Cập nhật ngày làm việc thứ 9 Hội nghị SOM 3 và các cuộc họp liên quan

0
95
Cuộc họp Ủy ban Kinh tế (EC) thuộc Diến đàn APEC.
Cuộc họp Ủy ban Kinh tế (EC) thuộc Diến đàn APEC.

Ngày 26/8, tại TP. Hồ Chí Minh, ngày thứ chín của Hội nghị các quan chức cao cấp APEC (SOM 3) và các cuộc họp liên quan đã diễn ra với các hoạt động của Ủy ban Thương mại và Đầu tư (CTI), Ủy ban Kinh tế (EC), Ủy ban Quản lý ngân sách (BMC) Nhóm đặc trách về kinh tế mạng (AHSGIE) và Cơ quan hỗ trợ chính sách APEC (PSU).

Ủy ban Thương mại và Đầu tư (CTI) đã tổ chức Hội thảo về tham gia của các doanh nghiệp nhỏ và vừa vào các chuỗi cung ứng toàn cầu về dịch vụ hậu cần. Tham dự Hội thảo cùng đại diện các nền kinh tế APEC còn có đại diện các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, thiết kế thời trang, du lịch và dịch vụ hậu cần. Hội thảo hướng tới cung cấp cho các doanh nghiệp và các nhà lập pháp trong khu vực kiến thức về chuỗi cung ứng toàn cầu về dịch vụ hậu cần, đồng thời đưa ra những khuyến nghị, giải pháp để các doanh nghiệp tham gia, tranh thủ nhiều hơn và hiệu quả hơn các chuỗi cung ứng.

Lộ trình kinh tế mạng cho APEC

Nhóm đặc trách về kinh tế mạng (AHSGIE) đã hoàn tất thảo luận Lộ trình kinh tế mạng của APEC và dự thảo chương trình hoạt động của AHSGIE cho những năm tiếp theo, đánh dấu ngày làm việc cuối cùng của Nhóm trong đợt Hội nghị SOM 3.

Sau hai ngày làm việc, cuộc họp Ủy ban Kinh tế (EC) hôm nay đã bế mạc. Các đại biểu đã tập trung thảo luận dự thảo Báo cáo chính sách kinh tế APEC về cải cách cơ cấu và phát triển nguồn nhân lực. Đây được coi là một đóng góp có ý nghĩa của các thành viên đối với việc triển khai Chương trình nghị sự mới của APEC về cải cách cơ cấu, được các nhà Lãnh đạo thông qua năm 2015. Hiện nay ở khu vực, hợp tác phát triển nguồn nhân lực là một quan tâm hàng đầu, trong bối cảnh các chuyển đổi về kinh tế và công nghệ đang tạo ra những thách thức lớn đối với người lao động và thị trường lao động. Các đại biểu cũng đã thảo luận dự thảo Kế hoạch hành động chung của EC và Hội nghị các Quan chức cao cấp tài chính (SFOM) để báo cáo lên các Quan chức cao cấp; Chương trình nghị sự APEC về cải cách cơ cấu thời gian tới; cũng như Hướng dẫn của OECD về quản trị các doanh nghiệp nhà nước. Chủ tịch EC sẽ thay mặt Ủy ban sẽ báo cáo các kết quả của cuộc họp tại Hội nghị SOM ngày 29/8.

Hiện thực hóa FTAAP

Trong ngày cũng đã diễn ra cuộc họp của Ủy ban Ngân sách (BMC), Hội đồng quản trị của Cơ quan Hỗ trợ chính sách APEC (PSU), và Hội thảo về sự đóng góp của Liên minh Thái Bình Dương đối với việc hiện thực hóa FTAAP.

Liên minh Thái Bình Dương là một cộng đồng kinh tế của bốn nước châu Mỹ Latinh gồm Chile, Colombia, Mexico và Peru, hoạt động từ năm 2011. Tại hội thảo về sự đóng góp của Liên minh Thái Bình Dương đối với việc hiện thực hóa FTAAP, nhiều chuyên gia quốc tế trong Liên minh Thái Bình Dương và các nền kinh tế thành viên APEC đã thảo luận, trao đổi các vấn đề về nền tảng xây dựng khu vực thương mại tự do châu Á – Thái Bình Dương; Liên minh Thái Bình Dương và mối quan hệ trong khu vực, tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại; chia sẻ những lĩnh vực có thể hợp tác giữa APEC và Liên minh Thái Bình Dương; hợp tác trong các vấn đề tạo thuận lợi thương mại nhóm và các vấn đề liên quan đến dịch vụ…

Theo Tổng Cục trưởng Kinh tế Quốc tế Chile – Krasna Bobenrieth, các yếu tố tạo thuận lợi cho việc thiết lập FTAAP là hội nhập kinh tế trong khu vực, ví dụ như Liên minh Thái Bình Dương, cùng các bên liên quan. “Sắp tới, chúng tôi bắt đầu đàm phán với một số nền kinh tế thành viên. APEC đang thực hiện công việc rất quan trọng để các nền kinh tế thành viên có thể thực hiện cam kết của mình với các tiêu chuẩn cao hơn”, bà Krasna Bobenrieth nói.

Dưới góc độ chuyên gia, ông Pyzhikov Nikita (Nga) cho rằng, FTAAP phải là một thỏa thuận cao và minh bạch. Để đảm bảo điều này, nên làm việc chặt chẽ về những vấn đề như minh bạch trong việc thiết lập khuôn khổ của thỏa thuận; đồng thời nên tổ chức thêm nhiều sự kiện như hội thảo này, liên quan đến vai trò của các khu vực, để xem họ có thể đóng góp như thế nào trong xây dựng FTAAP. Trong đó, cần chắc chắn rằng, nghĩa vụ đã được tất cả các nền kinh tế chấp nhận. Ngoài ra, FTAAP nên tham gia vào chương trình nghị sự của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Tôn An

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here