Với mong muốn thoát khỏi vị trí là quốc gia kém phát triển nhất trong thập kỷ này, Campuchia sẽ đối mặt với nhiều khó khăn khi các ưu đãi thương mại và dòng viện trợ giảm đi. Nước này sẽ cần theo đuổi những động lực tăng trưởng mới đòi hỏi một hình thức đa dạng hóa mới.
Trong bài viết trên trang fulcrum.sg, Tiến sỹ Jayant Menon thuộc Viện nghiên cứu ISEAS – Yusof Ishak Institute (Singapore) nhận định Campuchia đã phục hồi đáng kể từ khi ký kết Hiệp định hòa bình Paris năm 1991 và tiếp tục nuôi dưỡng những khát vọng lớn lao. Mục tiêu của nước này là trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và quốc gia có thu nhập cao vào năm 2050.
Để hiện thực hóa những khát vọng, Campuchia phải giải quyết nhiều hạn chế khác nhau để đạt được tăng trưởng bao trùm, bền vững và kiên cường hơn. Hình thức tăng trưởng này nên được thúc đẩy song song với tạo ra việc làm bền vững và được trả lương xứng đáng trong các lĩnh vực chính thức và phi chính thức.
Campuchia cần một giai đoạn chuyển đổi cơ cấu mới. Cho đến nay, mức độ đa dạng hóa hạn chế của nền kinh tế nước này đã không tác động đến tốc độ tăng trưởng nhanh chóng mà chỉ ảnh hưởng đến chất lượng và tính bao trùm. Tỷ lệ tăng trưởng trung bình của Campuchia đạt hơn 7% trong thập kỷ trước đại dịch COVID-19, được thúc đẩy bởi khả năng tiếp cận thương mại ưu đãi với thị trường các quốc gia phát triển, du lịch tập trung vào Đền Angkor Wat cũng như các dòng vốn và viện trợ lớn đổ vào hạ tầng và bất động sản.
Với mong muốn thoát khỏi vị trí là quốc gia kém phát triển nhất trong thập kỷ này, Campuchia sẽ đối mặt với nhiều khó khăn khi các ưu đãi thương mại và dòng viện trợ giảm đi. Nước này sẽ cần theo đuổi những động lực tăng trưởng mới đòi hỏi một hình thức đa dạng hóa mới.
Giai đoạn đầu của quá trình chuyển đổi cơ cấu liên quan đến di cư nông thôn-thành thị từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ có thể đạt tới giới hạn. Sự chuyển dịch theo chiều ngang sang những lĩnh vực sản xuất ra các sản phẩm và dịch vụ có giá trị cao hơn đã tạo ra sự gia tăng năng suất một lần, từ đó giúp gia tăng thu nhập và mức sống, nhưng sự gia tăng này không bền vững.
Sự gia tăng về năng suất trong tương lai của Campuchia cần phải đến từ sự đa dạng hóa trong nội bộ ngành. Điều này liên quan đến sự chuyển dịch theo chiều dọc sang các sản phẩm và hoạt động có giá trị gia tăng cao hơn trong nội bộ các ngành. Hình thức đa dạng hóa này đôi khi được gọi là nâng cao chuỗi giá trị. Trong sản xuất, hình thức này liên quan đến sự tham gia lớn hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Campuchia phải giải quyết hai nhóm hạn chế để đa dạng hóa nội ngành lớn hơn nhằm đạt được tăng trưởng bao trùm hơn. Hai nhóm hạn chế là nguồn lực con người hạn chế và chi phí kinh doanh cao. Để đảm bảo hình thức tăng trưởng mới tiếp tục diễn ra, Campuchia cần giải quyết một loạt hạn chế khác cản trở khả năng phục hồi và tính bền vững.
Bên cạnh đó, quốc gia này cũng cần cải cách chính sách, đầu tư công cũng như tư để giải quyết ba loại hạn chế.
Thứ nhất, cần cấp thiết cải thiện chất lượng giáo dục tiểu học và trung học cơ sở. Giáo dục đào tạo kỹ thuật và dạy nghề (TVET) và giáo dục đại học chỉ có thể thành công khi học sinh có nền tảng vững chắc. Khảo sát ý kiến điều hành của Diễn đàn kinh tế thế giới xếp Campuchia ở vị trí 100 trong số 130 quốc gia về chất lượng giáo dục tiểu học năm 2017. Cải thiện chất lượng giáo dục cần phải đi kèm với các biện pháp nhằm cải thiện tỷ lệ tiếp cận và duy trì giáo dục hiện đang ở mức thấp của Campuchia.
Thứ hai, Campuchia cần đầu tư vào phát triển và đào tạo kỹ năng có sự hợp tác chặt chẽ với lĩnh vực tư nhân để tránh chênh lệch về kỹ năng. TVET và các viện giáo dục đại học cần gắn chương trình giảng dạy của họ chặt chẽ hơn với nhu cầu của lĩnh vực tư nhân.
Đối với các công ty, chi phí kinh doanh cao ở Campuchia bắt nguồn từ cơ sở hạ tầng vật chất và logistics hạn chế, cũng như năng lượng và tài chính đắt đỏ. Với tình trạng thiếu hụt cơ sở hạ tầng lan rộng, Campuchia cần ưu tiên đầu tư vào lĩnh vực giao thông vận tải.
Chi phí điện cao hạn chế việc nâng cấp theo chiều dọc từ các hoạt động lắp ráp sử dụng nhiều lao động đến sản xuất các bộ phận và linh kiện có giá trị gia tăng cao hơn nhưng tiêu tốn nhiều năng lượng trong chuỗi cung ứng điện tử và ô tô. Campuchia cần đầu tư vào năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng hiệu quả để giảm bớt chi phí cũng như sự phụ thuộc vào dầu diesel và dầu nặng trong sản xuất điện.
Chi phí tài chính cao, đặc biệt là đối với những người nông dân quy mô nhỏ và các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME), khiến tình trạng nghèo đói kéo dài. Khả năng tiếp cận hạn chế của họ đối với các nguồn tài chính chính thức có liên quan chặt chẽ đến chi phí. Tuy nhiên, tiềm năng đổi mới kỹ thuật số, bao gồm cả công nghệ tài chính và chuỗi khối, đem lại những cơ hội đáng kể cho lĩnh vực tài chính của Campuchia để tăng cường tài chính toàn diện.
Cuối cùng, cần gia tăng tính linh hoạt trong quản lý và ứng phó với các cú sốc, và đảm bảo sự bền vững của tăng trưởng cũng như những động lực thúc đẩy tăng trưởng. Trước hết, biến đổi khí hậu đe dọa sinh kế của hàng triệu người, đặc biệt là người nghèo và các cộng đồng dễ bị tổn thương. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ước tính Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Campuchia có thể thấp hơn mức 10% mà nước này có thể đạt được vào năm 2050 do mất năng suất lao động vì biến đổi khí hậu.
Tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường thường được coi là sự đánh đổi nhưng cũng có thể bổ sung cho nhau. Điểm giao thoa giữa hai vấn đề này là tăng trưởng xanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững về mặt sinh thái với lượng khí thải carbon thấp và sự phát triển bao trùm về mặt xã hội.
Việc chuyển khỏi sự phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch, giảm phá rừng và áp dụng các hoạt động đánh bắt cá và nông nghiệp bền vững hơn sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với Campuchia để bảo vệ môi trường và đảm bảo triển vọng của các ngành này. Khi những khía cạnh bền vững của sản xuất trở nên ngày càng quan trọng đối với quyết định đầu tư và kinh doanh của các công ty quốc tế do nhu cầu toàn cầu gia tăng, việc giảm khí thải carbon của Campuchia sẽ đem lại cho nước này những cơ hội tăng trưởng mới.
Thứ hai, Campuchia sẽ cần tăng cường khả năng chống chọi của lĩnh vực tài chính bằng việc tăng cường các khuôn khổ pháp lý và giám sát, cải thiện chất lượng tài sản và các chính sách quản lý rủi ro, giải quyết những yếu kém khác trong hệ thống ngân hàng đe dọa sự ổn định của nước này.
Thứ ba, chi tiêu của chính phủ cho chăm sóc sức khỏe cần gia tăng đáng kể trước khi xảy ra đại dịch tiếp theo. Đây là hạn chế lớn đối với Campuchia trong việc xử lý đại dịch COVID-19, khi nước này áp đặt những hạn chế đi lại nghiêm ngặt hơn so với các quốc gia có hệ thống chăm sóc sức khỏe mạnh mẽ hơn.
Việc Campuchia tăng tốc hướng tới nền kinh tế số sẽ mang lại nhiều lợi ích cũng như sẽ tạo ra những thách thức mới. Nhiều công việc có tay nghề thấp và trung bình ban đầu có thể bị mất và việc bố trí lại những người lao động bị mất việc sẽ đòi hỏi phải đào tạo lại kỹ năng đáng kể.
Mặc dù đại dịch COVID-19 có thể làm tổn hại phần nào hy vọng của Campuchia trong việc hiện thực hóa tầm nhìn về vị thế quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2030, nhưng việc giải quyết những hạn chế đối với tăng trưởng bao trùm, kiên cường và bền vững để đạt được mục tiêu đó vẫn có ý nghĩa quan trọng. Việc này sẽ mất nhiều thời gian hơn nhưng hành trình cũng quan trọng như đích đến.
Nguyễn Thúy