Chính phủ công bố Chương trình cắt giảm, đơn giản hoá ít nhất 20% quy định trong kinh doanh

0
93
trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2025, cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh.
Trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2025, cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh.

Nghị quyết 68/NQ-CP được Chính phủ ban hành ngày 12/5 cho biết, trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2025, cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh.

Phát biểu khai mạc buổi họp báo về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025 theo Nghị quyết 68/NQ-CP, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, trong những năm qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn quan tâm, coi trọng công tác cải cách thể chế, xây dựng Chính phủ điện tử trong hoạt động của các cơ quan nhà nước để phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày một tốt hơn.

Thực hiện thành công Đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) trên các lĩnh vực quản lý nhà nước trong giai đoạn 2007-2010, Việt Nam cắt giảm, đơn giản hóa 4.818/ 5.421 TTHC (cắt giảm 37,31% TTHC tương ứng với khoảng gần 30.000 tỷ đồng mỗi năm, đây là con số rất ấn tượng). Sau những thành công đó, tinh thần cải cách vẫn được tiếp nối với nhiều chương trình cắt giảm quy định hàng năm. Cụ thể như:

Đề án tổng thể đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020, Đề án đơn giản hóa chế độ báo cáo trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước được Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2017, các Nghị quyết 19/NQ-CP, Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia từ năm 2014 đến nay…

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng, thực hiện các chương trình này, đã có hàng nghìn điều kiện kinh doanh, danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành và TTHC đã được cắt giảm, đơn giản hóa. Trong giai đoạn 2016-2020, 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh; 6.776/9.926 dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành đã được cắt giảm, đơn giản hóa; tổng chi phí xã hội tiết kiệm hơn 18 triệu ngày công/năm, tương đương khoảng 6.300 tỷ đồng, các Bộ, ngành đã có phương án xử lý 1.501 mặt hàng có chồng chéo về thẩm quyền.

Theo xếp hạng môi trường kinh doanh toàn cầu giai đoạn 2016-2020 của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam tăng 20 bậc, xếp thứ 70/190 quốc gia, nền kinh tế và xếp thứ 5 trong ASEAN; theo xếp hạng Năng lực cạnh tranh toàn cầu GCI 4.0 do Diễn đàn Kinh tế Thế giới thực hiện, năng lực cạnh tranh của Việt Nam tăng 10 bậc giai đoạn 2018-2019, từ 77 lên 67/141 quốc gia và xếp thứ 7 trong ASEAN; Tạp chí US News &World xếp Việt Nam đứng thứ 8/80 và thuộc trong số 10 quốc gia top đầu có nền kinh tế tốt nhất để đầu tư…

Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đó, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đánh giá, trong các văn bản pháp luật hiện nay vẫn còn tồn tại nhiều quy định bất cập, đang là rào cản cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, chưa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân; việc cải cách một số nơi vẫn còn hình thức, thậm chí có tình trạng cắt bỏ quy định này lại mọc ra quy định khác gây khó khăn hơn đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, người dân.

Bên cạnh đó, việc thực hiện TTHC chủ yếu vẫn bằng phương thức thủ công; người dân, doanh nghiệp còn phải nộp nhiều loại giấy tờ, đi lại nhiều nơi, phát sinh gánh nặng hành chính không cần thiết. Nguyên nhân chính của những tồn tại này chủ yếu là chưa thực sự có cách tiếp cận tổng thể, chưa có cách làm và công cụ phù hợp để đánh giá, kiểm soát, đo lường và tham vấn hiệu quả về chính sách và quy định không còn phù hợp.

Nhằm tiếp tục thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thông tin, ngày 12/5, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025.

Đây là Chương trình cải cách có phạm vi bao phủ rộng nhất từ trước đến nay, thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ nhằm thúc đẩy cải cách quy định và tổ chức thực hiện các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh với quan điểm lấy doanh nghiệp, người dân làm trung tâm, tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Từ kinh nghiệm cải cách của các nước thuộc khối Tổ chức Hợp tác Và Phát triển Kinh tế (OECD) và thực tiễn cải cách của Việt Nam thời gian qua, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhận thấy, Việt Nam còn rất nhiều dư địa cho tăng trưởng thông qua việc cải cách.

Về phạm vi, Chương trình cải cách không chỉ dừng lại ở nhiệm vụ thống kê, rà soát, đánh giá, tính chi phí tuân thủ, đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hóa đối với tất cả các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trong các văn bản đang có hiệu lực thi hành mà cải cách toàn diện cả các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trong dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật các bộ, cơ quan được giao xây dựng, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành.

Bên cạnh đó, không chỉ cải cách ở khâu xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật có quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh mà tập trung cải cách cả khâu tổ chức thực hiện các quy định này trên thực tế thông qua đẩy mạnh thực hiện TTHC trên môi trường điện tử và triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC theo hướng nâng cao chất lượng phục vụ, không theo địa giới hành, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, giảm thời gian, chi phí xã hội và tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, người dân.

Về mục tiêu, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, Chương trình đặt ra mục tiêu cụ thể như: Trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2025, cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh tại các văn bản đang có hiệu lực thi hành tính đến hết ngày 31/5/2020 được các bộ, cơ quan thống kê, tính chi phí tuân thủ và công bố lần đầu (trước ngày 31/10/2020).

Đồng thời, giảm tối đa số lượng văn bản hiện hành có quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ và kiểm soát chặt chẽ việc ban hành văn bản có quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trên cơ sở các quy định pháp luật, nhất là các văn bản hành chính, thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, nghị định của Chính phủ; ngăn chặn việc phát sinh những quy định không cần thiết, không hợp lý, không hợp pháp và gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, người dân.

Về tổ chức thực hiện, Chương trình cải cách này cũng đề cao vai trò, trách nhiệm của Bộ Tư pháp, Tổ chức pháp chế các Bộ, ngành trong việc thẩm định các quy định trong dự án, dự thảo VBQPPL; sự tham gia của Hội đồng tư vấn cải cách TTHC; vai trò chủ trì, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra của VPCP và Văn phòng các Bộ trong triển khai thực hiện.

“Để thực hiện có hiệu quả Chương trình cải cách này, tôi đề nghị các Bộ, ngành cần phát huy hiệu quả vai trò của Tổ công tác thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP tại Bộ, ngành mình, vai trò của Hội đồng tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ, doanh nghiệp, người dân trong quá trình thực hiện cải cách các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia”, ông Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) TS. Vũ Tiến Lộc cho biết, theo khảo sát của VCCI, thời gian qua, tỷ lệ doanh nghiệp phải xin giấy phép về điều kiện kinh doanh giảm từ 58% xuống còn 48% và tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn khi xin giấy phép cũng giảm 10%.

Theo ông Lộc, đây không chỉ là vấn đề tiền bạc hay thời gian mà còn là vấn đề niềm tin. Vì thế, hy vọng Nghị quyết 68/NQ-CP sẽ thúc đẩy một đợt sóng cải cách mới về các quy định kinh doanh ở Việt Nam.

Gia Thành

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here