cầu về số lượng nhân sự hoặc giảm yêu cầu về quy mô diện tích của cơ sở vật chất, thể hiện dưới hình thức sửa đổi. Do đó, vẫn còn các điều kiện kinh doanh không cần thiết, không hợp lý hoặc không có ý nghĩa về hiệu quả quản lý nhà nước hoặc điều kiện trong điều kiện kinh doanh. Vẫn còn điều kiện kinh doanh thiếu rõ ràng, có thể dẫn tới sự tùy ý của cơ quan quản lý nhà nước. “Dù đã đạt được một số hiệu quả nhất định song những vướng mắc về rào cản về điều kiện kinh doanh vẫn còn phổ biến. Đặc biệt, cảm nhận của doanh nghiệp về hiệu quả cải cách điều kiện kinh doanh vẫn còn hạn chế”, bà Nguyễn Minh Thảo nhấn mạnh.

Nêu quan điểm của mình tại Hội thảo, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn cho biết, việc bãi bỏ được hàng nghìn điều kiện kinh doanh, cải cách điều kiện kinh doanh có thể coi là “thương hiệu” của Chính phủ nhiệm kỳ này. Bên cạnh đó, với mục đích tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, mới đây, Văn phòng Chính phủ đã lấy ý kiến về Dự thảo Quyết định về kế hoạch cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh giai đoạn 2020-2025. Theo đó, mục tiêu cụ thể là cắt giảm ít nhất 20% số lượng văn bản đã ban hành thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ; cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ quy định pháp luật về hoạt động kinh doanh trong mỗi năm.

Ông Anh Tuấn cho biết, theo kết quả khảo sát của VCCI, năm 2019, doanh nghiệp đánh giá tích cực về sự chuyển động trong cắt giảm điều kiện kinh doanh, tỷ lệ khó khăn trong kinh doanh có giảm đi. Thời gian tới, để cắt giảm được thực chất, quá trình soạn thảo luật doanh nghiệp và luật đầu tư sửa đổi cần tiếp tục thúc đẩy tự do kinh doanh, xỏa bỏ rào cản gia nhập thị trường. Hơn nữa, các bộ, ngành cần tính toán đầy đủ chi phí lợi ích của quy đinh, thúc đẩy cạnh tranh, tăng cường kỷ luật thị trường, tiếp tục rà soát, đề xuất, bãi bỏ, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh.

Các đại biểu tại Hội thảo cũng nhất trí rằng, các bộ, ban, ngành cần tạo đột phá mới về cải cách điều kiện kinh doanh bằng cách thay đổi cách thức quản lý nhà nước. Đồng thời, giám sát việc tổ chức thực hiện, xử lý nghiêm những hành vi cố tình gây khó khăn cho doanh nghiệp, thiết lập cơ chế đối thoại và phản hồi của cộng đồng đoanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả của tiến trình cải cách để tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển./.

Gia Thành

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here