Cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 2/2022: Những điểm mới và tín hiệu tích cực đầu năm

0
102
World Bank on glass building. Mirrored sky and city modern facade. Global capital, business, finance, economy, banking and money concept 3D rendering illustration.

Ngân hàng Thế giới (WB) đã công bố báo cáo cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 2/2022 vào ngày 17/2, trong đó WB nhận định sản xuất công nghiệp Việt Nam tiếp tục tăng trưởng, tuy với tốc độ chậm hơn và không đồng đều giữa các ngành.

WB nhấn mạnh, khởi đầu năm 2022, nền kinh tế Việt Nam có nhiều tín hiệu tích cực

Trong bản Cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 2/2022, WB nhấn mạnh, khởi đầu năm 2022, nền kinh tế Việt Nam có nhiều tín hiệu tích cực: chỉ số sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng; Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng so cùng kỳ năm trước lần đầu tiên ghi nhận tăng trưởng dương kể từ khi đại dịch bắt đầu; cán cân thương mại hàng hóa vẫn thặng dư.

Theo WB, các chỉ số di chuyển chính của kinh tế Việt Nam đều tăng mạnh trước dịp Tết Nguyên Đán nhờ tỷ lệ bao phủ vaccine đã vượt mức 73% dân số. Sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng, tuy với tốc độ chậm hơn và không đồng đều giữa các ngành, trong khi tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ghi nhận tăng trưởng dương (so cùng kỳ năm trước), lần đầu tiên kể từ đợt bùng phát dịch COVID-19 từ cuối tháng 4/2021.

Cán cân thương mại hàng hóa vẫn thặng dư mặc dù xuất khẩu giảm tốc, trong khi vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký và giải ngân có sự khởi đầu vững chắc trong năm 2022.

Giá năng lượng tăng tiếp tục là yếu tố chính đóng góp vào lạm phát CPI trong khi giá lương thực, thực phẩm tương đối ổn định giúp cho lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát.

Tín dụng trong tháng 1 tăng trưởng nhanh hơn nhằm đáp ứng nhu cầu gia tăng trước Tết của các doanh nghiệp và hộ gia đình, khiến cho lãi suất qua đêm thị trường liên ngân hàng tăng mạnh.

Trong tháng 1/2022, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2022-2023 được ban hành, trong đó các biện pháp tài khóa trong phạm vi ngân sách có tổng quy mô tương đương khoảng 4,5% GDP đánh giá lại. Các hỗ trợ chính của Chương trình bao gồm tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất, giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) và bổ sung thêm vốn đầu tư công, trong khi hỗ trợ trực tiếp bằng tiền còn hạn chế.

WB cho hay chỉ số PMI (quản lý thu mua) ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng rõ rệt từ 52,5% trong tháng 12-2021 lên 53,7%, là mức cao nhất kể từ tháng 5/2021, cho thấy điều kiện kinh doanh đã được cải thiện đáng kể.

Về thu hút FDI, Việt Nam thu hút 2,1 tỉ USD vốn FDI đăng ký trong tháng 1, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước. Theo WB, mức tăng trên có được nhờ các dự án điều chỉnh tăng vốn đầu tư lớn, đặc biệt trong ngành điện tử và nhờ hoạt động mua lại và sáp nhập (M&A) sôi động. Giá trị góp vốn, mua cổ phần trong tháng 1-2022 tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, đạt trên 400 triệu USD, tương đương 20% tổng vốn FDI đăng ký.

Đối với vấn đề lạm phát, WB nhận định lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát. Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1-2022 tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước, tương đương với tỉ lệ được ghi nhận cuối năm 2021.

Theo WB, giá tiêu dùng tăng chủ yếu do tăng giá năng lượng, đẩy chi phí nhóm nhà ở và giao thông tăng lên. Giá lương thực, thực phẩm vẫn tương đổi ổn định trong khi lạm phát cơ bản (không bao gồm giá lương thực, thực phẩm, năng lượng và các mặt hàng có giá do Nhà nước quản lý) tăng 0,7% so với cùng kỳ năm trước.

Trong những diễn biến kinh tế gần đây, báo cáo của WB lưu ý cần theo dõi: Các biện pháp y tế như chương trình tiêm vaccine và “thông điệp 5K” cần được duy trì vì rủi ro bùng phát dịch với biến chủng mới của COVID-19 ảnh hưởng đến kinh tế vẫn tồn tại và Việt Nam đang mở cửa trở lại trường học cũng như có kế hoạch gỡ bỏ hạn chế nhập cảnh với du khách quốc tế để vực dậy ngành du lịch. Chương trình hỗ trợ và phục hồi kinh tế mới có thể được nâng cao bằng cách bổ sung thêm các biện pháp đảm bảo xã hội nhằm hỗ trợ người lao động và các hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi đại dịch.

Ngoài ra, để đảm bảo Chương trình có tác động đến nền kinh tế như kỳ vọng, công tác triển khai cần được theo dõi chặt chẽ. Quan điểm thận trọng với khu vực tài chính nên được duy trì, đặc biệt trong bối cảnh khủng hoảng có khả năng  tác động đến chất lượng danh mục của ngân hàng và có thể có tác động lan tỏa từ việc tăng lãi suất mà Cục dự trữ liên bang Hoa Kỳ dự kiến sẽ thực hiện.

Thu Hằng

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here