Cách tính giá carbon trên thế giới

0
69
(Nhiệt điện than là nguồn năng lượng gây ô nhiễm môi trường)

Đa số các ý kiến đều nhất trí rằng thế giới cần sớm từ bỏ nguyên liệu hoá thạch để ngăn chặn hiện tượng nóng lên toàn cầu, mặc dù quá trình thực hiện điều này vô cùng phức tạp. Thời gian qua, các nhà kinh tế đều ủng hộ biện pháp thu phí carbon do Liên minh châu Âu đề xuất từ năm 2005. Đây là một cơ chế cho phép các thị trường xác định đơn vị khí thải nhà kính phải cắt giảm, chống biến đổi khí hậu với mức chi phí tiết kiệm nhất. Các chính trị gia Hoa Kỳ và một số chuyên gia khác lo ngại cơ chế này sẽ vấp phải phản ứng dữ dội vì sẽ làm tăng chi phí tiêu dùng. Nước Mỹ đã chi hàng trăm tỷ đô la để phát triển chuỗi cung ứng xanh dưới thời của tổng thống Joe Biden.

Có thể thấy rằng, các nước khác trên thế giới đều có xu hướng áp dụng cơ chế của EU. Mặc dù là quốc gia có lượng xả thải xếp thứ 9 trên thế giới với mức tương đương 620 tấn carbon mỗi năm, trong đó gần một nửa mức tiêu thụ năng lượng tăng vọt từ than đá, Indonesia vẫn có tham vọng chuyển đổi xanh. Ngày 26/9/2023, trong bài phát biểu tại buổi công bố thị trường giao dịch quyền phát thải carbon (gọi tắt là “thị trường carbon) đầu tiên, Tổng thống Joko Widodo đã nói về triển vọng trở thành trung tâm trao đổi tín chỉ carbon của Indonesia và một số ngân hàng trong nước đã thành công mua tín chỉ carbon từ một công ty năng lượng địa nhiệt. Từ tháng 2/2023, nước này đã giới thiệu kế hoạch kinh doanh khí thải trong nước, yêu cầu các nhà máy tiêu thụ than quy mô lớn phải mua giấy phép cho mức phát thải vượt ngưỡng quy định.

Mọi thứ đang dần thay đổi, ngay cả với các quốc gia phát thải nhiều nhất. Theo Ngân hàng Thế giới, từ mức 5% vào năm 2010, lượng khí thải trên thế giới được tính bằng giá carbon tăng lên đạt mức 23% vào đầu năm 2023 (xem biểu đồ). Chỉ số này sẽ ngày càng tăng trong thời gian tới khi các quốc gia tận dụng được lợi thế của việc định giá carbon và các cơ chế hiện nay sẽ giúp mở rộng phạm vi tiếp cận của họ. Ngày 01/10, EU đã đưa ra một chính sách mang tính đột phá mang tên “Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon” (CBAM). Theo đó, đến năm 2026, EU bắt đầu tính giá carbon đối với tất cả hàng nhập khẩu, đồng nghĩ với việc các công ty châu Âu sẽ có động cơ mạnh mẽ thúc đẩy nhà cung cấp hàng hoá trên toàn thế giới chuyển đổi xanh.

Hiện nay có ba cách áp dụng mở rộng tính giá carbon. Thứ nhất, các chính phủ tạo ra thị trường tín chỉ carbon và áp dụng các loại thuế mới. Điển hình ở Indonesia, theo kế hoạch, thị trường tín chỉ carbon sẽ được áp dụng kết hợp với thuế carbon. Tháng 4/2023, Nhật Bản đã phát động một thị trường tự nguyện bù đắp khí thải carbon nhằm áp dụng cùng chính sách giới hạn và thương mại khu vực hiện có tại Tokyo. Những người tham gia vào thị trường là những đối tượng tạo ra khoảng 40% lượng ô nhiễm của cả nước. Họ sẽ được yêu cầu công khai và đặt ra các mục tiêu phát thải. Theo thời gian, các cơ chế sẽ trở nên nghiêm ngặt hơn, việc đấu giá định mức carbon cho ngành năng lượng sẽ bắt đầu vào năm 2033. Việt Nam đang xây dựng một chương trình mua bán phát thải dự kiến sẽ đi vào vận hành năm 2028. Theo đó, các công ty có lượng phát thải khí nhà kính vượt hạn ngạch sẽ phải mua thêm tín chỉ carbon để bù đắp.

Thứ hai, các nước đã có thị trường carbon ổn định đang tăng cường, củng cố chính sách của mình. Ngày 24/9, Trung tâm Chiến lược Khí hậu Quốc gia của Trung Quốc đã công bố kế hoạch kinh doanh khí thải lớn nhất thế giới của nước này sẽ chuyển từ việc chỉ tập trung vào cường độ carbon của các nhà máy điện than sang tập trung vào cả cường độ và tổng lượng khí thải. Chương trình này sẽ được liên kết với thị trường tín dụng carbon chưa đi vào hoạt động, cho phép các nhà máy đáp ứng nghĩa vụ của mình bằng cách mua tín dụng cho năng lượng tái tạo, trồng rừng hoặc khôi phục rừng ngập mặn. Australia, quốc gia đã bãi bỏ giá carbon ban đầu vào năm 2014, đã cải tổ một kế hoạch không hiệu quả trước đây được gọi là “cơ chế bảo vệ”. Kể từ tháng 7, các cơ sở công nghiệp lớn chiếm 28% lượng khí thải của nước này đã phải giảm lượng khí thải 4,9% mỗi năm so với mức cơ bản. Những người không đạt được con số trên sẽ phải mua bù đắp carbon, giao dịch ở mức giá khoảng 20 USD/tấn.

Cách cuối cùng để mở rộng thị trường carbon là thông qua cơ chế xuyên biên giới. Cơ chế thu phí carbon của EU được đánh giá hoạt động hiệu quả nhất hiện nay. Trong giai đoạn chuyển tiếp của CBAM, các nhà nhập khẩu nhôm, xi măng, điện, phân bón, hydro, sắt và thép sẽ cần phải báo cáo lượng khí thải được tạo ra thông qua sản xuất và vận chuyển. Trong giai đoạn từ năm 2026, các nhà nhập khẩu sẽ phải trả một khoản thuế tương đương với chênh lệch giữa chi phí carbon của lượng khí thải đã được báo cáo theo cơ chế của EU và bất kỳ giá carbon nào mà nhà xuất khẩu phải trả tại thị trường của họ. Giấy phép miễn phí carbon cho các lĩnh vực sẽ bị loại bỏ và lĩnh vực nhà ở và công nghiệp vận tải cũng sẽ được đưa vào thị trường.

Các cơ chế này sẽ dần có hiệu quả theo thời gian. Giá carbon áp dụng ở nhiều nước châu Á còn mang tính tượng trưng, khó đem lại sự thay đổi thực chất. Mức giá này thấp hơn nhiều so với mức giá hiện tại của EU là 80-90 euro (85-95 USD), chỉ gần bằng phí tổn thất xã hội của carbon do các nhà kinh tế khí hậu ước tính. Lauri Myllyvirta thuộc Trung tâm Nghiên cứu về Năng lượng và Không khí Sạch, cho biết một nửa số nhà máy than nằm trong kế hoạch giao dịch khí thải của Trung Quốc phải đối mặt với mức giá carbon âm, nghĩa là trên thực tế, họ được trả tiền để đốt nhiên liệu gây ô nhiễm môi trường, vì cường độ phát thải của họ thấp hơn mức trung bình quốc gia. Ông lưu ý rằng kế hoạch này cũng không tạo được động lực để chuyển từ sử dụng than sang các nguồn năng lượng khác.

Các nhà hoạt động trên thế giới chỉ trích việc các công ty có thể sử dụng các khoản bù đắp khí thải để đánh lừa người tiêu dùng rằng sản phẩm của công ty thân thiện với môi trường. Một số cơ chế khác cũng gặp khó khăn để chứng minh tính hiệu quả trong việc giảm lượng khí thải. Năm 2022, một nhóm học giả do Andrew Macintosh đứng đầu, đã lập luận rằng dù có bù đắp phát thải carbon cũng sẽ không có tác động nào đến việc trồng rừng được sử dụng làm tín chỉ carbon trong chương trình của Australia.

Tuy nhiên, ngay cả những chương trình định giá carbon có giới hạn vẫn có khả năng thay đổi hành vi vì chúng khuyến khích việc giám sát lượng khí thải. Sau khi ra mắt 2021, kế hoạch giao dịch quyền phát thải carbon của Trung Quốc đã gặp phải nhiều gian lận do các chuyên gia tư vấn bị cáo buộc đã giúp các công ty sản xuất các mẫu than giả. Một cuộc điều tra đã được thực hiện vào đầu năm nay và các quan chức trong nước đã bày tỏ hài lòng về chất lượng dữ liệu. Mặc dù Hoa Kỳ không áp dụng tính giá carbon, các công ty trong nước cũng phải đối mặt với yêu cầu giám sát lượng khí thải. Tổng thống Biden đã đề xuất một quy định rằng tất cả các doanh nghiệp bán hàng cho chính phủ liên bang đều phải công khai và có kế hoạch khí thải. Nhiều công ty lớn đã tự nguyện đặt ra các mục tiêu phát thải ròng bằng 0 trong nỗ lực quảng bá thương hiệu. Apple, công ty lớn nhất thế giới, đã cam kết sẽ tạo ra chuỗi cung ứng trung hoà carbon vào năm 2030.

CBAM đặt ra yêu cầu các nhà sản xuất trên khắp thế giới hiện phải theo dõi chính xác lượng khí thải carbon. Mục tiêu cuối cùng của EU là giải quyết vấn đề “rò rỉ carbon”. Trước khi CBAM được áp dụng, giá carbon khiến các ngành công nghiệp trong khối phải trả nhiều chi phí hơn so với các quốc gia không quá chú trọng tiến trình phi carbon hoá. Như vậy, nguyên liệu giá thành thấp sẽ được nhập khẩu từ các nhà cung ứng nước ngoài cho dù là những nguyên liệu kém thân thiện với môi trường. Các giấy phép do EU cấp cho các nhà sản xuất công nghiệp để bù đắp chi phí sẽ bị loại bỏ dần khi CBAM được áp dụng.

Trong giai đoạn chuyển tiếp, CBAM chỉ đơn giản là tạo ra một rào cản bổ sung (cái mà các nhà kinh tế gọi là “hàng rào phi thuế quan”) đối với các nhà xuất khẩu vào khối. Để tuân thủ, các công ty châu Âu phải báo cáo lượng khí thải phát sinh từ hàng nhập khẩu của họ. Nếu dữ liệu đó không tồn tại, nhà nhập khẩu phải sử dụng các giá trị tham chiếu do EU cung cấp. Để thúc đẩy các công ty nước ngoài thay đổi hành vi và chứng minh rằng lượng khí thải của họ thấp hơn, những điều này dựa trên lượng khí thải của các công ty thiếu thân thiện với môi trường nhất trong khối. Từ năm 2026, các nhà nhập khẩu sẽ phải trả khoản chênh lệch giữa lượng khí thải phát sinh sẽ phải trả theo kế hoạch mua bán khí thải của EU và bất kỳ mức giá carbon nào mà sản phẩm phải trả từ nước xuất khẩu.

Thuế quan carbon biên giới có thể tự nhân lên trong những năm tới. Chính phủ Australia gần đây đã công bố một cuộc đánh giá về vấn đề “rò rỉ carbon” và cho biết sẽ xem xét lựa chọn tăng thuế carbon xuyên biên giới. Năm 2021, Mỹ và EU đã tạm dừng tranh chấp thương mại do Tổng thống Donald Trump bắt đầu đàm phán về “Thỏa thuận toàn cầu về Thép và Nhôm bền vững”. Mỹ muốn hai đối tác thương mại thiết lập một mức thuế quan chung đối với các nhà sản xuất thép gây ô nhiễm. Vì Mỹ không áp dụng tính giá carbon trong nước nên chính sách như vậy sẽ vi phạm các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới. Nhưng nếu EU và Mỹ không đạt được thỏa thuận, các mức thuế thời Tổng thống Trump và các biện pháp trả đũa của EU sẽ được khôi phục.

Hiệu ứng domino tác động đến việc định giá carbon. Khi một ngành nào đó phải chịu mức tính giá carbon, các doanh nghiệp của ngành đó đương nhiên sẽ muốn các đối thủ cạnh tranh của mình phải đối mặt với những quy định tương tự. Vì vậy, chủ sở hữu các nhà máy điện than sẽ vận động hành lang để đảm bảo các nhà máy điện khí vận hành trên một sân chơi bình đẳng. Chính phủ ở các nước xuất khẩu cũng có động cơ để đảm bảo rằng các công ty trong nước của họ phải trả giá carbon ở trong nước thay vì thuế quan ở nước ngoài. Nếu các nhà máy ở châu Á bị ép phải giảm lượng khí thải bằng các chương trình như CBAM, thì chính phủ các nước này đang để mất tiền do không áp dụng giá carbon của chính họ.

Câu hỏi đặt ra là liệu hiệu ứng domino có diễn ra nhanh chóng. Ví dụ, hầu như không có kế hoạch kinh doanh khí thải nào nhằm vào lượng khí thải từ tài sản dân cư hoặc ô tô, những nơi mà người tiêu dùng sẽ thực sự chịu tác động. Các nhà hoạch định chính sách đã thuyết phục được hầu hết các nhà kinh tế đứng về phía họ – và đang tiến hành nhanh hơn nhiều so với những gì người ta thường nhận thấy khi lựa chọn đưa ra, lan toả áp dụng các cơ chế định giá carbon. Nhưng các nhà hoạch định chính sách trong tương lai sẽ cần phải thực hiện những chính sách như vậy mang tính xâm phạm nhiều hơn nếu muốn giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Để điều đó xảy ra, họ cũng sẽ phải giành được sự ủng hộ của cử tri./.

(Dịch theo The Economist)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here