Chiến lược, chính sách của các nước đối với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hàm ý chính sách cho Việt Nam

0
99

Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) đang phát triển nhanh, tác động ngày càng sâu sắc và nhiều chiều đến kinh tế thế giới và sự phát triển của các quốc gia, đặt ra nhiều vấn đề các quốc gia cần xử lý về an ninh – chính trị, thể chế, kinh tế, xã hội, văn hóa và môi trường. Trong bối cảnh đó, nhiều nước đã xây dựng và triển khai chiến lược, chính sách đối với CMCN 4.0 nhằm đẩy mạnh tiếp cận, nâng cao năng lực thích ứng và tranh thủ CMCN 4.0. Bài viết dưới đây tổng hợp một cách khái quát các chính sách lớn của một số nước trên thế giới đối với CMCN 4.0, từ đó đưa ra một số bài học kinh nghiệm trong xây dựng, triển khai chiến lược, chính sách đối với CMCN 4.0
1. Về xây dựng, triển khai chiến lược, chính sách và lựa chọn lĩnh vực ưu tiên tham gia CMCN 4.0 của một số nước.
Chính sách của Đức
Đức là một trong những nước đi tiên phong trong CMCN4. Chính phủ nước này đang nỗ lực hiện đại hóa hạ tầng công nghiệp của mình, nhằm thúc đẩy nền kinh tế số và xóa đi ranh giới giữa công nghiệp và các dịch vụ. Từ năm 2012, Đức thành lập Nhóm đặc trách về “Công nghiệp 4.0” bao gồm các cơ quan nhà nước, công ty, hiệp hội nghề nghiệp, chuyên gia, nhà khoa học. Nhóm này chịu trách nhiệm đưa ra các khuyến nghị cho Chính phủ liên bang Đức về cách thiết lập và thực hiện “Công nghiệp 4.0”. Theo đó, các lĩnh vực ưu tiên hành động để dẫn đầu Công nghiệp 4.0 là: (i) tiêu chuẩn hóa; (ii) cung cấp cơ sở hạ tầng băng thông rộng toàn diện cho các ngành công nghiệp; (iii) xây dựng các cơ chế và giải pháp đảm bảo an ninh, an toàn thông tin; (iv) đào tạo, phát triển chuyên môn, hiệu quả nguồn lực
Ngoài ra, Đức còn tăng cường ngân sách cho nghiên cứu và phát triển (R&D)nhằm phục vụ Công nghiệp 4.0 và coi đây là trọng tâm của chương trình R&D cấp quốc gia trong vòng 10 năm tới. Việc hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao đặc biệt được chú trọng. Có rất nhiều chương trình ỗ trợ các doanh nghiệp non trẻ như Chương trình German Silicon Valley Accelerator (Hỗ trợ doanh nghiệp mới thành lập trong lĩnh vực CNTT), cho phép 10 doanh nghiệp mới thành lập sang San Francisco, bang California, Mỹ, trong vòng một năm. Chương trình thường niên này, được tài trợ bằng tiền ngân sách, nhằm tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trình bày ý tưởng kinh doanh để tìm nguồn vốn từ các quỹ đầu tư quốc tế cũng như từ Mỹ và học hỏi về công nghệ và kỹ thuật từ các công ty bản địa. Đặc biệt, Đức đang tìm cách thu hút lao động nước ngoài, thông qua việc nới rộng các chính sách nhập cư, đặc biệt đối với các chuyên gia CNTT;
Chính sách của Pháp
Năm 2013, Pháp ban hành “Chương trình nước Pháp công nghiệp mới” nhằm hiện đại hóa các ngành công nghiệp và chuyển đổi mô hình kinh tế thông qua công nghệ số với trọng tâm ưu tiên 47 công nghệ then chốt bao trùm các lĩnh vực chế tạo, cơ sở hạ tầng, năng lượng, sinh học, y tế, vật liệu mới, rô-bốt, máy tính… Giai đoạn 2 của Chương trình nước Pháp công nghiệp mới dựa trên 8 giải pháp công nghệ: (i) Kinh tế dữ liệu; (ii) Đưa nước Pháp đứng hàng đầu về sản xuất đồ vật thông minh; (iii) Tăng cường độ tin cậy của công nghệ số, bảo vệ chủ quyền công nghệ trong các lĩnh vực chiến lược; (iv) Thực phẩm thông minh; (v) Phát triển vật liệu mới, vật liệu tái tạo; (vi) Đô thị bền vững; (vii) Vận tải sinh thái; (viii) Y học tương lai.
Trong lĩnh vực công nghệ số, Pháp ban hành Lộ trình kỹ thuật số với 3 trụ cột: (i) Tăng cường đào tạo công nghệ và kỹ năng số cho học sinh, thanh niên; (ii) Tăng cường sức cạnh tranh của doanh nghiệp thông qua đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số; (iii) Tạo lập môi trường công nghệ số an toàn, tin cậy.
Chính sách của Mỹ
Mỹ là quốc gia đứng đầu thế giới trong ngành công nghiệp chế tạo. Chính phủ nước này đã dành ưu tiên hơn cho các kỹ thuật cơ khí và đang tìm cách theo đuổi một chính sách công nghiệp tích cực để tạo việc làm và khuyến khích sản xuất ở Mỹ. Chương trình “Chế tạo tại Mỹ” được khởi xướng từ năm 2010 nhằm nâng cao năng lực ngành chế tạo của Mỹ và tạo thêm nhiều việc làm. Năm 2011, chương trình AMP: “Đối tác chế tạo tiên tiến” được đưa ra nhằm định hướng đầu tư và thúc đẩy sự phát triển của các công nghệ mới nổi. Năm 2013, phát triển thành AMP 2.0 trên cơ sở thành lập mạng lưới các Viện nghiên cứu đổi mới chế tạo.
Để hỗ trợ cho Công nghiệp 4.0, tháng 3/2014, Liên minh Internet Công nghiệp (Industrial Internet Consortium – IIC) được thành lập, với trọng tâm là nghiên cứu ứng dụng IoT trong công nghiệp (IIoT). IIC có nhiệm vụ thúc đẩy sự phát triển của Internet công nghiệp, đưa ra các định nghĩa chuẩn về các yêu cầu kết nối và nhằm đảm bảo tính tương tác giữa hàng tỉ thiết bị sử dụng trong xu hướng IoT. Ngoài ra, Mỹ cũng tăng tài trợ cho R&D trong sản xuất. Đến nay, Chính phủ Mỹ đã đầu tư 1,1 tỷ USD cho AI (chưa tính các dự án AI cho an ninh, quốc phòng)
Chính sách của Nhật Bản
Chính phủ Nhật Bản sớm nhận thức rằng CMCN 4.0 là cơ hội lớn để Nhật có thêm sức cạnh tranh mới, thoát khỏi 02 thập kỷ kinh tế phát triển chậm chạp. Vì thế, từ năm 2013, nước này đã công bố “Chiến lược toàn diện cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo”, trong đó tập trung thúc đẩy “thông minh hóa”, “hệ thống hóa” và “toàn cầu hóa”. Công nghệ số, công nghệ nano và công nghệ môi trường là trọng tâm được ưu tiên thúc đẩy trong chiến lược. Đến năm 2015, “Chiến lược cách mạng hóa rô-bốt” được đưa ra, bao gồm 3 trụ cột: Nhật Bản trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo rô-bốt của thế giới; Nhật Bản dẫn đầu thế giới về sử dụng rô-bốt trong xã hội; Trình diễn với thế giới những sáng kiến rô-bốt Nhật Bản bằng cách dẫn đầu thời đại rô-bốt mới với ứng dụng IoT.
Tiếp đó, tháng 1/2016, công bố “Kế hoạch cơ bản về Khoa học và Công nghệ lần thứ 5” giai đoạn 2016 – 2020, trong đó xây dựng một xã hội “siêu thông minh” hay “Xã hội 5.0”. Trong đó, “Xã hội 5.0” giải quyết các vấn đề xã hội bằng cách kết nối các hệ thống sử dụng công nghệ số làm nền tảng hợp nhất không gian thực và không gian ảo (số). “Xã hội 5.0” là xã hội cung cấp hàng hóa và dịch vụ theo nhu cầu của từng cá nhân. Cũng từ tháng 6/2016, Nhật Bản đã đưa môn học lập trình trở thành môn học bắt buộc tại các trường trung học cơ sở.
Chính sách của Đài Loan
Năm 2015, Đài Loan đã thông qua Chiến lược phát triển công nghiệp 4.0 giai đoạn 2016-2024 với mục tiêu tăng cường liên kết hóa và thông minh hóa chuỗi sản xuất dựa trên nền tảng máy móc tự động hóa và người máy, dữ liệu lớn và IoT. Để thực hiện Chiến lược này, Đài Loan ban hành Kế hoạch hành động “Sáng tạo 5+2” ưu tiên phát triển 7 ngành mũi nhọn gồm: (i) Công nghiệp kết nối vạn vật với mục tiêu biến Đài Loan thành thung lũng Xi-li-côn của châu Á; (ii) Công nghệ y sinh; (iii) Công nghệ năng lượng xanh; (iv) Công nghệ máy móc thông minh; (v) Công nghệ quốc phòng; (vi) Nông nghiệp thông minh; (vii) Kinh tế tuần hoàn.
Trên cơ sở Kế hoạch “Sáng tạo 5+2”, Đài Loan quy hoạch phát triển vùng tương ứng với 3 lĩnh vực: (i) Về năng lượng, xây dựng thành phố Đài Nam thành trung tâm năng lượng xanh; (ii) Về công nghệ thông tin, phát triển thành phố Đào Viên thành thung lũng Xi-li-côn của châu Á, trong đó ưu tiên hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp; lập trung tâm nghiên cứu và thử nghiệm IoT, ứng dụng dịch vụ thông minh, IoT, hậu cần thông minh…; (iii) Về y học, đặt mục tiêu Đài Loan trở thành trung tâm phát triển công nghệ y dược của châu Á, gồm Khu công nghệ sinh học Nam Cảng, Khu công nghệ nghiên cứu thiết bị y tế Bắc Tân Trúc, Khu công nghệ cao Trung Bộ, Nam Bộ tập trung phát triển dụng cụ, thiết bị y tế công nghệ cao…

Chính sách của Trung Quốc
Từ năm 2010, Trung Quốc công bố IoT trở thành một trụ cột của nền kinh tế. Trung tâm IoT quốc gia được thành lập ở Thượng Hải vào năm 2010. IoT còn được đưa vào các kế hoạch phát triển 5 năm. Năm 2013, nước này đã thành lập Hội đồng liên ngành IoT. Tháng 3/2015, Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra chiến lược công nghiệp “Made in China 2025”, gồm 9 nhiệm vụ chiến lược, 10 lĩnh vực then chốt (trong đó có CNTT thế hệ mới) và 5 đề án trọng điểm (trong đó có Sản xuất thông minh); với mục tiêu đến năm 2025, bước vào nhóm cường quốc chế tạo; đến năm 2035, đạt trình độ bậc trung trong nhóm cường quốc chế tạo và đến năm 2049 tiến lên hàng đầu nhóm cường quốc chế tạo. Đây là bản cương lĩnh hành động 10 năm đầu tiên của chiến lược nhằm đưa Trung Quốc trở thành cường quốc chế tạo.
Để triển khai Chiến lược này, Trung Quốc xác định rõ 9 nhiệm vụ trọng tâm, gồm: (i) Nâng cao năng lực đổi mới, sáng tạo công nghiệp chế tạo; (ii) Thúc đẩy kết hợp sâu rộng thông tin hóa và công nghiệp hóa; (iii) Tăng cường năng lực cơ sở công nghiệp; (iv) Xây dựng thương hiệu chất lượng; (v) Thúc đẩy chế tạo xanh; (vi) Tập trung đầu tư phát triển đột phá 10 lĩnh vực trọng điểm (như công nghệ thông tin, người máy, hàng không vũ trụ, công trình biển, đường sắt công nghệ cao, phương tiện sử dụng ít năng lượng và năng lượng sạch, vật liệu mới, sinh học…); (vii) Đẩy mạnh điều chỉnh cơ cấu công nghiệp chế tạo; (viii) Tích cực phát triển dịch vụ công nghiệp chế tạo; (ix) Nâng tầm trình độ công nghiệp chế tạo.
Bên cạnh đó, Trung Quốc tiếp tục hoàn thiện chính sách khoa học – công nghệ, đặc biệt là quy hoạch “Trung Quốc chế tạo” 1 + X (“1” là “Trung Quốc chế tạo 2025”, X bao gồm định hướng 5 công trình lớn là xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo ngành chế tạo, ngành công nghiệp cơ bản, ngành chế tạo xanh, đổi mới sáng tạo công nghệ cao…), “Quy hoạch phát triển trí tuệ nhân tạo”, “Quy hoạch phát triển nhân tài khoa học – công nghệ quốc gia”, “Quy hoạch phát triển kết hợp khoa học- công nghệ quân sự và dân sự”…Trong lĩnh vực công nghệ số, Trung Quốc triển khai kế hoạch hành động “Internet +”, trong đó thúc đẩy internet di động, điện toán đám mây, dữ liệu lớn, IoT trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại, tài chính nhằm góp phần thúc đẩy “Trung Quốc chế tạo” thành “Trung Quốc trí tạo”. Kết quả bước đầu của việc triển khai các chiến lược và kế hoạch nói trên là năng lực đổi mới sáng tạo của Trung Quốc được cải thiện rõ rệt, từ vị trí thứ 20 năm 2012 lên vị trí 17 năm 2017; tổng số công trình khoa học – công nghệ tầm quốc tế tăng 70% so với năm 2012, đứng thứ 2 thế giới. Chính phủ Trung Quốc đánh giá “sáng tạo khoa học – công nghệ từ chạy theo là chính đã chuyển sang đồng hành và dẫn đầu trong nhiều lĩnh vực” .

2. Một số bài học rút ra từ chiến lược, chính sách của các nước đối với CMCN 4.0
Chiến lược, chính sách đối với CMCN 4.0 của các nước rất đa dạng, phong phú tùy theo trình độ phát triển và các điều kiện chính trị, kinh tế – xã hội của mỗi nước. Qua nghiên cứu chiến lược, chính sách của các nước đối với CMCN 4.0, có thể rút ra một số bài học sau đây:
Thứ nhất, cần chủ động tham gia, thích ứng và tranh thủ tối đa cơ hội của CMCN 4.0. Trong bối cảnh CMCN 4.0 đang phát triển nhanh, đòi hỏi phản ứng chính sách phải nhanh nhạy, cách tiếp cận chung của các nước đối với CMCN 4.0 là chủ động tham gia, thích ứng và cố gắng tranh thủ tối đa cơ hội và lợi ích của CMCN 4.0 thay vì thụ động, ứng phó với các thách thức và tác động không thuận của CMCN 4.0. Đây là cách tiếp cận phù hợp khi CMCN 4.0 đang ở giai đoạn khởi phát, càng sớm chủ động tham gia, thích ứng và tranh thủ tốt cơ hội, lợi ích của CMCN 4.0 ngay từ giai đoạn đầu, sẽ càng giảm thiểu được thách thức, khó khăn và tác động không thuận của cuộc CMCN này. Với cách tiếp cận chủ động này, nhiều nước đã sớm xây dựng, triển khai chiến lược quốc gia tổng thể đối với CMCN 4.0 (như Đức, Pháp, Anh, Nhật Bản, Trung Quốc…). Một số nước tuy chưa có chiến lược tổng thể, song đã triển khai các chính sách, biện pháp cụ thể để tranh thủ cơ hội của CMCN 4.0 trong một số lĩnh vực nhất định. Các nước dù đã có chiến lược hay chưa có chiến lược tổng thể đối với CMCN 4.0, đều xác định rõ mục tiêu, chính sách cụ thể đối với CMCN 4.0.
Thứ hai, cần nâng cao năng lực thích ứng đi đôi với phát triển các lĩnh vực công nghệ mới của CMCN 4.0. Nâng cao năng lực thích ứng là cơ sở và điều kiện để nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo dựng được vị thế có lợi trong CMCN 4.0, từ đó tranh thủ tốt hơn cơ hội, lợi ích của CMCN 4.0. Bên cạnh đó, chủ động tiếp cận nhanh công nghệ mới sẽ tăng cường khả năng thích ứng và tránh được nguy cơ tụt hậu. Do đó, có thể nhận thấy nội hàm chiến lược, chính sách đối với CMCN 4.0 của các nước cơ bản gồm một số nội dung cơ bản như: (i) Đổi mới tư duy quản lý, tạo dựng và hoàn thiện thể chế để đáp ứng yêu cầu quản lý các mô hình sản xuất, kinh doanh mới trong CMCN 4.0; (ii) Tái cơ cấu, hiện đại hóa và tăng cường ứng dụng công nghệ mới vào các ngành truyền thống (chế tạo, ngân hàng, nông nghiệp, giáo dục, y tế…) để tăng năng suất, duy trì sức cạnh tranh trong bối cảnh CMCN 4.0; (iii) Đẩy mạnh đào tạo, bao gồm cả đào tạo lại, các kỹ năng mới cho lực lượng lao động để thích ứng với yêu cầu của việc làm trong tương lai.
Thứ hai, lựa chọn các lĩnh vực công nghệ mới để tập trung đầu tư, ưu tiên phát triển phù hợp với năng lực và yêu cầu phát triển của quốc gia. Nhìn chung, các nước phát triển tập trung phát triển các công nghệ lõi và công nghệ tương lai của CMCN 4.0; trong khi phần lớn các nước đang phát triển ưu tiên đầu tư các công nghệ ứng dụng. Tuy nhiên, một số nước đang phát triển, đặc biệt là Trung Quốc, đã đi thẳng vào phát triển một số công nghệ nền tảng của CMCN 4.0 như trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối… để rút ngắn khoảng cách công nghệ với nhóm nước phát triển.
Thứ ba, Nhà nước cần đóng vai trò quan trọng, thậm chí ở nhiều nước còn đóng vai trò quyết định đối với sự tham gia CMCN 4.0. Vai trò định hướng và “bà đỡ” của Nhà nước rất quan trọng và cần thiết bởi CMCN 4.0 đang ở giai đoạn khởi phát, nhiều xu hướng công nghệ mới đang định hình và còn nhiều rủi ro. Vai trò “bà đỡ” của Nhà nước trong chiến lược, chính sách đối với CMCN 4.0 của các nước chủ yếu thể hiện ở khía cạnh sau đây: (i) Tạo dựng, hoàn thiện môi trường thể chế, chính sách liên quan đến CMCN 4.0; (ii) Triển khai các chiến lược, kế hoạch và định hướng phát triển liên quan đến CMCN 4.0, đặc biệt là các kế hoạch về phát triển khoa học – công nghệ, hạ tầng công nghệ, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo…; (iii) Sẵn sàng chia sẻ rủi ro, gánh nặng tài chính với các doanh nghiệp và tổ chức nghiên cứu trong đầu tư vào các lĩnh vực mới của CMCN 4.0.
Qua nghiên cứu chiến lược, chính sách đối với CMCN 4.0 của các nước, ta có thể nhận thấy hiện có ba phương cách tiếp cận về vai trò của Nhà nước: (i) Hỗ trợ gián tiếp (bottom-up), trong đó Nhà nước tạo môi trường và các hệ sinh thái khuyến khích đổi mới sáng tạo, còn doanh nghiệp đóng vai trò quyết định trong đầu tư phát triển và ứng dụng công nghệ. Đây là cách tiếp cận điển hình ở các nước phát triển như Mỹ, Đức, Anh… (ii) Hỗ trợ trực tiếp (top-down), trong đó Nhà nước trực tiếp đầu tư vào các lĩnh vực của CMCN 4.0 thông qua trợ cấp, đầu tư của Nhà nước. (iii) Kết hợp hỗ trực tiếp và gián tiếp, trong đó Nhà nước vừa tạo môi trường, vừa đầu tư trực tiếp vào các ngành, lĩnh vực công nghệ của CMCN 4.0. Mỗi cách tiếp cận đều có ưu nhược điểm tùy thuộc trình độ phát triển của từng nước. Hỗ trợ gián tiếp phù hợp với các nước phát triển có thể chế và hạ tầng cơ sở hoàn thiện, các doanh nghiệp có tiềm lực về vốn và công nghệ. Tuy nhiên, với các nước đang phát triển có thể chế, hạ tầng công nghệ chưa hoàn thiện, tiềm lực công nghệ của doanh nghiệp còn hạn chế, nên xu hướng chung là Nhà nước hỗ trợ trực tiếp (như Trung Quốc) hoặc kết hợp cả hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp để có thể tiếp cận với CMCN 4.0.
Thứ tư, các chiến lược, chính sách cần đặt con người vào vị trí trung tâm của CMCN 4.0. CMCN 4.0 là quá trình “chuyển hóa” (transformation) căn bản tư duy và phương thức sản xuất, tiêu dùng của con người dựa trên nền tảng công nghệ truyền thống sang tư duy vàphương thức sản xuất, tiêu dùng mới dựa trên nền tảng tích hợp các công nghệ mới. Nhiều dự báo nhận định CMCN 4.0 sẽ có tác động lớn về mặt xã hội, làm thay đổi cơ cấu việc làm và lao động. Nếu người dân, nhất là người lao động, không được chuẩn bị tốt về tri thức và kỹ năng mới để thích ứng và đáp ứng yêu cầu của việc làm và cuộc sống trong môi trường công nghệ mới, sẽ dẫn đến gia tăng bất bình đẳng xã hội, từ đó làm tăng rủi ro bất ổn chính trị – xã hội . Do đó, yếu tố con người được nhiều nước đặt vào trung tâm trong chiến lược, chính sách tham gia CMCN 4.0.
Thứ năm, cần tăng cường hiệu quả huy động và đa dạng hóa vốn đầu tư cho đổi mới công nghệ. Về hình thức đầu tư, hầu hết các nước đều kết hợp ở mức độ phù hợp đầu tư nhà nước và tư nhân cho đổi mới sáng tạo, trong đó: (i) Đầu tư nhà nước đóng vai trò quan trọng đối với nghiên cứu cơ bản; (ii) Kết hợp đầu tư nhà nước và tư nhân đối với nghiên cứu ứng dụng (thường theo hình thức PPP); (iii) Khuyến khích tư nhân đóng vai trò chủ đạo, quyết định đối với nghiên cứu ứng dụng thương mại hóa (commercially). Chính phủ một số nước (Trung Quốc, Đức, Mỹ…) sẵn sàng chấp nhận rủi ro, hỗ trợ tài chính cho nghiên cứu cơ bản để phát triển các lĩnh vực công nghệ mới bởi lĩnh vực này thường có rủi ro thất bại cao, khó thu hút đầu tư tư nhân. Bên cạnh đó, cũng cần có chính sách khuyến khích mạnh mẽ phát triển các hình thức đầu tư mạo hiểm, đầu tư “thiên thần” để huy động đầu tư tư nhân cho khởi nghiệp sáng tạo và đổi mới công nghệ. Với doanh nghiệp công nghệ và khởi nghiệp sáng tạo, các hình thức đầu tư này linh hoạt và dễ tiếp cận hơn tín dụng ngân hàng, đồng thời cũng hiệu quả hơn việc tự bỏ vốn đầu tư cho R&D./.

Anh Trần

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here