Ngày 10/11/2020, Viện Quan hệ quốc tế Pháp (IFRI) tổ chức Hội thảo trực tuyến “Chiến lược công nghệ của Mỹ và Trung Quốc: thách thức nào cho Châu Âu?” nhân dịp công bố kết quả nghiên cứu bằng tiếng Anh chủ đề “Technology of Strategies in China and the United States, and the Challenges for European Strategies”. Tham dự Hội thảo có 03 diễn giả chính, gồm Jean-François Bureau, Chủ tịch của IOConseil, Éric-André Martin, Tổng Thư ký Ủy ban nghiên cứu quan hệ Pháp – Đức, John Seaman, Nghiên cứu khu vực Châu Á của IFRI.
Hội thảo tổ chức với mục đích làm rõ những diễn biến mới trong quá trình Mỹ và Trung Quốc tăng cường kiểm soát công nghệ, khi 2 nước gia tăng cạnh tranh trên các mặt thương mại, quân sự, đã tác động không nhỏ đến các nước Châu Âu do các nước này vừa chế tạo, vừa nhập khẩu, vừa xuất khẩu các sản phẩm công nghệ. Các chính sách hạn chế phát triển công nghệ của Trung Quốc đã có từ thời Tổng thống Obama. Đến thời Tổng thống Trump, đã gọi Trung Quốc là đối thủ chiến lược và tìm cách giảm thâm hụt thương mại. Nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, Mỹ đã tăng cường khuôn khổ kiểm soát công nghệ, coi đây là công cụ chủ yếu để hạn chế sự lớn mạnh của Trung Quốc. Việc Tập đoàn Hoa Vi phải chịu các sự trừng phạt như vừa qua là một ví dụ điển hình. Từ tháng 10/2020, Nhà Trắng đã áp dụng chiến lược quốc gia kiểm soát các công nghệ cao có khả năng đe dọa trực tiếp đến an ninh của nước Mỹ (Emerging and Foundational Technologies – EFTS). Chiến lược quốc gia của Mỹ bao gồm việc mở rộng các lĩnh vực kiểm soát, đặc biệt các sản phẩm lưỡng dụng, xác định 20 lĩnh vực công nghệ chủ yếu.
John Seaman, chuyên gia nghiên cứu về Châu Á của IFRI cho rằng Trung Quốc kiểm soát ngày càng tốt các sáng chế của mình. Ngày 17/10/2020, Trung Quốc cũng đã thông qua luật kiểm soát việc xuất khẩu công nghệ cao của Trung Quốc, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa 02 nước gia tăng và Mỹ áp dụng trừng phạt lên một loạt các tập đoàn của Trung Quốc như Hoa Vi, TikTok, Wechat. Luật mới bao trùm lên nhiều lĩnh vực như nhằm vào các sản phẩm công nghệ hạt nhân và quốc phòng, sản phẩm dịch vụ liên quan đến gìn giữ an ninh quốc gia và áp dụng đối với cả các tổ chức và cá nhân nước ngoài làm ảnh hưởng đến an ninh quốc gia Trung Quốc, cũng như nhằm trả đũa các nước và các tổ chức áp dụng các biện pháp phân biệt đối xử với các sản phẩm của Trung Quốc. John Seaman cho rằng điểm tích cực của luật này thể hiện việc Trung Quốc tôn trọng hơn các nghĩa vụ quốc tế của mình, là công cụ để chống buôn lậu sản phẩm công nghệ. Tuy nhiên, luật cũng bộc lộ các mặt hạn chế: phạm vi rộng, có sự can thiệp của Nhà nước, phục vụ mục tiêu chính trị.
Éric-André Martin cho rằng các động thái của Mỹ và Trung Quốc có thể gọi là chủ nghĩa dân tộc về mặt công nghệ, bao gồm việc gắn phát triển công nghệ với an ninh quốc gia và phát triển kinh tế. Cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc về công nghệ có thể ảnh hưởng đến khuôn khổ đa phương về kiểm soát công nghệ.
Tăng cường cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc đã dẫn đến sự phân mảnh của chuỗi giá trị, gián đoạn hợp tác quốc tế trong nghiên cứu và sáng chế, và đè nặng lên các doanh nghiệp Châu Âu. Các công ty của Pháp và Châu Âu gặp khó khăn khi Mỹ và Trung Quốc thắt chặt các quy định xuất khẩu các sản phẩm công nghệ và phải đáp ứng quy định nghiêm ngặt hơn khi vào thị trường các nước này. Trong khi đó, tính cạnh tranh của các công ty Châu Âu với các công ty của Mỹ, Trung Quốc trong một số lĩnh vực như công nghệ không gian chưa cao.
Châu Âu cần phải làm gì để đối phó với các thách thức này? Các diễn giả cho rằng cần phải có tầm nhìn về công nghệ, có những thay đổi để thích ứng; tăng cường bảo vệ bản quyền công nghiệp, sở hữu trí tuệ; nâng cao khả năng “tự chủ chiến lược” hay “chủ quyền công nghệ” trong các lĩnh vực công nghệ (như hệ thống 5G, 6G, vệ tinh, cơ sở dữ liệu và điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo…), vừa bảo đảm EU tiếp tục chính sách thương mại mở, vừa giúp EU tiếp tục duy trì việc tiếp cận đối với chuỗi cung ứng toàn cầu và giữ vai trò tiên phong của mình. Ủy ban Châu Âu (EC) cũng cần phát huy vai trò điều phối của mình, tăng cường sự thống nhất và hợp tác giữa các thành viên để các biện pháp đạt hiệu quả.
(Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp)