Cam kết lớn, triển khai chậm

0
78

Đúng một năm về trước, Trung Quốc cam kết khoản tài chính trị giá 21,5 tỷ USD vốn vay ưu đãi dành cho 27 dự án của Bangladesh trong khuôn khổ chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Bangladesh. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện nay, quá trình giải ngân vẫn hết sức chậm chạp, chủ yếu là do những thủ tục xin phép và phê duyệt phức tạp và phải qua nhiều Cấp. Trong số các Thỏa thuận trên, Thỏa thuận về khoản vốn cho vay đối với Dự án xây dựng hầm Kamaphuli trị giá 700 triệu USD được ký kết dưới sự chứng kiến của nhà lãnh đạo hai nước. Tuy nhiên, theo các quan chức Bangladesh, cho đến nay Dự án xây dựng này vẫn chưa được triển khai do Ngân hàng EximBank của Trung Quốc chưa giải ngân nguồn vốn. Kể từ tháng 1 năm nay, Bangladesh đã gửi Thư và hàng loạt những giấy tờ liên quan tới EximBank nhằm hối thúc việc giải ngân nguồn vốn. Thậm chí, một đoàn đại biểu của Chính phủ Bangladesh cũng đã tới Bắc Kinh nhằm thúc đẩy quá trình này. Theo một quan chức của Bộ Tài chính Bangladesh, hiện tất cả các yêu cầu về giấy tờ thủ tục đã được phía Bangladesh đáp ứng và nước này chỉ còn chờ Thư chấp thuận từ phía Ngân hàng Trung Quốc. Đối với Dự án Tuyến đường sắt trên cầu Padma có trị giá 3,4 tỷ USD, Văn phòng Thủ tướng Bangladesh cũng phải gửi Thư tới Chính phủ Trung Quốc, nhấn mạnh tầm quan trọng của Dự án này đối với Bangladesh, cũng như đối với Hàng lang kinh tế Bangladesh – Trung Quốc – Ấn Độ – Myanmar, đồng thời cử một phái đoàn cấp cao tới Trung Quốc nhằm vận động việc cấp vốn triển khai dự án này. Bangladesh hy vọng sẽ được phía Ngân hàng Trung Quốc cấp vốn vào tháng 12 năm nay. Như vậy, trong số 27 dự án được phía Trung Quốc cam kết cấp vốn, hiện phía Trung Quốc mới chĩ cấp vốn cho 1 dự án. Quốc Vụ khanh phụ trách tài chính và kế hoạch Bangladesh MA Mannan thừa nhận rằng việc cấp vốn không được như kỳ vọng.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do quá trình xét duyệt qua nhiều cấp, dẫn đến tình trạng cấp vốn bị chậm trễ. về phía Bangladesh, dự án phải được sự chấp thuận của nhiều Ủy ban. Về phía Trung Quốc, quá trình xét duyệt này còn phức tạp hơn bởi có rất nhiều thủ tục phải hoàn thành. Trong khi đó, nhân lực của Ngân hàng Exim Bank cũng hạn chế bởi chỉ có 4 cán bộ phụ trách các khoản cho vay nước ngoài. Các công ty của Trung Quốc mong muốn tham gia dự án này cũng phải tiến hành vận động mạnh mẽ ở cả hai nước.
Phía Bangladesh hy vọng từ nay đến cuối năm tài chính 2017-18, hai bên sẽ ký thêm được Thỏa thuận cấp vốn cho 8 dự án với trị giá khoảng 7 tỷ USD. Tuy nhiên, Chính phủ Trung Quốc chỉ cấp vốn vay ưu đãi cho một số dự án, còn lại Bangladesh sẽ phải vay vốn thương mại với mức lãi suất cao hơn. Thông thường với các khoản cho vay ưu đãi do Chính phủ Trung Quốc cấp, tỷ lệ lãi suất là 2% và thời hạn trả nợ là 20 năm, trong đó có 5 năm ân hạn.

Theo ĐSQVN tại Bangladesh (The Daily Star, The Financial Express, 14, 15/10).

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here