Campuchia: Bài toán tiền lương và duy trì sức cạnh tranh cho ngành dệt may xuất khẩu

0
1605

Việc Chính phủ Campuchia bất ngờ tăng lương tối thiểu cho công nhân dệt may và da giày bị cho là có thể gây tổn hại lớn đối với các ngành công nghiệp trọng yếu vốn chiếm đến 2/3 giá trị xuất khẩu của quốc gia này.

Ngành dệt may và da giày vốn chiếm đến 2/3 giá trị xuất khẩu của Campuchia.

Phân tích những tác động tức thì của động thái chính trị này đối với hệ thống các nhà máy gia công hàng xuất khẩu của Campuchia vào đúng thời điểm kinh tế đầy khó khăn, tờ Asia Times cho rằng đó có thể là một nguy cơ. Theo sắc lệnh hành chính được công bố trung tuần tháng 9/2020, lương tối thiểu tại các nhà máy dệt may và da giày Campuchia sẽ tăng khoảng 2 USD, lên mức 192 USD/tháng kể từ ngày 1/1/2021.

Nhóm các chủ lao động từng biện luận ủng hộ việc giảm lương vào năm 2021 cho rằng hành động này sẽ tạo thêm gánh nặng, khiến khu vực dệt may trở nên kém cạnh tranh và cản trở quá trình hồi phục kinh tế giữa lúc cuộc khủng hoảng kinh tế đang ngày một trầm trọng do đại dịch COVID-19.

Gần 1/4 công nhân dệt may Campuchia đã phải nghỉ việc tạm thời kể từ khi đại dịch bùng phát và sau khi Liên minh châu Âu (EU) xóa bỏ một phần ưu đãi thương mại theo thỏa thuận “Tất cả trừ vũ khí” (EBA) với Campuchia để đáp trả việc Thủ tướng Hun Sen đẩy lùi tiến trình dân chủ.

Hội đồng tiền lương quốc gia Campuchia, cơ quan ba bên gồm đại diện của chính phủ, công đoàn và giới chủ lao động, vẫn có các buổi thảo luận thường niên về việc tăng lương tối thiểu. Tuy nhiên, họ vẫn chưa đạt được thỏa thuận về mức lương cơ bản trong năm 2021 sau nhiều tuần tranh cãi.

Phần lớn các ngành công nghiệp tại Campuchia đều không đặt ra mức lương tối thiểu, nhưng lương của công nhân dệt may lại có xu hướng ở mức cao nhất.

Đại diện các tổ chức công đoàn Campuchia tham gia cuộc thảo luận năm nay đã yêu cầu tăng lương tối thiểu năm 2021 thêm 11,59 USD và cho rằng điều này là cần thiết vì giá cả sinh hoạt tại Campuchia tăng cao chưa từng thấy. Nhóm các chủ lao động vốn tìm cách trì hoãn thời điểm tăng lương một năm lại đề nghị giảm 17 USD.

Các báo cáo mâu thuẫn nhau đến mức Thủ tướng Hun Sen phải can thiệp. Có ý kiến cho rằng vì Hội đồng tiền lương quốc gia Campuchia không thể thống nhất về mức lương tối thiểu nên quyền quyết định được chuyển sang cho chính phủ. Cũng có giả thiết cho rằng hội đồng này đã nhất trí giữ nguyên mức lương hiện tại cho năm 2021, và chỉ một mình Thủ tướng Hun Sen can thiệp yêu cầu tăng lương.

Mặc dù các tổ chức công đoàn và nhóm doanh nghiệp đã ngầm chấp nhận quyết định của nhà lãnh đạo Campuchia đầy quyền lực, người đã lên nắm quyền kể từ năm 1985, nhưng không bên nào hài lòng với kết quả trên.

Lương tối thiểu của công nhân dệt may trong năm 2013 tăng từ 80 USD/tháng lên 190 USD/tháng. Thông qua chiến dịch tuyên truyền, Chính phủ Campuchia đã lan truyền những hình ảnh Thủ tướng Hun Sen được các công nhân dệt may chào đón nồng nhiệt, kèm theo lời khoe khoang rằng Campuchia là nước duy nhất ở Đông Nam Á tăng lương tối thiểu cho công nhân trong mùa dịch COVID-19.

Lạm phát cơ bản tại Campuchia đã tăng lên tới mức 3,2% trong tháng 6/2020 trong khi chỉ số giá cả tiêu dùng đạt mức cao kỷ lục trong vòng 5 năm. Chi phí sinh hoạt đã tăng đáng kể trong vòng 5 năm qua tại Campuchia. Giá các mặt hàng thực phẩm như cá tươi trong tháng 6/2020 tăng 11,4% so với tháng 6/2019.

Theo Bảng chỉ số giá cả sinh hoạt hiện tại, Phnom Penh – nơi cư trú của nhiều lao động nữ từ nông thôn lên làm việc trong các nhà máy dệt may – giờ đứng thứ 6 trong số những thành phố đắt đỏ nhất Đông Nam Á. Năm 2019, thành phố này xếp vị trí thứ 4.

Ước tính khoảng 1/5 dân số Campuchia sống phụ thuộc vào những đồng lương kiếm được trong khu vực dệt may mà người nhà họ gửi về để nuôi gia đình ở vùng nông thôn. Theo nhiều nhà phân tích, việc thu nhập ở khu vực này giảm đáng kể trong mùa dịch đã góp phần làm tăng tỷ lệ đói nghèo ở vùng nông thôn.

Thống kê của Chính phủ Campuchia cho thấy trong nửa đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu dệt may của nước này giảm 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số chính thức sẽ có thể khiến nhiều người hoài nghi nếu xét tới những tổn thất nhất định từ việc EU rút bớt ưu đãi thương mại.

Theo báo cáo của Chính phủ Campuchia, chỉ có khoảng 50.000 việc làm chịu tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế do dịch COVID-19 gây ra. Tuy nhiên, Hiệp hội các nhà sản xuất dệt may Campuchia (GMAC), cơ quan đại diện chính thức của ngành công nghiệp này, lại đưa ra con số 150.000 người mất việc làm trên tổng số 700.000 công nhân làm việc trước khi đại dịch bùng phát.

Phần lớn thời gian qua, các chủ doanh nghiệp bước vào các cuộc đàm phán về mức lương tối thiểu chỉ với mục tiêu giữ mức tăng càng thấp càng tốt. Tuy nhiên, hầu như chưa khi nào họ đòi cắt giảm lương tối thiểu như trong năm nay. Các chủ nhà máy dệt may quả quyết rằng lương tối thiểu chỉ là tin tức sai lệch bởi hầu hết các công nhân đều lĩnh lương ở mức cao hơn lương cơ bản. Chủ doanh nghiệp phải trả lương làm ngoài giờ hàng tháng, tiền trợ cấp nhà ở 7 USD, phụ cấp đi làm đầy đủ và lương thâm niên cho những nhân viên cống hiến lâu năm. Ai cũng biết rằng với những khoản thưởng này, các chủ lao động trung bình đã tốn thêm 15 USD/tháng cho mỗi công nhân.

Phnom Penh đã đưa ra thêm một tín hiệu tích cực từ việc tăng lương tối thiểu. Bộ trưởng Lao động Campuchia Ith Sam Heng phát biểu với báo chí địa phương: “Mức tăng này cũng là thông điệp nhằm thu hút thêm đầu tư và mở các nhà máy mới tại Campuchia”.
Thế nhưng, khó có thể khẳng định chắc chắn rằng động thái tăng lương này là cần thiết để thu hút các nhà đầu tư mới. Trên thực tế, để khu vực dệt may hồi phục về gần mức trước khi xảy ra đại dịch, họ cần sự đầu tư đáng kể trong những năm tới, phần lớn là từ các doanh nghiệp nước ngoài.

Một số nhà máy dệt may tại Campuchia đến nay vẫn còn tồn tại nhưng sẽ sụp đổ ngay khi nhà nước ngừng hỗ trợ tài chính. Các nhà máy khác sẽ cần phải tăng vốn hoạt động để chi trả cho việc vận hành cơ sở hạ tầng và trả lương cho công nhân bởi tiền hàng xuất khẩu hiếm khi được thanh toán ngay.

Theo thông tin hồi tháng 8/2020 từ tạp chí Southeast Asia Globe, một cuộc khảo sát gần đây của Hiệp hội các nhà sản xuất dệt may Campuchia cho thấy chỉ 35% các nhà máy có đủ đơn hàng sản xuất trong khi 25% không còn đơn hàng nào cho tới cuối năm nay.
Để thu hút đầu tư ở mức cần thiết, khu vực dệt may Campuchia cần phải chứng tỏ khả năng cạnh tranh với những đối thủ đáng gờm là các nhà sản xuất có trình độ cao hơn tại Thái Lan và Việt Nam. Không chỉ đại dịch làm giảm đáng kể các đơn hàng dệt may từ phương Tây, mà quốc gia này còn mất khá nhiều đơn hàng do không còn được hưởng nhiều ưu đãi thương mại tại EU, thị trường xuất khẩu truyền thống lớn nhất của họ. Năm 2019, EU đã mua phần lớn hàng dệt may xuất khẩu của Campuchia.

Thế nhưng đến tháng 8/2020, 1/5 số hàng xuất khẩu của Campuchia sang EU, trong đó có hàng dệt may, đã bị áp thuế. Dù vậy, vẫn khó có thể ước tính chi phí với các mức thuế mới.
Lương cao, năng suất kém

Ông Kimlong Chheng, Giám đốc Trung tâm quản lý, sáng tạo và dân chủ thuộc Viện tầm nhìn châu Á (AVI) có trụ sở tại Phnom Penh, cho rằng tổng thiệt hại của việc EU hủy bỏ một phần ưu đãi theo thỏa thuận EBA đối với nền kinh tế Campuchia có thể lên đến 650 triệu USD/năm.

Nếu chỉ có 1/5 các ưu đãi thương mại theo thỏa thuận EBA bị cắt giảm, thì phí tổn sẽ là khoảng 130 triệu USD/năm. Phần lớn thiệt hại này phụ thuộc vào việc các chủ nhà máy dệt may sẽ đứng ra chịu phí thuế bổ sung bằng cách cắt giảm lợi nhuận của họ hay thay đổi chi phí đối với khách hàng bằng việc tăng giá, làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm dệt may Campuchia.

Giờ đây, những chủ nhà máy này phải tìm kiếm thêm nguồn vốn cho việc tăng lương. Nếu khu vực dệt may Campuchia khôi phục gần hết lực lượng lao động trong năm 2021, ước tính khoảng 750.000 công nhân, thì việc tăng lương tối thiểu sẽ khiến chủ lao động phải tốn thêm khoảng 1,5 triệu USD/tháng, tương đương 18 triệu USD/năm.

Từ nhiều năm qua, các nhà phân tích và các nhà quản trị trong nội bộ ngành công nghiệp này đã cảnh báo rằng khu vực dệt may Campuchia đang mất dần sức cạnh tranh so với các nước láng giềng. Nay lại thêm một lý do khiến khả năng cạnh tranh của Campuchia ngày càng giảm.

Việt Nam – hiện là một nước mạnh trong lĩnh vực sản xuất hàng xuất khẩu – đã vượt Campuchia về chất lượng giao thông vận tải, năng suất lao động và năng lực xuất khẩu.
Trong khi đó, so với các nước láng giềng có năng suất lao động cao hơn, mức lương tối thiểu của công nhân dệt may Campuchia vẫn cao hơn, cho dù nước này đã cố gắng giảm thiểu mức tăng trong những năm gần đây để duy trì sức cạnh tranh của mình.

Lương công nhân dệt may Thái Lan hiện ở mức khoảng 191 USD/tháng, so với Campuchia là 192 USD kể từ năm 2021. Tại Việt Nam, nơi mức lương thay đổi tùy thuộc vào vị trí địa lý, mức lương cao nhất là 182 USD/tháng. Tại Lào, mức lương tối thiểu chỉ là 88 USD/tháng.

Quyên Trần

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here