Chính phủ Bangladesh sẽ cho tư nhân thuê các nhà máy đay của Nhà nước

0
87
(Internet)
(Internet)

Chính phủ đã quyết định cho khu vực tư nhân thuê tất cả 25 nhà máy đay do nhà nước sở hữu, bất chấp kế hoạch ban đầu là mở lại các nhà máy này thông qua liên doanh, hợp tác công tư hoặc thỏa thuận giữa chính phủ với chính phủ (G2G).

Theo các nguồn tin của Tổng công ty Đay Bangladesh (BJMC), một Ủy ban liên bộ đã gần như hoàn tất các điều khoản và điều kiện của hợp đồng cho thuê. Các cuộc đấu thầu quốc tế cho mục đích này có thể được tiến hành trong vòng một hoặc hai tuần. Các nhà máy cho thuê trong thời hạn từ 5 đến 20 năm thông qua hệ thống đấu thầu rộng rãi.

Chính phủ đã đóng cửa tất cả các nhà máy đay do nhà nước điều hành vào ngày 01/7/2020 do thua lỗ nặng và chi phí sản xuất quá cao, sa thải hơn 50.000 công nhân ở cả ba loại – thường xuyên, có thời hạn và thời vụ. Vào thời điểm đó, Bộ Dệt may và Đay trong một thông cáo báo chí nói rằng các nhà máy sẽ sớm được hiện đại hóa và mở cửa trở lại thông qua liên doanh, PPP hoặc thỏa thuận G2G. Sau đó vào ngày 16/7, một ủy ban kỹ thuật gồm 13 thành viên đã được thành lập để đề xuất các cách thức để mở lại các nhà máy. Ủy ban này cũng khuyến nghị cho khu vực tư nhân thuê các nhà máy trong ngắn hạn bên cạnh các lựa chọn liên doanh, PPP và G2G.

Hôm 01/3, Chủ tịch BJMC Abdur Rouf cho biết: “Quyết định của chúng tôi là hiện đại hóa và mở lại các nhà máy thông qua sự quản lý của tư nhân trong khi quyền sở hữu nhà nước vẫn được giữ nguyên. Đó chính là việc cho khu vực tư nhân thuê các nhà máy”. Bộ trưởng Bộ Dệt may Mohammad Lokman Hossain Mian cho biết các lựa chọn như G2G, PPP hoặc các hình thức đầu tư khác vẫn tiếp tục. “Nếu chúng tôi không nhận được phản hồi thích hợp trong quá trình [cho thuê] này, chúng tôi có thể xem xét các lựa chọn này”.

Theo Chủ tịch BJMC, chính phủ sẽ không chi bất kỳ khoản tiền nào để hiện đại hóa các nhà máy, nhiều nhất có thể là dỡ bỏ máy móc cũ nếu các nhà đầu tư muốn nhà nước làm vậy. BJMC sẽ vẫn là cơ quan giám sát để giám sát các nhà đầu tư có tuân thủ các điều khoản và điều kiện hay không. BJMC cũng sẽ giãn 90% trong số 2.900 nhân viên của mình và duy trì một lực lượng lao động nhỏ chỉ để thực hiện việc giám sát.

Trong khi đó, các nhà công nghiệp, đầu tư cho biết thời hạn của hợp đồng quá ngắn và nhu cầu vay ngân hàng với các điều khoản dễ dàng vẫn chưa được giải quyết.

Chủ tịch Hiệp hội sợi đay Bangladesh Md Zahid Miah cho biết: “Tôi đã nói từ lâu rằng nếu không có hợp đồng dài hạn, chẳng hạn như trong 99 năm, việc đầu tư vào các nhà máy này sẽ không khả thi. Các nhà máy và thiết bị của họ quá cũ, nhà đầu tư sẽ phải bắt đầu lại từ đầu. Việc vay vốn ngân hàng, nhập khẩu và lắp đặt máy móc mới sẽ mất thời gian và nếu mọi thứ đi đúng hướng, thì thời hạn thuê sẽ kết thúc vào đúng thời điểm nhà đầu tư bắt đầu có lãi. Họ [BJMC] có thể nói với bạn rằng họ sẽ gia hạn hợp đồng nhưng điều này không bao giờ có thể nói trước được”. “Nếu thời hạn quá ngắn và đất không được cho thuê, sẽ không có ngân hàng nào quan tâm đến việc cho vay với các điều kiện dễ dàng”.

Chủ tịch điều hành Cơ quan Phát triển Đầu tư Bangladesh (BIDA) Sirazul Islam cho biết: “Vị trí của các nhà máy đay rất sinh lợi và có diện tích đất lớn. Nếu chính phủ muốn sử dụng những bất động sản này cho các ngành công nghiệp khác, nhiều nhà đầu tư Bangladesh và nước ngoài sẽ đến. Tuy nhiên, quyết định cho đến nay là cho thuê các nhà máy dành riêng cho ngành đay”.

 Giám đốc Nghiên cứu tại Trung tâm Đối thoại Chính sách Khondaker Golam Moazzem cho biết: “Có vẻ như kế hoạch này đã được thông qua để duy trì vai trò điều phối của BJMC bằng cách duy trì các nhà máy đay quy mô lớn. Để đảm bảo quá trình tư nhân hóa hiệu quả, quyền của BJMC nên được loại bỏ đầu tiên. Chúng tôi đã nói trước đây rằng các nhà máy lớn nên được thay thế bằng các nhà máy tư nhân quy mô vừa và nhỏ. Cơ sở hạ tầng và bất động sản hiện có cũng có thể được giao cho BEZA [Cơ quan quản lý các khu kinh tế Bangladesh], người có thể thành lập các khu kinh tế để thu hút đầu tư vào các ngành có lợi nhuận cao hơn”. Ông đề xuất: “Chính phủ cũng có thể khuyến khích ngành công nghiệp đay ở các khu kinh tế này, điều này sẽ thu hút các doanh nhân đầu tư vào các nhà máy đay”.

Các nhà đầu tư cũng lo lắng về các khoản nợ tài chính chưa thể giải quyết của các nhà máy này. Hiện tại, các khoản vay chưa trả cho các ngân hàng khác nhau lên tới hơn 10 tỉ Tk (khoảng 120 triệu đô). Theo các nguồn tin của BJMC, các nhà máy này cũng nợ những người cung cấp đay thô hơn 2,5 tỉ Tk và đã bị đòi nợ trong một thời gian dài.

Ông Moazzem của CPD cho rằng: “Trước khi cho thuê các nhà máy này, chính phủ phải giải quyết tất cả các vấn đề tài chính còn tồn đọng của các nhà máy. Nếu không, sẽ gặp khó khăn về mặt pháp lý trong việc vay vốn ngân hàng”. Về vấn đề này, Chủ tịch BJMC Abdur Rouf khẳng định rằng chính phủ sẽ giải quyết vấn đề này vào năm tài chính tới (2021-22).

(Đại sứ quán Việt Nam tại Bangladesh)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here