Cập nhật ngày làm việc thứ ba Hội nghị SOM 3 và các cuộc họp liên quan

0
141
Hội nghị SOM 3 và các cuộc họp liên quan tiếp tục ngày làm việc thứ ba với 9 hoạt động.
Hội nghị SOM 3 và các cuộc họp liên quan tiếp tục ngày làm việc thứ ba với 9 hoạt động.

Trong ngày 20/8, Hội nghị SOM 3 và các cuộc họp liên quan tiếp tục ngày làm việc thứ ba với 9 hoạt động của Đối thoại về công nghiệp ô tô (AD), Tiểu ban về thủ tục hải quan (SCCP), Tiểu ban về tiêu chuẩn và hợp chuẩn (SCSC), Diễn đàn đổi mới khoa học đời sống (LSIF), Nhóm công tác về chống tham nhũng và minh bạch hóa (ACTWG), Tiểu nhóm về bảo mật dữ liệu (ECSG – DPS) thuộc Ban chỉ đạo về thương mại điện tử (ECSG), Nhóm công tác về chống buôn lậu và khai thác gỗ bất hợp pháp (EGILAT) và Ủy ban thương mại và đầu tư (CTI).

Tiếp theo cuộc họp ngày hôm trước, Đối thoại APEC về chống tham nhũng và buôn lậu của Nhóm ACTWG tập đã trung trao đổi những nội dung liên quan đến buôn bán động vật hoang dã, trong đó có hai chủ đề lớn được thảo luận gồm: động lực mới trong chống tham nhũng và phát hiện hành vi rửa tiền trong việc buôn bán động vật hoang dã. Các đại biểu đã cùng nhau đề ra các biện pháp để tăng cường hợp tác quốc tế cũng như phương thức hỗ trợ lẫn nhau trong vấn đề này.

Tiểu ban SCCP tiếp tục ngày họp thứ hai trong chuỗi ba ngày họp. Các thành viên đã chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng công nghệ thông tin vào hệ thống quản lý rủi ro cũng như việc áp dụng luật sở hữu trí tuệ trong bối cảnh thương mại điện tử đang phát triển mạnh mẽ. Cuộc họp cũng tiến hành rà soát hợp tác giữa hải quan các nền kinh tế thành viên và hợp tác giữa Tiểu ban SCCP với các tiểu ban và nhóm công tác khác trong APEC.

Trên cơ sở kết quả của hai Hội thảo của Nhóm AD về tác động của các công cụ chính sách của Chính phủ đối với xe sử dụng năng lượng mới nhằm thực hiện Lộ trình APEC về xe điện trong hai ngày đầu tiên, Đối thoại lần thứ 27 về ô tô của Nhóm AD đã tập trung thảo luận về vấn đề tiếp cận thị trường và các vấn đề liên quan đến thị trường ô tô cũng như cơ chế hài hòa hóa tiêu chuẩn và luật lệ.

Tăng cường chia sẻ thông tin giữa các thành viên CBPR

Ban chỉ đạo về thương mại điện tử (ECSG) đã tổ chức cuộc họp của Tiểu nhóm về bảo mật dữ liệu (ECSG – DPS), trong đó trọng tâm là trao đổi về Hệ thống quy tắc bảo mật xuyên biên giới (CBPR), cập nhật khung bảo mật APEC và các nội dung củakế hoạch hành động của Tiểu ban trong thời gian tới. Các đại biểu cũng thảo luận về những kết quả đạt được trong triển khai hệ thống CBPR và việc tăng cường chia sẻ thông tin giữa các thành viên CBPR. Ngoài ra, cuộc họp đã bàn về Thỏa thuận thực thi bảo vệ sự riêng tư xuyên biên giới (CPEA), giới thiệu tổng quan về CPEA và các lợi ích của CPEA cho các nền kinh tế hiện không tham gia thỏa thuận này.

Nâng cao hiệu quả đàm phán thương mại và cách thức thông tin tới người dân 

Tại ngày làm việc thứ ba, Ủy ban thương mại và đầu tư (CTI) đã tổ chức Hội thảo về tăng cường tính minh bạch và sự tham gia trong quá trình đàm phán các hiệp định thương mại. Dự án này nhằm góp phần thực hiện mục tiêu dài hạn của APEC về thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực ngày càng sâu rộng cũng như Khuôn khổ Kế hoạch hành động nhằm triển khai Sáng kiến nâng cao năng lực liên kết kinh tế khu vực lần thứ 2 (CBNI), qua đó giúp tăng cường tính minh bạch và sự tham gia của các bên liên quan trong các đàm phán thương mại.

Hội thảo tập trung chủ yếu vào cách thức các nền kinh tế tiến hành việc đàm phán về các thỏa thuận thương mại và cách thức thông tin về kết quả đàm phán tới người dân. Thảo luận của các đại biểu tại hội thảo không chỉ chỉ ra các kinh nghiệm trong đàm phán mà còn đặt ra nhiều vấn đề phát sinh từ thực tế cần giải quyết. Hội thảo cũng góp phần giải quyết một số tranh luận, những khúc mắc trong quá trình đàm phán thương mại giữa các nền kinh tế thành viên trong thời gian gần đây. Đây cũng là dịp để các đại biểu đưa ra nhiều thông tin giúp các nền kinh tế hiểu nhau hơn, đàm phán các hiêp định thương mại hiệu quả hơn.

Ông Felipe Lopeandia Wielandt, đại biểu Chile cho biết, Việt Nam là một nền kinh tế đã hòa nhập hoàn toàn với thương mại thế giới và có rất nhiều kinh nghiệm trong đàm phán thương mại trong các lĩnh vực khác nhau. Đây là cơ hội để các nền kinh tế APEC học hỏi lẫn nhau, đồng thời áp dụng kinh nghiệm của các nước khác vào việc đàm phán thương mại của chính mình.

Thúc đẩy thuận lợi thương mại hóa và đầu tư thiết bị điện, điện tử

Cuộc họp của Ủy ban tư vấn pháp quy hỗn hợp lần thứ 22 về thiết bị điện và điện tử (SCSC) đã thảo luận về Hiệp định công nhận lẫn nhau trong đánh giá hợp chuẩn thiết bị điện và điện tử. Cuộc họp lần này có sự tham gia của đại diện đến từ các nền kinh tế thành viên APEC như Australia, New Zealand, Nga, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Việt Nam… cùng đại diện của các tổ chức quốc tế, khu vực có liên quan. Trọng tâm cuộc họp lần thứ 22 là tập trung thảo luận các vấn đề của APEC trong lĩnh vực quản lý thiết bị điện, điện tử như hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý các thiết bị điện, điện tử ở cấp khu vực với mục tiêu thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại và đầu tư.

Bên cạch đó, các đại biểu tập trung vào việc rà soát, xem xét các hoạt động ưu tiên trong năm 2017 của JRAC như Sáng kiến Người dẫn đầu (Pathfinder Initiatives); thực hiện Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau kết quả đánh giá sự phù hợp đối với thiết bị điện, điện tử (APEC/EEMRA); hài hòa tiêu chuẩn quốc tế, phối hợp xử lý những vấn đề mới phát sinh trong khu vực APEC về các mối rủi ro từ sản phẩm điện, điện tử; sửa đổi điều lệ hoạt động của JRAC nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động trong thời gian tới…

Cũng trong khuôn khổ SCSC, Đối thoại lần thứ 10 về các quy định điển hình của SCSC đã kết thúc ngày làm việc thứ hai trong đợt Hội nghị SOM 3.

Chia sẻ kinh nghiệm về chống bán phá giá bất hợp pháp

Phiên họp toàn thể đầu tiên của Nhóm EGILAT hôm nay đã tập trung trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm về chống bán phá giá bất hợp pháp và chống buôn lậu các sản phẩm gỗ hợp pháp. Nhóm cũng đã cập nhật tiến độ thực hiện kế hoạch hoạt động của EGILAT cho năm 2017 và tiếp tục thảo luận các nội dung dự kiến của Kế hoạch chiến lược của EGILAT giai đoạn 2018 -2022 nhằm góp phần thực hiện mục tiêu dài hạn về quản lý rừng bền vững tại châu Á – Thái Bình Dương.

Nhóm LSIF trong ngày cũng đã tổ chức cuộc họp trù bị. Nhóm LSIF, thành lập từ năm 2002, có nhiệm vụ tập hợp các nghiên cứu về khoa học, y tế, thương mại, kinh tế và tài chính để đối phó với các bệnh truyền nhiễm và mãn tính cũng như vấn đề già hóa dân số. LSIF hiện là một trong những sáng kiến hàng đầu của APEC trong lĩnh vực y tế.

Chu Văn

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here