Chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

0
52
Trường Cao đẳng Việt - Hàn Quảng Ninh trình diễn, giới thiệu công nghệ tại sự kiện “Kết nối công nghệ, đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2023”.
Trường Cao đẳng Việt – Hàn Quảng Ninh trình diễn, giới thiệu công nghệ tại sự kiện “Kết nối công nghệ, đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2023”.

Chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là chủ trương lớn được Đảng và Nhà nước quan tâm chỉ đạo. Triển khai Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tỉnh Quảng Ninh với quyết tâm chính trị cao đã có những cách làm bài bản, tổ chức thực hiện một cách chủ động, tích cực. Đến nay, sau 4 năm triển khai nghị quyết đã thu được nhiều kết quả quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội nhanh và bền vững, đảm bảo quốc phòng, an ninh, an toàn, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.

Nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt

Xác định cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong toàn bộ hoạt động của các cơ quan, đơn vị, người dân và doanh nghiệp nhằm phục vụ tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh và chất lượng cuộc sống của người dân; đảm bảo an ninh, an toàn xã hội, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh toàn diện, tỉnh Quảng Ninh đã bám sát Nghị quyết 52-NQ/TW của Bộ Chính trị, kịp thời ban hành Chương trình hành động số 36-CTr/TU (ngày 10/1/2020) để triển khai thực hiện với 12 mục tiêu cụ thể đến năm 2025.

Đồng thời, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, đảm bảo phù hợp với quy hoạch tổng thể của quốc gia. Trong đó có Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 5/2/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 28/4/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 với nhiệm vụ, giải pháp đột phá để chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Hằng năm, tỉnh đều tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn, phổ biến kiến thức, diễn tập về công nghệ thông tin, an toàn thông tin, chuyển đổi số… trong đó, tập trung đào tạo bồi dưỡng các kiến thức cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, kỹ năng chuyển đổi số và an toàn thông tin cho tất cả các cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh.

Giai đoạn 2019-2023, toàn tỉnh đã tổ chức hơn 200 lớp đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho tất cả người đứng đầu các đơn vị, cũng như đông đảo các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động từ cấp tỉnh đến cấp xã. Đồng thời, công tác đào tạo, phổ biến kiến thức cho người dân trong độ tuổi lao động các kỹ năng sử dụng máy tính, kỹ năng số cơ bản cũng được chú trọng, đặc biệt là trong chương trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu của tỉnh.

Để tăng cường nguồn nhân lực triển khai chuyển đổi số, tỉnh đã thành lập 1.473 tổ công nghệ số cộng đồng tại 177/177 xã, phường, thị trấn và 1.452/1.452 thôn, bản, khu phố, với sự tham gia của 11.255 thành viên. Thông qua tổ công nghệ số cộng đồng, các nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đã được cung cấp để thúc đẩy chuyển đổi số đến từng hộ gia đình, từng người dân, gắn với cuộc sống của người dân. Đây là lực lượng huy động sức mạnh toàn dân, ở gần dân, sát dân; là cánh tay nối dài của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của tỉnh, của huyện đến các xã, phường, thị trấn, thôn, xóm, bản.

Là địa phương đi đầu trong cải cách hành chính, Quảng Ninh đặc biệt quan tâm đến công tác hoàn thiện thể chế, tạo thuận lợi cho chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và quá trình chuyển đổi số. Nhất là tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển KHCN, đổi mới, sáng tạo và thực hiện chuyển đổi số toàn diện, phù hợp với tình hình thực tế của các cơ quan, đơn vị, địa phương.

Theo lãnh đạo Sở KH&CN, các nội dung về nghiên cứu, phát triển KHCN và đổi mới, sáng tạo đã được đưa vào nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phương hướng, nhiệm vụ hằng năm; Tỉnh uỷ cũng chỉ đạo đưa các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KHCN vào kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội hằng năm, các chương trình, dự án phát triển kinh tế – xã hội trọng điểm của tỉnh gắn với việc thực hiện Quy hoạch phát triển KHCN tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, toàn diện và thường xuyên trong toàn tỉnh.

Đối với chuyển đổi số toàn diện, từ tỉnh đến cơ sở đã thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số. Định kỳ hằng quý, Thường trực Tỉnh ủy tổ chức họp nghe báo cáo tình hình, tiến độ thực hiện Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 và việc chuyển đổi số toàn diện gắn với công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Từ đó kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, xác định các nhiệm vụ trọng tâm nhằm hoàn thành đúng tiến độ, hiệu quả các mục tiêu đặt ra.

Đi cùng và vượt lên

Tinh thần 4.0 chủ động, quyết liệt trong các chỉ đạo, quyết sách trên đã lan tỏa mạnh mẽ, tạo bứt phá trên nhiều lĩnh vực. Từ một địa phương có hạ tầng thông tin và hạ tầng thiết yếu chưa đồng bộ thì đến nay đã được đầu tư nâng cấp, đáp ứng được nhu cầu thực tiễn phát triển.

Rõ nét như hạ tầng mạng lưới viễn thông được mở rộng, ứng dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại. Tính đến tháng 6/2023, tỷ lệ vùng phủ sóng thông tin di động đạt 100% các khu vực dân cư trên địa bàn tỉnh; thuê bao băng rộng di động đạt 88,9 thuê bao/100 dân (cả nước gần 85 thuê bao/100 dân). Trên địa bàn tỉnh hiện có 6.296 trạm thu, phát sóng di động, trong đó có 1.386 trạm 2G (22,01%), 2.047 trạm 3G (32,52%), 2.861 trạm 4G (45,44%), 2 trạm 5G (0,03%); tỷ lệ dùng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động đạt 32,7% (trung bình cả nước khoảng 25%); tỷ lệ hộ gia đình có kết nối cáp quang của tỉnh đạt 89,13% (cả nước đạt trung bình 75,39%).

Hạ tầng công nghệ thông tin ngày càng hoàn thiện từ cấp tỉnh đến cấp xã. Hệ thống một cửa điện tử liên thông từ cấp tỉnh đến cấp xã với toàn bộ quá trình giải quyết thủ tục hành chính được theo dõi trên hệ thống, người dân có thể tra cứu được tình trạng giải quyết hồ sơ qua mạng Internet. Cổng dịch vụ công của tỉnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp. Hệ thống mạng WAN được thiết lập trong phạm vi toàn tỉnh từ trung tâm tích hợp dữ liệu đến toàn bộ các sở, ban, ngành; 13/13 huyện, thị xã, thành phố và 177/177 xã, phường, thị trấn; 100% cơ quan hành chính nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã đều có mạng LAN… Qua đó, góp phần đáp ứng tốt việc ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành trên môi trường mạng và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Kinh tế số và xã hội số từng bước phát triển. Đến hết năm 2022, tỷ trọng kinh tế số trên GRDP của tỉnh đạt 12,5%; xếp hạng chỉ số thành phần phát triển kinh tế số trong Chỉ số chuyển đổi số (DTI) 2022 của tỉnh đứng thứ 9/63 tỉnh, thành phố (năm 2021 là 11/63, năm 2020 là 14/63). Xếp hạng chỉ số thành phần phát triển xã hội số trong DTI 2022 của tỉnh đứng thứ 2/63 tỉnh, thành phố (năm 2021 là 14/63, năm 2020 là 4/63).

Các địa phương, cơ quan, đơn vị đã tích cực ứng dụng rộng rãi công nghệ số vào mọi lĩnh vực sản xuất và đời sống như: Công nghiệp, thương mại, dịch vụ, nông nghiệp, xây dựng, quốc phòng, an ninh, tài chính, ngân hàng, bưu chính viễn thông, điện lực… mang đến nhiều giá trị thụ hưởng cho người dân, doanh nghiệp trong tỉnh. Nhiều doanh nghiệp đã chủ động liên kết với các tổ chức KHCN, nhà khoa học và thành lập quỹ phát triển KHCN của đơn vị nhằm thực hiện các nhiệm vụ KHCN đạt hiệu quả. Qua đó góp phần tăng năng suất lao động, tạo ra các sản phẩm mới chất lượng cao, tiêu tốn ít năng lượng, thân thiện với môi trường.

Đặc biệt, qua cải cách, hiện đại hóa hành chính với việc ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh, cung cấp dịch vụ công trực tuyến đã làm tăng tính minh bạch và tỷ lệ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với chính quyền các cấp trong tỉnh. Hiện cổng dịch vụ công của tỉnh đã cung cấp 1.605 dịch vụ công; tích hợp, kết nối, cung cấp 1.154 dịch vụ trên cổng dịch vụ công quốc gia (đạt 71,9%). Đến thời điểm, đã tiếp nhận và giải quyết trực tuyến đạt 96,6%. Việc khai thác, sử dụng hệ thống chính quyền điện tử, chính quyền số có chuyển biến rõ rệt. Tỷ lệ sử dụng chữ ký số cá nhân để xử lý công việc tăng cao; trên 80% công việc cấp sở, cấp huyện và trên 50% công việc cấp xã được xử lý toàn trình trên hệ thống chính quyền điện tử. Từ đầu năm 2023 đến nay, số hồ sơ công việc cấp tỉnh đã xử lý trên môi trường mạng đạt 85%, cấp huyện đạt 75%, cấp xã đạt 60%.

Chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và những kết quả sau 4 năm thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị đã tạo ra cơ hội để Quảng Ninh bứt phá trong phát triển kinh tế – xã hội. Kinh tế liên tục tăng trưởng cao và ổn định, với mức tăng trưởng 2 con số trong 7 năm liên tiếp (2016-2022). Quy mô nền kinh tế tăng nhanh, hết năm 2022 đạt gần 270.000 tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người năm 2022 đạt trên 8.200 USD, cao nhất ở khu vực phía Bắc; năng suất lao động bình quân 3 năm 2020-2022 tăng trên 10%.

Đến nay, Quảng Ninh là địa phương duy nhất trong cả nước có 2 lần dẫn đầu đồng thời cả 4 Chỉ số PCI, SIPAS, PAR-Index, PAPI (năm 2020, năm 2022); 6 năm liên tiếp giữ vị trí quán quân PCI; 10 năm liền nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất cả nước; duy trì 4 năm liên tiếp dẫn đầu Chỉ số SIPAS; 4 năm liên tiếp dẫn đầu Chỉ số PAR-Index.

(Ngọc Huyền – Đặng Dung)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here