Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung sẽ đi tới đâu?

0
85
Cuộc xung đột thương mại đang tiếp diễn không nên bị phóng đại thành “một cuộc chạm trán liên quan đến sự tồn tại của các hệ thống”.

Vòng đàm phán thương mại Trung-Mỹ thứ tư được tổ chức gần đây ở Washington D.C. đã kết thúc “không kèn không trống”, và cuộc chiến thương mại lớn nhất trong lịch sử kinh tế thế giới sau Chiến tranh thế giới thứ hai vẫn tiếp diễn mà không hề suy giảm, trong khi một cuộc khủng hoảng mới hình thành trong các thị trường đang nổi lên gây lo lắng cho các nhà đầu tư trên toàn thế giới. Được thúc đẩy bởi nhận thức sai lầm rằng nền kinh tế Trung Quốc đang trong tình trạng nguy kịch, Tổng thống Mỹ Trump dường như quyết tâm leo thang chiến tranh.

Quyết tâm leo thang chiến tranh

Các mức thuế quan mang tính trừng phạt của Mỹ dựa trên một nhận định sai lầm nghiêm trọng về các yếu tố căn bản của nền kinh tế Trung Quốc?

Trong một cuộc họp gần đây của nội các, Larry Kudlow, cố vấn kinh tế cấp cao của tổng thống, đánh giá rằng nền kinh tế Trung Quốc “có vẻ tệ hại và đang đi xuống”. Ông tuyên bố thêm rằng Mỹ “đang nghiền nát nước này và có một sự bùng nổ thực sự”.

Lời khẳng định của Kudlow đồng tình với quan điểm của các nhà dự báo Mỹ khác vốn tán thành với câu chuyện thần thoại cũ về sự sụp đổ không thể tránh khỏi của nền kinh tế Trung Quốc, được thúc đẩy một cách đáng chú ý nhất bởi “nhà tiên tri về ngày tận thế” kỳ cựu Gordon Chang. Lập luận theo đường thẳng của họ là ví dụ điển hình về kinh tế học thông thường và đi theo hướng như sau: Mức nợ của chính quyền các địa phương và các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước (SOE) chỉ có thể được duy trì ở mức bền vững khi nền kinh tế phát triển vững mạnh, có nghĩa là GDP của Trung Quốc đang tăng trưởng hơn 6%.

Khi một cú sốc thương mại kéo tăng trưởng xuống các mức thấp hơn 6%, các tổ chức có mức nợ cao sẽ không thể tăng trưởng để thoát khỏi các khoản nợ cấp bách. Điều này sẽ kích động một cuộc khủng hoảng nợ với quy mô lớn, gây mất lòng tin và cuối cùng dẫn tới sự sụp đổ của nền kinh tế. Trong khi đó, áp lực đối với đồng nhân dân tệ sẽ gia tăng và “quỹ tiền tệ đặc biệt” trị giá 3200 tỷ USD của Trung Quốc sẽ không thể ngăn chặn được sự sụp đổ của tỷ giá hối đoái ngay cả khi các biện pháp kiểm soát vốn khắt khe được áp dụng đầy đủ. Khi lòng tin kinh tế tiêu tan, bong bóng bất động sản nổ tung, và lạm phát tăng đột ngột vì đồng nhân dân tệ rơi tự do, chính tính hợp pháp của Bắc Kinh sẽ bị nghi ngờ. Để tránh một kịch bản đáng lo ngại như vậy, Bắc Kinh sẽ phải sớm đầu hàng và đưa ra cho Washington những sự nhượng bộ thương mại đầy đủ – hay theo hướng đi của lập luận thì là như vậy.

Những lời “tiên tri” ở Mỹ rằng một cuộc chiến tranh thương mại sẽ kích động sự sụp đổ của nền kinh tế Trung Quốc đang khích lệ Trump tỏ ra hiếu chiến thay vì có thái độ hòa giải. Tuy nhiên, theo nhận định của Yukon Huang thuộc Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế, “Trung Quốc không tuân theo những sự phân loại điển hình”. Tư duy theo đường thẳng và kinh tế học thông thường sẽ chỉ đạt được thành công hạn chế trong việc đánh giá tác động của một cuộc chiến tranh thương mại đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, một nền kinh tế còn được định hình bởi nhiều nhân tố bất quy tắc với những đặc trưng khác thường của Trung Quốc.

Theo lập luận phản bác của Huang: “Các đánh giá tài chính và tài khóa của Trung Quốc đơn giản là không hề chỉ ra rằng một ‘thời khắc Lehman’ sắp diễn ra, bất chấp những lời cảnh báo được đưa ra đều đặn về điều ngược lại. Vấn đề về nợ của Trung Quốc khác với trường hợp của các cuộc khủng hoảng trước đây ở chỗ nợ của nước này tập trung vào khu vực nhà nước chứ không phải trong số các tổ chức tư nhân, và có nguồn gốc từ trong nước chứ không phải từ ngoài nước. Các thách thức hiện tại của Trung Quốc có thể phức tạp hơn, nhưng tình hình tài chính vào cuối những năm 1990 lại nghiêm trọng hơn, và ngay cả khi đó, nước này vẫn chứng tỏ rằng họ xử lý được những khó khăn”.
Trong quan hệ quốc tế, nhận thức chiến lược chính xác là thiết yếu đối với việc thiết lập thỏa thuận. Nếu một bên đánh giá quá cao năng lực của mình trong việc tác động tới môi trường chiến lược của đối thủ, thì khi đó xung đột không đáng có sẽ kéo dài, trong khi đáng lẽ ra đã có thể đạt được một hiệp ước có lợi cho cả hai bên theo cách khác. Thất bại liên tiếp của các nhà đàm phán Mỹ và Trung Quốc trong việc đạt được một thỏa thuận thương mại cùng có lợi hầu hết phản ánh nhận định sai lầm này, dẫn tới sự đánh giá quá thấp, đặc biệt từ phía Mỹ, về khả năng chống đỡ của nền kinh tế Trung Quốc, và sự đánh giá quá cao tính vượt trội liên tục của nền kinh tế Mỹ.

Theo lập luận của Robert Jervis, một trong những người tiên phong trong lĩnh vực tâm lý học chính trị hiện đại: “Mặc dù câu chuyện về gã say tìm chìa khóa dưới cột đèn vì đèn ở đó sáng hơn là một chuyện đùa, nhưng chúng ta thấy nó khôi hài vì nó quá đúng. Thành kiến dẫn tới việc xem xét những thông tin sẵn có nhất, dễ xử lý nhất và dễ hiểu nhất thay vì khám phá sâu hơn để tìm ra những điều mang tính sáng tỏ và chẩn đoán hơn”.

Do đó, các nhà kinh tế học Mỹ hầu hết tập trung vào giá trị thị trường chứng khoán của Trung Quốc và tỷ lệ nợ trên GDP của nước này vì những thông tin này quá sẵn có và dễ xử lý – đặc biệt khi vị tổng tư lệnh nước này có khuynh hướng dân túy. Do vậy, các chiến lược gia Mỹ cần “khám phá sâu hơn để tìm ra những điều mang tính sáng tỏ và chẩn đoán hơn” và đánh giá một cách khách quan các yếu tố căn bản của nền kinh tế Trung Quốc trước khi rút ra những kết luận dễ dàng về sự mong manh của nền kinh tế Trung Quốc và xu hướng cam chịu nảy sinh từ đó của Bắc Kinh.

Cần xem xét 3 “thực tế kinh tế cụ thể then chốt của Trung Quốc” một cách chi tiết ở mức độ nào đó: việc Chính phủ Trung Quốc quản lý toàn bộ thông tin liên quan đến các tài sản thuộc sở hữu nhà nước, việc quốc hữu hóa trong tình trạng khẩn cấp bác bỏ các quyền sở hữu, và năng lực của Trung Quốc trong việc mở rộng tài khóa khi cuộc cách mạng không sử dụng tiền mặt thúc đẩy các khoản thu từ thuế của quốc gia. Tất cả những điều này càng trở nên phức tạp hơn do Trung Quốc vẫn có khả năng tận dụng nhóm lao động nông thôn đáng kể khi tỷ lệ đô thị hóa của nước này vẫn thấp hơn tỷ lệ của Hàn Quốc, Đài Loan và Nhật Bản khi tốc độ tăng trưởng của họ chậm lại. Các thành phố của Trung Quốc có thể tiếp tục mở rộng việc gia tăng năng suất quốc gia bằng những hiệu ứng của sự siêu quần tụ.

Sự kiểm soát của Bắc Kinh đối với thông tin tài chính

Như nghiên cứu của một số nhà kinh tế học hàng đầu thế giới đã chứng minh, thông tin là một yếu tố đầu vào then chốt định hình hành vi của các tác nhân kinh tế, ảnh hưởng tới tính khả thi của các mạng lưới tín dụng và hướng đi chung của toàn thị trường. Một điểm khác biệt lớn giữa phương Tây và Trung Quốc là thông tin tài chính được chính phủ chủ động sàng lọc. Trong trường hợp một doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước hoặc chính quyền địa phương phải đối mặt với những hạn chế về thanh khoản, Bắc Kinh có thể giới hạn sự lan truyền của tin tức này, do đó làm chậm lại “dòng thác thông tin”. Vì các thể chế có mức nợ cao nhất thuộc khu vực nhà nước (các SOE và chính quyền địa phương), điều này sẽ đem lại thời gian cần thiết để các nhà quản lý hành động bằng các biện pháp quy chế, tiền tệ hoặc tài chính phù hợp nhằm ngăn cuộc khủng hoảng lan truyền sang các bên tham gia khác và trở nên có hệ thống.

Chủ nghĩa tư bản phương Tây không thể bắt chước điều này, vì báo giới sẽ ngay lập tức đưa tin về một cuộc khủng hoảng thanh khoản hoặc thậm chí biến mối đe dọa thành một đề tài giật gân, làm cho chính phủ chỉ còn là một bên tham gia “khi sự đã rồi” với năng lực ở mức hạn chế trong việc kiềm chế một cuộc khủng hoảng mới hình thành. Khi Lehman Brothers sụp đổ vào tháng 9/2008, hoạt động cho vay liên ngân hàng – một chức năng rất quan trọng của hệ thống tài chính toàn cầu – đã nhanh chóng suy giảm khi các tác nhân kinh tế bắt đầu biến nguy cơ vỡ nợ thành một đề tài giật gân. Thông tin chính xác và không chính xác về tính thanh khoản của các thể chế tài chính có hệ thống pha trộn với chứng khoán độc hại đã dẫn tới một “dòng thác thông tin”, làm trầm trọng hơn nữa cuộc khủng hoảng trong khi các nhà hoạch định chính sách vật lộn tìm ra giải pháp cho một cuộc khủng hoảng vốn chưa từng nằm trong dự đoán của họ trong một khoảng thời gian eo hẹp. Lòng tin – bàn tay vô hình giữ cho hệ thống tài chính hoạt động được – đã sụp đổ.

Năng lực của Trung Quốc

Ở Trung Quốc, lợi ích quốc gia đứng ở vị trí tối cao; khi sự ổn định của nền kinh tế quốc gia gặp nguy hiểm, một tập đoàn tài chính lớn hoặc một bên tham gia có hệ thống trong thị trường có thể được quốc hữu hóa và tính thanh khoản được giữ cố định nhờ hoạt động bơm vốn tương xứng theo các thủ tục dành cho tình huống khẩn cấp. Trường hợp gần đây của Anbang là một ví dụ điển hình. Công ty này đã nhanh chóng được liệt vào dạng công ty ủy thác quốc gia và chủ tịch công ty đã bị bắt giữ ngay tại chỗ. Ở Mỹ, Quốc hội, Nhà Trắng và Bộ Tài chính sẽ phải tiến hành một cuộc chiến pháp lý kéo dài nhiều tháng với cả một đội quân gồm các luật sư và các nhà vận động hành lang để đạt được kết quả tương tự, vuột mất thời gian thiết yếu. Ta có thể xem xét lại cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, việc Solyndra vỡ nợ hay việc giải cứu ngành ô tô của Mỹ và thời gian để Quốc hội và nhánh hành pháp hành động.

Như nhà kinh tế học từng đoạt giải Nobel Joseph Stiglitz đã khẳng định, “với quy mô lớn, sự kết nối lẫn nhau và sự tương quan với nhau đến mức không thể sụp đổ”, thành công của các ngân hàng hoặc các tập đoàn có tổ chức lớn “có thể không dựa trên hiệu quả tương đối của mô hình kinh doanh của họ” mà dựa trên quy mô tương đối, sự liên kết và khả năng của họ trong việc bóp méo cơ chế thị trường để phục vụ lợi ích của mình. Sự can thiệp của chính phủ là cần thiết để bình thường hóa hệ thống trong các điều kiện thông thường, nhưng quan trọng nhất là trong khủng hoảng.

Ở phương Tây, giới vận động hành lang tài chính đầy quyền lực đã định hình một cấu trúc điều tiết kéo theo các mức độ chịu đựng rủi ro công cộng không thể chấp nhận được. Trong khi đó, Chính phủ Trung Quốc vẫn trơ lì trước lợi ích của các tổ chức tài chính lớn. Họ áp đặt các biện pháp kiểm soát vốn và định hướng nguồn vốn tài chính nhắm tới các khoản đầu tư dài hạn. Đây là một trong những lý do then chốt giải thích tại sao hệ thống tài chính của họ vẫn vững mạnh khi các thị trường phố Wall và London sụp đổ vào năm 2008. Tương tự, trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997 ở Đông Á, những “toa thuốc” kinh tế của Trung Quốc đã được chứng tỏ là tiên tiến hơn sự hỗ trợ giáo điều của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cho các tài khoản vốn mở và biện pháp thắt lưng buộc bụng hà khắc.

Chắc chắn, chính sách kinh tế là nghệ thuật quản lý những sự thỏa hiệp bằng cách sử dụng các mức độ quản lý kinh tế phù hợp. Mặc dù sự kiểm soát thông tin tập trung và sự quốc hữu hóa trong tình huống khẩn cấp có thể đem lại lợi ích, nhưng nếu được áp dụng quá mức, nó sẽ làm trầm trọng thêm mối nguy hiểm về đạo đức và không đóng góp cho hiệu quả lâu dài của cơ chế dấu hiệu giá. Nó thậm chí có thể cản trở tăng trưởng kinh tế dài hạn. Như Emilios Avgouleas, giáo sư về quy chế ngân hàng toàn cầu và tài chính thuộc Đại học Edinburgh, đã trình bày trong một cuộc thảo luận với một trong các tác giả của bài viết, chủ nghĩa ngoại lệ kinh tế của Trung Quốc được dựa trên tiền đề cho rằng các công cụ cực đoan có thể được mạnh tay áp dụng khi sự ổn định kinh tế của đất nước đang gặp nguy hiểm. Tuy vậy, trên thực tế, khi được thực hiện quá mức, chúng có thể đẩy nền kinh tế xa hơn nữa khỏi vị trí cân bằng và mất đi độ tin cậy của mình.

Kết luận cuối cùng là với thị trường rộng khắp và tính bất đối xứng của thông tin, những sự can thiệp mạnh tay nhưng thận trọng có đặc trưng là có thể gia tăng hiệu quả và tính hợp lý. Khi việc quản lý thông tin và quốc hữu hóa trong tình huống khẩn cấp chỉ được áp dụng một cách chiến lược như một công cụ sử dụng cuối cùng thì khi đó, tác động của nó đối với hoạt động kinh tế có thể là tích cực. Tuy nhiên, trong khi làm vậy, trách nhiệm giải trình có vai trò then chốt để các mối nguy hiểm về đạo đức không trở thành một đặc tính cố hữu, bởi nếu không như vậy, các SOE lớn đến mức không thể thất bại sẽ tham gia các hoạt động rủi ro hơn và kém hiệu quả hơn.

Cuộc cách mạng không sử dụng tiền mặt?
Trung Quốc là nước đi đầu trên toàn cầu về giao dịch không sử dụng tiền mặt, với việc ngành công nghệ tài chính của nước này vượt trội gấp 10 lần Mỹ. Chẳng hạn, công ty dịch vụ tài chính Ant của Alibaba, “vốn kiểm soát quỹ thị trường tiền tệ lớn nhất thế giới, đã xử lý nhiều khoản thanh toán hơn MasterCard trong năm 2017, và hoàn thành các giao dịch với giá trị hơn 8000 tỷ USD thông qua nền tảng thanh toán trực tuyến của họ chỉ trong năm ngoái”. Việc không sử dụng tiền mặt đem lại cho Alipay và WeChat Pay một lượng dữ liệu khổng lồ, cho phép họ tạo ra các hồ sơ xếp hạng tín dụng hoàn chỉnh cho hơn 800 triệu người dùng. Điều này làm gia tăng mạnh mẽ hiệu quả của hoạt động phân bổ vốn tư nhân, vì cả nguy cơ về đạo đức lẫn sự lựa chọn bất lợi – 2 vấn đề đặc trưng cố hữu của hoạt động phân bổ vốn tài chính – đều được giảm thiểu nhờ việc tạo lập hồ sơ tín dụng.

Rõ ràng, điều này không giải quyết được tình trạng nợ tăng vọt của các chính quyền địa phương, nhưng nó có thể giảm bớt sức ép đối với ngân sách chính phủ, vì các giao dịch không sử dụng tiền mặt khiến cho việc thu thuế trở nên dễ dàng hơn. Hơn nữa, nếu Trung Quốc chuyển hướng sang một nền kinh tế không sử dụng tiền mặt, thì nền kinh tế ngầm sẽ ngay lập tức được bổ sung vào các số liệu thống kê quốc gia và tỷ lệ nợ trên GDP sẽ giảm. Giai đoạn chuyển tiếp tiến tới không sử dụng tiền mặt cũng sẽ dẫn tới hiệu ứng dòng tiền tương lai (vì các khoản thu từ thuế sẽ tiếp tục gia tăng trong tương lai), tăng cường lòng tin vào khả năng của chính quyền trung ương trong việc tiến hành mở rộng tài khóa, và giải cứu các thể chế vỡ nợ mà không đẩy nợ quốc gia lên cao quá mức. Do đó, nỗ lực đang tiếp diễn của Bắc Kinh hướng tới việc giảm nợ có thể đạt được mục tiêu của nó nhờ việc từng bước tăng cường các khoản thu của nhà nước, có khả năng dàn xếp ổn thỏa tiến trình giảm nợ bền vững mà không kiềm chế sự mở rộng tài khóa trong ngắn hạn. Điều này thậm chí đã trở nên thiết yếu hơn nữa, khi các chính quyền địa phương chứng kiến các khoản thu của họ sụt giảm do việc hạn chế hoạt động bán đất và do đó cần có các nguồn thu thay thế.

Giáo sư Michael Pettis thuộc Đại học Bắc Kinh đã tiên đoán về tác động có lợi của việc mở rộng tài khóa khẩn cấp đối với tăng trưởng của Trung Quốc trong bối cảnh của cuộc chiến tranh thương mại. Pettis đã đánh giá một cách đúng đắn rằng cuộc chiến tranh thương mại sẽ không làm chậm lại đáng kể nền kinh tế Trung Quốc vì chính phủ trung ương sẽ cung cấp sự kích thích tài chính để bù đắp cho xuất khẩu sang Mỹ giảm sút. Pettis cũng lập luận rằng trong một kịch bản như vậy, việc giảm nợ sẽ chậm lại nếu không muốn nói là bị chấm dứt hoàn toàn, và tỷ lệ nợ quốc gia trên GDP sẽ gia tăng, do đó làm suy giảm tăng trưởng dài hạn của Trung Quốc. Tuy vậy, giả thuyết của nhóm tác giả là khi Trung Quốc chuyển sang không sử dụng tiền mặt, tổng giá trị các khoản thu từ thuế sẽ gia tăng. Do đó, việc mở rộng tài khóa khẩn cấp sẽ không làm trầm trọng thêm đáng kể tình hình nợ quốc gia.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã rất nỗ lực nhằm đánh giá tác động của việc tiến tới không sử dụng tiền mặt đối với chính sách tiền tệ và sản phẩm quốc gia. Mô hình kinh tế vĩ mô và cái được gọi là mô hình kinh tế vĩ mô cân bằng động ngẫu nhiên tổng quát (DSGE) có thể phức tạp và thường gây nhầm lẫn; tuy nhiên, việc chuyển sang không sử dụng tiền mặt là một quyết định mang tính chiến lược mà Trung Quốc có thể dễ dàng thực hiện vì họ đã có các nền tảng công nghệ mang tính chiến thuật – hệ sinh thái không sử dụng tiền mặt – trên thực tiễn thông qua Alipay và WePay. Chẳng hạn, nếu chính phủ áp thuế theo giá hàng lên các giao dịch ATM, thì khi đó người dân sẽ được khích lệ gia tăng việc sử dụng các nền tảng không dùng tiền mặt. Điều này sẽ khiến cho thuế giá trị gia tăng (VAT) ngay lập tức được thu và ghi vào tài khoản quốc gia, do đó gia tăng các khoản thu từ thuế. Ngoài ra, hoạt động phân tích dữ liệu giao dịch sẽ làm cho việc ước tính thuế thu nhập trở nên dễ dàng hơn và hạn chế tình trạng trốn thuế. Ngay cả trong trường hợp của một quốc gia có mức nợ cao như Hy Lạp, như một báo cáo của Quỹ tài trợ nghiên cứu kinh tế và công nghiệp đã chứng minh, sự chuyển dịch một phần hướng tới không sử dụng tiền mặt từ tháng 7/2015 đã tạo ra những phép màu trong việc gia tăng các khoản thu tài khóa.
Sự ổn định của nền kinh tế Trung Quốc sẽ được định đoạt trong nước
Những mối lo ngại về tác động của một cuộc chiến tranh thương mại đối với nền kinh tế Trung Quốc cũng đã được nhắc tới thậm chí bên trong Trung Quốc, với cuộc khẩu chiến bất thường gần đây giữa Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc và Bộ Tài chính về tốc độ giảm nợ mà Trung Quốc cần theo đuổi trong bối cảnh một cuộc chiến tranh thương mại. Các quan chức thuộc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc ủng hộ gói kích thích tài chính quy mô lớn, trong khi các quan chức thuộc Bộ Tài chính lựa chọn việc nới lỏng tài chính có mục tiêu thông qua các SOE. Vào giữa tháng 8, Chính phủ Trung Quốc đã hướng dẫn các ngân hàng nới lỏng thanh khoản đối với các công ty sẽ phải chịu ảnh hưởng tiêu cực của cuộc chiến tranh thương mại.

Quả thật, nền kinh tế Trung Quốc không phải là “bất khả xâm phạm” trước các cú sốc toàn cầu, nhưng vì đã tích lũy một lượng của cải quốc gia khổng lồ và được thúc đẩy bởi tinh thần kinh doanh đại chúng ở cấp cơ sở, sức sống kinh tế và hoạt động giảm nợ của Trung Quốc hầu hết sẽ được định đoạt bởi chính trị trong nước, sự cải cách thông minh về phía nguồn cung và việc mở cửa lâu dài. Những cải cách của Trung Quốc sau phiên họp toàn thể lần thứ ba vào năm 2013 đem lại cơ sở để tiến lên phía trước, dù được tính toán để đối phó với căng thẳng đang tiếp diễn do cuộc chiến tranh thương mại gây ra. Theo tờ Financial Times, từ năm 2013, “Trung Quốc đã thu hẹp đáng kể khu vực tài chính ngầm của mình, phát động các sáng kiến nhằm bảo đảm hoạt động cho vay, nỗ lực chống đỡ rủi ro ở các ngân hàng khu vực và kiềm chế việc cấp tín dụng ồ ạt”. Gần đây, Bắc Kinh cũng đã nỗ lực để xử lý nợ ẩn và nâng cấp chất lượng số liệu thống kê quốc gia của Trung Quốc.

Nhìn chung, hầu hết nhờ vào cải cách trong nước, năng suất có thể tăng đủ cao, do đó thúc đẩy sản phẩm quốc nội của Trung Quốc và bình thường hóa tỷ lệ nợ trên GDP dài hạn.

Thuế quan không thể giành chiến thắng: Hãy cho hòa bình thương mại một cơ hội

Một cuộc chiến tranh thương mại kéo dài không phải là không thể tránh khỏi. Nhưng điều thiết yếu đối với các chiến lược gia Mỹ là đưa ra đánh giá chính xác về tình hình nền kinh tế Trung Quốc và không đánh giá quá cao tác động tiêu cực của các mức thuế quan thương mại mang tính trừng phạt của Mỹ đối với tính bền vững nợ của Trung Quốc. Điều này sẽ tạo động lực sai lầm cho Trump để leo thang chiến tranh thương mại và đẩy Trung Quốc và Mỹ vào con đường của một cuộc xung đột địa kinh tế mà đáng lẽ ra có thể được giảm nhẹ theo cách khác, với những hậu quả nghiêm trọng đối với trật tự thương mại toàn cầu.

Ngay cả trong những năm 1960, khi Trung Quốc yếu kém hơn nhiều và nền kinh tế của nước này chỉ bằng một phần nhỏ của nền kinh tế Mỹ, Bắc Kinh vẫn chống chọi một cách quyết đoán trước sự ép buộc của nước ngoài và đồng thời đương đầu với Liên Xô và Mỹ – hai siêu cường của thế giới. Sau gần 3 thập kỷ tăng trưởng kinh tế, Trung Quốc không tất yếu sụp đổ, cũng không ở vào thế sẵn sàng chiếm lĩnh thế giới. Dù thành công đến đâu, hệ thống kinh tế của Trung Quốc cũng dị biệt đến mức không thể đóng vai trò hình mẫu để các nước khác đua theo trong khi của cải bình quân đầu người của nước này vẫn thấp hơn bất kỳ nước phương Tây nào.

Do đó, Trung Quốc không phải là mối đe dọa đối với nền dân chủ Mỹ và cuộc xung đột thương mại đang tiếp diễn không nên bị phóng đại thành “một cuộc chạm trán liên quan đến sự tồn tại của các hệ thống”. Trong lĩnh vực địa kinh tế chưa được lập bản đồ này, những đánh giá được công nhận về mặt tri thức, chính xác và có tính toán về nền kinh tế Trung Quốc có thể giúp vượt qua những sự khác biệt và đem lại hòa bình thương mại ở mức độ nào đó, cùng với đó là phẩm giá, cho cả hai bên.

Tạ Thông (theo The Diplomat)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here