Cập nhật kết quả kinh doanh của các Ngân hàng Việt Nam: Chỉ có 13/28 đơn vị báo lãi

0
283
Giao dịch tại Vietcombank. (Nguồn: Vietcombank)

Tính đến thời điểm này, quán quân lợi nhuận 9 tháng vẫn thuộc về Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) với lợi nhuận “khủng” trước thuế đạt gần 30.000 tỷ đồng, tăng 18,5% so với cùng kỳ. Với kết quả này, Vietcombank đang bỏ xa các ngân hàng phía sau.

Quán quân lợi nhuận 9 tháng vẫn thuộc về Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) với lợi nhuận “khủng” trước thuế đạt gần 30.000 tỷ đồng. (Nguồn: Vietcombank)

Tính đến chiều 30/10, có 28 ngân hàng đã hoàn thành công bố kết quả kinh doanh quý III và 9 tháng năm 2023. Nhưng chỉ có 13 ngân hàng trong số này ghi nhận lợi nhuận trước thuế lũy kế 9 tháng tăng so với cùng kỳ.

Riêng trong quý III/2023, lợi nhuận trước thuế của Vietcombank đạt 9.051 tỷ đồng, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm trước với động lực chính đến từ việc tiết giảm chi phí hoạt động và chi phí dự phòng rủi ro.

Tại ngày 30/9/2023, tổng tài sản Vietcombank giảm 4,5% so với đầu năm, xuống còn hơn 1,73 triệu tỷ đồng. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 3,9% trong khi số dư tiền gửi tăng 8,5%. Số dư nợ xấu tại Vietcombank đến cuối quý III tăng mạnh 84% so với đầu năm, kéo theo tỷ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay tăng từ 0,68% cuối năm 2022 lên 1,21% khi kết thúc quý III.

Cũng ghi nhận lợi nhuận tăng, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) báo lãi 20.018 tỷ đồng trước thuế trong 9 tháng, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng tài sản MB tăng 12% so với đầu năm, lên thành 815.881 tỷ đồng. Dư nợ cho vay khách hàng và tiền gửi khách hàng tăng tương ứng 16,4% và 8,1% so với cuối năm 2022. Tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,09% hồi cuối năm 2022 lên 1,89%.

Trong khi đó, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đứng ở vị trí thứ 3, sau Vietcombank và MB với lợi nhuận trước thuế 9 tháng đạt 19.763 tỷ đồng, tăng 11,8% so với cùng kỳ. Riêng trong quý III, lợi nhuận trước thuế của BIDV đạt 5.893 tỷ đồng, giảm 11,7% so với quý III/2022.

Tổng tài sản của BIDV tại thời điểm kết thúc quý III/2023 tăng 0,6% so với đầu năm, đạt hơn 2,13 triệu tỷ đồng. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 8,6% và tiền gửi khách hàng tăng 7,5% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu cũng trong xu hướng tăng từ 1,16% hồi cuối năm 2022 lên 1,6% tại ngày 30/9/2023.

Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) ghi nhận lợi nhuận trước thuế lũy kế 9 tháng ở mức 17.401 tỷ đồng, tăng 10% so với 9 tháng năm 2022. Riêng quý III, lợi nhuận tăng 17% so với cùng kỳ, đạt gần 4.871 tỷ đồng.

Trước đó, nhiều ngân hàng cũng báo lãi 9 tháng tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm trước như Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) tăng 11%; Ngân hàng TMCP Phát triển Tp. Hồ Chí Minh (HDBank) tăng 8%; Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) tăng mạnh 54%…

Công bố báo cáo tài chính chiều 30/10, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cho biết lợi nhuận trước thuế sau 9 tháng năm 2023 tăng trưởng 47,8% so với cùng kỳ, đạt 3.915 tỷ đồng. Riêng trong quý III, OCB ghi nhận lợi nhuận trước thuế 1.355 tỷ đồng, tăng 49% so với cùng kỳ.

Tổng tài sản của OCB tính đến hết quý III/2023 tăng gần 12% so với đầu năm, lên mức 216.755 tỷ đồng. Đặc biệt, dư nợ thị trường 1 tăng 10,8% so với cuối năm 2022 nhờ tích cực triển khai hàng loạt gói cho vay với lãi suất ưu đãi, đẩy mạnh cho vay các doanh nghiệp hưởng lợi từ đầu tư công, kinh doanh hộ gia đình và cho vay bán lẻ. Huy động vốn thị trường 1 cũng tăng 13,3% so với cuối năm 2022. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát ở mức 1,94%.

Mới đây nhất, Ngân hàng TMCP Bản Việt (BVBank) công bố lợi nhuận trước thuế lũy kế 9 tháng đạt hơn 61 tỷ đồng, giảm 85,5% so với cùng kỳ. Trong đó, riêng quý III/2023, BVBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế gần 22 tỷ đồng, giảm 68,4% so với cùng kỳ.

Tương tự, lợi nhuận trước thuế 9 tháng của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank) cũng giảm 22% so với cùng kỳ năm trước, chỉ còn 418 tỷ đồng, hoàn thành 43,5% kế hoạch cả năm.

Nguyên nhân sụt giảm do hầu hết các mảng kinh doanh của ngân hàng đều đi xuống. Nên dù chi phí dự phòng rủi ro cắt giảm đến hơn 57% vẫn không bù lại được phần sụt giảm 32% lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh.

Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) sụt giảm đến 46,2% lợi nhuận trước thuế so với 9 tháng năm 2022, chỉ đạt 1.712 tỷ đồng, hoàn thành hơn 34% kế hoạch cả năm. Nguyên nhân chính khiến lợi nhuận Eximbank đi lùi là do sự sa sút trong thu nhập lãi thuần.

Vẫn chưa dừng ở đó, danh sách các ngân hàng có kết quả kinh doanh kém sắc còn nối dài bởi Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) khi giảm tới 63% lợi nhuận so với cùng kỳ, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) giảm 58%; Ngân hàng TMCP Bắc Á (BacABank) giảm 23%; Ngân hàng TMCP  Bưu điện Liên Việt (LPBank) giảm 24%…

Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh quý IV/2023 của Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng tiếp tục điều chỉnh thu hẹp kỳ vọng về tình hình kinh doanh và lợi nhuận trong thời gian tới. Trong đó, 66,7 – 72,1% tổ chức tín dụng kỳ vọng tình hình kinh doanh cải thiện trong quý IV và cả năm 2023, thấp hơn tỷ lệ 70,3 – 74,8% của kỳ điều tra trước. Điều này đồng nghĩa với việc số tổ chức tín dụng lo ngại tình hình kinh doanh suy giảm cũng tăng lên.

Trong năm 2023, có 82,6% tổ chức tín dụng kỳ vọng lợi nhuận trước thuế tăng trưởng, 13,8% tổ chức tín dụng lo ngại lợi nhuận suy giảm và 3,7% tổ chức tín dụng ước tính lợi nhuận không thay đổi so với năm 2022.

Trong Top 10 ngân hàng tại Việt Nam có vốn và tổng tài sản lớn nhất hệ thống hiện nay, thì Vietcombank, BIDV, VietinBank, MB, SHB, HDBank và Sacombank là những ngân hàng đã và đang mở rộng thị phần ra nước ngoài thông qua mở ngân hàng con, ngân hàng 100% vốn, chi nhánh và Văn phòng đại diện (VPĐD).

Cụ thể, Vietcombank mở chi nhánh tại Úc; VPĐD tại Mỹ, Hồng Kông, Singapore; Ngân hàng con tại Lào. BIDV có VPĐD tại Cộng hòa Séc, Campuchia, Lào, Myanmar, Đài Loan, Nga. MB có chi nhánh ở Campuchia, Lào. Sacombank có ngân hàng con tại Lào và Campuchia. HDBank có VPĐD tại Myanmar. SHB có 02 chi nhánh tại Lào; Ngân hàng 100% vốn tại Campuchia.

Trong đó, BIDV, Vietcombank, SHB là những đại diện có sứ mệnh, tầm vóc và mở rộng thị phần tại nước ngoài sớm và mạnh mẽ nhất, đặc biệt tại thị trường Lào và Campuchia.

Xét về sự hiệu quả khi hoạt động tại thị trường ở nước ngoài, SHB là một trong những ngân hàng TMCP tư nhân Việt Nam mở rộng thị phần ra nước ngoài sớm và hiệu quả nhất. Nhờ việc sớm “xuất ngoại” giúp SHB chiếm thị phần không nhỏ trong hoạt động tín dụng tại hai quốc gia này. Những năm trước đó, thị trường nước ngoài đều mang về cho SHB hàng trăm tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận mỗi năm.

Xét ở góc độ đánh giá từ các tổ chức quốc tế uy tín, gần đây, Công ty tư vấn định giá thương hiệu hàng đầu thế giới Brand Finance đã công bố Bảng xếp hạng 500 ngân hàng đứng đầu thế giới về giá trị thương hiệu năm 2023, Việt Nam có 12 ngân hàng lọt vào bảng Banking 500 2023 Ranking. gồm: Vietcombank, Agribank, BIDV, Techcombank, VietinBank, VPBank, MB, SHB, ACB, Sacombank, HDBank và VIB.

Với 12 ngân hàng lọt vào bảng Banking 500 2023 Ranking, Việt Nam đứng đầu khu vực ASEAN về số lượng nhà băng lọt Top500. Kế tiếp là Indonesia và Philippines (cùng có 9 ngân hàng), Malaysia (8 ngân hàng), Thái Lan (6 ngân hàng) và Singapore (3 ngân hàng).

Lê Phương

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here