Chủ động đón dòng vốn FDI chất lượng cao trong giai đoạn mới

0
140
2. Việt Nam cũng đang hấp dẫn các nhà đầu tư FDI về nguồn lao động, về các thủ tục hành chính. (Nguồn: Business Today)

Tại Tọa đàm “Thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài: Hành động và giải pháp đột phá” do Cổng thông tin Chính phủ tổ chức sáng 4/9, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần chủ động và nhất quán về chính sách thu hút đầu tư, doanh nghiệp trong nước cũng phải chủ động hơn nữa để đón dòng vốn đầu tư chất lượng cao.

Việt Nam cũng đang hấp dẫn các nhà đầu tư FDI về nguồn lao động, về các thủ tục hành chính. (Nguồn: Business Today)

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), tính đến ngày 20/8, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đạt 19,54 tỷ USD, bằng 86,3% so với cùng kỳ năm 2019. Tín hiệu đáng mừng là sau những tháng đầu năm 2020 bị chững lại, dòng vốn đầu tư FDI vào Việt Nam đã tăng mạnh hơn trong những tháng vừa qua. Đây được xem là cơ hội “vàng” để Việt Nam – điểm đến đầu tư hấp dẫn với những lợi thế cạnh tranh sẵn có, biện pháp chống đại dịch Covid-19 hiệu quả và các Hiệp định thương mại tự do (FTA) – đón làn sóng đầu tư mới.

Tại buổi tòa đàm, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) chia sẻ, đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh tới dòng vốn đầu tư toàn cầu, theo đó, dòng vốn đầu tư của trên thế giới đều giảm sâu, thậm chí là âm. Tại Việt Nam, vốn đầu tư mới, tăng thêm và giải ngân đều giảm.

Tuy nhiên, ông Đỗ Nhất Hoàng cho rằng, số dự án đăng ký mới tăng 6,6%; tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt trên 4,87 tỷ USD, tăng 22,2% so với cùng kỳ và con số về xuất nhập khẩu của Việt Nam chỉ giảm từ 5-6%. Điều đó chứng tỏ doanh nghiệp FDI bị tác động nhưng rất ít, xuất nhập khẩu có tác động nhưng tần suất quan tâm của các nhà đầu tư tới Việt Nam đều tăng lên. Các nhà đầu tư rất quan tâm tới đầu tư tại Việt Nam, mở ra nhiều cơ hội cho Việt Nam kết nối vào chuỗi giá trị toàn cầu.

“Việt Nam cũng đang hấp dẫn các nhà đầu tư FDI về nguồn lao động, về các thủ tục hành chính… Đặc biệt, kể từ khi Chính phủ thành lập tổ công tác đặc biệt thu hút FDI, cơ quan này đã phát huy hiệu quả rất tốt. Tổ công tác đặc biệt đã làm việc nhiều tập đoàn công nghệ, các dự án lớn. Đồng thời, qua quá trình làm việc có nhiều tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới đã đàm phán đặt dự án quy mô lớn từ 500 triệu USD đến cả tỷ USD tại Việt Nam”, ông Đỗ Nhất Hoàng nhấn mạnh.

Để tăng cường thu hút vốn nước ngoài, theo ông Đỗ Nhất Hoàng, Việt Nam cần phải nâng cấp đồng bộ từ doanh nghiệp cho đến đối tác và các chính sách của nhà nước. Ngoài ra, cũng cần nâng cao năng lực của các doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ.

Nêu ý kiến của mình, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội đầu tư nước ngoài nhận định, thu hút được dòng vốn FDI chất lượng cao sẽ mang lại cơ hội cho doanh nghiệp trong nước. Do vậy, doanh nghiệp cần phải tận dụng cơ hội từ hội nhập; tăng cường sự liên kết và phải có sự quyết tâm, nâng trình độ cùng với liên kết doanh nghiệp trong nước.

Ông Nguyễn Văn Toàn cho hay, hiện tại Việt Nam đã có những con chim đầu đàn, tuy nhiên tính tính liên kết vẫn chưa cao và trước mắt chúng ta cần phải đẩy mạnh tính liên kết này. Doanh nghiệp có mạnh thì mới phát triển và hội nhập. Đặc biệt, doanh nghiệp cần phải xây dựng được nguồn nhân lực cốt lõi, làm được như vậy, doanh nghiệp mới phát triển được.

Để thu hút hiệu quả nguồn vốn FDI chất lượng cao, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) thì cho rằng, Việt Nam cần nhìn nhận một cách thực tế. Cho tới nay, FDI vào Việt Nam phần lớn từ các nước châu Á, bao gồm Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Trung Quốc… rất ít nhà đầu tư từ Mỹ hay Liên minh châu Âu (EU). Nguyên nhân bởi chi phí không chính thức đang là “nút thắt” cản trở rất nhiều đến dòng vốn đầu tư không chỉ của các doanh nghiệp FDI, mà còn của các doanh nghiệp tư nhân trong nước. Bên cạnh đó, không phải tất cả các tỉnh, thành tại Việt Nam đều có năng lực thu hút nguồn vốn đầu tư chất lượng cao, đầu tư công nghệ mới hiện đại. Các nhà đầu tư cũng nên xem xét, nhìn nhận khả năng của từng địa phương chứ không thể đầu tư đại trà theo quy mô lớn.

Để giải quyết vấn đề này, TS. Nguyễn Đình Cung nhận thấy, mỗi nhà đầu tư phải có chính sách khác nhau, thiết kế chính sách theo từng nhà đầu tư; thay đổi cách thức quản lý và có lựa chọn. “Đây là cuộc chơi mà cả nhà đầu tư và địa phương được đầu tư phải đảm bảo quy tắc ‘win-win’. Điều Việt Nam cần làm là hành động, phát hiện và xử lý đúng vấn đề cho nhà đầu tư”, TS. Nguyễn Đình Cung khẳng định.

Các chuyên gia kinh tế cũng khuyến nghị, Việt Nam cần phải có cách làm khác trước đây. Đó là tiếp tục cải cách thể chế tạo thuận lợi cho môi trường đầu tư, chủ động và nhất quán về chính sách thu hút đầu tư, đồng thời chính các doanh nghiệp trong nước cũng phải chủ động hơn nữa. Có như vậy, Việt Nam mới tận dụng được cơ hội vàng để đón các nhà đầu tư nước ngoài đến hợp tác, đầu tư, biến các tiềm năng thành sức mạnh cho nền kinh tế và tham gia vào chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu.

Gia Thành

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here