Chiến lược “Một vành đai – Một con đường” của Trung Quốc và những tác động tới Liên minh Châu Âu (phan 2)

0
243
  1. Đánh giá dự báo tác động của OBOR tới EU

2.1. OBOR đưa lại các cơ hội lớn cho EU

Nhận định về tác động trực tiếp của OBOR tới EU, các học giả châu Âu cho rằng có thể đưa lại các cơ hội lớn cho EU:

Thứ nhất, tạo cơ hội hình thành một thị trường Á-Âu rộng lớn, tạo tiền đề hồi sinh lại vị trí trung tâm của châu Âu, của nền văn minh châu Âu; đưa châu Âu thoát khỏi tình trạng cô lập, góp phần định hình lại thế giới với năm “kết nối” về chính sách, thương mại, vận tải, tiền tệ và con người, với bốn “gắn kết” về hòa bình, phát triển, cải tổ và văn minh, cho phép lục địa Á – Âu trở thành trung tâm văn minh của nhân loại, đồng thời lan tỏa tới châu Phi.

Thứ hai, tạo cơ hội cho EU tăng cường liên kết với Đông và Nam Âu thông qua việc đầu tư hạ tầng ở Ba Lan, Hungary, Balkan và Hy Lạp.

Thứ ba, đây lả cơ hội cho EU tham gia dễ dàng hơn vào các công việc của khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Kể từ khi Hoa Kỳ tuyên bố xoay trục sang châu Á, EU thể hiện mối lo bị đứng ngoài lề. Do vậy EU đã tăng tốc thúc đẩy FTA với châu Á và vẫn chưa hài lòng với tiến triển này. OBOR tạo điều kiện cho EU kết nối cả bằng đường bộ và đường biển với Châu Á – Thái Bình Dương, tận dụng cơ hội phát triển của khu vực này, cũng như mở rộng ảnh hưởng của mình tại đây.

Thứ tư, đây cũng là cơ hội để EU tăng cường ảnh hưởng toàn cầu. Vì rất nhiều nước dọc theo OBOR là những nước thuộc địa cũ của EU nên có vai trò quan trọng trong việc gắn kết với chiến lược ngoại vi của EU. Những nước này đều rất cần học hỏi những kinh nghiệm thực tiễn của EU từ quản trị toàn cầu và khu vực. Khuôn khổ của OBOR sẽ tạo cơ hội cho EU và Trung Quốc cùng hợp tác phát triển các thị trường thứ ba như Tây Phi, Ấn Độ Dương và Trung Á theo tinh thần năm gắn kết để hướng tới hợp tác cùng thắng. Khi tinh thần của OBOR liên kết với tinh thần của EU, ảnh hưởng của EU – Trung Quốc trên toàn cầu sẽ gia tăng mạnh mẽ.

Thứ năm, tạo cơ hội tái hợp EU và Liên bang Nga. Kể từ Chiến tranh Lạnh đến nay, NATO luôn thực thi chính sách “đẩy Nga ra ngoài lề”. Khủng hoảng Ukraina càng làm gia tăng xu thế này. Thủ tướng Đức Angela Markel cho rằng EU không thể tự lựa chọn láng giềng do vậy cần thiết phải gắn kết Nga và Liên minh Kinh tế Á – Âu như một giải pháp khôn ngoan và cũng để giải quyết tận gốc khủng hoảng Ukraina, đảm bảo hòa bình và ổn định lâu dài ở châu Âu. Như vậy OBOR là cơ hội để tái hợp Nga – EU.

Thứ sáu, đây là cơ hội để chuyển đổi và nâng cấp quan hệ chiến lược toàn diện Trung Quốc – EU. EU và Trung Quốc đã có quan hệ ngoại giao hơn 40 năm, thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện hơn 10 năm, và đang mờ ra các cơ hội phát triển hơn nữa trong chiến lược và kế hoạch hợp tác EU – Trung Quốc 2020. OBOR tạo ra những động lực to lớn; mạng đường sắt tăng cường khả năng kết nối các địa phương của Trung Quốc với các nước thành viên EU cũng như thiết lập các hình thức hợp tác mới cùng thắng giữa hai bên.

2.2. Tác động tới quan hệ của EU với các đối tác

Tác động tới quan hệ EU và các nước Trung Đông Âu

Quan điểm hợp tác và xích lại gần Trung Quốc của các nước Trung và Đông Âu (CEE) ngày càng được thể hiện rất rõ trong tuyên bố của các nguyên thủ của nhóm CEE tại các hội nghị thượng đỉnh 16+1 diễn ra từ năm 2012 đến nay. Tại Hội nghị thượng đinh lần thứ ba giữa Trung Quốc với các nước Trung và Đông Âu diễn ra từ ngày 15- 17/12/2014 tại Belgrade, Serbia, quan điểm của hầu hết lãnh đạo các nước thuộc nhóm CEE đều muốn tăng cường quan hệ hợp tác với Trung Quốc, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại và đầu tư thông qua OBOR.

Đánh giá chung, sự hợp tác giữa CEE và Trung Quốc ngày càng phát triển, đặc biệt lĩnh vực thương mại – đầu tư gia tăng hết sức ấn tượng kể từ khi ra đời cơ chế hợp tác 16+1 giữa Trung Quốc và 16 nước CEE vào năm 2012. Theo thống kê, thương mại song phương giữa Trung Quốc và CEE trong năm 2014 tăng 10,5% so với năm 2013 và vượt 50 tỉ USD kể từ năm 2011. Trong hợp tác đầu tư, đã có nhiều dự án cơ sở hạ tầng lớn, bao gồm cả việc xây dựng đường giao thông và nhà máy điện ở Serbia, Bulgaria, Macedonia và Montenegro… Cơ chế 16+1 này sẽ thúc đẩy sự giao lưu và hợp tác ở nhiều cấp độ trong nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, cơ chế này cũng đang gây ra thái độ nghi ngờ và thận trọng của EU đối với Trung Quốc. Đại diện ngoại giao và chính sách an ninh cấp cao của EU bà Catherine Ashton đã đưa một tuyên bố báo hiệu một sự cảnh báo gián tiếp cho cả Trung Quốc và các nước CEE không để hình thành một số loại liên minh. Mối quan ngại của EU về sự hợp tác giữa CEE với Trung Quốc được thể hiện qua:

Thứ nhất, EU quan ngại rằng năm quốc gia Tây Balkan có thể lựa chọn Trung Quốc, từ bỏ EU; năm quốc gia này có thể chọn tham gia cơ chế hợp tác 16+1 thay vì gia nhập EU một cách khó khăn. Bên cạnh đó, EU còn quan ngại về những sự thay đổi lớn trong chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ khi quốc gia này đang xem xét một cách nghiêm túc việc gia nhập SCO do Nga và Trung Quốc dẫn đầu; điều này sẽ ảnh hưởng tới quyết tâm chính trị muốn gia nhập EU của Ankara.

Thử hai, EU cũng lo lắng rằng suy thoái kinh tế kéo dài ở châu Âu cũng như các điều kiện khắt khe của EU đối với các chính sách cứu trợ đã buộc các thành viên mới của EU sẽ xa lánh EU và ngày càng tăng cường hợp tác với Trung Quốc để tận dụng vốn và thị trường rộng lớn của quốc gia này nhằm hồi phục nền kinh tế. Trong ngắn hạn, EU lo ngại Trung Quốc sẽ cố gắng đạt được mục tiêu chính trị của mình là chia rẽ khối thống nhất EU thông qua hỗ trợ kinh tế cho các nưóc CEE; điều này sẽ ảnh hưởng tới sự nhất quán trong chính sách đối ngoại chung của EU.

Thứ ba, bằng cách áp dụng song song các cuộc đàm phán với EU: một mặt với Brussels, mặt khác với từng nước Trung và Đông Âu riêng biệt theo dạng 16+1, Trung Quốc có thể gây ra sự chia rẽ, thách thức sự thống nhất của EU

Tác động tới quan hệ EU-Nga OBOR thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ Trung – Nga và một số học giả EU cho rằng sẽ hình thành một trục Nga – Trung công khai tranh chấp vai trò lãnh đạo của Mỹ bởi với sức nặng kinh tế, chính trị, dân số của hai nước, Trung Quốc và Nga có nhiều quyền năng trong cấu trúc thị trường năng lượng thế giới. Quan hệ Trung – Nga đang đẩy Nga ra khỏi châu Âu và ảnh hưởng tới quan hệ Nga – EU. Một nhóm nghiên cứu của Đức đã đưa ra 4 kịch bản cho quan hệ EU-Nga tác động mạnh tới sự phát triển của châu Âu:

+ Kịch bản 1: Ngôi nhà bị chia sẻ (Shared home). Tất cả những người châu Âu bao gồm cả Nga và EU sẽ cùng chia sẻ ngôi nhà chung kể từ 2020 vì những lý do thực dụng sau một thập kỷ mất mát bởi các cuộc khủng hoảng chính trị và kinh tế đình trệ. Một thoả thuận thương mại tự do mới sẽ gắn kết các quốc gia đối tác phương Đông với phương Tây và không quốc gia nào còn phải cân nhắc giữa quyết định ủng hộ hay chống lại phía bên kia.

+ Kịch bản 2: Ngôi nhà churm (Common Home). Với tình huống châu Âu sẽ bị ràng buộc với nhau bởi những giá trị chung. Một cuộc khủng hoảng kinh tế sâu sắc ở Nga sẽ dẫn đến những cuộc cải cách kinh tế và dân chủ từ đó dọn đường cho việc cải thiện quan hệ EU-Nga. Là những cường quốc toàn cầu, Nga và EU tham gia hợp tác không chỉ để giải quyết các cuộc xung đột ở châu Âu mà còn để chống lại những mối đe dọa chung.

+ Kịch bản 3: Ngôi nhà bị tan vỡ (Broken home). Ngôi nhà châu Âu nằm trong đống đổ nát. Cuộc đối đầu giữa EU và Nga hiện nay sẽ kéo dài đến năm 2030. Công cuộc hiện đại hoá ở Nga thành công và các quá trình chuyển đổi năng lượng của EU sẽ mang đến cho cả hai bên cơ hội để hành động một cách độc lập. Các quốc gia trong cùng một khu vực, những nơi là mục tiêu trong các cuộc cạnh tranh EU – Nga sẽ tạo thành những khu vực bất ổn.

+ Kịch bản 4: Ngôi nhà bị phân chia (Divided home). Châu Âu tồn tại bên cạnh nhau, nhưng tách biệt với nhau. EU và Nga đang bị sa lầy trong một bế tắc: những tình huống xấu hơn sẽ không xảy ra bởi sự tiếp tục phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế, tuy nhiên mối quan hệ dường như cũng không thể được cải thiện do tình trạng mất niềm tin đã trở nên phổ biến. Sẽ không có một sự chuyển đổi kinh tế và chính trị nào và châu Âu ngày càng mất đi sự liên kết với các trung tâm quyền lực toàn cầu mới.

– Tác động tới quan hệ EU với Mỹ

Đây cũng là cơ hội để EU cân bằng mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương. Kể từ Chiến tranh thế giới thứ Hai trở lại đây, EU dựa quá nhiều vào hợp tác xuyên Đại Tây Dương và thường rất khó khăn trong việc thoát khỏi vị trí bất đối xứng trong hợp tác và cạnh tranh với Hoa Kỳ. OBOR sẽ tạo ra cơ hội cho EU cải thiện vị thế của mình trong NATO và cân bằng hơn trong quan hệ xuyên Đại Tây Dương với Hoa Kỳ.

Tác động tới quan hệ EU-Đông Nam Á

EU cũng cho rằng Trung Quốc ủng hộ quá trình hội nhập của ASEAN, khu vực thương mại mậu dịch tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA). Tuy nhiên, sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc liên quan đến chủ quyền lãnh thổ và chủ động cho mình một “con đường tơ lụa mới trên biển” có xu hướng làm cho các nước khác đặt câu hỏi về ý đồ của Bắc Kinh trong khu vực. Các vấn đề liên quan đến khu vực Biển Đông cho thấy Trung Quốc đã thể hiện sức mạnh lớn về hải quân. Những tranh chấp này rõ ràng gây ảnh hưởng nhiều đến mối quan hệ giữa Trung Quốc với các nước láng giềng ở Đông Nam Á cũng như sự ổn định và cân bằng quyền lực trong khu vực. Hành xử của Trung Quốc thách thức cam kết chính trị của EU về tự do kinh tế và lợi ích thương mại của EU ờ châu Á khi Biển Đông đang trở thành một trục quan trọng trong thương mại quốc tế. Ở đây, EU cần phải xác định ưu tiên của mình trong quan hệ song phương với các thành viên ASEAN và cam kết của mình trong hội nhập khu vực Đông Nam Á…

(con nua)

Nguyễn An Hà & Nguyễn Thế Vinh

(Nghiên cứu Châu Âu, số 07/2017)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here