CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP HỖ TRỢ Ở NHẬT BẢN VÀ BÀI HỌC KINH NGHIỆM CHO VIỆT NAM (phần cuối)

0
409
  1. Một số bài học kinh nghiệm rút ra cho Việt Nam từ chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ của Nhật Bản

Từ việc nghiên cứu chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ của Nhật Bản, có thể rút ra một sô bài học quý giá cho Việt Nam như sau:

Một là, có chính sách xác định rõ các lĩnh vực ưu tiên cho phát triển công nghiệp hỗ trợ, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.

Việt Nam phải có các chính sách xác định rõ các lĩnh vực cần được ưu tiên để phát triển công nghiệp hỗ trợ. Theo kinh nghiệm của Nhật Bản, trong bối cảnh hiện nay có thể khuyến khích như: giảm thuế cho các doanh nghiệp lắp ráp có tỷ lệ mua hàng trong nước cao, hỗ trợ ưu đãi các doanh nghiệp FDI sản xuất những phần linh kiện mà Việt Nam chưa tự thực hiện được, ưu đãi các tập đoàn đa quốc gia về đất đai, hạ tầng, thuế trong việc kêu gọi các doanh nghiệp vệ tinh của họ vào sản xuất tại Việt Nam.

Việt Nam được đánh giá khá cao trong công nghiệp cơ khí, Chính phủ Việt Nam hoàn toàn có thể lựa chọn việc cung ứng các linh kiện kim loại làm ưu tiên trong giai đoạn phát triển 10 năm tới. Trong đó, đối với mỗi ngành công nghiệp hạ nguồn đã được xác định là mũi nhọn của quốc gia (như điện tử, ô tô, xe máy) cần lên danh mục các linh phu kiện kim loại mà Việt Nam có thể phát triển và cung ứng rộng khắp. Kết quả nghiên cứu khảo sát các doanh nghiệp cũng cho thấy, trong ngành này, không chi có các sản phẩm cơ khí chế tạo mới được hưởng ưu đãi, mà cả các quy trình xử lý, như: mạ, xử lý bề mặt; xử lý nhiệt; đúc, rèn; hàn cân được đưa vào danh mục ưu tiên của phát triển công nghiệp hỗ trợ. Chỉ khi lựa chọn được lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cụ thể như vậy để đầu tư nguồn lực cho mọi mặt, kể cả sản xuất nguyên vật liệu ngay trong nội địa cho chế biến linh kiện kim loại, cũng như xây dựng các chương trình hỗ trợ kết nối doanh nghiệp và các tập đoàn nước ngoài, công nghiệp hỗ trợ Việt Nam mới có thể từng bước được hình thành vững chắc.

Hai là, có chính sách thu hút đầu tư đúng đắn để phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài là nguồn lực quan trọng. Việc nhận thức được xu hướng của dòng đầu tư trực tiếp nước ngoài, đặc biệt là việc hình thành và phát triên liên kết kinh doanh giữa các doanh nghiệp sản xuất nội địa với các tập đoàn đa quốc gia là vấn đề rất quan trọng để phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam. Việc thúc đẩy liên kết giữa các doanh nghiêp trong nước với các doanh nghiệp FDI sản xuất phụ trợ và các tập đoàn đa quốc gia cần được coi là ưu tiên hàng đầu. Các doanh nghiệp của Việt Nam phải nỗ lực rất nhiều trong việc cải thiện năng lực của mình đê trở thành nhà cung cấp cho các nhà sản xuất có vốn đầu tư nước ngoài hoặc khách hàng nước ngoài. Chính phủ Việt Nam cần hỗ trợ những nỗ lực đó bằng các chính sách cụ thể, hữu hiệu. Khoảng cách giữa chính sách và việc thực hiện chính sách là bài học mà Việt Nam nên rút ra từ Nhật Bản. Để mất niềm tin với các nhà đầu tư nước ngoài mặc dù vẫn đang có các lợi thế cạnh tranh, các quốc gia này vẫn khó mà hạn chế được dòng chuyển dịch đầu tư sang các nước mới nổi lên trong khu vực. Ngày càng có nhiều các nước đi sau rút được các bài học quý, do vậy Việt Nam không nên để mất thêm nhiều thời gian trong việc hoàn thiện chính sách trên lý thuyết mà cần tập trung mạnh vào cơ chế thực hiện chính sách.

Cần khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào ngành công nghiệp hỗ trợ, trong đó đặc biệt thu hút đầu tư nước ngoài từ các tập đoàn đa quốc gia là biện pháp quan trọng nhất để phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam. Các nhà đầu tư nước ngoài với tiềm lực tài chính mạnh một mặt sẽ cung cấp công nghệ và mở ra thị trường mới cho xuất khẩu, mặt khác có thể trợ giúp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cơ cấu lại sản xuất, chuyến đổi cơ cấu sản phẩm. Trước hết cần chú trọng đến các dự án đầu tư sản xuất các sản phẩm mới, công nghệ cao, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử và máy tính. Chú trọng đến các nhà sản xuất hàng đầu ở các quốc gia có nền công nghiệp hỗ trợ tiên tiến như Mỹ, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản… Bên cạnh nguồn vốn đầu tư nước ngoài, đóng vai trò quyết định đối với việc phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam trong giai đoan tới, nguồn vốn đầu tư trong nước, dù còn rất hạn hẹp, nhưng cũng có vai trò quan trọng trong từng bước phát triển, tạo tiền đề cho sự phát triển của công nghiệp hỗ trợ Việt Nam ở những giai đoạn sau.

Ba là, có chính sách ưu đãi doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ là một trong những nhân tố quan trọng trong việc đưa nền công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam đi lên, do đó cần có những chính sách và biện pháp thích hợp nhằm khuyến khích các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực này như: Tạo điều kiện thuân lợi cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể dễ dàng tiếp cận được với nguồn vốn vay dài hạn cho đầu tư phát triển, hỗ trợ các doanh nghiệp về thiết kế mẫu và phát triển mẫu, cung cấp thông tin khách hàng cho doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ đổi mới công nghệ; cùng với đó cần tập trung phát triển doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ như: cơ khí chế tạo, sản xuất ô tô, điện tử – tin học, công nghiệp công nghệ cao, dệt may, da giày Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội doanh nghiệp cần quan tâm, hỗ trợ nguồn vốn, công nghệ, chuyên gia tư vấn, mặt bằng, miễn thurrd, xúc tiến thương mại, thị trường, xây dựng cơ sở dữ liệu về công nghiệp hỗ trợ,…Cùng với sự hỗ trợ của các Viện nghiên cứu và triển khai gắn với đề tài, dự án, nhu cầu phát triển sản xuất các chủng loại vật liệu, chi tiết, phụ tùng linh kiện, đây là những sản phẩm mà doanh nghiệp vừa và nhỏ lại có nhiều lợi thế trong quản lý, rút ngắn thời gian sản xuất, chủng loại sản phẩm đa dạng và giá thành rẻ hơn, đưa lại hiệu quả sản xuất. Mặt khác, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cần chủ động đầu tư công nghệ, thiết kế chế tạo, tạo khuôn mẫu cho sản phẩm, tìm kiếm thị trường,… để tạo nhiều sản phẩm mang thương hiệu “Made in Việt Nam”, “Skill Viet Nam”.

Chính sách ưu đãi các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất công nghiệp hỗ trợ có hướng hợp tác với nước ngoài để trở thành những nhà máy “vệ tinh” cũng như đối với các doanh nghiệp FDI sẵn sàng đứng ra thu nhận các doanh nghiệp Việt Nam trở thành vệ tinh. Từ kinh nghiệm của Nhật Bản, cần xây dựng các chương trình cụ thể trong mỗi ngành như ô tô, điện tử với các tác nhân tích cực cả từ hai phía cung và cầu. Ở Việt Nam, qua khảo sát của tác giả, có thể chọn Toyoya Việt Nam, Canon, Sanyo và các doanh nghiệp cung ứng Việt Nam như Tân Hoà, Cơ khí dụng cụ xuất khẩu, Nhựa Hà nội… tham gia vào các chương trình thí điểm này.

Các khu công nghiệp hỗ trợ, các cụm liên kết ngành liên quan đến công nghiệp hỗ trợ, các Vườn ươm doanh nghiệp cho công nghiệp hỗ trợ cần được nhận ưu đãi để phát triển. Chính phủ Việt Nam cần đầu tư và dành kinh phí đào tạo nhân lực cho các ngành công nghiệp hỗ trợ thông qua việc cải tiến các chương trình đào tạo của các trường cao đẳng, dạy nghề trong các lĩnh vực công nghiệp, xây dựng các chương trình đạo tạo tại chỗ hoặc kết hợp với doanh nghiệp sản xuất.

Xây dựng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp chuyên ngành công nghiệp hỗ trợ, phù hợp với quy mô sản xuât của doanh nghiệp vừa và nhỏ, tạo được sự kết nối giữa các doanh nghiệp trong cùng chuỗi cung ứng, các chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp và các doanh nghiệp thuế đất để đầu tư sản xuất. Mô hình phát triển này được thực hiện bằng sự liên kết dọc giữa các doanh nghiệp theo chuyên ngành công nghiệp hỗ trợ: điện – điện tử, viễn thông, ô tô, công nghiệp công nghệ cao, cơ khí, nhựa, cao su, hóa chất…

Bốn là, có chính sách phát triển nguồn nhăn lực đặc thù cho công nghiệp hỗ trợ.

Nhân lực là vấn đề sống còn cho phát triển bất cứ một ngành nào, vì vậy để phát triển công nghiệp hỗ trợ, Việt Nam cần phải xây dựng được một đội ngũ kỹ sư lành nghề, có khả năng sản xuất nguyên phụ liệu hoặc nghiên cứu công nghệ để đưa công nghiệp hỗ trợ phát triển. Kinh nghiêm của Nhật Bản cho Việt Nam trong vấn đề này là áp dụng những biện pháp khuyến khích đào tạo và học tập ngành công nghiệp hỗ trợ như đưa ra những chính sách khen thưởng, chứng chỉ cho các cá nhân có quá trình học tập tốt, có tay nghề cao. Chứng chỉ này sẽ giúp công nhân, kỹ sư được nâng lương hoặc nâng cao vị trí trong công ty.

Là nước có dân số đông, lực lượng lao động lớn nhưng đa số người lao động Việt Nam chưa được đào tạo về công nghiệp, kỹ năng và kỷ luật lao động công nghiệp. Trong khi đó công nghiệp hô trợ lại đòi hỏi lao động được đào tạo ở trình độ tương đối cao. Chính vì vậy, để phát triển nguồn nhân lực đặc thù cho công nghiệp hỗ trợ đòi hỏi Việt Nam cần phải thực hiện tốt các vấn đề sau:

Thứ nhất, sớm hình thành một quỹ hỗ trợ đào tạo nhân lực cho công nghiệp hỗ trợ, quỹ này một phần được tài trợ của ngân sách đầu tư phát triển ngành và từ sự đóng góp của các doanh nghiệp Việt Nam.

Thứ hai, thực hiện chế độ đào tạo thường xuyên để người lao động tiếp cận với những tri thức mới. Có thể thực hiện đào tạo tại chỗ theo định kỳ hàng năm để nâng cao trình độ cho các cán bộ quản lý doanh nghiệp và đội ngũ lao động kỹ thuật. Đây là bài học kinh nghiệm quý báu của các doanh nghiệp điện tử hàng đầu Nhật Bản, nhằm nâng cao trình độ nguồn nhân lực nội địa.

Thứ ba, nâng cao việc xã hội hoá đào tạo để có thể đáp ứng nhu cầu ngày càng cao hơn về nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn hoá sâu trong các lĩnh vực của nền công nghiệp quốc gia. Các cải cách về đào tạo nhân lực cần tập trung vào việc kết hợp đào tạo lý thuyết với thực tiễn, giữa nhà trường và hệ thống doanh nghiệp. Xúc tiến các chương trình hợp tác đào tạo, các chương trình nghiên cứu và phát triển. Các cơ quan nghiên cứu, các trường đại học Việt Nam có tiềm năng khá lớn, hơn nữa chi phí đào tạo và nghiên cứu ở Việt Nam đang rất thấp, nên cần có sự phối hợp giữa các cơ quan khoa học và các doanh nghiệp trong đào tạo và nghiên cứu. Cách làm này vừa phát huy được nội lực, vừa có chi phí thấp và là cơ sở của sự phát triển lâu dài cho Việt Nam.

Thứ tư, khuyến khích các doanh nghiệp, các viện nghiên cứu và các đối tác nước ngoài thực hiện các chương trình trao đổi kỹ thuật, trao đổi chương trình nghiên cứu và phát triển. Để nâng cao trình độ công nghệ và quản lý nhằm phát triển ổn định, các ngành công nghiệp ho trợ cần xây dựng và duy trì các mối quan hệ hợp tác với các đối tác nước ngoài và trao đổi những tri thức, kinh nghiệm cần thiết một cách thường xuyên.

Thứ năm, một vấn đề thường xuyên được nhắc đến tuy nhiên vẫn chưa có các chính sách triệt để ở tầm vĩ mô, là khả năng ngoại ngữ của nguồn nhân lực ảnh hưởng rất lớn đến thu hút đầu tư. Chính phủ Việt Nam cần cân nhắc để cải tiến hệ thống giáo dục gắn chặt với phát triển ngoại ngữ.

Năm là, có chính sách hỗ trợ vốn và đầu tư phát triển công nghệ cho công nghiệp hỗ trợ.

Vốn và công nghệ là hai yếu tố rất cần thiết cho quá trình phát triển công nghiệp hỗ trợ, là nâng cao Chất lượng sản phẩm ngành công nghiệp hỗ trợ và tính cạnh tranh cho các sản phẩm công nghiệp chính. Trình độ khoa học và công nghệ, khà năng tiếp cận, đổi mới công nghệ và chi phí cho nghiên cứu, phát triển là những yếu tố quyết định hàng đầu về chất lượng, tính năng của sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Việt Nam, với điều kiện vị trí địa lý thuận lợi, có sức hấp dẫn các nhà đầu tư lớn, các công ty xuyên quốc gia, giúp Việt Nam gia tăng quá trình tích luỹ vốn, tiếp thu công nghệ nhanh chóng, thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước liên kết với các công ty nước ngoài cùng phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ.

Việt Nam có thể sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi để xây dựng một quỹ tài chính đảm bảo cho việc phát triển công nghiệp hỗ trợ của những ngành đã được chỉ định. Việc chỉ định các ngành cần phát triển là việc chỉ rõ các phạm vi ưu tiên để có nguồn ngân sách cụ thể, minh bạch. Minh bạch được khâu này cũng sẽ giúp các doanh nghiệp thu hút đầu tư. Riêng với yếu tố công nghệ, vai trò của chính phủ Việt Nam trong việc vấn đề này là yếu tố quan trọng. Để có được công nghệ hàng đầu thế giới như Nhật Bản đòi hỏi chính phủ Việt Nam phải đặt ra mục tiêu, ngân sách để phát triển công nghiệp hỗ trợ cho từng ngành./.

Vũ Chí Hùng

(Tạp chí nghiên cu Châu Phi & Trung Đông, số 08/2017)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here