Chủ tịch VCCI: Hội nhập kinh tế quốc tế – vẫn còn những tiếc nuối…

0
85
Ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

Tôi cho rằng, điều tiếc nuối nhất, có lẽ là chúng ta chưa tận dụng được hết các cơ hội mà quá trình hội nhập mang lại. Từ góc độ kinh doanh, các doanh nghiệp của chúng ta đã điều chỉnh rất tốt, thích nghi rất nhanh để tiếp tục sinh tồn trong môi trường hội nhập, nhưng lại thiếu năng lực hiện thực hóa các lợi ích tiềm tàng của quá trình hội nhập, đặc biệt là các FTA để bứt phá, để vượt lên.

Ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

Đó là chia sẻ của ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) với Trang điện tử Ngoại giao kinh tế Online bên lề Hội nghị “Tăng cường hội nhập quốc tế chủ động, sáng tạo, hiệu quả vì phát triển nhanh và bền vững”.

Sau khi Nghị quyết 22 về hội nhập quốc tế ra đời, là Chủ tịch VCCI, đại diện cho tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp, ông có nhận xét như thế nào về quá trình hội nhập quốc tế tại nước ta?

Với tính chất là một chiều kích quan trọng của công tác hội nhập quốc tế, hội nhập kinh tế quốc tế đã và đang đóng góp quan trọng vào kết quả hội nhập quốc tế nói chung của chúng ta. Hội nhập kinh tế quốc tế là một trong những dấu ấn tiêu biểu của nền kinh tế Việt Nam giai đoạn từ sau Nghị quyết 22-NQ/TW năm 2013 của Bộ Chính trị khóa 11 về hội nhập quốc tế.

Nếu phải gọi tên cho quá trình hội nhập kinh tế thời gian này, tôi nghĩ “Hội nhập theo chiều sâu” có lẽ là cái tên thích hợp nhất. Chúng ta đã đi những bước hội nhập đầu tiên đầy cẩn trọng giữa những năm 90, đặc biệt với việc tham gia khu vực mậu dịch tự do ASEAN. Trong những năm 2000, chúng ta đã hội nhập theo chiều rộng vào nền kinh tế toàn cầu với việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới(WTO). Hội nhập theo chiều sâu, mặc dù đã bắt đầu manh nha từ giai đoạn trước – với việc ký kết các FTA thế hệ đầu với các đối tác ASEAN, nhưng chỉ được thực sự trở thành hiện thực trong thập kỷ này, mà đặc biệt là giai đoạn 5 năm gần đây.

“Chiều sâu” thể hiện trước hết ở mức độ mở cửa thương mại hàng hóa, dịch vụ và đầu tư giữa Việt Nam với các đối tác FTA với việc đàm phán, ký kết 4 FTA thế hệ mới và hoàn tất lộ trình mở cửa cuối cùng với nhiều FTA đã có trước đó, đặc biệt là trong ASEAN. Thứ nữa, “chiều sâu” được phản ánh ở phạm vi đặc biệt rộng của các vấn đề thương mại, thậm chí là phi thương mại mà Việt Nam cam kết hội nhập, và ở tiêu chuẩn cao của các quy tắc về thể chế, về các vấn đề đằng sau đường biên giới mà chúng ta chấp nhận thực thi trong các cam kết.Và cuối cùng, “chiều sâu” này còn thể hiện ở mức độ tham gia và dấu ấn của Việt Nam trong những Diễn đàn hợp tác kinh tế quan trọng của thế giới.

Bước chuyển từ “hội nhập theo chiều rộng” sang “hội nhập theo chiều sâu” trong giai đoạn vừa qua là hướng đi đúng đắn, đồng thời cũng cho thấy nỗ lực hội nhập không ngừng nghỉ của Đảng và Nhà nước trong việc tạo dựng con đường, môi trường và thị trường cho nền kinh tế Việt Nam phát triển. Cộng đồng doanh nghiệp và cả nền kinh tế đã được hưởng những quả ngọt từ những nỗ lực hội nhập này.

Vậy theo ông, đâu là điều cốt lõi làm nên thành công của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế thời gian qua?

Chúng ta đã có được những số liệu đầy ấn tượng về tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ, giá trị vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tổng giá trị sản xuất nội địa… Là chủ thể đi trên con đường hội nhập kinh tế và trực tiếp tạo ra những thành quả này, các doanh nghiệp hiểu rằng đây mới chỉ kết quả bề nổi mà hội nhập kinh tế quốc tế mang lại. Những kết quả khó đo đếm hơn nhưng lại có ý nghĩa hơn chính là những thay đổi trong nhận thức của cả hệ thống về kinh tế thị trường, những chuyển biến trong thể chế và cách thức điều hành nền kinh tế cũng như những nỗ lực không ngừng của Chính phủ trong việc cải thiện môi trường đầu tư – kinh doanh trong suốt thời gian qua.

Do vậy, nếu phải đánh giá về điều cốt lõi làm nên thành công của Việt Nam trong hội nhập kinh tế quốc tế trong giai đoạn vừa qua, tôi cho rằng đó chính là sự đồng thuận và quyết tâm hội nhập từ bên trong của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta.

Nếu không có quyết tâm cải cách thể chế kinh tế theo hướng hiện đại và bền vững từ bên trong, Việt Nam đã không chủ động tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, chấp nhận cam kết minh bạch thể chế, đồng ý với những quy tắc tiêu chuẩn cao về các khía cạnh thương mại, đầu tư, lao động, môi trường, sở hữu trí tuệ… như trong CPTPP hay EVFTA – những hiệp định lớn nhất, thách thức nhất, cả với những nền kinh tế đã phát triển.

Nếu không có quyết tâm mở cửa nền kinh tế từ bên trong, Việt Nam đã không mạnh dạn chấp nhận những thách thức cạnh tranh chưa từng có từ các cam kết mở cửa, tự do hóa mạnh mẽ với hàng chục đối tác kinh tế quan trọng cả cũ và mới trong các FTA gần đây.

Và nếu không có quyết tâm từ bên trong về việc thúc đẩy tiến trình hội nhập mạnh mẽ hơn nữa, trong bối cảnh thương mại toàn cầu đang vấp phải những rào cản lớn, Việt Nam đã không thể kiên định tham gia tích cực và có vai trò đặc biệt trong các Diễn đàn hợp tác phát triển kinh tế quốc tế như APEC, ASEM, AEC và cải thiện quan hệ hợp tác lên tầm cao mới với các đối tác kinh tế lớn nhất toàn cầu hay các tổ chức kinh tế quốc tế như IMF, Worldbank, ADB…

Tuy nhiên, vẫn có ý kiến cho rằng, doanh nghiệp Việt chưa thực sự tận dụng được những cơ hội lớn từ hội nhập, mà cụ thể là từ các quy định rất cụ thể trong các FTA. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Đúng vậy, quá trình hội nhập thời gian qua cũng không phải là không còn những điều tiếc nuối. Điều ngạc nhiên là những tiếc nuối đó hầu như không phải là từ những hệ quả bất lợi do mở cửa thị trường mang lại. Không có ngành nào, khu vực kinh tế nào hay nhóm doanh nghiệp nào phá sản chỉ vì cạnh tranh không nổi với hàng hóa, dịch vụ tràn vào Việt Nam sau mở cửa thị trường. Mà ngược lại đã có không ít ngành, đặc biệt trong các lĩnh vực dịch vụ như viễn thông, tài chính, công nghệ thông tin… nhờ có sức ép cạnh tranh mà tiến bộ, phát triển không ngừng. Đây có lẽ là câu trả lời thuyết phục nhất cho những nghi ngại đâu đó, rằng phải chăng chúng ta đã mở cửa quá nhanh, đã hội nhập quá vội vàng.

Tôi cho rằng, điều tiếc nuối nhất, có lẽ là chúng ta chưa tận dụng được hết các cơ hội mà quá trình hội nhập mang lại. Từ góc độ kinh doanh, các doanh nghiệp của chúng ta đã điều chỉnh rất tốt, thích nghi rất nhanh để tiếp tục sinh tồn trong môi trường hội nhập, nhưng lại thiếu năng lực hiện thực hóa các lợi ích tiềm tàng của quá trình hội nhập, đặc biệt là các FTAđể bứt phá, để vượt lên. Con số xấp xỉ 2/3 lợi ích thuế quan từ các FTA bị bỏ phí là một ví dụ. Tỷ trọng ngày càng thấp của các doanh nghiệp dân tộc trong kim ngạch xuất khẩu, đến nay chỉ khoảng xấp xỉ 30%, là một ví dụ rất cần suy ngẫm khác.

Từ góc độ thể chế, quyết tâm “hội nhập từ bên trong” đã là một động lực nóng hổi để chúng ta có thể bước ra ngoài, chấp nhận những cam kết tiêu chuẩn cao về thể chế, nhưng dường như khi quay về đã giảm nhiệt phần nào, cải cách điều chỉnh chính sách pháp luật mới chỉ tập trung làm sao để không trái cam kết mà chưa tính tới việc chủ động cải cách, quyết liệt cải cách để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, cho phép tận dụng tối đa các lợi ích từ cam kết hay giảm thiểu những tác động bất lợi từ các cam kết này.

Dù thế nào, tôi tin rằng những gì chúng ta đã làm được trong hội nhập thời gian qua, cả những thành công và những điều còn tiếc nuối, đều sẽ là vốn liếng, là hành trang quý giá để chúng ta tiếp tục bước vững trên con đường hội nhập trong thời gian tới.

Vậy theo ông, trên cương vị Chủ tịch VCCI, ông có những gợi ý giải pháp nào để doanh nghiệp thực sự tận dụng được những cơ hội đó và hội nhập thành công?

So với nửa thập kỷ qua vừa qua, bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế thời gian tới có những điểm rất khác mà chúng ta không thể không chú ý và lượng định sớm các giải pháp cho phù hợp.

Thứ nhất, căng thẳng thương mại Mỹ – Trung trong thời gian tới dù chưa rõ sẽ lan rộng tới đâu, chưa biết sẽ chấm dứt khi nào và ở mức độ nào, nhưng chắc chắn sẽ khiến Trung Quốc – công xưởng của thế giới phải thay đổi, nền sản xuất và thương mại toàn cầu cũng từ đó cũng sẽthay đổi theo. Trung Quốc, đứng trước sức ép “thay đổi hay là chết”, phải cải thiện công nghệ, quy trình sản xuất, qua đó giảm giá thành sản phẩm nhằm vượt qua hàng rào thuế quan mà Mỹ áp đặt. Nếu họ làm tốt điều này, đồng nghĩa với việc cạnh tranh về giá mà tất cả hàng hóa tương tự của Việt Nam phải đối mặt trên thế giới và cả thị trường trong nước sẽ gia tăng đáng kể. Cùng với đó, những công nghệ cũ thải loại từ cuộc cải tổ địa chấn này cũng có thể là một cái “bẫy công nghệ thấp” đối với chúng ta– tiếp nhận các công nghệ giá rẻ này là một cơ hội tức thời, nhưng sẽ là rào cản níu kéo doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận với các công nghệ tiên tiến hơn, hiệu quả hơn, bền vững hơnnhưng cũng đắt đỏ hơn.

Thứ hai, hệ quả của làn sóng những biện pháp tự vệ hoặc thuế quan trừng phạt, trả đũa lẫn nhau giữa các đối tác kinh tế lớn trên thế giới giai đoạn 2017-2018 có thể sẽ hiển hiện rõ ràng hơn trong trong thời gian tới. Rất có thể các dòng chảy đầu tư và thương mại toàn cầu sẽ bị biến dạng hoặc đổi hướng. Những chính sách công nghiệp, thương mại, đầu tư nội bộ ở từng nước cũng sẽ thay đổi. Điều này có thể khiến cho hiện trạng khách hàng, rào cản thị trường, thị phần, cạnh tranh trên thế giới của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam cũng thay đổi, và chúng ta sẽ phải đương đầu với những thách thức mới khó lường.

Thứ ba, dưới áp lực từ nhiều phía, WTO – Một thiết chế nền tảng cho thương mại và đầu tư toàn cầu trong suốt hơn 3 thập kỷ qua đang đứng trước sức ép phải thay đổi. Có thể những khung khổ thương mại mới, các quy tắc đầu tư quốc tế mới sẽ được thiết lập trong thời gian tới. Việt Nam đứng trước cơ hội có tiếng nói hiệu quả hơn vào quá trình hình thành quy tắc mới này, nhưng cũng sẽ phải đối mặt với thách thức trong việc thích ứng với các khung khổ, mô hình thương mại – đầu tư mới trong tương lai.

Thứ tư, tiến trình của các cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, xã hội 5.0 và kỷ nguyên số trên thế giới được dự báo sẽ chứng kiến những bước ngoặt đầy kịch tính trong thời gian tới với sự xuất hiện của mạng 5G, của trí tuệ nhân tạo, của IOT… Không chỉ các kênh thương mại sẽ thay đổi, mà các phương thức sản xuất cũng sẽ thay đổi, và những mô hình kinh doanh mới sẽra đời. Và vì vậy, không chỉ các hoạt động thương mại – đầu tư quốc tế sẽ thay đổi, mà cả các chính sách quản trị Nhà nước, quản trị xã hội, quản trị kinh tế, quản trị hội nhập… cũng phải được điều chỉnh, thay đổi để bắt kịp, và để tiếp tục thành công.

Chỉ riêng những yếu tố này thôi đã cho thấy bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế mà chúng ta phải đối mặt sẽ biến động và nhiều thách thức cỡ nào. Đó còn chưa kể những vướng mắc từ các cơ cấu hội nhập cũ vẫn đang hiển hiện. Tìm các giải pháp căn cơ để tiếp tục hội nhập bền vững là điều chúng ta phải tính tới ngay từ bây giờ. “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”, đó là giải pháp để chúng ta tiếp tục hội nhập thành công.

Xin cảm ơn ông!

Hoàng Nam (thực hiện)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here